Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Tổ kén tròn chữa viêm loét dạ dày

21/03/2024

Việt Nam có khoảng 10 loài Tổ kén (chi Helicteres) trong đó có 6 loài làm thuốc đã được ghi trong  Từ điển Cây thuốc Việt Nam. Chúng tôi đã giới thiệu 2 cây Tổ kénTổ kén cái (An xoa), nay xin giới thiệu thêm cây Tổ kén tròn vốn có mọc hoang tại Đà Nẵng.

Tổ kén tròn hay Dó tròn, chữ Hán gọi là Hỏa sách ma (火索麻), tên khoa học Helicteres isora L., thuộc họ Trôm – Sterculiaceae. Là cây bụi cao tới 2m. Lá mọc so le; phiến lá xoan rộng tròn dài, gốc tròn hoặc hình tim, đầu tù hơi nhọn, mép khía răng không đều; lá kèm như kim, dễ rụng. Cụm hoa thành xim 2-3 hoa; đài 1,2cm; cánh hoa xanh rồi hồng hay hồng tía, dài 3-4cm; cuống mang 10 nhị quanh bầu. Quả hình trụ tròn, xoắn lại như cuốn thừng (nên còn tên là Tổ kén vặn hay Tổ kén xoắn), phủ lông hình sao; hạt có khía, to 2mm. Ra hoa tháng 4-10, có quả tháng 6-11. Ở nước ta, Tổ kén tròn mọc ở rừng ven suối tới độ cao 900m, ở Lai Châu, Phú Thọ, Hà Nội, Hòa Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Ninh Thuận, An Giang. Còn có ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, các nước nhiệt đới khác của châu Á.

Để làm thuốc, dùng quả, vỏ thân và vỏ rễ, thu hái rửa sạch, thái phiến, phơi khô. Phân tích thành phần cho thấy vỏ chứa các sắc tố diệp lục, phytosterol, một acid hydroxycarboxylic, một chất màu vàng da cam như curcumin, saponin, đường anilide, phlobotannin và lignin.

Theo sách Toàn quốc Trung thảo dược hội biên, Tổ kén tròn vị cay, hơi đắng, tính ấm, có công năng lý khí, chỉ thống, được dùng trị cảm mạo phát nhiệt, viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày, ruột.

Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam, rễ có vị nhạt, hơi đắng, tính bình; có tác dụng phát biểu, lý khí giảm đau. Rễ và vỏ cây đều làm long đờm, làm dịu và săn da. Quả cũng làm dịu và săn da. Ở Ấn Độ, rễ và vỏ cây được dùng trị bệnh về ruột, chống tiết sữa, trị cảm cúm và dùng ngoài đắp mụn nhọt; vỏ được dùng trị lỵ, ỉa chảy vì giảm mật; dịch rễ dùng chữa đái đường, đau dạ dày và trị rắn cắn, quả được dùng trị đau bụng và đầy hơi ở trẻ em. Ở Thái Lan, người ta dùng vỏ thân và rễ làm thuốc lợi tiêu hóa; còn quả được dùng trị đau dạ dày, đau cơ, viêm gan, chống đầy hơi, trừ ỉa chảy, lỵ và làm thuốc long đờm.

Theo Cây thuốc và Động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 3, 2011), nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy chiết xuất Tổ kén cái có tác dụng chống tiểu đường và hạ lipid huyết; tác dụng trên sự dung nạp glucose và trên tăng glucose huyết do dùng liều cao glucose; tác dụng làm hạ và chống tăng glucose huyết; tác dụng bảo vệ gan, chống co thắt hồi tràng chuột lang; tác dụng gây độc tế bào (cytotoxic) do cucurbitacin B và isocucurbitacin B được phân lập từ vỏ cây tổ kén tròn. Đây là thí nghiệm sàng lọc đầu tiên để nghiên cứu một thuốc chữa ung thư.

Dưới đây là vài đơn thuốc có Tổ kén tròn:

– Chữa viêm dạ dày mạn tính hay loét dạ dày: Tổ kén tròn (rễ, quả) 12-20g, sắc uống.

– Chữa đau dạ dày thể nhiệt hay viêm loét dạ dày, tá tràng: Tổ kén tròn (rễ), Ba chạc, Hoàng lực (rễ), mỗi vị 16g, sắc uống.

– Chữa đau bụng, rối loạn tiêu hóa: Tổ kén tròn (lá) 20g, sắc uống.

– Chữa đau tai, loét tai: hạt Tổ kén tròn được tán thành bột mịn, trộn thật kỹ với dầu thầu dầu tinh khiết, lấy dịch trong nhỏ vào tai.

PHAN CÔNG TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *