Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

“Trầm đất” Hương lâu

15/04/2024

Một bệnh nhân từ huyện Đông Giang (Quảng Nam) mang đến Nhà Điều dưỡng tình thương  Suối Hoa (Hòa Phú, Hòa Vang) một bó cây mà dân địa phương gọi là “Trầm đất”, vì rễ cây này phơi khô đốt lên có mùi thơm giống trầm, thường được dùng làm nguyên liệu sản xuất hương (nhang) cúng.

Phân biệt cây Hương lâu – Dianella ensifolia (trái) với Hương bài- Vetiveria zizanioides.

Vì thấy cây lạ nên các thầy thuốc ở đây nhờ tôi định danh. Qua tra cứu, chúng tôi xác định đó là cây Hương lâu, còn gọi là Huệ rừng, cây Bả chuột – Dianella ensifolia (L.) DC., thuộc họ Hương lâu – Phormiaceae.  Tài liệu Trung Quốc gọi cây này là Sơn gian lan (山菅兰), Sơn miêu nhi (山猫儿)…

Ở nước ta, cây này thường gặp mọc hoang trong rừng, các trảng cỏ từ bình nguyên đến cao nguyên. Cũng được trồng ở một số nơi (Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An) để đào lấy thân rễ và rễ vào cuối mùa thu, rửa sạch phơi khô, làm hương thắp.

Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam, đây là loài cây thảo sống lâu năm cao tới 1 – 2m, và có thân rễ nằm ngang. Lá hẹp hình dải dài tới 0,7m, rộng độ 3cm, không có cuống, có lá mọc từ rễ, có lá mọc trên thân, xếp hai dãy, các lá trên có dạng lá bắc và có kích thước nhỏ hơn. Cụm hoa chùy gồm nhiều xim ngắn mang nhiều hoa mọc gần nhau, cuống hoa có thể dài tới 1cm. Hoa màu trắng, vàng hay tim tím, bao hoa có 6 mảnh; nhị 6; bầu 3 ô. Quả nang màu lam hay màu tím sẫm, hình cầu, nhẵn, to cỡ 1cm; mỗi ô của quả chín chứa 1 – 3 hạt tròn. Ra hoa vào mùa hè.

Đáng lưu ý là toàn cây này rất độc (dùng rễ tươi giã vắt lấy nước trộn vào gạo rồi đem phơi khô, rang thơm làm thuốc bả chuột; có khi dùng dịch chiết từ thân và lá trộn với cơm, sao thơm hoặc phơi khô với mục đích trên).

Theo Đông y, Hương lâu có vị cay, tính ấm, có độc nhiều; có tác dụng khu phong, khử độc, sát trùng, tiêu thũng, tán ứ, giảm đau; nhưng chỉ dùng làm thuốc đắp ngoài (giã bó hoặc xay bột tẩm giấm hay rượu đắp lên) trị ung nhọt nung mủ, sưng ngứa, lở loét, chấn thương té ngã, viêm hạch bạch huyết, lao hạch… Tuyệt đối không được uống trong.

Người và gia súc trúng độc Hương lâu, có biểu hiện nấc cụt, khó thở, có thể dẫn đến tử vong, cần sớm đưa vào bệnh viện xử lý cấp cứu. Theo Quảng châu thảo dược giới thiệu, sơ cứu bằng cách cho uống huyết vịt hoặc huyết dê cho đến khi nôn mửa, sẽ giải tống xuất bớt độc dược.

Lưu ý: Cây Hương lâu nói trong bài này có một số tác giả nhầm gọi là Hương bài, tránh nhầm lẫn với Hương bài, tức Cỏ hương bài – Vetiveria zizanioides (L.) Nash ex Small., thuộc họ Lúa – Poaceae, được trồng lấy rễ cất tinh dầu và lấy thân lá làm thức ăn gia súc, được khuyến khích trồng khắp thế giới nhằm giảm nhẹ thiên tai, chống sạt lở các công trình giao thông công cộng. Đó cũng là loài cây thuốc có rễ thơm có thể nấu nước gội đầu hay làm hương thắp, nhưng không độc, chúng tôi sẽ giới thiệu kỹ hơn vào dịp khác.

PHAN CÔNG TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *