Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

“ANH CÒN NỢ EM” – tác giả lời bài hát là một… Lương y

20/10/2023

Anh còn nợ em, công viên ghế đá, công viên ghế đá, lá đổ chiều êm. Anh còn nợ em, giòng xưa bến cũ, giòng xưa bến cũ, con sông êm đềm. Anh còn nợ em, chim về núi nhạn, trời mờ mưa đêm, trời mờ mưa đêm. Anh còn nợ em, nụ hôn vội vàng, nụ hôn vội vàng, nắng chói qua rèm. Anh còn nợ em, con tim bối rối, con tim bối rối, anh còn nợ em. Và còn nợ em, cuộc tình đã lỡ, cuộc tình đã lỡ, anh còn nợ em.

Đó là bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Anh Bằng, phổ thơ Phạm Thành Tài. Nhưng có lẽ không nhiều người biết Phạm Thành Tài không chỉ là nhà giáo, nhà thơ mà còn là lương y tham gia sinh hoạt và viết sách xuất bản ở Câu lạc bộ Châm cứu Sông Bé vang bóng một thời.

Trưa nay, thấy một stt trên mạng xã hội dẫn lại một bài viết có thông tin Thi sĩ Phạm Thành Tài sinh năm 1932 và mất năm 1997. Quê quán ở quận Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa. Ông từng bị tù cải tạo sau năm 1975, đi qua Mỹ qua diện HO và học lấy bằng Đông Y Bác Sĩ ( OMD- Oriental Medical Doctor ).

Tôi liền vùng dậy, lục tìm cuốn sách “PHỐI HUYỆT CHÂM CỨU CHỮA BỆNH KINH ĐỚI TRONG PHỤ KHOA” của lương y Phạm Thành Tài trong tủ sách của mình, và thêm vài cú nhấp chuột tôi mới khẳng định được vị lương y này chính là tác giả lời ca của nhạc phẩm nổi tiếng đó.

Nguyên văn bài thơ của tác giả:
ANH CÒN NỢ EM
Anh còn nợ em
Công viên ghế đá
Công viên ghế đá
Lá đổ chiều êm
Anh còn nợ em
Dòng xưa bến cũ
Dòng xưa bến cũ
Con sông êm đềm
Anh còn nợ em
Chim về núi nhạn
Trời mờ mưa đêm
Trời mờ mưa đêm
Anh còn nợ em
Nụ hôn vội vàng
Nụ hôn vội vàng
Nắng chói qua song
Anh còn nợ em
Con tim bối rối
Con tim bối rối
Anh còn nợ em
Và còn nợ em
Cuộc tình đã lỡ
Cuộc tình đã lỡ

Anh còn nợ em

Về bối cảnh ra đời bài thơ, có thông tin cho biết có một phụ nữ kể lại câu chuyện tình của cô bạn thân của cô với một thanh niên học cùng trường nhưng hơn mấy lớp ở Ninh Hoà. Chàng và nàng quen nhau từ thủa học trò. Đỗ tú tài, chàng vào Sài Gòn, rồi sau đó du học Mỹ, nàng thì ở lại quê làm cô giáo trường làng. Ra đi, chàng bảo nàng yên tâm đợi chàng về. Nhưng rồi sau đó được tin chàng đã lấy vợ, một người con gái học thức, sang giàu, nàng đau khổ một thời gian rồi cũng lấy chồng. Sau 1975, một lần họp đồng hương Ninh Hoà ở Mỹ, người phụ nữ kể chuyện gặp lại chàng, biết cô sắp về thăm quê, chàng gửi ít tiền về biếu nàng ngày xưa, vốn là bạn thân của cô. Nàng sống ở quê cùng chồng là thương phế binh chế độ cũ, với năm con, nghèo lắm nhưng từ chối món tiền của chàng. Qua Mỹ, đến thăm chàng trong ngôi nhà cao đẹp, nhưng một mình vì đã li di vợ, có đứa con trai cũng sống với mẹ. Người phụ nữ kể lại câu chuyện, chàng ngậm ngùi nói “anh còn nợ em”.

Theo một bài viết trên trang tranchiphuc.com, Nhạc sĩ Anh Bằng kể rằng đọc tập thơ nhỏ của Phạm Thành Tài, có mấy bài thơ ngắn, rồi thích thú phổ thành bản Anh Còn Nợ Em. Lời ca như sau (chỉ thay 1 từ) :

“Anh còn nợ em, công viên ghế đá, công viên ghế đá, lá đổ chiều êm. Anh còn nợ em, giòng xưa bến cũ, giòng xưa bến cũ, con sông êm đềm. Anh còn nợ em, chim về núi nhạn, trời mờ mưa đêm, trời mờ mưa đêm. Anh còn nợ em, nụ hôn vội vàng, nụ hôn vội vàng, nắng chói qua rèm. Anh còn nợ em, con tim bối rối, con tim bối rối, anh còn nợ em. Và còn nợ em, cuộc tình đã lỡ, cuộc tình đã lỡ, anh còn nợ em.”

Trong mỗi đoạn nhạc, có 4 câu thơ mà có câu lập lại hai lần, toàn bài câu “anh còn nợ em” lập lại 8 lần; đó là nét riêng của ca khúc và lập lại mà nghe không chán.

Khi bài hát phổ biến, nhạc sĩ Anh Bằng nhờ người tìm tác giả bài thơ và khi tìm được thì thi sĩ Phạm Thành Tài đã qua đời hơn mười năm. Ông chép tay bài nhạc Anh Còn Nợ Em và tặng cho người vợ của thi sĩ làm kỷ niệm.

20.10.2021

P.C.T

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *