Cỏ cú – thuốc quý cho phụ nữ
01/03/2024
Thầy thuốc Đông y có câu cửa miệng: “Nam bất ngoại trần bì, nữ bất ly hương phụ”, đại ý chữa bệnh nam giới không thể thiếu Trần bì (vỏ quýt khô lâu năm) và chữa bệnh nữ giới không thể thiếu Hương phụ.
Hương phụ là vị thuốc bào chế từ củ Cỏ cú, còn gọi Cỏ gấu – Cyperus rotundus L., thuộc họ Cói – Cyperaceae.
Cỏ cú sống dai, cao 20-40cm. Thân rễ phình lên thành củ (gọi là hương phụ tử), màu nâu thẫm hay nâu đen, có nhiều đốt và có lông; thịt màu nâu nhạt. Lá hẹp, dài, có bẹ. Hoa nhỏ mọc thành tán xòe tỏa ra hình ăng-ten ở ngọn thân. Quả ba cạnh, màu xám.
Đây là loài liên nhiệt đới, mọc hoang khắp nơi. Có thể đào thân rễ quanh năm, bỏ rễ con, phơi khô.
Thành phần hóa học trong tinh dầu củ cỏ cú có 32% cyperen, b-selinen, 49% cyperol; còn có a-b-cyperol, cyperolen, patchoulenon, cyperotundon. Củ cỏ cú còn chứa dầu béo chứa glycerol và các acid linoleic, linolenic, oleic, myristic, stearic, chất không xà phòng hóa 22,8%.
Theo dược học hiện đại, củ cỏ cú có tác dụng ức chế co bóp tử cung, đồng thời làm giảm trương lực. Còn có tác dụng giảm đau, ức chế thần kinh trung ương, chống viêm, làm ra mồ hôi và lợi tiểu.
Theo Đông y, Hương phụ có vị cay, hơi đắng, ngọt, tính bình, có tác dụng hành khí, khai uất, thông kinh, tiêu sung, giảm đau. Vị hương phụ sao tẩm khác nhau có tác dụng khác nhau.
Hương phụ dùng sống có tác dụng giải cảm, chữa đau hông ngực. Sao đen thì cầm máu, dùng trong trường hợp rong kinh. Tẩm nước muối sao dùng chữa bệnh về huyết. Tẩm nước tiểu trẻ em sao để giáng hỏa khí có chứng bốc nóng. Tẩm giấm sao để tiêu tích tụ, chữa huyết ứ, u bang. Tẩm rượu sao để tiêu đờm, chữa khí trệ, đờm nước ứ đọng.
Hương phụ tứ chế (chia 4 phần ngâm tẩm riêng: giấm, nước tiểu trẻ em, nước muối, rượu để qua đêm rồi trộn chung, sao dùng) chữa chung các bệnh của phụ nữ như kinh nguyệt không đều, khi thấy kinh đau bụng, viêm tử cung mạn tính, các bệnh trước và sau khi sinh đẻ, chữa đau dạ dày ợ hơi và nước chua, giúp ăn uống mau tiêu, chữa nôn mửa, đau bụng đi lỵ và ỉa chảy. Còn dùng trị đòn ngã tổn thương. Ở Ấn Ðộ, người ta cho là có tác dụng lợi tiểu, điều kinh, trị giun, làm ra mồ hôi, làm se và kích thích, thường dùng để chữa rối loạn của dạ dày và kích thích của ruột.
Hương phụ có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, bột, cao, hoặc rượu thuốc. Mỗi ngày 6-12g, dùng riêng hoặc phối hợp với Ích mẫu, Ngải cứu.
Ðơn thuốc:
1. Ðau dạ dày: Hương phụ 30g, Riềng 15g, tán thành bột mịn. Uống 3g với nước ấm, hai lần trong ngày.
2.Kinh nguyệt không đều, bế kinh: Hương phụ sao 9g, Ích mẫu thảo 20g, đường đỏ 20g. Sắc riêng 2 vị thuốc, gạn bỏ bã, hòa đường đỏ uống, ngày 1 thang, uống liên tục 3-5 ngày.
3.Bài thuốc điều kinh chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, khí huyết kém: Hương phụ 20g, Ích mẫu 15g, Ngải diệp 10g, Nhân trần 15g, Ðổ 500ml nước sắc còn 150ml nước, uống ngày một thang.
4. Ðiều kinh: Hương phụ 3g, Ích mẫu 3g, Ngải cứu 3g, Bạch đồng nữ 3g, sắc với nước; chia 3 lần uống trong ngày. Muốn cho kinh nguyệt đều, uống đón kinh 10 ngày trước ngày dự đoán có kinh.
5. Có thai nôn mửa: Hương phụ 6g, Hoắc hương 10g, Cam thảo 3g. Sắc uống ngày 1 thang, trong
3-5 ngày.
6.Xuất huyết tử cung, máu rỉ không dứt, bụng dưới đau: Hương phụ, Ngũ linh chi sao, Huyền hồ sao giấm, đều 12g, Mai mực nướng 5g. Tất cả tán bột, mỗi lần uống 10g với rượu, ngày 2 lần, cử ăn thức sống lạnh.
7. Đau lưng do sỏi thận, viêm phì đại đốt sống: Hương phụ sống (không sao chế) 60g, sấy khô, tán bột mịn, uống mỗi lần 4g với nước nguội, ngày 3 lần trong 3-5 ngày.
8. Viêm tuyến vú: Hương phụ tươi, Chua me đất hoa vàng tươi, Rau má tươi, các vị bằng nhau, lượng vừa đủ giã nát đắp vào chỗ đau.
9.Mụt cóc: Hương phụ 30g, Mộc tặc 30g, Ô mai 30g, Sắc 2 lần, bõ bã, lấy nước đang nóng, ngâm hoặc tẩm gạc đắp lên chỗ mụt cóc chừng nửa giờ, ngày 2-3 lần, liên tục trong 5 ngày.
10.Di mộng tinh lâu ngày không khỏi: Hương phụ 500g, Phục thần (hoặc Phục linh) 180g. Dùng nước vo gạo ngâm Hương phụ 1 đêm, phơi khô, chà xát bỏ lông. Lần lượt đem tẩm 4 thứ (theo đúng thứ tự): rượu lâu năm, nước tiểu trẻ em, nước muối, sữa bò, đều để qua 1 đêm rồi phơi khô. Sau cùng tán bột chung với Phục thần, luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 4g, với nước muối nhạt vào lúc sáng sớm.
Chú ý: Đà Nẵng và vùng duyên hải miền Trung còn có loài Cỏ cú biển – Cyperus esculentus phân bố nhiều trên các bãi cát ven biển, có tính năng tác dụng tương tự.
PHAN CÔNG TUẤN
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Apple Store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 1
- Hôm nay: 64
- Tất cả: 38067