CẨU TÍCH – bổ dương đệ nhất… rẻ
08/04/2024
Đọc tựa bài trên, có thể có người… Hán rộng liên hệ đến nguyên nghĩa “xương sống chó” của “Cẩu tích”, mà tưởng lầm bài này quảng cáo cho một món ăn canh hầm bồi dưỡng sinh lực cho quý ông. Xin thưa, Cẩu tích đây là thân rễ một loại khuyết thực vật (dương xỉ thụ trạng), là lựa chọn hàng đầu trong nhóm thuốc bổ dương tại các Tuệ Tĩnh đường, không chỉ vì giá rẻ hợp với ngân quỹ eo hẹp của cơ sở thuốc nam từ thiện, mà còn do nhiều công năng tác dụng rất quý nhưng đôi khi vì lắm tiền mà người ta chưa thấy hết giá trị của chúng. Nếu chưa tin, mời các bạn đọc hãy đọc các tài liệu do chúng tôi kết tập dưới đây và thử nghiên cứu ứng dụng khi có cơ hội.
XEM MẶT, ĐẶT TÊN
Cẩu tích, tên khoa học là Cibotium barometz J. Sm. (tên đồng nghĩa: Dicksonia barometz L.), thuộc họ Cẩu tích – Dicksoniaceae., (có tài liệu dịch là họ Kim mao, Lông cu li hay họ Dương xỉ vỏ trai).
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam (TĐCTVN), Cẩu tích có thân thường yếu, nhưng có thể cao 2,5-3m. Lá lớn có cuống dài 1-2m, màu nâu nâu, ở phía gốc có vẩy hình dải rất dài màu vàng và bóng phủ dày đặc. Phiến dài tới 3m, rộng 60-80cm. Các lá lông chim ở phía dưới hình trái xoan- ngọn giáo dài 30-60cm. Lá lông chim bậc hai hình dải – ngọn giáo, nhọn lại chia thành nhiều đoạn thuôn, hẹp; mặt trên lá màu lục sẫm, mặt dưới màu lục lơ; trục lá không lông; các gân của các lá chét bậc hai có lông len. Ổ túi bào tử 1 hay 2, có khi 3 hay 4 ở về mỗi bên của gân giữa bậc 3; các túi màu nâu nâu, có 2 môi không đều nhau; cái ở ngoài hình cầu, cái ở trong hẹp hơn, thuôn.
Thân rễ – Rhizoma Cibotii, thường gọi là Cẩu tích, Lông phủ ngoài thân rễ cũng được dùng. Do thân rể vị thuốc (cả lông) khi chưa thái trông giống lưng con chó nên được tên Cẩu tích (cẩu là chó, tích là xương sống hay sống lưng).
Cây phân bố rất rộng rãi ở ven rừng phục hồi sau nương rẫy và trên các trảng cây bụi hoặc nơi đất ẩm gần bờ khe suối, rừng núi ở khắp các tỉnh từ Lào Cai, Hà Giang, qua Quảng Nam-Đà Nẵng đến Lâm Đồng. Thu hoạch thân rễ quanh năm, tốt nhất vào mùa thu- đông, cắt bỏ rễ con và cuống lá, cạo hết lông vàng để riêng. Rễ củ đã cạo hết lông, rửa sạch, thái phiến hay cắt từng đoạn dài 4-10mm, phơi hay sấy khô. Cần bảo quản nơi khô ráo. Khi dùng tẩm dược liệu với rượu để một đêm rồi sao vàng.
Cẩu tích hiện diện trong cuốn sách Đông dược đầu tiên là Thần Nông bản thảo kinh cách đây trên hai ngàn năm với một tên khác là Bách chi. Sau đó Ngô Phổ bản thảo gọi là Cẩu thanh, Cường đốc ; Danh y biệt lục gọi là Phù cái, Phù cân; ngoài ra có nhiều tên khác nữa trong y văn Trung quốc như: Kim mao cẩu tích, Kim cẩu tích, Hoàng cẩu đầu, Kim mao sư tử, Mao cẩu nhi, Kim ty mao, Kim phù cân, Kim miêu mị, Lão hầu mao. Tài liệu Việt nam cũng gọi nhiều tên như Cây lông khỉ, Lông cu li, Cù lần, Cù liền, Co cút pá (Thái), Cút báng (Tày), Nhài cù viằng (Dao), Đạng pàm (K’ho)…
Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở VN , có 3 cây dễ nhầm lẫn với Cẩu tích: cây Áo cốc (Dennstaedtia scabra (Wall.) T. Moore, họ Áo cốc (Dennstaedtiaceae); cây Lá lược (Microlepia speluncae (L.) T. Moore cùng họ Áo cốc; cây Vảy lợp (Davallia divaricata Blume), họ Vảy lợp (Davalliaceae).
GS.Đỗ Tất Lợi xếp Cẩu tích vào nhóm thuốc chữa tê thấp, đau nhức. Nhưng các tài liệu của trường Đại học Y Hà Nội, GS.Hoàng Bảo Châu, GS. Trần Văn Kỳ,… cũng như một số các giáo trình Trung quốc như Tân biên Trung y học khái yếu đều xếp Cẩu tích vào nhóm thuốc bổ, cùng phân nhóm bổ dương với các vị thuốc khác như Lộc nhung, Tắc kè, Nhục thung dung, Cốt toái bổ, Ba kích, Đỗ trọng,… Có lẽ Cẩu tích là vị thuốc rẻ nhất trong nhóm bổ dương (giá hiện nay 20.000/ kg), vì vậy người viết bài này gọi tếu là « bổ dương đệ nhất… rẻ ».
CÔNG NĂNG, CHỦ TRỊ:
Thành phần hóa học:
Theo TĐCTVN, thân rễ Cẩu tích chứa tinh bột (30%) và aspidinol, lông vàng ỏ thân rễ có tanin và sắc tố.
Theo Yuan Zhong và cộng sự (1996) đã phân lập từ thân rễ Cẩu tích nhiều hợp chất và nhận dạng là β-sitosterol, acid stearic, daucosterol, acid protocatechuic, acid cafeic (CA 125 67940, dẫn theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở VN, tập I, tr.368).
Theo Trung Hoa bản thảo, Cẩu tích có các hoạt chất: pterosin R, onitin, onitin-2-O-β-D-Glucoside, onitin-2′-O-β-D-alloside, ptaquiloside, pterosin Z.
Tác dụng dược lý:
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở VN cho biết thân rễ Cẩu tích đã được nghiên cứu dược lý và nhận thấy có tác dụng chống viêm, tác dụng ức chế chủ yếu giao đoạn viêm cấp tính, tác dụng yếu trên giai đoạn mạn tính của phản ứng viêm. Nó có độc tính thấp. Một bài thuốc bổ thận của Đông y gồm 9 vị, trong đó có Cẩu tích (chiếm 15% trọng lượng) đã được thử dược lý và chứng minh có tác dụng gây động dục kiểu oestrogen trên chuột nhắt cái.
Gần đây, một thông tin trên báo Tuổi trẻ ngày 20/10/2009, dẫn nguồn Journal of Natural Products cho biết các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Quốc gia Chungnam (Daejeon, Hàn Quốc) cùng cộng sự tại VN vừa cho biết chiết xuất từ cây Cẩu tích có thể giúp điều trị chứng loãng xương. Theo các nhà khoa học, hoạt chất này có thể giúp ức chế hoạt động của các tế bào tiêu xương, ngăn ngừa quá trình gãy xương. Vì vậy trong tương lai một loại thuốc mới điều trị chứng loãng xương sẽ được bào chế dựa trên hoạt chất này.
Tính vị, công năng:
Về tính vị, Trung dược đại từ điển (TDĐTĐ) ghi “vị đắng ngọt, tính ấm”, nhưng có nêu thêm vài dị biệt: Thần Nông Bản thảo kinh nói vị đắng tính bình; Dược tính luận nói vị đắng cay, tính hơi nóng. Ngô Phổ bản thảo dẫn theo Đồng Quân, Hoàng Đế, Kỳ Bá, Lôi Công, Biển Thước nói vị ngọt, không độc, riêng họ Lý (Lý thị) nói tính ôn.
