Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

BÁO CÁO TÂM ĐẮC: Kết hợp Cứu lò ngải và Phương dược điều trị Vô sinh nữ

08/11/2023

 

L.Y PHAN CÔNG TUẤN

 I. ĐẶT VẤN ĐỀ:

Sinh đẻ kế hoạch là chính sách quốc gia cơ bản của nước ta, không chỉ có nhiệm vụ cung cấp phương tiện đơn giản cho nhu cầu hạn chế sinh đẻ trong gia đình, dựa vào các biện pháp tránh thai và đoạn sản, mà còn có nhiệm vụ tiến hành chẩn đoán điều trị các cặp vợ chồng vô sinh, giải quyết các nỗi khổ tâm không con cái nối dõi, giúp cho các gia đình êm ấm hạnh phúc.

Chứng vô sinh (bất dựng chứng 不孕症 ) là chỉ vợ chồng đang tuổi sinh đẻ, sau cưới sinh hoạt tính dục bình thường, không dùng biện pháp tránh thai, sống chung từ một năm trở lên mà không thể có thai (theo quy ước của WHO năm 1975 là 2 năm, nhưng 1994 đổi lại là 1 năm). Căn cứ nguyên nhân gây nên vô sinh đầu tên có thể phân ra vô sinh do nữ và vô sinh do nam. Căn cứ  tiền sử bệnh, sau khi cưới chưa từng có thai gọi là vô sinh nguyên phát, đông y gọi là “toàn bất sản 全不產 ”, “vô tử 無子” hay “tuyệt tự 絕 嗣”; nếu đã từng có thai rồi gọi là vô sinh thứ phát, đông y gọi là “đoạn tự 斷́緒”.

Vô sinh là một chứng bệnh thường gặp, theo thống kê ở nước ta có từ 10-13 % các cặp vợ chồng sau khi cưới không có khả năng sinh đẻ, xét về nguyên nhân có khoảng 40% do bên nam, 40% do bên nữ và 20% do cả hai bên.

Vô sinh là chứng có nhiều nguyên nhân phức tạp và điều trị cực kỳ khó khăn. Trong vòng mười năm trở lại đây, theo đà phát triển của y học về sinh sản, việc điều trị vô sinh đã có nhiều thay đổi không ngừng, đã có nhiều thuốc mới và phương pháp mới ra đời, như các phương pháp kích thích sinh tinh và gây rụng trứng  đã được ứng dụng rộng rãi trên lâm sàng. Các phương pháp hổ trợ sinh sản kỹ thuật cao như thụ tinh nhân tạo (AI), thụ tinh trong ống nghiệm/ chuyển phôi vào tử cung (IVF/ET), chuyển noãn qua vòi trứng (GIFT), làm đông lạnh- rã đông tiền bào thai để chuyển vào tử cung các lần sau, tiêm tinh trùng vào tế bào trứng…đã từ ý tưởng biến thành hiện thực tại các bệnh viện như Phụ sản Từ Dũ, Phụ sản Trung ương của nước ta.

Tuy nhiên, có một thức tế là điều trị vô sinh bằng y học hiện đại có tỉ lệ thành công còn thấp, trong khi chi phí rất cao, vượt quá khả năng chi trả của đa số bệnh nhân còn nghèo, vì vậy theo chúng tôi cần tiếp tục khai thác kinh nghiệm của y dược học cổ truyền, nghiên cứu cải tiến, phát huy phát triển các phương pháp đoán điều trị vô sinh của Đông y, góp phần cùng y học hiện đại chăm sóc sức khoẻ sinh sản nhân dân.

Chuyên luận này xin trình bày khái quát về chứng vô sinh theo Đông y và một vài kinh nghiệm thực tiễn ứng dụng điều trị vô sinh bằng đông dược phối hợp với phương pháp cứu lò ngải do chúng tôi đặc chế.

