Giao lưu y sĩ bệnh nhân
27/02/2025
GIAO LƯU Y SĨ BỆNH NHÂN

Thái độ đối xử với người bệnh và quan điểm phục vụ của người y sĩ bao gồm một số nguyên tắc đã được quy định thành văn trong các tài liệu nghĩa vụ luận hoặc được tập tục, lễ giáo, văn hóa vạch rõ. Đây là một điều chung nhất cho tất cả các nền y lý, và vì vậy, không còn thuộc phạm vi chương sách này.
Nhưng trên căn bản tư tưởng Lão Trang, mối giao tình lương y bệnh nhân theo Đông y có một số điểm khá đặc biệt.
Thực vậy, Lão giáo trước hết là một thực nghiệm hiện thực, và trong trường hợp chúng ta đang bàn ở đây, là thực nghiệm những gì thực sự xảy ra giữa thầy thuốc và người ốm. Dưới cái nhìn của Lão Trang, trước hết y sĩ là kẻ bảo chủ, là palladium của một vốn liếng tri thức mà người bệnh tin tưởng, hầu mong được chữa khỏi. Thứ nữa, người thầy thuốc phải xây dựng nền móng kiến trúc hiểu biết ấy trên chính bản thân mình, lấy bản thân làm trụ cột, làm chứng dẫn cho tầm hiệu năng của vốn liếng trí thức.
Lão học là một triết thuyết rất coi trọng sự sống, bởi Thiên địa chi đại đức viết sinh (Đức lớn của Trời Đất là nguồn sống). Nguồn sống như một bà Mẹ to lớn và chung nhất, có hình ảnh trong từ Mẫu mà Lão Trang rất ưa dùng như nói “phục thủ kỳ mẫu”, “thiên hạ (chi) mẫu” v.v.. cho nên chữa bệnh là tìm về với Mẹ Thiên Nhiên, cảm thông với Mẹ, xử sự như Thiên nhiên, tựa như người mẹ hiền thấy đứa con thơ khóc thì biết là nó đói. Nhưng cảm thông với Mẹ là phải hòa mình cùng với Mẹ chủ yếu bằng tình thương, không phải thuần do trí thức, suy luận. Ở đây, biết tức là sống, cho nên muốn biết thì phải sống đã.
Hơn nữa, cái sống ấy khi xét dưới khía cạnh giao tình y sĩ bệnh nhân là một cái sống có trọng trách hòa đồng Chủ tri (tức thầy thuốc) với Khách vật (tức là bệnh nhân). Người thầy thuốc có bổn phận phải quên mình là chủ thể đi, để tự đặt mình vào với khách vật, giao cảm với thân chủ, nói tiếng nói của thân chủ, đau cái đau của thân chủ, suy luận theo đường hướng thân chủ suy luận. Cho nên Đông y là một nền y học có khả năng thích ứng, đồng hóa rất cao. Khí giới truyền thông và đồng hóa hữu hiệu ở đây chính là tượng, hình ảnh của tưởng tượng vượt quá giới hạn cụ thể của vật cá biệt để giúp hai con người, một phụ trách điều trị, một cần được điều trị, hòa đồng với nhau.
Trong nền y lý Đông phương, người thầy thuốc thường chẩn mạch cho thân chủ ngay cả những khi thân chủ có vẻ khỏe mạnh bình thường để rồi sau đó kê một toa thuốc thích nghi nhằm đới phó với tình trạng bất quân (bình) thuộc tính phẩm mà mình phát giác, vì lẽ cơ thể không thể được xem là hoàn toàn an bình, ổn định mặc dầu bên ngoài chẳng có gì bất thường, bởi nếu không thế thì con người đã là bất tử. Cho nên trong lề thói y khoa xưa cũ của dân tộc ta, mỗi năm thân chủ thường viếng thăm lương y đều đặn vài ba lần, theo nguyên tắc thì mỗi mùa một lượt, với niềm xác tín là con người mình được y sĩ bảo trì trong những điều liện khả quan nhất mà y khoa cho phép đạt đến. Như vậy đây là một nền y học đã đành là phòng ngừa trên bình diện tính phẩm (chứ không phải số lượng), nhưng đồng thời cũng là một nền y lý áp dụng chặt chẽ cho từng cá nhân riêng biệt, và chỉ cho từng cá nhân mà thôi.
Cần nói thêm là sự hòa đồng ở đây không những cần thiết mà còn không có không được. Hơn nữa thành phần chủ tri (y sĩ) phải có uy tín hữu hiệu đối với đối tượng khách vật (bệnh nhân) thì tác vụ y khoa mới có giá trị. Cho nên nếu kẻ trị bệnh ngần ngại hoặc mệt nhọc, trong khi kẻ được trị liệu khó tính hoặc nghi ngờ, thì thành quả đạt được sẽ rất nhỏ nhoi, nếu không phải là số không, bởi hạng bệnh nhân khó chữa này thuộc loại mà Biển Thước mệnh danh là tín vu bất tín y (tin đồng bóng, không tin y học).
Và bởi vì bệnh tật được quan niệm như là một trường hợp bế tắc, trở ngại trong sự lưu thông của khí huyết, nhưng sự bế tắc ấy không phải chỉ giản dị, đơn thuần xảy ra nơi cơ thể người bệnh mà thôi; trái lại, chính sự can thiệp của ngoại giới – ngoại giới ở đây bao gồm cả tha nhân – vào đời sống cá nhân của người bệnh đã tiếp tay cho đau ốm hoành hành, cho nên thiên chức người thầy thuốc là lấy sự can thiệp hữu hiệu, hữu ích, hữu lợi của mình để thay thế cho tác dụng xấu hại của ngoại môi. Do đó, người thầy thuốc là một thể loại bảo chứng tốt, một giới chức hành nghề bảo tiêu có uy tín, vận dụng sự hiện hữu của chính mình để tạo lập an ninh cho người bệnh, giúp người bệnh chiến thắng tà khí, hầu trở lại con đường trung dung, khả dĩ sống đúng theo cùng thiên nhiên, bởi yếu chỉ của nghiệp y vốn không ngoài phương châm “Đạo pháp tự nhiên” (Đạo bắt chước tự nhiên).
Nhưng sự giao lưu y sĩ bệnh nhân ấy là một sự giao lưu động, và đây chính là một trong những bản sắc mấu chốt của Đạo giáo, nhìn dưới khía cạnh thực nghiệm hiện thực. Qua lăng kính Lão học, thời gian không phải chỉ là một thông số, không phải chỉ là yếu tố “t” trong các công thức vật lý. Thời gian không hề là một thời lượng liên tục và theo đường thẳng, không hề là một mảnh đời sống đang trôi chẩy mà ta cố phân tích, cố sử dụng. Lão Trang nhìn thời gian với một nhãn quan hỗn dung, thi vị: thời gian vừa là không gian, vừa là tính phẩm, vừa là bản thể, vừa là chuyển động; thời gian là một kết cấu, một mạch lạc gắn liền với một bối cảnh sự vật và thế giới sinh vật. Đấy là một mạng lưới tổ thành rắc rối của vũ trụ, vừa triền miên, vì luôn luôn chuyển động, vừa gián đoạn, vì luôn luôn bất đồng. Thời gian không lưu hành như khoa học hiện đại chủ xướng mà biến thiên; thời gian không theo đường thẳng như khoa vật lý nghĩ tưởng mà theo vòng tròn (bằng cớ là niên biểu gọi theo thiên can địa chi của âm lịch). Thời gian của Lão Trang xưa xoay quanh một trung tâm, thời gian của chúng ta ngày nay trôi đi trên một cái trục. Khái niệm độc đáo ấy về thời gian trước hết và chủ yếu là tiền đề của thuyết vận khí, nhưng đồng thời do nơi sự kiện thời gian được quan niệm không phải như một yếu tố lý thuyết, mà như một phạm trù gắn liền một cách cụ thể với không gian trong đó sự việc xẩy ra cho nên thời gian theo tinh thần Lão học là một thời gian thực tế, khiến ta có thể tác dụng lên cái sau tức thời, tức là thời gian kế tiếp ngay sau khi vừa xẩy ra một biến thiên của khí huyết, vì chính thời gian ngay sau khi vừa xẩy ra biến thiên bất thường ấy mới là đối tượng của sự cộng lực thầy thuốc bệnh nhân, xuyên qua công việc và niềm tin tìm thầy chạy thuốc. Nhưng vì sự lệch lạc, sự bất quân (bình) ấy xảy ra trong quá khứ tức thời và vì sự đối phó, chiến đấu chống lại bệnh tật qua ảnh hưởng của thuốc men cũng chỉ có thể xẩy ra trong tương lai tức thời cho nên khoa học và nghệ thuật xem mạch kê toa của bậc lương y cũng phải gắn liền với tình trạng đổi mới liên tục của hiện tượng tương đối, theo đúng tinh thần cực kỳ sinh động của triết học Trang Lão.
Phương Đông không tự đặt ra những bài toán về Thượng Đế, về Hóa Công, mà điều bận lòng chủ yếu đối với tiền nhân chúng ta là vũ trụ hiển xuất, với Con Người là một yếu tố; là sự tìm tòi học hỏi những quy luật tổng quát của vũ trụ ấy, của cái cõi hoàn vũ đã tạo sẵn ra rồi.
Có những gì trước khi có vũ trụ, sau cái chết sẽ là gì, những điều đó có vẻ không mấy quan trọng, bởi chúng ta không thể trả lời cho những câu hỏi loại ấy. Bởi sinh và tử chỉ là những hiện tượng xuất hiện hay ẩn tàng, những hiện tượng tất nhiên đến tàn nhẫn trong sự vần xoay của thiên nhiên, có lẽ phải nói là cần thiết cho sự vần xoay ấy nữa là khác… Dầu sao đi nữa thì “Cái quay búng sẵn trên trời/ Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”, cho nên hóa ra ở đây chết thực cũng chẳng còn là chết nữa, bởi lẽ “xuất sinh nhập tử” (sinh là đi ra, chết là đi về – Đạo Đức Kinh). Nhưng (đó) lại là một vấn đề khác mất rồi!
Vậy thì chiến đấu chống lại bệnh tật và tử vong cũng chỉ là một hành động rất tương đối trong thời gian và không gian. Có lẽ vì vậy mà mối giao tình thầy thuốc người bệnh trong nền y lý cổ truyền Đông phương có một nét đặc thù: thân chủ chỉ trả thù lao cho lương y khi nào bệnh đã khỏi hẳn. Trong phong tục, tập quán y khoa của dân tộc ta, đây là một tập tục thực nặng tình người. Chẩn mạch, bốc thuốc rồi ra về hay chờ đợi, để đến hôm sau lại chẩn mạch bốc thuốc nữa nếu cần. Gạo, nếp, tiền, trà sẽ đến sau, có thể và thông thường là do chính người bệnh thân hành mang đến, dĩ nhiên là khi đã “thân hành” được, nghĩa là đã khỏi. Người lương y sẽ hưởng trọn vẹn niềm vui và vinh hạnh nhận những đền bù tương ứng với công lao và chất xám của mình.
(Trích TƯ TƯỞNG LÃO TRANG TRONG Y THUẬT ĐÔNG PHƯƠNG –
Trần Văn Tích, tr.92-98, An Tiêm xuất bản lần thứ nhất, Saigon, tháng 7, 1974).

Bài viết mới nhất
nói với em
27/04/2025
ấn tượng 20
27/04/2025
ĐỔNG PHỤNG – tu đạo chữa bệnh
26/04/2025
Đôi điều về chuyện học hành Đông y
01/04/2025
Thang thuốc bỏ Gừng
29/03/2025
Ứng dụng Google store

Lượt truy cập
- Đang online: 1
- Hôm nay: 2
- Tất cả: 41847