Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Chuyện Lão Lười: Múa rìu qua mắt thợ

02/12/2024

Trong niên biểu Hải Thượng Lãn Ông do chúng tôi biên soạn từ nhiều năm trước, căn cứ vào những lời tự thuật trong sách Lãn Ông Tâm Lĩnh, chúng tôi cho rằng năm 1760 Lãn Ông mới chính thức hành y soạn sách, thâu nhận học trò. Vì trước đó, vào năm 1758, khi con gái bị bệnh đậu mùa, Lãn Ông đã phải mời nhiều thầy thuốc đến chữa nhưng cuối cùng con gái đã tử vong một cách đau xót.

Tuy nhiên, gần đây xem xét lại, chúng tôi thấy có thể nhận định của  mình trên đây chưa hoàn toàn chính xác.

Thực ra, với dòng dõi trâm anh, tư chất thông minh, lại đam mê nghề thuốc, chỉ cần vài ba năm đầu đọc sách y và thọ giáo với hai lương y họ Trần nổi tiếng trong vùng, Lãn Ông đã bắt đầu làm thuốc chữa bệnh với tay nghề khá bản lĩnh và đạt nhiều kết quả cho người nhà và bà con quanh làng xóm, quận huyện.

Và không chỉ có thế, câu chuyện lên kinh “múa rìu qua mắt thợ” hay “đem chuông đi đấm xứ người” do chính Lãn Ông thuật lại trong tập Y Dương Án  (bệnh án đầu tiên của tập này) đã hé lộ cho chúng ta biết được nguyên nhân vì sao trong chuyến lên kinh tìm thầy thọ giáo vào năm 1756 của Lãn Ông đã vô duyên không không gặp thầy giỏi, nên cuối cùng chỉ mua được ít sách đem về.

Mùa đông năm Bính Tý (1756), Lãn Ông đến kinh đô, được ông Giám sinh họ Trần mời tối đi chơi thuyền Hồ Tây, uống rượu và làm thơ. Khi đến nhà, Lãn Ông thấy ông Giám sinh lo lắng, ông bảo có đứa cháu gọi bằng cậu mắc bệnh tiêu khát nặng, các thầy thuốc đều bó tay, khẩn khoản mong Lãn Ông chữa giúp. Lãn Ông do dự vì e “múa rìu qua mắt thợ” nhưng vẫn hỏi thêm bệnh tình, ông kể:

Cháu ông mới khỏi bệnh thương hàn, ăn thịt bò nướng với cơm nếp, rồi đầy bụng, phát sốt. Các thầy thuốc dùng thuốc tiêu đạo, hạ nhiệt không hiệu quả, bệnh ngày càng nặng, khát nước liên tục, uống nước một phần đi tiểu hai phần. các ngự y trong phủ chưa dùng các bài thuốc Bổ trung, Sinh mạch, Lục vị, Bát vị đều vô hiệu, đến mức mê mệt, thở gấp, mồ hôi đầm đìa.

Lãn Ông suy nghĩ, thấy việc bổ thủy cứu hỏa của các thầy thuốc trước là hợp lý nhưng chưa trừ tận gốc. Theo Nội Kinh, “cốc khí không lưu hành” gây nóng trong dạ dày. Lãn Ông quyết định dùng cách công phạt để chữa.

Khi đến xem bệnh, thấy bụng bệnh nhân như có hòn cứng, nóng và đau khi chạm vào, Lãn Ông cho rằng cần hạ thực tích. Vì sợ các thầy thuốc trong nhà bệnh nhân khác dị nghị, nên Lãn Ông vờ bảo có phương thuốc gia truyền, nhưng thực chất dùng bài Điều vị thừa khí chế lại. Sau khi uống, bệnh nhân bụng sôi, đi ngoài hai lần, ra hết thịt bò và cơm nếp. Các triệu chứng trướng bụng và khát nước đều thuyên giảm.

Lãn Ông tiếp tục kê thuốc bổ tỳ vị gồm Bạch truật, Hắc khương, Chích thảo, Ngũ vị tử và gia thêm nước Sâm. Sau khi uống, bệnh nhân dừng tiêu chảy, ngủ được, tỉnh dậy cảm thấy đói. Lãn Ông dặn chỉ ăn cháo loãng để hồi phục từ từ, tiếp tục dùng thuốc để ổn định tỳ thận.

Sau vài ngày, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Lãn Ông kê thêm bài Bát vị hoàn gia giảm để củng cố sức khỏe.

Gia đình bệnh nhân cảm kích, khen phương thuốc gia truyền hiệu nghiệm. Khi ấy Lãn Ông mới giải thích rằng, không có bí quyết gì, chỉ là hiểu đúng lý luận và tùy bệnh mà lập phương. Nếu chỉ dựa vào phương thuốc sẵn có mà bỏ qua biến chứng thực tế, sẽ không chữa được mọi bệnh.

Hai ông Bác và Cậu bệnh nhi vốn là ngự y làm việc trong phủ Chúa đều khâm phục và nhận ra rằng, dùng đúng thuốc, dù bình thường, đều có thể cứu người. Gia đình bệnh nhân bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc.

Câu chuyện chính Lãn Ông tường thuật lại trong bệnh án chữa chứng tiêu khát, là bệnh án đầu tiên trong tập Y dương án giải thích cho chúng ta vì sao cuối cùng Lãn Ông không tìm được thầy giỏi để học và chỉ mua một ít sách đem về Hương Sơn để tự học.

P.C.T

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *