Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Ké khuyết

14/04/2024

Ké khuyết, tên chữ Hán là Phạn thiên hoa (梵天花), Địa miên hoa (地棉花)… Tên khoa học Urena sinuata L. (tên đồng nghĩa U. procumbens L.; hoặc U. lobata var. sinuata (L.) Gagnep.), thuộc họ Bông – Malvaceae.

Đây là loài cây nhỏ cao 30-60cm, thân non có lông. Lá hình tim gần như tròn, dài 1,5-2,5cm, có 3-6 thùy sâu từ 1/3 đến 1/2, có lông mịn. Hoa đơn độc ở nách lá, màu hồng; lá đài phụ hẹp; ống nhị sinh sản ở 1/4 cuối. Quả nang có gai móc. Loài này phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc rải rác ở nhiều nơi, nhất là ở vùng đồng bằng. Có thể thu hái toàn cây và rễ quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô dùng dần.

Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam, Ké khuyết có vị đắng, tính bình; có tác dụng khu phong trừ thấp, giải độc tiêu thũng. Cũng dùng như Ké hoa đào (đã nói bài trước). Ở Ấn Độ, rễ cây được dùng đắp ngoài trị chứng đau thắt lưng. Ở Trung Quốc, cây được dùng trị: Phong thấp tê đau, lưng gối đau mỏi, đòn ngã ứ tích sưng đau; rắn độc cắn, ung thũng sang độc. Liều dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài lấy cây tươi giã nát đắp.

Một số tài liệu Trung Quốc lại nói Ké khuyết có vị ngọt đắng, tính ôn, có tác dụng kiện tỳ trừ thấp, khu phong, hoạt huyết hóa ứ; chủ trị viêm gan siêu vi, tuyến giáp trạng sưng to, mệt mỏi yếu sức, trật đả tổn thương, đau khớp do phong thấp, mụn rộp, thống kinh, bạch đới (huyết trắng) quá nhiều, tầm ma chẩn (phong mày đay).

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc trích dịch từ các sách Dân gian Bách thảo lương phương (NXB Khoa học kỹ thuật Phúc Kiến) và Nam phương Trung thảo dược (NXB KHKT Quảng Tây):

1- Viêm gan siêu vi: Rễ Ké khuyết, rễ Mỏ quạ ba mũi (cây Chá), rễ Rung rúc (Lão thử nhĩ) mỗi thứ 30g; Mã đề kim (Hoàng đản thảo) 15g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 5 ngày.

2- Đau bụng kinh: Rễ Ké khuyết 15-30g, Ích mẫu thảo 15g. Sắc uống.

3- Phong độc lưu chú, mụn rộp: Toàn cây Ké khuyết 120g, Thịt dê 240g, thêm nửa nước nửa rượu hầm trong 3 giờ, uống.

4- Tuyến giáp trạng sưng to: Rễ Ké khuyết 60g, Thịt heo cỏ 90g. Lấy rễ Ké khuyết rửa sạch, phiến mỏng, phơi khô, sao qua, sắc lấy nước. Thịt heo hầm lấy nước, hòa với nước sắc thuốc, chia 2 lần uống. Mỗi ngày 1 thang.

5- Lao tổn dẫn đến đau ê thắt lưng, đùi vế: Rế Ké khuyết 60g, Ngũ gia bì 20g, Giò heo 1 cái. Dùng nửa nước nửa rượu hầm lửa nhỏ 2 giờ, thêm chút muối ăn cái uống nước.

6- Phù thũng do tim: Rễ Ké khuyết 30g, Thịt heo cỏ 60g. Rửa sạch thêm nước hầm 2 giờ, bỏ bã lấy nước chia uống 2 lần.

7- Té ngã tổn thương dạ dày gây nôn mửa ăn không được, ăn vào liền nôn ra: Rễ tươi Ké khuyết 60g, Đường đỏ 15g. Dùng nước sôi chưng lấy nước chia uống 3-5 lần.

8- Huyết trắng quá nhiều: Rễ Ké khuyết 30-50g, Thịt heo cỏ 90g. Rễ Ké khuyết thêm nước chưng 2 giờ, Thịt heo nấu riêng lấy nước canh hòa nước thuốc, chia uống 2-3 lần.

9- Mày đay: Hoa khô Ké khuyết 15g, hãm nước sôi uống trong ngày, liên tục 3-5 ngày.

PHAN CÔNG TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *