BƯỚM BẠC lá ngọc hoa vàng
07/04/2024
Lần trang y dược phả
Dùng độc vị Bướm bạc sắc uống chữa bệnh khí hư bạch đới (viêm nhiễm phụ khoa) rất hiệu quả. Đó là kinh nghiệm của L.Y Nguyễn Đức Dũng, Phó Chủ tịch Hội Dược Liệu TP.Đà Nẵng truyền cho tôi trong một lần trò chuyện.
Hỏi về nguồn gốc dược liệu, L.Y Dũng cho biết Bướm bạc cũng như dây Kim ngân ông hay mua ủng hộ Tuệ Tĩnh Đường Hòa Nam là do một người buôn thuốc Nam từ Huế mang vào. Trước đây có lần bà lang Phú có gửi cho Tuệ Tĩnh Đường Lộc Quang một số dược liệu khô ghi tên là Bướm trắng, nhưng do chưa xác định rõ nguồn gốc cây thuốc nên chúng tôi chưa dám sử dụng. Tìm đến nhà bà Phú ở Quế Lộc (Nông Sơn, Quảng Nam, cách Đà Nẵng khoảng 80 km), tôi chụp được ảnh cây này trong một lùm bụi sau vườn nhà bà. Mang mẫu vật và hình ảnh về đọ với các sách cây thuốc của GS. Đỗ Tất Lợi, TS. Võ Văn Chi và Viện Dược Liệu, tôi xác định được đó chính là cây Bướm bạc – Mussaenda pubescens Ait. f., thuộc họ Cà phê – Rubiaceae. Tiếp tục tìm kiếm trong vòng bán kính 1km vùng bán sơn địa quanh Tuệ Tĩnh Đường Lộc Quang (Hòa Sơn, Đà Nẵng), tôi đã phát hiện có một số lùm bụi có Bướm bạc mọc hoang, tuy trữ lượng không nhiều, nhưng nếu sớm biết khai thác đi đôi bảo tồn, nhân trồng thì có thể đủ thuốc sử dụng lâu dài.
Tìm đọc lại một số báo SK-ĐS cuối tuần (ngày 8/3/2009), có bài viết về L.Y Nguyễn Đức Nghĩa – “Người lên rừng, xuống biển tìm cây thuốc”, tôi bắt gặp một đoạn có nói đến cây thuốc Bướm bạc như sau: “Năm 2000, bác Nguyễn Gia Trường nhà ở Q.3, TP.HCM gửi thư cho anh Nghĩa kể về chuyện cây bướm bạc đã giúp mẹ bác lành bệnh ung thư tử cung như thế nào… Trong thư có nói cây bướm bạc được lấy ở: “K10, gần cầu Hương Canh, cạnh bờ sông nhỏ, dây mọc thành bụi xoắn vào nhau…”. Anh Nghĩa thấy như trong lòng mình có cái gì đó thôi thúc và anh lên xe vespa ra Bắc, tìm đến Hương Canh, Vĩnh Phúc, nhưng không thấy dây bướm bạc nữa. Anh tìm đến Giáo sư Vũ Văn Chuyên để hỏi thì giáo sư cũng không biết dây bướm bạc nay còn ở đâu. Từ đấy, anh Nghĩa có ý thức tìm và lưu giữ cây thuốc quý, không thì do những nguyên nhân như phá rừng lấy gỗ hay trồng cà phê, san bằng bãi biển làm khu du lịch… chúng sẽ biến mất. Mãi đến năm 2007, anh Nghĩa mới gặp dây bướm bạc ở đèo Ngang (Quảng Bình), rồi lại gặp nó ở điện Hòn Chén (Huế)”.
Như vậy, điều tra điền dã của tôi tình cờ trùng hợp với kết quả tìm kiếm của L.Y Nguyễn Đức Nghĩa, Bướm bạc có mọc hoang ở miền Trung, không như một vài tài liệu trước đây ghi nhận cây này là loài của Trung Quốc và Bắc Việt Nam (“Ở nước ta, theo tài liệu của Viện Dược liệu, loài này có gặp ở các tỉnh vùng Tây Bắc” (VVC) hay “có vùng phân bố khá rộng rãi ở hầu hết các tỉnh miền núi, trung du hay đồng bằng Bắc bộ” (VDL).
Bướm bạc lá ngọc hoa vàng
Bướm bạc là loài cây nhỏ mọc trườn, cao 1-2m, phân nhiều cành. Cành non có lông mịn. Lá nguyên, mọc đối, hình bầu dục hoặc hình trứng, dài 4-9cm, rộng 1,5-4,5cm, gốc thuôn đầu nhọn, mặt trên màu xanh lục sẫm, mặt dưới nhạt đôi khi có lông, lá kèm hình sợi. Cụm hoa xim ngù mọc ở đầu cành. Hoa màu vàng, có lá đài phát triển thành bản màu trắng. Quả hình cầu, rất nhiều hạt nhỏ màu đen, vò ra có chất dính. Ra hoa kết quả vào mùa hè.
Điều đặc biệt giúp dễ nhận dạng cây này chính là trong số 5 lá đài có một lá đài phát triển, màu trắng, mềm, gân nổi rõ, có cuống dài, khiến người dân lầm tưởng là một cánh hoa lớn màu trắng nưh ngọc (thực tế hoa nhỏ màu vàng). Nhìn từ xa nơi có cây mọc, thấy các lá đài này phất phới như một đàn bướm trắng, vì vậy cây có tên Bướm bạc hay Bươm bướm, Bướm trắng. Chính đặc điểm này mà nhiều nơi ở Trung Quốc, cây còn có tên là Ngọc diệp kim hoa (玉叶金花: lá ngọc hoa vàng), tên này được ghi chính danh trong sách Toàn quốc Trung thảo dược hối biên. Tuy nhiên, phải mất công tra tìm trong Trung dược đại từ điển, Trung Hoa bản thảo, tôi mới biết chính danh vị thuốc này ghi là Sơn cam thảo山甘草 (xuất xứ từ Mân nam dân gian thảo dược). Ngoài tên chính này, Bướm bạc còn có nhiều biệt danh khác như: Bạch hồ điệp, Bạch trà, Lương trà đằng, Bạch đầu ông, Lương đằng, Hoàng phong đằng, Sinh cơ đằng, Niêm tước đằng, Thổ cam thảo, Thủy đằng ngân, Giả nhẫn đông đằng, Hồ điệp đằng, Dã bạch chỉ phiến, … Dưới đây là một số tổng hợp tư liệu bước đầu của chúng tôi về cây thuốc này theo tài liệu trong và ngoài nước.
Tính vị, công dụng: Theo Từ điển Cây thuốc VN, Bướm bạc có vị hơi ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải biểu, khai uất, hoà lý, lương huyết, tiêu viêm. Dân gian nước ta dùng nó làm thuốc giảm đau trị ho, bạch đới, tê thấp.
Trung dược đại từ điển nói vị ngọt hơi đắng, tính mát, công năng giải biểu, tiêu thử, lợi thấp, giải độc, hoạt huyết. (Y văn Trung Quốc có vài tiểu dị về tính vị: Phúc Kiến Trung thảo dược nói hơi đắng, tính mát; Quảng Tây Trung dược chí nói vị chát, tính bình; Thường dụng Trung thảo dược thủ sách nói ngọt nhạt, tính mát).
Theo các tài liệu Trung Quốc, Bướm bạc thường dùng trị cảm mạo, sổ mũi, say nắng; viêm khí quản, sưng amygdal, viêm hầu họng; viêm thận phù thũng, viêm ruột ỉa chảy; chảy máu tử cung; rắn cắn; viêm mủ da. Quảng Đông Trung thảo dược còn ghi thêm tác dụng trị thấp chẩn ngoài da và giải độc lá ngón. Quảng tây Trung dược chí ghi nhận nước sắc bướm bạc dùng rửa vết loét giúp khứ hủ sinh tân (thải trừ thịt thối, sinh da thịt mới).
Cách dùng, liều lượng: Thân cây thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô. Lá thường dùng tươi.
Theo tài liệu của GS.Đỗ Tất Lợi, lấy hoa làm thuốc lợi tiểu chữa ho, hen, ngày dùng 6-12g dạng thuốc sắc. Rễ làm thuốc giảm đau, chữa tê thấp, ngày dùng 10-20g dưới dạng thuốc sắc. Cành, thân, lá cũng dùng như rễ, ngày dùng 6-12g. Dùng ngoài không kể liều lượng giã nát đắp lên nơi viêm tấy, gãy xương.
Theo các tài liệu hiện nay có thể dùng liều thuốc sắc cao hơn: dùng 15-30g dược liệu khô hoặc 30-60g tươi, có thể giã vắt dược liệu tươi lấy nước uống.
Cấm kỵ: Các sách dược liệu của VN và TQ mà tôi có đều không thấy ghi cấm kỵ. Nhưng theo Trung hoa bản thảo, phần nghiên cứu dược lý có nói kinh nghiệm dân gian ở Phúc Kiến dùng nước sắc cành lá Bướm bạc để làm thuốc tránh thai hoặc phá thai, đã có nghiên cứu thực nghiệm chứng minh điều này. Vì vậy theo chúng tôi phụ nữ có thai tuyệt đối không được dùng bướm bạc. Tra trên mạng Bách độ bách khoa (http://baike.baidu.com), chúng tôi còn thấy khuyên không dùng Bướm bạc cho trẻ em dưới 10 tuổi, nay ghi lại khuyến cáo này bằng câu ca để bạn đọc dễ nhớ: “Bướm bạc lá ngọc hoa vàng/ Trẻ em, phụ nữ có mang, chớ dùng!”
