Hải Thượng Lãn Ông và ý tưởng Hội quán Đông y
06/10/2023
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không những là đại danh y xứng đáng được suy tôn là Y tổ Việt Nam, mà còn là nhà thơ, nhà văn, danh nhân văn hóa với trí tuệ lớn, tâm hồn lớn, nhân cách lớn.
Rằm tháng Giêng hằng năm là ngày giỗ của Hải Thượng Lãn Ông (1720-1791). Có lẽ suốt hơn 200 năm qua, trong tâm thức bao thế hệ thầy thuốc đông y dược Việt Nam không năm nào không thắp lên nén nhang tưởng niệm tác giả bộ sách Hải Thượng y tôn tâm lĩnh, bộ sách gối đầu giường hay Bách khoa toàn thư về y dược cổ truyền (YDCT) Việt Nam.
Nét đẹp văn hóa
Sinh thời, Hải Thượng Lãn Ông rất chăm lo việc phụng sự, thờ cúng các bậc tiên sư thầy tổ của mình và luôn dạy dỗ học trò thực hiện các nghĩa vụ ấy. Trong phần phụ lục phụng tiên sư lễ nghi trong tập đầu bộ sách Hải Thượng y tôn tâm lĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đã viết: “Tôi bỏ công danh, theo học nghề y, đã hơn mười năm khổ tâm cầu đạo, ở chốn núi rừng hẻo lánh, trên không có thầy giỏi để thờ, dưới không có bạn hiền để cậy, một mình ra sức tìm tòi, đến khi đọc bộ Cẩm nang bí lục mới thấu ngộ được diệu dụng âm dương, chân cơ thủy hỏa.
Rồi gặp cảnh nhà hai đứa con gái đều ốm nặng ngặt nghèo, mạng sống dường như treo trên sợi tóc, tưởng chừng không còn cách nào cứu chữa, tôi chỉ đem phương thuốc thủy hỏa dốc sức vãn hồi, cuối cùng đều được cứu sống, từ đó ứng dụng chữa bệnh rộng rãi trong gia đình cũng như ngoài làng xã đều thành công.
Cảm kích vô cùng nên tôi đã dùng giấy bút vẽ thần tượng của Trương Công (tức Phùng Triệu Trương, tác giả bộ Cẩm nang bí lục), dọn một phòng sách để sớm tối lo hương đèn báo đáp ân đức sâu nặng của ngài. Lại lưu tiền lễ của học trò mỗi người một quan giao người giữ lấy lãi, cộng với khoản thu một phần sáu mươi trong số tiền thuốc bệnh nhân hậu tạ, hằng năm chọn ngày đầu xuân cùng với học trò sắm lễ cúng tế”.
Đoạn sau, Hải Thượng Lãn Ông ghi chép cẩn thận toàn bộ lễ nghi, từ việc thiết lập bàn thờ, bài trí bài vị không chỉ riêng Phùng Thị tiên sư mà chung cho toàn bộ lịch đại tổ sư từ Thần Nông, Phục Hy, Hoàng Đế đến chư vị thánh sư, hiền sư, tiên sư…, cùng các bài cáo thỉnh, văn tế chi tiết cho từng dịp lễ, với ý nguyện để lại cho học trò đời sau có chí học ngành y noi theo báo đáp các bậc thầy tổ. Rất tiếc, nguyên bản phần này bị lược bỏ trong bản dịch tiếng Việt của Viện Đông y Hà Nội trước đây, phải chăng do tư duy ấu trĩ một thời cho các việc liên quan đến thờ cúng là mê tín? Hy vọng một ngày gần đây khi tái bản bộ sách Hải Thượng y tôn tâm lĩnh, NXB Y học sẽ khôi phục chương sách này, bởi đó chính là một biểu hiện của đạo lý uống nước nhớ nguồn, một mạch ngầm văn hóa tâm linh xuyên suốt lịch sử dân tộc, một nét đẹp văn hóa Việt Nam đã và đang được phát huy không ngừng.
Không gian văn hóa y dược cổ truyền
Trở về với những vấn đề của cuộc sống hôm nay, phụng sự thầy tổ đối với chúng ta không chỉ bó hẹp trong việc tưởng niệm thờ cúng, mà chính yếu và quan trọng hơn cả là làm sao để bảo tồn, kế thừa, phát huy và phát triển vốn quý YDCT. Đó chính là cách thức hay nhất để báo đáp ân đức thầy tổ.
YDCT là di sản văn hóa dân tộc và bản chất của YDCT là một ngành y học dưỡng sinh có tính dự phòng rất cao. Để hưởng ứng thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” của thành phố Đà Nẵng, chúng tôi đã mạnh dạn kiến nghị các cấp lãnh đạo cho phép thành lập một Hội quán Đông y – không gian văn hóa YDCT tại khuôn viên cơ sở 2 của Bệnh viện Y học cổ truyền (342 Phan Châu Trinh, quận Hải Châu).
Hội quán Đông y không chỉ là nơi khám chữa bệnh, cung ứng thuốc theo tinh hoa dưỡng sinh Đông y, mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu, thực hành, huấn luyện về YDCT của các thầy thuốc và bệnh nhân, các nhà nghiên cứu và sinh viên, hội viên các hội nhóm dưỡng sinh, người cao tuổi… có chung mối quan tâm nâng cao tri thức YDCT để bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh tật, xây dựng lối sống lành mạnh, nâng cao chất lượng sống.
Hội quán Đông y lấy châm ngôn “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần/ Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình” của các Y tổ Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông… làm ý tưởng chủ đạo xuyên suốt mọi hoạt động; cũng như thiết kế xây dựng với khuôn viên sân tập và các gian nhà xưa vừa là nơi khám chữa bệnh, đặt quầy thuốc Đông dược, trưng bày các vật dụng dao cầu, thuyền tán, ấm sắc thuốc, bào thuốc, liễn đối, thư pháp, tranh, tượng, di cảo sách vở Đông y… Đặc biệt, còn có bộ sưu tập các chậu cây con thuốc mẫu, có nhãn ghi tên, dược tính, công năng, bài thuốc ứng dụng…
Hội quán Đông y sẽ là một mô hình sáng tạo, mang tính đặc thù ngành YDCT nói chung và YDCT Đà Nẵng nói riêng để hưởng ứng “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” với mục tiêu nâng cao chất lượng sống, xây dựng nếp sống lành mạnh, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần quảng bá thương hiệu thành phố Đà Nẵng xanh – sạch – đẹp, thân thiện, mến khách, văn minh…; qua đó thu hút, giữ chân và khuyến khích du khách trong và ngoài nước quay trở lại Đà Nẵng.
Ý tưởng trên đã được kiến nghị trực tiếp với Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vào chiều 25-2 khi ông đến thăm và chúc mừng Bệnh viện Y học cổ truyền nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2). Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã đánh giá cao ý tưởng này và khuyến khích lãnh đạo Bệnh viện Y học cổ truyền nên tổ chức thực hiện. Hy vọng việc xây dựng mô hình Hội quán Đông y sẽ tiếp nối truyền thống phụng sự thầy tổ, tô điểm thêm nét đẹp văn hóa Việt Nam trong năm “Văn hóa, văn minh đô thị 2015” của thành phố Đà Nẵng.
PHAN CÔNG TUẤN
https://baodanang.vn/channel/5399/201503/hai-thuong-lan-ong-va-y-tuong-hoi-quan-dong-y-2398581/
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 9
- Tất cả: 38093