Ké hoa đào
13/04/2024
Ngày mới học thuốc, tôi được một bậc đàn anh chỉ cho một loài cây vốn mọc hoang đầy rẫy ven đường, trên các bãi đất trống và cho biết trong thời bao cấp, nhất là lúc xảy ra chiến sự biên giới Việt – Trung, các thầy thuốc Đông y đã dùng rễ vị thuốc này thay cho vị Hoàng kỳ. Gần đây, có nhu cầu tìm kiếm khai thác nguồn thuốc địa phương cho các cơ sở Tuệ Tĩnh đường ở huyện Hòa Vang, tôi đã tìm hiểu và xác định được đó là cây Ké hoa đào.
Ké hoa đào hay Ké hoa đỏ có tên khoa học Urena lobata Linn. Họ Bông – Malvaceae. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS,TS Đỗ Tất Lợi chép: “Ké hoa đào là một cây nhỡ cao chừng 1m, có cành mang nhiều lông mịn hình sao. Lá gần tròn, đường kính 4-6cm, có khi tới 9cm, gân lá hình chân vịt (gồm 3 – 7 gân), mép có răng cưa và chia thùy, đầu lá nhọn phía cuối bằng hay hơi bằng, mặt trên màu xanh, mặt dưới màu tro nhạt có nhiều lông hình sao. Hoa có cánh màu hồng, mọc đơn độc hay thành đôi ở kẽ lá, đường kính chừng 1,7cm. Quả hình cầu dẹt, có lông, trên có những gai hình móc, đường kính 7-8mm, hạt có vân dọc và có lông gợn ngắn. Mùa hoa suốt hạ và thu. Người ta dùng toàn cây hoặc lá phơi khô hay dùng tươi. Thu hái tốt nhất vào mùa hạ và mùa thu”.
Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam (của TS.Võ Văn Chi), Ké hoa đào có vị ngọt dịu, tính mát, không độc, có tác dụng tiêu viêm trừ thấp, lợi tiểu. Công dụng: Rễ dùng chữa: Thấp khớp, đau khớp; Cảm cúm, viêm amidan; Viêm ruột, lỵ, tiêu hóa kém; Bạch đới; Sốt rét; Bướu giáp. Liều dùng 15 – 30g, dạng thuốc sắc. Để trị chấn thương bầm giập, gãy xương, viêm vú, rắn cắn, dùng cành lá giã đắp. Ở Ấn Độ, người ta dùng rễ làm thuốc đắp ngoài trị tê thấp. Có thể dùng phối hợp với các vị thuốc khác: để chữa lỵ, thêm lá cây Ba chẽ; để chữa rong huyết, thêm Mần tưới, Chỉ thiên, Mã đề; để chữa bạch đới, khí hư, thêm Chua ngút, Bòng bong lá to. Dân gian còn dùng rễ Ké hoa đào sắc uống chữa hen.
Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (nhiều tác giả, Viện Dược liệu), ngoài các phần mô tả, tính vị, công dụng tương tự ở trên, giới thiệu thêm 5 bài thuốc có ké hoa đào như sau:
1- Chữa lỵ, viêm ruột: Rễ hoặc toàn cây Ké hoa đào 30 – 40g, lá Ba chẽ 20g, thái nhỏ, sao vàng, sắc chia 2 lần uống trong ngày. Có thể dùng riêng, toàn cây 40 – 50g, chặt nhỏ, sao vàng, sắc uống.
2- Chữa trẻ em tiêu hóa kém: Rễ tươi Ké hoa đào, rửa sạch, giã ép lấy nước, mỗi lần cho trẻ uống 4 thìa cà-phê, ngày 2 lần, uống liền 4 ngày.
3- Chữa rong kinh, rong huyết: Rễ Ké hoa đào, Mần tưới, Chỉ thiên, Mã đề, mỗi vị 20g. Sắc uống.
4- Chữa khí hư bạch đới: rễ Ké hoa đào, Chua ngút, Bòng bong lá to, mỗi vị 20g, sắc uống.
5- Chữa thủy đậu: Hoa Ké hoa đào phối hợp với hoa Ké hoa vàng mỗi vị 5 – 10g, ăn cùng với cùi dừa.
PHAN CÔNG TUẤN
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 35
- Tất cả: 38038