II. NHẬN THỨC CỦA ĐÔNG Y VỀ VÔ SINH

Đối với chứng vô sinh, trải qua lịch sử lâu đời, Đông y đã tích luỹ và phát triển nhiều nhận thức và kinh nghiệm quý báu. Sớm nhất là trong “Sơn Hải Kinh 山海經” có chép những dược liệu ăn vào sẽ có con hay vô sinh. Đặc biệt là trong “Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn 黄帝̣内經素問”, thiên “Thượng cổ thiên chân luận 上́古天眞論” có viết: “Con gái 14 tuổi thiên quý đến, nhâm mạch thông, thái xung mạch thịnh, kinh nguyệt đến thời xuống, có thể có con…49 tuổi nhâm mạch hư, thái xung mạch suy kém, thiên quý kiệt, địa đạo bất thông,  hình hài              sa sút mà không có con 女子二七而天癸至,任脉通,太冲脉盛,月事以 時下,故有子….七七任脉虚,太冲脉衰少,天癸竭,地道不通,故形壞而無子也 ”. Theo đó trình bày dưới góc độ sinh lý  khái quát về quá trình sinh trưởng, phát dục, thành thục và thoái hoá công năng sinh dục của nam nữ ; đề cập rõ quan hệ giữa thận , thiên quý, 2 mạch xung nhâm với kinh nguyệt và thai sản;   trình bày cơ chế kinh nguyệt, mang thai  của phụ nữ, cống hiến căn cứ lý luận cho các y gia đời sau. Trương Trọng Cảnh 張仲景 đời Đông Hán viết “Kim Quỹ Yếu Lược 金匱要略, Phụ nhân tạp bệnh mạch chứng thiên 婦人雜病脉証篇̣” có nói về Ôn kinh thang 温經湯 “chủ trị về đàn bà bụng dưới hàn, đã  lâu không có thai 亦主̀婦人小腹寒久不受́孕 ”. Hoàng Phủ Mật皇甫謐 đời Tây Tấn trong “Châm Cứu Giáp Ất Kinh 鍼I灸甲乙經, Phụ nhân tạp bệnh thiên 婦人雜病篇̣” nói “đàn bà không con, kinh nguyệt không ra được, dùng huyệt Quan nguyên chủ trị 女子絕子,血不在内不下,關元主之”, đề xuất dùng châm cứu điều trị vô sinh do huyết ứ. Vạn Toàn 萬全 đời Minh viết Quảng Tự Kỷ Yếu 廣嗣紀要 có đưa ra thuyết “ngũ bất nữ 五不女” chỉ 5 trạng thái sinh lý khiếm khuyết bẩm sinh của cơ quan sinh dục nữ dẫn đến vô sinh  là loa , văn, cổ, giác, mạch 螺,紋,鼓,角,脈  (âm đạo xoắn, teo hoặc hẹp âm đạo, màng trinh không thủng, phì đại âm vật, vô kinh nguyên phát) . Sào Nguyên Phương 巢元方, Tôn Tư Mạc 孫思邈 đời Tuỳ; Vương Khẳng Đường 王肯堂, Trương Cảnh Nhạc 張景岳 đời Minh; Vương Thanh Nhiệm 王清任, Phó Thanh Chủ傅青主 đời Thanh,… tiếp tục cống hiến nhiều cơ sở lý luận và kinh nghiệm chẩn trị  phong phú.

Tại nước ta, Thiền sư Tuệ Tĩnh 慧靜禪師 tương truyền sống vào đời Trần thế kỷ XIV, trong Nam Dược Thần Hiệu 南藥神效, đầu quyển 8 về bệnh Phụ khoa, có giới thiệu những bài thuốc trị đàn bà kinh nguyệt không đều, hoặc chưa hành kinh, hoặc đang hành kinh mà đau trằn bụng dưới, khó mà thành thai.

Nguyễn Đại Năng 阮代能 đời nhà Hồ thế kỷ XV viết sách Châm Cứu Tiệp Hiệu Diễn Ca 鍼灸捷效演歌̀, có giới thiệu phương huyệt chữa phụ nữ kinh nguyệt không đều, ngủ thấy chiêm bao mê mộng, đẻ con khó nuôi.

Hải Thượng Lãn Ông 海上懶翁 đời Hậu Lê trong quyển  Phụ Đạo Xán Nhiên 婦道̣燦然 của bộ sách Lãn Ông Tâm Lĩnh 懶翁心領̀ đã dành nguyên một chương về cầu tự (tự dục điều 嗣育條 nội dung xét nguyên nhân cơ chế bệnh, phân biệt chứng trạng, hư thực, cách chữa, xử phương, dụng dược rất chi tiết. Hải Thượng Lãn Ông nói: “Đàn bà không có con có 4 nguyên do: hoặc kinh không đều, hoặc huyết không đủ, hoặc có bệnh tật, hoặc giao cấu không đúng thời. Chữa bệnh nên điều kinh, bổ huyết, trừ bệnh, tiết dục, không tật bệnh mà giao hợp đúng thời, lẽ nào lại không có thai được-  婦人無子者或經不勻或血不足或有疾病或交不時四者而已.治之宜調其經補其血去其疾而節其慾.無疾病而交有時豈有不孕者哉”. Ông lại nói: “Thầy thuốc giỏi chữa bệnh vô sinh, về phía nam mà nói chủ ở tinh, về phía nữ mà nói chủ ở huyết. Bàn luận lập phương, nam lấy bổ thận làm chính, nữ lấy điều kinh làm đầu, lại tham khảo các thuyết bổ khí hành khí, xem mạch lạc, xét thịnh suy, nắm rõ mà điều trị sẽ thụ thai được – 醫之上工治無子者,語男則主於精,語女則主於血, 著論立方男子以補腎為要,女子以調經為先,又参以補氣行氣之說,察其脉絡,究其盈虧,審而治之自可孕也”.

Nhìn chung, y gia các đời bàn luận chứng vô sinh dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng tựu trung đều cho rằng thận chủ sinh dục, thận chiếm vị trí chủ đạo đối với chứng vô sinh,  công năng sinh lý của thận – thiên quý – xung nhâm – bào cung thất điều, hoặc tạng phủ khí huyết bất hoà liền dẫn đến vô sinh. Vấn đề “thời điểm chính xác” để có thai cũng có vai trò trọng yếu, chứng tỏ giữa nó với thận, thiên quý, xung nhâm tồn tại một quan hệ nội tại tất yếu. Đông y hiện đại trị liệu chứng vô sinh cũng đã căn cứ vào chu kỳ kinh nguyệt để điều trị. Theo đà phát triển của các kỹ thuật chẩn đoán y học hiện đại, Đông y điều trị vô sinh kết hợp giữa biện bệnh và biện chứng, cùng các liệu pháp dùng đông dược theo chu kỳ đều có những bước tiến triển quan trọng.

III. BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ CHỨNG VÔ SINH NỮ

Đông y học cho rằng nguyên nhân cơ chế bệnh vô sinh đan cài rất phức tạp, hoặc do tiên thiên thận khí bất túc, hoặc do hậu thiên thất điều, hoặc do lục dâm bên ngoài xâm nhập, hoặc do tình chí bên trong tổn thương, hoặc do khí huyết mất điều hoà, hoặc do kinh lạc không thông sướng dẫn đến can uất tỳ hư,  hoặc do đàm thấp, hoặc do thấp nhiệt, hoặc do ứ huyết,… dẫn đến xung nhâm bị bệnh gây vô sinh.

Nguyên nhân chứng vô sinh có thể phân làm 2 loại lớn: Một là do sự khiếm khuyết về sinh lý sinh dục bẩm sinh (như chứng “ngũ bất nữ” ghi trong  sách Quảng Tự Kỷ Yếu của Vạn Toàn) chứng này không thể dùng châm cứu, thuốc thang điều trị được; Hai là thuộc bệnh lý xung nhâm dẫn đến vô sinh, đây là nội dung đề cập của bài này, có thể quy nạp phân thể biện chứng trị liệu như sau:

1.Thận hư vô sinh 不孕:

Đông y cho rằng thận khí vượng thịnh, tinh huyết sung túc, mạch nhâm thông, mạch xung thịnh, khí huyết điều hoà, kinh nguyệt đến đúng kỳ, hai tinh cha mẹ tương hợp khả dĩ thọ thai. Nếu thận khí hư, tinh huyết bất túc, thì xung nhâm mạch hư, bào mạch (tử cung) mất sự nuôi dưỡng, dẫn đến vô sinh. Thận hư vô sinh phân làm 2 thể là thận dương hư và thận âm hư. Các thể bệnh này tương đương với vô sinh do chức năng buồng trứng mất điều hoà thứ phát, bao gồm công năng rụng trứng trở ngại, công năng hoàng thể không đầy đủ … của y học hiện đại.

a.Thận dương hư 腎陽:

-Chủ chứng: Chậm có con, kinh hành lượng ít, sắc nhạt, kinh trễ hoặc bế kinh, chóng mặt, ù tai, người lạnh, thắt lưng đau mỏi, bụng dưới lãnh cảm, huyết trắng trong loãng, tính dục giảm, thường đại tiện nhão, lưỡi bệu nhợt, rêu trắng, mạch trầm tế, trì nhược.

-Phép chữa: Ôn thận trợ dương, dưỡng huyết điều xung.

-Phương dược: Dùng bài Dục lân châu 毓麟珠 của Trương Cảnh Nhạc ( Nhân sâm, Bạch truật, Phục linh, Bạch thược, Xuyên khung, Chích thảo, Đương quy, Thục địa, Thỏ ty tử, Đỗ trọng, Lộc giác sương, Xuyên tiêu) gia Tử hà sa, Đơn sâm, Hương phụ. Đau lưng nhiều, lạnh bụng dưới gia Ba kích, Bổ cốt chỉ, Tiên mao, Tiên linh tỳ.

b.Thận âm hư  腎陰:

-Chủ chứng: Chậm có con, kinh hành trước kỳ, lượng ít, sắc đỏ, ngũ tâm phiền nhiệt, họng khô miệng khát, chóng mặt hồi hộp, lưng gối mỏi yếu, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác.

-Phép chữa: Tư âm dưỡng huyết, điều xung ích tinh.

-Phương dược: Dùng bài Dưỡng kinh chủng ngọc thang 養經種玉湯 của Phó Thanh Chủ (Bạch thược, Đương quy, Thục địa, Sơn thù nhục) gia Nữ trinh tử, Hạn liên thảo. Uống thêm Hà sa đại tạo hoàn.

2.Can uất vô sinh 肝郁不孕:

Đông y cho rằng Can chủ sơ tiết, chủ tàng huyết, có chức năng điều tiết khí cơ thân người và điều tiết huyết lượng khiến cho khí huyết cơ thể vận hành chính thường, xung nhâm điều hoà, bào mạch được nuôi dưỡng, nên có thể nhiếp tinh thành thai. Có nhiều nguyên nhân khiến công năng tạng can mất điều hoà, hình thành các chứng can uất khí trệ huyết ứ dẫn đến vô sinh. Lâm sàng và thực nghiệm chứng minh, các bệnh tật viêm cơ quan sinh dục bên trong của phụ nữ dẫn đến vô sinh phần lớn thuộc loại hình này. Thận hư can uất, thấp nhiệt ứ trệ, khí trệ huyết ứ dẫn đến bào lạc trở ngại bế tắc cũng dẫn đến vô sinh.

-Chủ chứng: Chậm có con, kinh sớm muộn thất thường, trước kỳ kinh ngực phiền, bức rứt khó chịu, vú trướng căng, kinh hành bụng dưới đau, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch huyền.

-Phép chữa: Thư can giải uất, dưỡng huyết lý tỳ.

-Phương dược: Dùng bài Khai uất chủng ngọc thang 開鬱種玉湯 của Phó Thanh Chủ (Bạch truật, Đương quy, Bạch thược, Phục linh, Đơn bì, Hương phụ, Thiên hoa phấn). Vú trướng đau gia Vương bất lưu hành, Kiết cánh, Hải tảo, Hạ khô thảo.

3.Đàm thấp vô sinh 痰濕不孕:

Do bẩm tố người mập, tỳ vị lưỡng hư, đàm thấp nội sinh, trở ngại bế tắc bào lạc có thể dẫn đến vô sinh. Căn cứ lâm sàng cho thấy hội chứng đa nang buồng trứng của y học hiện đại thuộc loại hình này.

-Chủ chứng: Chậm có con, kinh bế hoặc không đều, người mập, nhiều lông, mặt và tay chân phù thũng, , trong lòng buồn bực khó chịu, mỏi mệt, yếu sức, thường đại tiện nhão, huyết trắng nhiều và đặc dính, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch huyền hoạt.

-Phép chữa: Táo thấp hoá đàm, lý khí điều kinh.

-Phương dược: Chọn các bài thuốc như Khải cung hoàn 启宮丸 trong Kinh Nghiệm Phương (Bán hạ, Thương truật, Hương phụ, Trần bì, Thần khúc, Phục linh, Xuyên khung) hay Thương phụ đạo đàm thang 蒼附導痰湯 của Diệp Thiên Sĩ (Phục linh, Bán hạ, Trần bì, Cam thảo, Thương truật, Hương phụ, Nam tinh, Chỉ xác, Sinh khương, Thần khúc).

4.Huyết ứ vô sinh 血瘀不孕 :

Đông y cho rằng kinh huyết ứ trệ, chảy lưu lạc không trừ khử được, hình thành huyết khối tích tụ , gọi là chứng huyết hà, có thể dẫn đến vô sinh. Lâm sàng nhận thấy lạc nội mạc tử cung thuộc loại hình bệnh này.

-Chủ chứng: Chậm có con, kinh không thông, sắc bầm đen, có huyết cục, đau khi hành kinh, lúc bình thường bụng dưới cũng đau, ấn vào đau tăng, chất lưỡi tím sẫm, rìa lưỡi có điểm ứ huyết, mạch huyền hoặc sáp.

-Phép chữa: Hoạt huyết hoá ứ, điều kinh.

-Phương dược:  dùng Thiểu phúc trục ứ thang 少腹逐瘀湯 của Vương Thanh Nhiệm ((Tiểu hồi, can khương, Huyền hồ, Một dược, Đương quy, Xuyên khung, Quan quế, Xích thược, Bồ hoàng, Ngũ linh chi) hoặc Quế chi phục linh hoàn 桂枝茯苓́丸 trong Kim Quỹ Yếu Lược (Quế chi, Phục linh, Đơn bì, Đào nhân, Bạch thược).

5.Thấp nhiệt vô sinh 濕熱不孕:

Cơ thể chính khí hư, tà khí thấp độc uế trọc xâm nhập vào trong, làm tổn thương xung nhâm mạch khiến cho đới mạch không ước thúc, nhâm mạch không cố sáp gây nên chứng đới hạ, dẫn đến bào lạc bị tổn thương, trở ngại cho sự nhiếp tinh thành thai. Lâm sàng quan sát cho thấy các chứng đới hạ do viêm  dẫn đến vô sinh thuộc loại hình này.

-Chủ chứng: Chậm có con, bụng dưới một bên hay hai bên đau như kim châm, hành kinh đau nhiều, hoặc có sốt nhẹ, trước kỳ kinh vú trướng, lưỡi đỏ, rêu vàng nhớt, mạch huyền sác.

-Phép chữa: Thanh nhiệt lợi thấp, sơ can thông lạc.

-Phương dược: Dùng bài Long đởm tả can thang 龍膽[瀉肝湯 gia giảm ( Long đởm, Chi tử, Hoàng cầm, Trạch tả, Sài hồ, Xa tiền, Mộc thông, Đương quy, Sinh địa, Cam thảo…)

Trên đây là biện chứng luận trị các thể chủ yếu của chứng vô sinh, tuy nhiên trên thực tế các nguyên nhân thường không rạch ròi mà đan cài khá phức tạp, cần phân tích vận dụng thoả đáng trên từng cơ địa người bệnh, đồng thời nên sử dụng liệu pháp kết hợp như châm cứu, ăn uống để nâng cao hiệu quả điều trị.

Điếu ngải và lò cứu Thái Ất do Lương y Phan Công Tuấn đặc chế.

IV. KINH NGHIỆM KẾT HỢP CỨU LÒ NGẢI ĐIỀU TRỊ VÔ SINH NỮ:

Chúng tôi có báo cáo đề tài nghiên cứu: “Cải tiến và phổ cập phương pháp cứu lò ngải để chăm sóc sức khoẻ cộng đồng” tại Thành hội Đông y Đà Nẵng ngày 14/12/2001 (đã đăng toàn văn trong Thông tin Đông y Đà Nẵng số 04/2002, Bản tin Y Dược Sức Khoẻ Cho Mọi Người, trích giới thiệu trên Tạp chí Đông y Việt Nam, Tạp chí Cây thuốc quý, Tạp chí Sức khoẻ của Đài Truyền hình Việt Nam). Đây là phương pháp cứu lò ngải do chúng tôi đặc chế. Nếu cứu bằng mồi ngải gọi là ngải chụ cứu 艾炷灸, cứu bằng điếu ngải gọi là ngải điều cứu 艾條灸, thì chúng tôi tạm dịch cứu bằng lò ngải là ngải lô cứu 艾爐灸. Sản phẩm lò cứu của chúng tôi có thể dịch ra Hán văn là  cứu lô 灸爐 hay ngải lô 艾爐, thay cho từ ôn cứu khí 温̃灸器́. Trong 5 năm qua, áp dụng phương pháp cứu lò ngải phối hợp với phương dược điều trị chứng vô sinh bước đầu chúng tôi đã đạt được một số thành công đáng khích lệ.

Căn cứ lý luận trong tác phẩm kinh điển Nội Kinh Linh Khu 内經靈樞, thiên Quan Năng cho rằng các chứng châm không tác dụng thì dùng cứu thích hợp, các chứng hãm hạ (dương khí hạ hãm, công năng nội tạng suy nhược), âm dương đều hư thì dùng phép cứu (châm sở bất vi cứu chi sở nghi 鍼所不爲灸之所宜, hãm hạ giả cứu chi 陷下則灸之, âm dương giai hư hoả tự đương chi 陰陽皆虚火自當之…). Điều chúng tôi tâm đắc nhất là cứu không chỉ thích nghi với các bệnh chứng âm hàn và hư nhược, mà còn được ứng dụng rộng rãi hơn đúng như sách Y Học Nhập Môn 醫學入門̀ đã tổng kết: “Bệnh hư dùng cứu để hoả khí trợ nguyên dương, bệnh thực dùng cứu khiến thực tà theo hoả mà phát tán, bệnh hàn dùng cứu để khí ấm trở lại, bệnh nhiệt dùng cứu để dẫn khí uất  nhiệt phát ra ngoài  –虚者灸之使火氣以助元陽也, 實者灸之使實邪隨火氣而發散也,寒者灸之使其氣之復温也,熱者灸之引鬱熱之氣外發皆火就燥之義也”. Bởi vậy theo chúng tôi, đối với chứng vô sinh ở tất cả các thể bệnh đều có thể sử dụng phép cứu.

Tham khảo một số y văn cổ có đề cập dùng cứu trị vô sinh như sau:

Sách Y Học Cương Mục 醫學綱目nói: “Nam giới vô sinh dùng mồi ngải cứu cách muối tại rốn hằng ngày cho đến 200-300 liều sẽ hiệu quả, đối với nữ thì dùng huyệt Tử cung cứu 37 liều hoặc châm sâu 2 thốn, vị trí huyệt này lấy Trung cực ngang ra mỗi bên 3 thốn-男子無嗣者以鹽填臍艾炷灸之連日,灸至二三百壯必效.灸子宮三七壯或鍼入二寸,穴在中極傍左右各開三寸”.

Sách Thế Y Đắc Hiệu 世醫得效 lại nói: “Đàn bà tuyệt tự (vô sinh nguyên phát) cứu huyệt Quan nguyên 30 liều có thể có thai, đàn bà có thai mà hư nhiều lần thì cứu huyệt Bào môn, Tử hộ mỗi bên 50 liều, Bào môn tại Quan nguyên lấy qua bên trái 2 thốn, Tử hộ tại Quan nguyên lấy qua bên phải 2 thốn, Tử hộ còn gọi là Khí môn 婦人絕嗣灸關元三十壯可報灸之.婦人姙子不成數墜胎灸胞門子戶各五十壯.胞門在關元左邊二寸,子戶在關元右邊二寸,子戶一名氣門”.

Châm Cứu Giáp Ất Kinh 鍼灸甲乙經 cũng nói “Vô sinh cứu giữa rốn khiến có con-  絕子灸臍中令有子”. Sách này lại nói: “Chứng không con dùng các huyệt Âm giao, Thạch môn, Quan nguyên, Trung cực, Dũng tuyền, Trúc tân, Thương khâu, Âm liêm-  無子取陰交石門關元中極涌泉築賓商丘陰廉”.

Kết hợp biện chứng luận trị với các phương huyệt đặc trị trong y văn kinh điển, chúng tôi đưa ra phác đồ điều trị vô sinh bằng phương pháp cứu lò ngải như sau:

1. Phương huyệt và ý nghĩa: Gồm 3 nhóm huyệt như sau:

-Huyệt chủ trị : Quan nguyên, Khí hải, Tam âm giao, Túc tam lý. (Theo lý luận vô sinh do hai mạch Xung – Nhâm mất điều hoà dẫn đến, dùng Quan nguyên, Khí hải để bồi nguyên cố bản, điều lý Xung – Nhâm; Tam âm giao để điều bổ Can Tỳ, sinh tinh ích tuỷ; Túc tam lý điều bổ Tỳ Vị, tư dưỡng nguồn sinh hoá khí huyết).

Huyệt phối hợp: Thận hư thì gia thêm Thận du, Thái khê để tư âm bổ thận; Can uất gia Thái xung, Nội quan để  khoan trung lý khí, sơ can giải uất; Đàm thấp gia Phong long, Âm lăng tuyền để kiện tỳ lợi thấp, trừ đàm hoá trệ; Huyết ứ gia Huyết hải, Địa cơ để hoạt huyết hoá ứ ; Thấp nhiệt gia Xung dương, Phong long để thanh nhiệt lợi thấp, tuyên thông khí cơ.

-Huyệt đặc trị : Tử cung, Bào môn, Tử hộ . Đây là theo kinh nghiệm cổ nhân, theo giải phẫu dưới da các huyệt này là cân cơ chéo, cơ ngang bụng, có các động – tĩnh mạch nông của thành bụng, các dây thần kinh kèm theo động –tĩnh mạch, đốt cứu các huyệt này có tác dụng điều trị tích cực tại chỗ đối với các bệnh chứng của cơ quan sinh dục tử cung, buồng trứng, vòi trứng.

2. Thao tác và liệu trình: Chúng tôi sản xuất dụng cụ lò cứu – điếu ngải Thái Ất cung cấp cho người bệnh sử dụng. Chúng tôi chỉ trực tiếp đốt cứu lần đầu, sau đó hướng dẫn bệnh nhân về nhà làm . Cách sử dụng như sau:

-Đốt cháy một đầu điếu ngải, đặt vào trong lò cứu, khi bắt đầu nghe nóng thì lót thêm một lớp vải điều, cứ thế lót tăng dần 2-4-6-8… lớp, đồng thời đẩy dần điếu thuốc vào sao cho đầu điếu ngải cháy luôn ở tâm điểm lò cứu, ngay trên huyệt cần cứu. Khi có tàn bó dài thì đem ra gạt tàn rồi đặt vào vị trí huyệt như cũ. Thời gian cứu mỗi huyệt từ 15-20 phút, cùng lúc có thể cứu 2-3 lò / 2-3 huyệt. Sau khi cứu vùng huyệt đỏ ửng lên là tốt. Chú ý độ nóng ấm vừa phải,  nghe khoan khoái dễ chịu là tốt, không để nóng rát, không gắng sức chịu nóng quá, có thể gây bỏng.

-Chúng tôi chỉ định phương huyệt, tư thế đốt cứu, hướng dẫn cách xác định vị trí huyệt theo đồng thân thốn hay mốc giải phẫu, đánh dấu huyệt, dùng lò cứu điếu ngải đặt trên huyệt để ôn cứu làm mẫu một lần theo phương thức cầm tay chỉ việc cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có thể làm theo để tiếp tục thực hành điều trị tại nhà theo phương huyệt đã chỉ.

Liệu trình: Sau khi sạch kinh bắt đầu cứu, mỗi ngày cứu một lần, một liệu trình 24 ngày, nghĩ 5-7 ngày cứu tiếp tục liệu trình khác. Một đợt điều trị từ 3-6 liệu trình cứu lò ngải kết hợp với dùng thuốc thang hoặc thuốc hoàn theo biện chứng luận trị đã nêu ở trên.

3. Kết quả điều trị:

Trong vòng 5 năm qua, kết hợp phương pháp cứu lò ngải với phương dược theo biện chứng luận trị, chúng tôi có điều trị 40 ca vô sinh (nguyên phát 28, thứ phát 12), thời gian mắc bệnh từ 2-12 năm, thời gian điều trị từ 2-6 liệu trình ( điều trị 1 liệu trình tức 1 tháng chưa kết quả mà bỏ cuộc, không tính), trong đó có kết quả có thai là 16, chiếm 40% (15 người đã sinh con khoẻ mạnh, 1 người có thai đã 3 tháng, sau khi dùng thuốc tiêm dưỡng thai Tây y thì bị hư). Dưới đây đơn cử một vài trường hợp:

-Nguyễn Thị Khánh Thuỳ, 36 tuổi, địa chỉ 14 Thái Phiên ĐN, ĐT: 871264. Vô sinh nguyên phát đã 10 năm, có khám và điều trị cả 2 vợ chồng bằng đông tây y 6 năm, trong đó có 2 năm ở Bệnh viện Phụ sản T. ở TP.HCM, nhưng không có kết quả. Chẩn đoán tây y là tử cung nhỏ, chức năng buồng trứng kém phát triển, trứng không rụng . Chúng tôi chẩn đoán tỳ thận dương hư (có điều trị phối hợp chứng loãng tinh người chồng 40 tuổi), điều trị 3 tháng có thai vào tháng 6/2002. Hiện nay (sau 4 năm) đã sinh cháu thứ hai bình thường.

-Phan Thị Bình, 28 tuổi, ở Thọ Quang, Sơn Trà, ĐN, ĐT: 756872. Vô sinh nguyên phát đã 3 năm, có điều trị Tây y 1 năm, Tây y xét nghiệm chẩn đoán  buồng trứng đa nang, tắc vòi trứng, rối loạn nội tiết tố. Chẩn đoán khí huyết hư hàn, can uất khí trệ. Chúng tôi điều trị 2 tháng, có thai vào tháng 3/2004.

-Nguyễn Thị Tuyết, 38 tuổi, địa chỉ 77 Thanh Long, ĐN, ĐT: 895113. Vô sinh thứ phát, con đầu đã 11 tuổi, là kết quả có được sau 2 năm điều trị vô sinh Tây y. Muốn sinh con thứ hai, đã tiếp tục điều trị Tây y 3 năm nhưng không kết quả (chẩn đoán tây y buồng trứng đa nang, nang noãn kém phát triển,nội tiết tố rối loạn, prolactin cao). Chúng tôi chẩn đoán đông y: thận hư kiêm đàm thấp khí trệ huyết ứ. Điều trị 6 tháng từ tháng 4/2004 đến 9/2004 có thai. Đã sinh con khoẻ mạnh.

V. NHẬN XÉT VÀ BÀN LUẬN:

Vô sinh là chứng khó, chúng tôi đã điều trị kết hợp phương pháp cứu lò ngải với phương dược cổ truyền, bước đầu tuy số lượng bệnh nhân chưa nhiều, nhưng cho kết quả tỉ lệ thành công cao gấp đôi (40%) so với trước đây chỉ đơn độc dùng thuốc điều trị (20%), chứng tỏ vai trò tác dụng quan trọng của phương pháp cứu.

Cứu là phương pháp phòng trị bệnh đơn giản và hiệu quả đã được chứng nghiệm qua hàng ngàn năm lịch sử.

Các phương pháp cứu truyền thống ngày nay ít được phổ cập do có nhiều nhược điểm không còn thích hợp với con người hiện đại, như cứu bằng mồi ngải (trực tiếp hoặc gián tiếp) dễ gây bỏng phồng lỡ sẹo, hoặc cứu bằng điếu ngải thường tốn công cầm hơ từng huyệt một, lại do thường xê dịch (vì mỏi tay) làm sức nóng không đều không tập trung nên hiệu quả kém.

Để khắc phục các nhược điểm trên đây, chúng tôi đã cải tiến phương pháp cứu điếu ngải thành phương pháp cứu lò ngải, với dụng cụ đặc  chế là bộ dụng cụ lò cứuđiếu ngải, cùng một số phụ liệu như vải điều lót trên huyệt để điều chỉnh độ nóng, dùng rượu gừng, rượu gấc, rượu tỏi … để xoa lên vùng huyệt nhằm tăng cường tác dụng tán hàn, hoạt huyết, tiêu độc … thay thế các phương pháp  cứu cách gừng, cách gấc, cách tỏi.

Nhìn chung, so với các phương pháp châm và cứu truyền thống, cứu lò ngải có nhiều ưu điểm tiện ích hơn hẳn như sau :

– Cứu lò ngải có thể điều tiết độ nóng (bằng cách tăng hay giảm số lần vải lót) phù hợp theo cảm thụ riêng của từng người bệnh, nên tránh được tai biến bỏng lỡ thường gặp khi đốt cứu.

– Cứu lò ngải có lò cứu giữ cố định điếu ngải trên huyệt cần cứu nên nhiệt lượng tập trung, sức nóng ổn định giúp hiệu quả tăng cường, mặt khác nhờ không phải dùng tay cầm giữ, nên cùng một lúc có thể cứu nhiều huyệt, giúp thầy thuốc tiết kiệm đựoc thời gian làm việc, cũng như người bệnh đỡ tốn thời gian chờ đợi.

– Cứu lò ngải chủ yếu mang lại cảm giác ấm nóng khoan khoái dễ chịu (tính ôn bổ), thích hợp cho nhiều loại hình bệnh tật, nhất là các bệnh chứng suy nhược mạn tính;  không gây đau rát, không có nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường máu, không đòi hỏi chế độ thanh tiệt trùng nghiêm ngặt, nên có thể thực hiện điều trị lâu dài mà người bệnh không phải e dè sợ hãi.

– Cứu lò ngải dùng thủ thuật thao tác đơn giản, ấn định vùng huyệt rộng rãi dễ xác định, nên người bệnh hay người nhà sau một vài lần được thầy thuốc hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” là có thể tự thực hiện đốt cứu trị bệnh tại nhà. Điều này càng thích hợp đối với các huyệt vị vùng kín như trong chữa bệnh vô sinh.

– Cứu lò ngải không những tiết kiệm tiền bạc (vì chi phí giá thành điều trị rất thấp) thích hợp cho quãng đại quần chúng lao động nghèo, mà còn phù hợp với ngân quỹ thời gian rất eo hẹp của con người hiện đại.

Tóm lại, lò cứu ngải là phương pháp cứu cải tiến mang đậm bản sắc khoa học, dân tộc, đại chúng, nếu được các cấp lãnh đạo hội ngành y tế quan tâm tạo điều kiện phổ cập rộng rãi trong công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu,  chắc chắn sẽ góp phần đắc lực phục vụ cho công tác xã hội hóa y dược học cổ truyền, phối hợp chữa được nhiều chứng bệnh khó trị, trong đó có chứng vô sinh.

 

Đà Nẵng ngày 3 tháng 6 năm 2006

L.Y PHAN CÔNG TUẤN

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.Cải tiến và phổ cập phương pháo cứu lò ngải để CSSKCĐ, Phan Công Tuấn, T/c Đông Y số 336/2002

2.Trung Quốc Cứu Liệu Học , Nhân dân Vệ sinh xuất bản xã, Bắc Kinh, 1989.

3.Thực Dụng Trung Tây Y Kết Kợp Lâm Sàng Thủ Sách, Học uyển xuất bản xã, BắcKinh, 1995.

4.Bất Dựng Chứng,Trung Quốc y dược khoa kỹ xuất bản xã, Bắc Kinh, 2000.

5.Đông Y Bảo Giám, Hứa Tuấn (Ngự y Triều Tiên), Thượng Hải Quảng Ích thư cục ấn hành,1917.

6.Phụ Đạo Xán Nhiên ( Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh), bản chữ Hán, khắc in năm Tự Đức 33 (1880).

[ Chuyên đề dưới đây đã được báo cáo Tại Hội nghị Lương y giỏi ngày 8/6/2006 của Thành hội Đông y Đà Nẵng và đã đăng trên CTQ số 66-67-68-69] 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *