Từ tâm bão Xangsane… nhìn về lâu đài Đông y kỳ vĩ
04/10/2023
Năm 2006, những trận cuồng phong từ Chanchu, đến Xangsane, rồi Durian đã cướp đi hàng trăm sinh mạng, hàng ngàn ghe thuyền, hàng vạn ngôi nhà và công sở, tổng giá trị thiệt hại vật chất lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Để học lại bài học sống chung với bão lũ, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với thiên tai , chính quyền và nhân dân một số tỉnh thành miền Trung, miền Nam đã phải trả một cái giá quá đắt.
Còn ngành Đông y dược nước nhà, liệu có thể rút ra được bài học gì khả dĩ chống chọi được với cơn bão dư luận “đông y sẽ đi về đâu?” (xem báo Tuổi trẻ ngày 24/10/2006) từ phương bắc tràn về, lúc rầm rộ, lúc âm ỉ, đã mấy tháng nay mà vẫn chưa chấm dứt?
Bài viết này mong được chia xẻ cùng bạn đọc một góc nhìn riêng của tác giả về hai đề tài tưởng chừng như không có liên can gì…
TỪ TÂM BÃO XANGSANE…
Khi cơn bão Xangsane vừa đi qua, dù phòng mạch (cũng là văn phòng đại diện CTQ) của tôi bị tốc mái một phần, nước mưa tràn vào làm ướt nhèm cả dàn máy vi tính, máy in và một tủ sách báo, nhưng tôi vẫn bỏ mặc để vội vã cưỡi xe máy lao về quê vì nóng lòng muốn biết tin tức của gia đình (khi ấy tất cả hệ thống điện thoại liên lạc đã tê liệt!).
Trên chặng đường 15km, từ cầu vượt Hoà Cầm- cửa ngõ tây-nam TP.Đà Nẵng đến nhà máy Ciment Hoà Khương, bày trước mắt tôi là cảnh tượng cây cối, cột điện ngã đổ ngỗn ngang, xà ghồ, tôn lợp bay nằm la liệt, nhà cửa tốc mái toang hoang đến 80-90%, một số nhà sập hoàn toàn chỉ còn là đống gạch vụn,… Có một điều làm tôi hết sức ngạc nhiên, chỉ ghi nhận mà chưa lý giải kịp là trong khi hầu hết các ngôi nhà mái tôn mới làm bị tốc mái thì tất cả các ngôi nhà ngói cũ có tuổi thọ vài ba thập niên vẫn trụ được nguyên lành…
Về đến nhà, thật vui mừng khôn xiết khi gặp lại mẹ và người anh tật nguyền của tôi trong ngôi nhà cũ kỹ. Điều tôi lo lắng thắc thỏm trên suốt đoạn đường về đã không xảy ra: ngôi nhà dù chỉ xây chủ yếu bằng vôi đã gần 30 năm, dù sụt móng nứt tường đã lâu mà không hề sập, hai mái nhà vẫn còn nguyên, chỉ bị dỡ đi một hàng tôn hiên trước. Ngước nhìn lên, mắt tôi chợt sáng lên khi bắt gặp sườn gỗ trên trần nhà. Nhà tôi làm từ sau ngày giải phóng, dù lợp tôn nhưng sườn nhà theo kiểu nhà rường cổ với đôi cây trính câu đầu hai tường ngang, trên có 4 cột đội đỡ 4 vì kèo, ngoài ra còn có 6 cây xuyên sắp thành hai hàng nối hai tường bên với cặp trính, trên cùng là 9 cây đòn tay gác song song trên các vì kèo chạy suốt 3 gian nhà. Cả sườn nhà khớp nối nhau bằng mộng hay con sẻ (chốt tre) tạo thành khung kết cấu chịu lực vừa chắc chắn vừa cơ động linh hoạt, phải chăng nhờ vậy mà ngôi nhà đủ sức chống chọi với cơn “siêu bão” Xangsane? Đây chính là ưu thế mà các ngôi nhà “tiện lợi” đời nay làm theo kiểu chỉ xây tường rồi gác đòn tay và lợp tôn không có được, nên nhanh chóng bị tốc mái khi gió bão quét qua. Phải chăng, cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, trong kiến thiết xây dựng nhà cửa ngày nay chúng ta đã đánh mất nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu của ông cha chúng ta đúc kết từ hàng thế kỷ “sống chung với bão lũ” ?
Mấy hôm sau, tình cờ lật tờ báo Tiền Phong ngày 4/10/06, đọc bài “Kỳ lạ phố cổ Hội An”, tôi như muốn reo lên khi đọc thấy thông tin thống kê có ít nhất 16 ngôi nhà cổ đã bị hư hại, nhưng điều lạ là không có ngôi nhà nào bị sập. Có một đồng nghiệp người Hội An cho biết: Nhà cổ Hội An, trừ một số nhà do xuống cấp quá nặng, không trùng tu, có xảy ra đổ sập, còn lại, mấy trăm năm qua, bão chưa từng làm sập. Người xưa làm nhà đã tính kỹ càng phong thuỷ, nhà thấp, ken sát, nên gió vào chỉ nghe tiếng rít trên đường phố. Đó quả là điều kỳ diệu. Cho nên đã từng có một luận án tiến sĩ về “Gió Hội An”…
Niềm vui nho nhỏ vì có người đồng điệu với “phát minh” về tác dụng chống bão của nhà cổ trong lòng tôi chưa kịp nguôi ngoai thì một nỗi niềm băn khoăn lớn hơn ập đến, khi chợt liên tưởng đến lâu đài Đông y kỳ vĩ đang có nguy cơ bị đơn giản hoá, sơ lược hoá theo kiểu các ngôi nhà “tiện lợi” thời nay.
NHÌN VỀ LÂU ĐÀI ĐÔNG Y KỲ VĨ
Có người quan niệm Đông y như một ngành khoa học, một nền học thuật, một kỹ – nghệ hay một cây nhân sinh, cũng có kẻ thấy Đông y như một cần câu cơm hay một tấm bùa … Riêng tôi, luôn hình dung Đông y như một toà lâu đài, phải chăng trước hết là do tính cấu trúc hệ thống của nó ?
Đông y là là một khoa học thực nghiệm có lịch sử tồn tại và phát triển hàng ngàn năm, có hệ thống lý luận độc đáo và khái niệm đặc thù hoàn chỉnh, có nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán điều trị và phương pháp thực hành cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực cho quảng đại quần chúng trong công tác phòng trị bệnh tật, nâng cao sức khoẻ, an vui và hạnh phúc.
Nền móng của lâu đài Đông y là cơ sở triết học với các học thuyết Âm dương, Ngũ hành đã khá quen thuộc trong các giáo trình Đông y chính thống của VN lẫn TQ. Nhưng thực ra viên đá tảng của nền móng này chính là Nguyên khí luận hay Khí nhất nguyên luận lại rất ít được nhắc đến. Rất may cho tôi, trước khi đọc được tiết Khí nhất nguyên luận trong cuốn sách Trung y cơ sở lý luận mới tải được từ mạng Internet tiếng Hoa gần đây, từ lúc mới vào nghề đã đọc được một số chương viết về khí hoá luận khá sớm và khá hay tản mác trong các tác phẩm của Phạm Văn Điều (1957), Trần Văn Tích (1974) và Trương Thìn (1980). Theo tôi, hiểu được nguyên lý cơ bản của Khí nhất nguyên luận, người học Đông y sẽ không còn băn khoăn đến các vấn đề có phải Đông y là duy vật thô sơ hay duy tâm chủ quan như nhiều người gán ghép, mà sẽ siêu vượt lên để khám phá những chân trời mới lạ kỳ vĩ hơn nhiều.
Trụ cột của lâu đài Đông y có phần dễ thấy hơn đó là các học thuyết tạng tượng, kinh lạc; các khái niệm tinh, khí, thần, huyết, tân dịch. Tường vách của lâu đài là các khoa học cơ bản như Chẩn đoán học, Đông dược học, Phương tể học và các phân khoa Đông y lâm sàng như Nội khoa, Ngoại khoa, Phụ khoa, Nhi khoa, Châm cứu khoa… Nhưng mái che bao trùm lâu đài là những đặc trưng quan niệm chỉnh thể “nhân thân tiểu vũ trụ”, “thiên nhân hợp nhất”, là phương pháp tư duy biện chứng, là vũ trụ quan, nhân sinh quan trong cái nhìn sâu thẳm xuyên suốt giữa bất dịch- giao dịch và biến dịch…
Có phải Hải Thượng Lãn Ông đã từng chớp được cái nhìn kia trong một khoảnh khắc nào đó chăng để rồi thốt lên câu thơ bất hủ : “Y đạo năng cùng lý/ Vong cơ khả định thiền” (Đạo Y hiểu thấu tận cùng / Soi lòng vắng lặng chứng thông lẽ Thiền)?
Phải rồi, Đông y là Y Đạo!
Y là y Quốc – y Dân, nào chỉ y Nhân – y Bệnh.
Bệnh là bệnh Khổ – bệnh Sầu, riêng đâu bệnh Đau – bệnh Chết.
Đông y là cả một lâu đài, là cả một bầu khí quyển để chúng ta ăn, chúng ta ở, chúng ta thở, chúng ta sống, sống an lạc, sống tỉnh thức trong từng phút giây.
Đông y là một thực thể văn hoá sống động, minh triết và thực tiễn, dung hoà chi phối mọi hoạt động sống và ứng xử của con người phương Đông, chứ không đơn giản chỉ là một ngành khoa học ứng dụng với những kỹ thuật khám chữa bệnh khô khan.
Một nắm lá, vài cây kim có thể tạo nên nhiều điều kỳ diệu. Nhưng đừng xem nắm lá cây kim kia là cả lâu đài Đông y.
Tôi nói điều này không phải là thừa, bởi vì cách đây gần 6 năm trên hai số cuối tuần của một tờ báo đầu ngành đăng bài “Giữa mùa xuân nói thật về Đông y” đã tiên đoán “Đông y là nền y học của quá khứ…Hướng phát triển là kết hợp Đông –Tây y, dần dần tới mức Đông y hoà nhập hẳn thành một bộ phận của Tây y”. Tác giả còn viết như đinh đóng cột rằng: “Tôi có thể nhìn thấy trước được châm cứu sẽ trở thành một bộ phận của khoa vật lý trị liệu, phần còn lại của đông y sẽ nhập vào khoa Dược”.
Hỡi ôi, đó lại là bài viết của một vị bác sĩ Đông y dạy ở một trường đại học hẳn hoi.
Thành thật mà nói, bây giờ nghe có người lên tiếng đòi xoá bỏ Đông y, dù là trên blog cá nhân (nhật ký trên mạng) tận bên TQ, tôi không cho đó là chuyện lạ. Cũng tại TQ từ những thập niên đầu thế kỷ XX, những tập đoàn trí thức bản xứ phản động đã từng câu kết với các thế lực thực dân đế quốc ngoại bang đã âm mưu đề xướng bằng mọi giá phải loại bỏ Trung Y Trung Dược, hoặc là “khử Y tồn Dược” (loại bỏ Đông y, chỉ giữ lại Đông dược). Tại nước ta ngày 17/7/1943 thực dân Pháp từng có nghị định Decoux cấm mọi sự cải cách canh tân trong Đông y với những điều luật vô lý như cấm làm viên thuốc tròn giống thuốc tây, bao nhãn không được in tốt, số lượng không được làm nhiều, có làm thì làm bằng tay không được làm máy, người muốn hành nghề không cần thi hay học mà chỉ cần đến một tiệm thuốc nào có môn bài hơn ba năm để đóng tiền xin xác nhận có tập sự ở đó là được…Thế nhưng, đúng như BS.Trần Văn Tích nhận định rằng “có lẽ chính chế độ áp bức của thực dân, chủ trương tru di tận diệt của đế quốc đã vô hình trung tạo tính miễn dịch cho Đông y, khiến Đông y có thể tồn tại và phát triển trong lòng các dân tộc Đông Á cho mãi đến bây giờ”.
Tôi muốn nói thêm đôi lời với các đồng nghiệp và bạn đọc, có lẽ chúng ta không cần phản ứng thái quá với các luận điểm đòi xoá bỏ Đông y, mà trái lại có lẽ nên cám ơn họ, bởi vì thật bình tâm mà lắng nghe, chính họ đã cảnh báo cho chúng ta biết bầu khí quyển Đông y đang bị ô nhiễm nặng, lâu đài Đông y đang có tà khí xâm nhập, mà tà khí thịnh là bởi chính khí suy. Vấn đề của chúng ta là cần bồi bổ nâng cao chính khí cho Đông y Đông dược, tái cấu trúc lâu đài Đông y bằng cách hiện đại hoá mà vẫn bảo tồn được tinh hoa cổ truyền, để Đông y Đông dược vững vàng tiến bước trên con đường hội nhập, hoà nhập mà không hoà tan, đủ sức trụ vững trong cơn bão “toàn cầu hoá” đang lan toả với tốc độ chóng mặt trên thế giới ngày nay.
12/2006
PHAN CÔNG TUẤN
(Bài đã đăng Sức Khỏe Cho Mọi Nhà và Tạp chí Cây Thuốc Quý)
Bài viết mới nhất
Chuyện Lão Lười: Hai lần chạm trán thầy Tàu
21/11/2024
khóc cười nghe ChatGPT bình thơ
19/11/2024
Thổ nhân sâm và Thổ nhân sâm ba cạnh
17/11/2024
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 9
- Tất cả: 38093