Cây Tổ kén chữa ung thư?
20/03/2024
Sau khi đăng bài “An xoa là Tổ kén cái”, một số bạn đọc gửi email nêu thắc mắc liệu cây Tổ kén cái có chữa được bệnh ung thư gan không, và đề nghị giới thiệu thêm một số cây thuốc cùng chi với cây này. Theo quan điểm “đừng vội tin cũng đừng vội bác bỏ” như đã nói, chúng tôi sẽ lần lượt cung cấp một số thông tin đáng tin cậy đến bạn đọc.
Tổ kén còn có tên Dó hẹp, Sơn chi ma, tên khoa học Helicteres angustifolia L., thuộc họ trôm – Sterculiaceae. Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam, đây là loài cây bụi cao 1m; nhánh hình trụ mảnh, phủ lông hình sao. Lá hình dải thuôn, mặt trên nhẵn, màu lục sẫm; mặt dưới màu hung phủ lông hình sao; có 3-5 gân gốc; lá kèm hình mũi dùi, rất dễ rụng. Cụm hoa ở nách lá màu đỏ hay tím. Quả nang hình trứng – trụ, dài 2,5cm, có lông hình sao lẫn với những lông thường. Hạt màu nâu, lúc già màu đen. Cây ra hoa quả hầu như quanh năm, chủ yếu từ tháng 5 – 7. Cây mọc rộng rãi và phổ biến trên các đồi cây bụi, trên đất hoang, rừng còi. Có thể thu hái lấy rễ hoặc toàn cây quanh năm, rửa sạch, thái lát và phơi khô để dùng.
Theo Đông y, Tổ kén có vị đắng, hơi ngọt, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, chống ngứa. Thường dùng chữa sốt rét, cảm mạo sốt cao không giảm, viêm họng, viêm tuyến mang tai, sởi, ỉa chảy, lỵ, viêm ruột, lở ngứa ngoài da, trĩ, tràng nhạc, đau đầu, miệng khát. Cũng được dùng trị rắn độc cắn. Trong dân gian, người ta dùng làm thuốc giải trừ ban sởi, giải nhiệt độc và rửa loại mụn đóng vẩy nến. Mỗi lần dùng 10 – 15g sắc nước uống. Dùng ngoài, lấy rễ nghiền thành bột, trộn đều với rượu gạo bôi lên chỗ đau. Vài đơn thuốc theo Nam phương Trung thảo dược thải sắc đồ phổ (NXB KH-KT Quảng Tây, Trung Quốc):
– Cảm mạo sốt cao: Tổ kén 9g, Thanh hao 6g, Ké hao đào 6g, Rễ sưng 1,5g. Sắc uống.
– Phổi kết hạch: Tổ kén (rễ tươi) 30g, Đường cát 15g, sắc uống; hoặc thêm Bách bộ và Rau má đều 30g, sắc chia 3 lần uống.
– Viêm tuyến vú: Tổ kén 30g, Dâu núi 60g sắc uống, dùng lá Tổ kén tươi giã nhuyễn đắp.
– Chân răng sưng mủ: Tổ kén, Lan tục đoạn mỗi thứ 30g, sắc uống liên tục 2-3 ngày.
Theo sách Thũng lựu Trung thảo dược nguyên sắc đồ phổ (NXB KH-KT Quảng Tây, TQ), Tổ kén có khả năng trị một số bệnh ung thư như:
– Ung thư âm đạo: Rễ Tổ kén lượng vừa đủ (có thể thêm Cúc chỉ thiên, lượng bằng nhau), sắc đặc để rửa.
– Ung thư phổi: Rễ Tổ kén 250g, Cỏ lưỡi rắn trắng (Bạch hoa xà thiệt thảo) 750g, Xuyên tâm liên 350g, Da cóc (Thiềm thừ bì) và Thằn lằn (Bích hổ) đều 150g. Tất cả tán bột làm viên, mỗi lần 6g, ngày 3 lần, uống với nước sôi nguội. Uống liên tục 80 ngày.
– Ung thư các dạng: Rễ Tổ kén 60g, Cỏ lưỡi rắn trắng 150g, Rễ củ Tử bối thiên quỳ (Begonia fimbristipula – một loài trong họ Thu hải đường) 100g, Bán biên liên, Thất diệp nhất chi hoa đều 50g, Bát giác liên 30g, tất cả tán bột làm viên nén, mỗi lần dùng 3-6g, ngày 3 lần, uống với nước sôi nguội.
Theo sách Cây thuốc và động vật làm thuốc, tập III của Viện Dược liệu, NXB KHKT, Hà Nội 2011, thì các nghiên cứu dược lý hiện đại đã chứng minh các dẫn chất trong cây Tổ kén có tác dụng ức chế khối u do nhiều dòng tế bào ung thư và có tác dụng giảm đau, chống viêm, kháng khuẩn.
Lưu ý: Tổ kén có độc, không nên dùng quá liều vì sẽ gây nôn và ỉa chảy. Tránh dùng cho phụ nữ có thai và người cơ thể suy nhược.
PHAN CÔNG TUẤN
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 16
- Tất cả: 38100