Ký sự lên… TV
12/12/2024
Lần đầu tiên tôi biết đến… TV là năm 1984, khi nhập học trường Trung học thương nghiệp Đà Nẵng ở Sơn Trà. Cả trường cả trăm cán bộ giảng viên, cả ngàn sinh viên có duy nhất một cái TV trắng đen đặt ở Phòng Hành chính, đến tối được đưa ra hành lang cho mấy chục người ngồi trên sân xem. Nhờ cái TV đó mà gã trai quê lên tỉnh là tôi mới biết đến chương trình VKT và những vở kịch nói kinh điển của Lưu Quang Vũ, còn mê đến tận bây giờ. Sau này ra trường đi làm thương mại được mấy năm, đến 1992 tôi bắt đầu chuyển nghề học Đông y, qua kỳ thi kiểm tra trình độ chuyên môn, được chính thức được cấp chứng chỉ và giấy phép hành nghề vào cuối năm 1993, đầu năm 1994.

Hai mươi năm sau đó, lần đầu tiên tôi lên… TV trong chương trình tạp chí Sức khỏe của VTV2 đã phát sóng vào 19h00 thứ tư ngày 21/5/2003, phát lại trên VTV1 14h30 thứ năm ngày 29/5/2003. Trước đó đã phát lần đầu trên VTV Đà Nẵng (DVTV, tức VTV8 bây giờ) vào lúc 16h02 thứ ba ngày 20/5/2003. Đã lên TV lần đầu, lại nhảy tót lên… VTV1, VTV2, lại kéo dài tới hơn 13 phút, phải nói là… sướng đến trân người. Đó là chương trình CHỮA BỆNH BẰNG PHƯƠNG PHÁP CỨU LÒ NGẢI, may mắn được anh bạn cùng lớp cấp 3 làm việc ở Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng ghi lại cho tôi còn lưu giữ tại: https://www.youtube.com/watch?v=vy-RyOGxoIQ.
Lần thứ hai lên TV, lại một cú đột phá ngoạn mục, nhảy tót qua… Hàn Quốc. Đó là trong bộ phim tài liệu “ĐÔNG Y BẢO GIÁM – BỘ SÁCH Y HỌC MANG TẦM THẾ GIỚI, tập 1” – “제1편 : 동의보감, 세계적 의학서적이다” do hãng KBS sản xuất, công chiếu tại Hàn Quốc ngày 30/7/2009, nhân dịp UNESCO vinh danh bộ sách của thần y Hur Jun là di sản tư liệu thế giới. Bộ phim gần 50 phút, trong đó có phần quay phim phỏng vấn tại Việt Nam đến hơn 5-7 phút. Nhân duyên của nhà đài KBS tìm đến là nhờ bài viết về Thần y Hur Jun và bộ sách Đông Y Bảo Giám trên báo Sức khỏe và Đời sống của Bộ Y tế và Tạp chí Cây Thuốc Quý của Hội Dược liệu Việt Nam (khi ấy tôi đang làm Phó tổng biên tập tạp chí CTQ).
https://www.youtube.com/watch?v=8F_WvMZEZRg&t=736s
Mất thêm vài năm sau khi… xuất cái bản mặt ra ngoại quốc, tôi mới được đài Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng (DRT) cho lên sóng truyền hình quê nhà, qua phóng sự giới thiệu vài nét về di cảo sách Thương Hàn Luận Bản Nghĩa của Danh y Lưu Thủy Nguyễn Văn Ngôn trong Tạp chí văn hóa phát lần đầu ngày 26/02/2011.
(https://www.youtube.com/watch?v=T1o3lkUX-9s&t=172s)
Sau chương trình này, tôi có gợi ý và tình nguyện làm chỉ điểm viên cho phóng viên chuyên mục làm tiếp các phóng sự tài liệu về công trình dịch thơ Cao Bá Quát của dịch giả Thái Trọng Lai (Ngô Văn Lại) phát sóng trên chuyên mục tạp chí văn hóa của DRT.
Cùng năm này, lại tiếp tục môi giới cho DRT làm phóng sự về Tuệ Tĩnh đường chùa Lộc Quang phát sóng ngà 12/3/2011.
Tháng 3/2014, tôi nhảy việc về Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, Đến tháng 9/2024 với chiến dịch… “xô cửa xông vào liều mình như chẳng có” để điều trị cai nghiện ma túy, đã gây rúng động truyền thông, nên đã thu hút được sự chú ý của VTV, nên một lần nữa tôi cùng một số đồng nghiệp “đến hẹn lại lên”… VTV1 và nhiều báo đài khác. Đó là chưa kể một loạt lần lên TV “ăn theo” các chiến dịch làm phim tư liệu nhân dịp Khánh thành Bệnh viện mới và kỷ niệm 46 năm thành lập, cũng như vinh danh sự đóng góp của chuyên gia vật lý trị liệu phục hồi chức năng người Mỹ, bà Virginia Mary Lockett, tình nguyện viên tại Bệnh viện.
Một kỷ niệm đáng nhớ là khoảng cuối năm 2016, trong khi phải đánh vật cùng lúc làm Thư ký cho 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố, thì có một bạn nữ phóng viên truyền hình Công an tìm đến đặt vấn đề thực hiện một phim tài liệu ký sự nhân vật cho chuyên mục “Những cuộc đời tỏa nắng”. Một phần do hơi… dị ứng với đài báo công an, một phần tự lượng công việc của mình khi ấy chưa đủ sức “tỏa nắng” trên một chuyên mục đình đám, nên tôi đã từ chối và thay vào đó “thương lượng bù đắp” với chị chàng PV bằng gợi ý thực hiện vài ba phóng sự về đề tài nghiên cứu điều trị cai nghiện ma túy và công tác khám chữa bệnh nhân đạo ở Nhà điều dưỡng Tình thương Suối Hoa mà tôi có tham gia cùng một số đồng nghiệp và mạnh thường quân thành lập.
Tưởng như “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, nhưng rồi một ngày tháng 7/2018, tôi đang lang thang tìm đất cho một dự án trồng cây thuốc khu vực thôn An Châu, xã Hòa Phú thì nhận được điện thoại của một người lạ, cho biết đang làm việc ở Hãng phim TFS thuộc Đài Truyền hình TP.HCM muốn liên hệ xin làm một bộ phim tài liệu về tôi, sau khi đọc một bài viết về tôi trên báo Tuổi Trẻ.
Thoạt nghe, tôi tỏ ý từ chối, không phải “khiêm tốn vờ” mà thực sự nghĩ mình chưa đủ tầm làm nhân vật một ký sự truyền hình của đất phương Nam xa xôi, hơn nữa, bằng kinh nghiệm của mình, tôi rất e ngại bị các anh chị nhà báo nhà đài dẫn dắt mình “thể hiện” vượt quá cái khả năng thực có của mình.
Thấy tôi vẫn ngần ngại chưa đồng ý, anh bạn này liền xoay qua thú thực vốn là người quay phim đang học khóa Đạo diễn cần chủ đề làm phim tốt nghiệp, nghe vậy tôi liền đồng ý cái rụp.
Khoảng một tuần sau đó, tôi nhận được điện thoại của một đạo diễn hãng phim TFS liên hệ, cho biết đã đọc kịch bản của học trò thấy chủ đề rất hay mà làm phim tốt nghiệp sẽ uổng phí nên đề xuất làm phim để phát sóng trên HTV luôn, mong được tôi hợp tác. Thôi thì lỡ phóng lao rồi, đành lao theo luôn!
Đúng hẹn, gần một tháng sau đó đoàn là phim ra Đà Nẵng, gồm 1 đạo diễn, 1 quay phim, 1 phụ quay và 1 lái xe. Các anh đóng đô ở một khách sạn gần đường Nguyễn Tất Thành. Mấy ngày sau đó tôi dẫn đoàn rong ruổi đi quay ngoại cảnh mỗi ngày một nơi ở Sơn Trà, Nam Hải Vân, Hòa Bắc, Hòa Phú rồi tại nhà riêng và các cơ quan Bệnh viện YHCT, Cơ sở xã hội Bầu Bàng, các Phòng khám thuốc nam từ thiện,… vị chi mất gần đúng 1 tuần.
Để sản xuất một tập phim tài liệu 20 phút, không chỉ cả đoàn mất cả tuần lên rừng xuống biển quay phim hàng chục giờ, mà còn thêm cả ê kíp ở hậu trường tiếp tục thực hiện biên tập, dựng phim, viết thuyết minh, chọn nhạc, duyệt phim… mất cả tháng nữa mới hoàn thành, quả thật là một công việc khá công phu và chắt lọc, không hề kém cái nghề “3 chén sắc còn 7 phân” của thầy lang chúng tôi.
(https://www.youtube.com/watch?v=npl0R7NNIck&t=49s)
Điều vui nhất đối với tôi sau khi thực hiện tập phim này là tôi đã móc nối và đề xuất thực hiện một tập phim nữa về LƯƠNG Y NGUYỄN KIỀU, đã được hãng phim TFS chấp thuận và mời tôi tham gia đoàn làm phim với vai trò cố vấn chuyên môn cho phim này và một phim nữa về Làng Dược liệu Nghĩa Trai.
(https://www.youtube.com/watch?v=vEcHxgspYLw)
Với 2 lần ra Bắc vào Nam lần theo những bước chân của LƯƠNG Y NGUYỄN KIỀU, một người con đất phương Nam (Sa Đéc, Đồng Tháp) đã một đời phụng hiến cho ngành YHCT Việt Nam, sáng lập nên trường Tuệ Tĩnh là tiền thân của Học viện YDHCTVN ngày nay. Có thể nói đó là những kỷ niệm không thể nào quên trong đời nghề xớ rớ “bá nghệ bá tri vị chi bá láp” của “thầy lang 3 không” này vậy.
Nhân dịp hôm qua tiếp đoàn các giáo sư Viện Nghiên cứu Đông y Hàn Quốc (KIOM), lục lại mấy đoạn phim cũ sau mấy tháng miệt mài đọc lại “Ký sự lên Kinh” của cụ Lãn Ông, nên sáng nay dậy sớm chép vội mấy dòng “Ký sự lên… TV” này cho con cái sau này đọc/xem lại về một thời còn oanh chưa liệt của thằng cha nó.
12/12/2024
P.C.T


Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store

Lượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 13
- Tất cả: 41878