Thanh hao hoa vàng và giải Nobel Y học 2015
20/02/2024
Vào trung tuần tháng 10/2015, một tờ báo lớn trong nước đã giật tít “Nobel Y học 2015 vinh danh Đông y” khiến nhiều người râm ran bàn tán. Thú thật, dù là người trong ngành Đông y, nhưng đọc tựa bài báo tôi thấy hơi ngượng, như là mình vừa bị bắt quả tang “thấy giải sang bắt quàng làm họ”.
Trước hết, ai cũng biết giải Nobel Y học 2015 chia đều cho 2 khám phá: phương pháp mới trị nhiễm giun ký sinh của giáo sư người Ireland William C. Campbell cùng đồng nghiệp người Nhật Bản Satoshi Omura và liệu pháp chữa trị sốt rét từ thảo dược cổ truyền của nhà khoa học nữ Trung Quốc Đồ U U (屠呦呦).
Thứ nữa, cây Thanh hao hoa vàng (THHV) từ lâu đã được y học cổ truyền Trung Quốc cũng như Việt Nam sử dụng chữa nhiều bệnh, trong đó có sốt rét. Nhưng mãi đến năm 1967, các nhà khoa học tại Trung Quốc mới tập trung nghiên cứu trong một chương trình nghiên cứu sốt rét bí mật cấp quốc gia và đến năm 1972, họ đã chiết xuất thành công được Artemisinin từ phần trên mặt đất của cây THHV.
Cũng như nhiều phát minh khác, phải sau hàng trăm lần thất bại, cuối cùng nhóm của GS Đồ U U mới biết rằng nhiệt độ cao đã phá hủy các thành phần trong THHV, vì thế cần chiết xuất với nhiệt độ thấp. Mặc dù kết quả nghiên cứu và bí quyết công nghệ được giữ bí mật, nhưng từ nghiên cứu ban đầu này, người ta đã nghiên cứu các đặc tính dược động học, dược lực học, sinh khả dụng, tương đương sinh học… của Artemisinin khá trọn vẹn và thương mại hóa với những tên thuốc khác nhau không chỉ ở Trung Quốc, Việt Nam, mà còn có mặt khắp nơi trên thế giới, nhất là các quốc gia châu Phi và Nam Mỹ, góp phần điều trị, cứu sống hàng triệu người bệnh sốt rét.
Chính vì vậy, giải Nobel Y học 2015 lần này cũng như giải Lasker (vốn được xem như giải Nobel Y học Hoa Kỳ) mà bà Đồ U U đã nhận hồi năm 2011 là sự ghi nhận cho các cống hiến, đóng góp nổi bật của bà trong nghiên cứu bào chế thuốc mới chống sốt rét.
Có thể nói kết quả nghiên cứu của GS Đồ là hình mẫu hoàn hảo kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại và đường hướng đó sẽ còn nhiều tiềm năng cần khai thác, nhưng theo thiển ý của chúng tôi không vì thế mà nhận vơ các giải thưởng này là vinh danh Đông y hay Trung y.
Xin nói thêm, tại nước ta, công trình “Nghiên cứu chiết xuất Artemisinin từ cây THHV và chuyển hóa thành những dẫn chất có hoạt tính mạnh hơn để chữa sốt rét kháng thuốc” là một trong bốn công trình khoa học y dược đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II (2000), do 16 tập thể thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công nghiệp và Trung tâm khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia nghiên cứu kéo dài trong gần 10 năm.
Ngày nay, chúng ta đã chọn được giống THHV có hàm lượng Artemisinin cao, có thể thu được từ 3,5-5kg Artemisinin trên 1 tấn nguyên liệu lá. Nhưng THHV trồng thích hợp từ Thanh Hóa trở ra, nếu trồng ở miền Nam, hàm lượng Artemisinin thấp. Đã có một dự án trồng THHV tại tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) thất bại do lẽ này.
Dưới đây, xin giới thiệu đôi nét về cây THHV (còn gọi Thanh cao, Ngải hoa vàng, Hoàng hoa hao, tên khoa học Artemisia annua L., thuộc họ Cúc – Asteraceae.)
THHV có phân bố ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ, Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoang dại ở ruộng, bờ ruộng, dọc theo các làng mạc miền núi Lạng Sơn, Quảng Ninh. Loài cây thảo này mọc hằng năm, cao 1-2m; phân nhánh nhiều, thân có rãnh, có mùi thơm nhẹ. Lá có phiến xoan, 2-3 lần kép thành đoạn hẹp nhọn, không lông. Chùy hoa cao ở ngọn mang chùm dài, hẹp; hoa đầu cao 1,8-2mm; lá bắc ngoài hẹp, có lông xanh, lá bắc giữa và lá bắc trong xoan rộng; hoa hoàn toàn hình ống, cỡ 15 cái; hoa ngoài cái, hoa trong lưỡng tính. Quả bế nhẵn, cao 0,5mm, không có mào lông. Hoa tháng 6-11, có quả tháng 10-3. Cây thường lụi tàn vào tháng 5. Dùng toàn cây làm thuốc.
Theo Đông y, toàn cây THHV có vị đắng, cay, tính hàn; quy kinh can đởm; có tác dụng thanh nhiệt giải thử, lợi tiểu, giúp tiêu hóa, bổ hư lao, chữa sốt rét cơn, trừ chứng nóng trong xương. Thường được dùng chữa sốt rét, vàng da, chán ăn, nóng sốt khát nước, phiền nhiệt ra mồ hôi, lao kết hạch, dùng ngoài da để sát trùng, chữa ghẻ ngứa.
Đơn thuốc:
1. Chữa bệnh kết hạch, sốt cơn, mồ hôi trộm, ăn uống kém: Dùng THHV 8-16g, sắc uống.
2. Chữa trẻ em cảm gió, phát sốt, kinh giật: Lá THHV 10g, giã nhỏ chế nước sôi vào hòa đều, gạn lấy nước cốt cho uống.
3. Trị sốt rét, sốt liên tục: THHV 20-40g, ngâm nước trước rồi sắc uống.
4. Trị tiêu chảy do nắng nóng, đau bụng, bứt rứt vùng ngực: THHV ngọn non tươi 20-40g, sắc uống.
5. Trị trẻ em tiêu chảy do nhiệt: THHV, Cỏ seo gà, Rau sam đều 8g, sắc uống.
6. Chữa lở ghẻ ngứa gãi: Dùng THHV nấu nước tắm rửa, ngâm, xát.
PHAN CÔNG TUẤN
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 0
- Tất cả: 38100