Một số bài thuốc dùng Bướm bạc
- Phòng ngừa say nắng: Bướm bạc 60-90g, nấu nước uống như trà. (Toàn quốc Trung thảo dược hối biên & Từ điển Cây thuốc VN).
- Chữa lao nhiệt, nóng âm trong xương: Rễ Bướm bạc 1 nắm sắc uống. (Nam Dược Thần Hiệu).
- Viêm dạ dày- đường ruột cấp tính: Cộng và lá bướm bạc 40- 80g sắc uống. (Phúc Kiến Trung Thảo Dược).
- Trị kiết lỵ do nắng nóng phục nhiễm (phục thử hạ lỵ): Bướm bạc 40- 80g sắc uống. (Mân Nam dân gian thảo dược).
- Trị mụt nhọt lở loét (ác sang thũng độc): Bướm bạc (tươi) giã đắp chỗ đau. (Tuyền Châu Bản Thảo).
- Trị trúng độc thức ăn: Lá bướm bạc tươi giã vắt nước uống. (Tuyền Châu Bản Thảo).
- Trị ho, viêm họng đỏ hoặc viêm amidan cấp: Lá và thân Bướm bạc 150g/ngày, sắc uống trong 3 ngày. Đây là phác đồ điều trị của Viện YHCTVN xây dựng. (Cây thuốc và động vật làm thuốc của VN).
- Tử cung xuất huyết: Rễ tươi Bướm bạc 15g sắc uống hoặc nhai nuốt nước. (Toàn quốc trung thảo dược hối biên).
- Cảm mạo, sổ mũi, say nắng: Thân Bướm bạc 12g, lá Ngũ trảo (Mẫu kinh diệp) 10g, Bạc hà 3g. Hãm trong nước sôi mà uống. (Toàn quốc Trung thảo dược hối biên & Từ điển Cây thuốc VN).
- Chữa sốt, táo bón, tân dịch hao kiệt: Rễ Bướm bạc 60g sao vàng, Hành tăm 12g sao vàng. Sắc uống. (Cây thuốc và động vật làm thuốc của VN).
- Chữa ho, sưng amidan, sốt: Rễ Bướm bạc 20g, Huyền sâm 20g, rễ Bọ mẩy 10g. Sắc uống (Cây thuốc và động vật làm thuốc của VN).
- Chữa trẻ em viêm não B, sốt cao, kho khát, hôn mê: Rễ Bướm bạc 30g, Hoa hòe 15g, Huyền sâm, Sinh địa, Mạch môn, Ngưu tất, Hạt muồng sao, Dành dành, mỗi vị 12g. Sắc uống. (Cây thuốc và động vật làm thuốc của VN).
- Lợi tiểu, viêm thận, phù (trị thấp nhiệt, tiểu tiện bất lợi): Thân Bướm bạc 30g, dây Kim ngân tươi 60g, Mã đề 30g. Sắc uống. (Quảng Tây Trung Thảo Dược & Cây thuốc và động vật làm thuốc của VN).
- Trị thấp nhiệt phúc tả (ỉa chảy do thấp nhiệt): Bướm bạc 80g, Bạch đàn đỏ (Đại diệp án thụ =大叶桉树 = Eucalyptus robusta Smith) 24g. Sắc nước, chia 3 lần uống trong ngày. (Quảng Tây Trung Thảo Dược).
- Chữa trúng độc lá ngón (Đoạn trường thảo), phê sương (Asen, tức Thạch tín nguyên chất, có trong thuốc trừ sâu, diêt cỏ), thuốc diệt chuột (Zinc Phosphoride): lá Bướm bạc tươi 120 – 160g, giã vắt nước cốt, hòa với 3-5 lòng trắng trứng gà, 2g bột rễ Đại kế, 2g bột Thiên môn đông. Trước móc họng cho mửa ra rồi đổ thuốc, cứ 15 phút uống 1 lần. Miệng khát cho uống nước sắc đậu xanh, trong thời gian dùng bài thuốc này chữa trúng độc lá ngón phải cẩn thận theo dõi sát sao bệnh tình, cần phối hợp với các phương pháp cấp cứu của Đông y và y học hiện đại. (Phúc Kiến Trung thảo dược).
PHAN CÔNG TUẤN
(CTQ số 177, 4/2011)
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 9
- Tất cả: 38093