Về quy kinh, TDĐTĐ ghi nhập 2 kinh: Can, Thận; nhưng cũng dẫn thêm theo Lôi Công bào chế dược tính giải nói nhập 2 kinh: Thận, Bàng quang; Bản thảo tái tân nói nhập 3 kinh: Tâm, Can, Thận.
Về công năng chủ trị, theo TDĐTĐ, Cẩu tích “bổ can thận, trừ phong thấp, làm mạnh thắt lưng và chân, khiến khớp xương linh hoạt. Trị đau mỏi lưng, đau đầu gối, chân yếu, chứng tê đau toàn thân (chu tý) do hàn thấp, tiểu vặt, són tiểu, di tinh, bạch đới”. TDĐTĐ trích dẫn một số tài liệu tham khảo thêm:
- Thần Nông bản thảo kinh: Chủ trị lưng cứng đơ, cơ khớp lỏng lẻo hay co quắp, tê đau toàn thân do hàn thấp, đau đầu gối. Rất có lợi cho người già.
- Danh y biệt lục: Chữa tiểu són không nín được, đàn ông chân yếu, thắt lưng đau, tiểu buốt nhỏ giọt do phong tà, mắt mờ, hụt hơi, xương sống cứng đơ, co duỗi khó, bệnh phụ khoa, sưng khớp.
- Dược tính luận: Trị nam nữ chân yếu do phong độc, đau tê do thấp tà, thận khí hư nhược, bổ ích cho đàn ông, mạnh gân cốt.
- Bản thảo cương mục: Mạnh can thận, chắc khỏe xương, trị phong hư.
- Ngọc thu dược giải: Trừ thấp, khử hàn, giảm đau, chữa liệt, trừ thấp khí ở can thận, lợi khớp xương, thông các khiếu, mạnh gân cốt, chữa lưng đau gối mỏi, chân sưng đùi yếu, nam di tinh, nữ bạch đới.
- Cương mục thập di: Kim cẩu tích cầm máu các loại vết thương, trị đau tê lâu ngày (ngoan tý), loại cẩu tích màu đen lại có công hiệu sát trùng tốt.
- Bản thảo tái tân: Vững thận, dưỡng huyết, bổ khí.
- Nam Ninh thị Dược vật chí: Trị đau lưng do té ngã, đánh đập.
Theo TĐCTVN, Cẩu tích có vị đắng ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ can thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp. Người ta đã nghiên cứu tác dụng chống viêm, ức chế chủ yếu giai đoạn viêm cấp tính, cả tác dụng gây động dục kiểu oestrogen. Lông cẩu tích có tác dụng cầm máu có tính cơ học bằng cách hút huyết thanh của máu và giúp cho sự tạo máu cục, làm cho máu chóng đông. Công dụng chỉ định và phối hợp: Cẩu tích dùng chữa phong hàn, thấp tê đau lưng, nhức mỏi chân tay, khó cử động, đau dây thần kinh toạ, chứng đi tiểu són không cầm, di tinh, bạch đới. Ngày dùng 10-20g dạng thuốc sắc. Lông vàng quanh thân rễ dùng đắp ngoài chữa các vết thương chảy máu. Người ta thường để nguyên thân rễ với 4 gốc cuống lá tạo hình con vật 4 chân có lông vàng (Kim mao Cẩu tích) rồi phun rượu vào tạo ẩm cho lông mọc nhiều để lấy lông dùng cầm máu. Hoặc lấy đoạn thân rễ có lông đem treo lên, thỉnh thoảng lại phun rượu để lông mọc tiếp.
Bài thuốc ứng dụng:
- Bài thuốc kinh nghiệm chữa ngang lưng đau nhức: Cẩu tích 15g, Ngưu tất 10g, Đỗ trọng 10g, Sinh mễ nhân (Ý dĩ nhân sống) 12g, Mộc qua 6g. Nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Có thể hòa thêm 20ml rượu, nếu uống được rượu. (Những cây thuốc và vị thuốc VN).
- Chữa phong thấp, chân tay tê bại không muốn cử động: Cẩu tích 20g, Ngưu tất 8g, Mộc qua 12g, Tang chi 8g, Tùng tiết 4g, Tục đoan 8g, Đỗ trọng 8g, Tần giao 12g, Quế chi 4g, nước 600ml, sắc còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày. (TĐCTVN).
- Chữa thận hư, sống lưng đau mỏi, đái luôn, vãi đái, bạch đới, di tinh: Dùng Cẩu tích 15g, Thục địa 12g, Đỗ trọng 10g, Dây tơ hồng (sao) 8g, Kim anh 8g, sắc uống. (TĐCTVN).
- Chữa phong thấp đau nhức khớp xương, tay chân yếu mỏi hoặc bại liệt co quắp: Dùng Cẩu tích 15g, Tục đoạn 12g, Cốt toái bổ 12g, Đương quy 10g, Xuyên khung 4g, Bạch chỉ 4g, sắc uống. (TĐCTVN).
- Chữa đau lưng mỏi gối do thận hư yếu: Cẩu tích 20g, Rễ gối hạc 12g, Củ mài 20g, Rễ cỏ xước 12g, Bổ cốt toái 16g, Dây đau xương 12g, Thỏ ty tử 12g, Tỳ giải 16g, Đỗ trọng 16g. Sắc uống. (Cây thuốc và động vật làm thuốc ở VN).
Dưới đây là các bài thuốc dịch theo Trung dược đại từ điển:
- Chữa 5 loại đau lưng, mạnh chân khỏe gối: Cẩu tích 80g, Tỳ giải 80g (cắt nhỏ), Thỏ ty tử 40g (tẩm rượu 3 ngày, phơi khô, giã riêng). Tất cả tán bột, luyện mật làm hoàn, cỡ bằng hạt bắp. Mỗi ngày uống 30 hoàn lúc bụng đói (sáng sớm) và trước bữa ăn chiều. Uống thuốc với rượu ngâm Tỳ giải (chọn Tỳ giải loại mới, ngâm rượu vài tuần mới dùng). (Cẩu tích hoàn – Thánh Huệ phương).
- Trị tất cả các bệnh phong của nam và nữ: Kim mao cẩu tích (đốt sạch lông, chặt nhỏ), Tỳ giải, Tô mộc, Xuyên ô đầu (dùng sống), lượng đều nhau, tán bột mịn, lấy giấm gạo làm hoàn cỡ hạt bắp, mỗi lần uống 20 hoàn với rượu ấm hoặc nước muối nhạt. Bệnh phần trên uống sau ăn; bệnh phần dưới uống bụng đói. (Tứ bảo đơn – Phổ tế phương).
- Trị phong thấp cốt thống, lưng gối yếu rã: Thân rễ Kim mao cẩu tích 24g, Hương chương căn (rễ cây Long não) 16g, Mã tiên thảo (Cỏ roi ngựa) 16g, Đỗ trọng 29g, Tục đoạn 20g, Thiết cước uy linh tiên 12g, Hồng ngưu tất 8g. Ngâm rượu uống. (Quý Châu thảo dược).
- Cố tinh, khỏe xương: Kim mao cẩu tích, Viễn chí nhục, Bạch phục thần, Đương quy thân, lượng đều nhau, tán bột, luyện mật làm hoàn, cỡ hạt bắp, mỗi lần uống 50 viên với rượu. (Tần Hồ tập giản phương).
- Trị chân phù sau khi bệnh: Dùng Cẩu tích sắc nước nóng ngâm chân, kiêng khem ăn uống (không ăn mặn…) để dưỡng vị khí. (Thương hàn uẩn yếu).
- Trị đau lưng mà đi tiểu quá nhiều: Kim mao cẩu tích, Mộc qua, Ngũ gia bì, Đỗ trọng. Sắc uống. (Tứ Xuyên Trung dược chí).
- Trị thất nữ xung nhâm hư hàn, khí hư toàn huyết trắng: Lộc nhung (chưng giấm, sấy khô) 80g, Bạch liễm, Kim mao cẩu tích (đốt trụi lông) đều 40g. Tán bột, dùng nước giấm nấu ngải cứu quấy hồ bột nếp làm hoàn, cỡ hạt bắp. Mỗi lần uống 50 hoàn, uống với rượu ấm lúc bụng đói. (Bạch liễm hoàn – Phổ tế phương).
BÀN LUẬN VÀ KINH NGHIỆM
Trung dược đại từ điển có dẫn nhiều lời bình luận của các danh y về Cẩu tích, dưới đây chỉ tạm dịch lời bàn theo Bản thảo kinh sớ: “Cẩu tích, vị đắng nên táo thấp, vị ngọt nên ích huyết, tính ấm nên dưỡng khí, là vị thuốc bổ mà tẩu tán linh hoạt. Thận hư thì lưng và thắt lưng thường cứng, khớp xương có bệnh lơi lỏng hoặc co rút, (dùng Cẩu tích) tư bổ thận ích khí huyết thì lưng không cứng nữa, khớp xương không lỏng lẻo hay co quắp nữa. Người bệnh đau đầu gối và tê bại toàn thân do phong thấp, đó là bởi thận khí bất túc, nên phong hàn thấp xâm nhập vào; được (Cẩu tích) tư bổ thì phong hàn thấp tiêu tan, tê bại dứt hẳn, đầu gối vận động nhanh nhạy bình thường. Người già thận khí suy giảm, can huyết cũng vơi, nên gân cốt không mạnh, (dùng Cẩu tích) bổ thận và xương, nên rất có lợi cho người già. Tiểu són không nín được, là biểu hiện thận khí hư thoát. Nội Kinh nói “thắt lưng là phủ của thận”, nếu vận động không tốt, là thận sắp bị bại. Đó là nói chứng đau thắt lưng là do thận hư nên thấp tà thừa cơ xâm nhập; cũng là do khí huyết bất túc nên phong tà thừa cơ trú ngụ vậy. Bệnh tiểu khó, tiểu nhỏ giọt là do thận khí và đới mạch, xung nhâm đều hư gây nên. Thiếu khí (hụt hơi) là do dương hư. Mắt nhờ huyết đến nuôi dưỡng mà nhìn được, thủy vượng thịnh thì con ngươi tinh minh, can thận đều hư thì mắt sẽ lờ mờ. Bệnh phụ khoa, sưng khớp đều do huyết hư kiêm có thấp, (dùng Cẩu tích) trừ thấp và bổ ích thận, thì các bệnh tiêu trừ, xương sống vững vàng thì vận động cúi ngửa lưu lợi vậy”.
Phần kết bài này, người viết xin được chia sẻ một kinh nghiệm, với các kiến thức về Cẩu tích đã tra cứu trên đây, chúng tôi đã mạnh dạn ứng dụng Cẩu tích vi quân (vị thuốc chính) để điều trị thấp khớp, đau lưng, thần kinh tọa do thoái hóa cột sống, loãng xương… với liều sử dụng 30-45g/ thang thuốc sắc (gấp 3 lần liều chỉ định trong các sách: 10-15g) và chỉ cần phối hợp thêm vài vị thuốc nam khác (khoảng 6 -12g) như: hàn thấp gia Lá lốt, Quế chi; phong thấp gia Tỳ giải, Ngũ gia bì gai; huyết ứ gia Cỏ xước, Huyết đằng, … thường đem lại hiệu quả nhanh và mạnh hơn so với điều trị bằng cổ phương Độc hoạt ký sinh thang trước đó mà giá thành thang thuốc lại rất thấp. Một nhóm bệnh khác là khí hư thể thận suy (huyết trắng nhiều mà trong loãng) được chúng tôi dùng Cẩu tích vi quân phối hợp với tá dược Bạc thau, Bướm bạc, Bạch đồng nữ điều trị cũng rất hiệu quả.
Cần lưu ý không dùng Cẩu tích trong các trượng hợp thận hư có nhiệt, tiểu tiện ít mà vàng và buốt nóng, mồm đắng, lưỡi khô.
Sau cùng, xin giới thiệu một nhãn thuốc giúp nhớ tác dụng chính vị này tại Tuệ Tĩnh đường:
“CẨU TÍCH bổ thận ôn dương
Khí hư, thấp khớp, loãng xương nên dùng”.
PHAN CÔNG TUẤN
(CTQ số 180, 2011)
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 9
- Tất cả: 38093