Chuyện Lão Lười: KÝ SỰ LÊN KINH
26/01/2024
Chuyện Lão Lười 10: KÝ SỰ LÊN KINH
Thượng Kinh Ký Sự (Ký sự lên Kinh) là một tác phẩm văn xuôi chữ Hán tiêu biểu, nổi bật, có giá trị nhiều mặt của văn học thế kỷ XVIII. Tác giả tự thuật một cách sinh động và hấp dẫn chuyện bị triệu vời lên kinh đô chữa bệnh cho cha con chúa Trịnh Sâm, Trịnh Cán vào năm 1782.
Tác phẩm được xếp làm tập cuối (tập vĩ) trong bộ sách Lãn Ông Tâm Lĩnh như một phụ lục, với chủ đích ban đầu là “đem đầu đuôi các việc ghi chép lại để cho con cháu sau này biết lẽ xử thế, nên tùy cảnh giữ phận, biết chỗ đủ, biết nơi dừng, lấy điều không tham lam danh lợi làm tấm gương sáng mà noi theo”.
Thượng Kinh Ký Sự cho ta thấy Lãn Ông không những là nhà y học xuất sắc, mà còn là nhà văn lỗi lạc thời kỳ này. Đây là một thiên phóng sự duy nhất của văn học cổ kể chuyện việc thực, người thực, từ cô đồng đến đạo sĩ xem bói gặp trên đường đi, từ các công tử tiểu thư đến các vị công hầu khanh tướng chốn kinh kỳ, từ lính hầu đến quan đại thần, từ ấu chúa đến chúa thượng sống trong phủ chúa giàu sang nhung lụa nhưng mắc bệnh tình ngặt nghèo khiến bao ngự y thúc thủ,…tất cả đều được mô tả một cách sinh động với lối hành văn giản dị, tinh tế.
Tác giả đã mô tả chi tiết từng chặng đường đi qua, quang cảnh kinh đô nhất là trong phủ chúa Trịnh, kể việc giao du, tiếp xúc với các công khanh nho sĩ ở kinh thành. Đặc biệt tác phẩm mà còn bày tỏ được “cái tôi” của tác giả trong việc chán chường với công danh phú quý, nhớ nhung quyến luyến với cảnh sống thanh bạch nơi thôn dã quê nhà, nhất là chuyện “nghe đến làm quan là lạnh tóc gáy”, quả là một nhân cách hiếm có trong thời Lê mạt rối ren thời đó.
Tác phẩm kết thúc với việc Lãn Ông về lại Hương Sơn trong tâm trạng hân hoan của một người “tuy thân mắc vào vòng danh lợi nhưng vẫn không bị lợi danh mê hoặc. Ra đi thung dung, trở về ngất ngưởng…”
Ngoài giá trị văn học, tập ký sự còn là một sử liệu vô giá. Thời kỳ đó nhân dân đói kém mà triều đình ở kinh thành Thăng Long rực rỡ vàng son xa hoa lộng lẫy: “Quanh co hơn một dặm đến đâu cũng lâu đài, đình gác, cửa ngọc, rèm châu, long lanh chiếu xuống đáy nước, cao vút tận trời xanh. Hai bên đường hoa thơm cỏ lạ, những loài thú hiếm, những con chim đẹp bay nhảy hót vang. Từ dưới đất bằng nhô lên một hòn núi cao, cây cổ thụ bóng che râm mát. Một cái cầu sơn vắt ngang qua dòng nước uốn quanh, đá hoa làm lan can… thật không khác gì một cảnh tiên”.
Lãn Ông không những là ông tổ nghề thuốc, mà còn được xem là ông tổ của nghề báo, thể hiện qua thiên ký sự sinh động và tài hoa này. Ít có tác phẩm văn xuôi chữ Hán thời cổ trung đại nào mà có đến 6 bản dịch quốc ngữ (do các dịch giả Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Di Luân, Phan Võ, Vũ Văn Đĩnh, Hoàng Văn Hòe, Bùi Hạnh Cẩn thực hiện).
Trích đoạn tác phẩm còn được đưa vào Tinh tuyển Văn học Việt Nam và được giảng dạy trong chương trình Ngữ văn ở trường trung học phổ thông đến đại học ở trong nước. Ngoài ra, còn được dịch ra tiếng nước ngoài và được nữ văn sĩ người Pháp Yveline Féray chuyển thể thành tiểu thuyết Ông Lười (Monsieur le Paresseux, do nhà Robert Laffont xuất bản tháng 4, 2000 tại Paris, hiện đã có 2 bản dịch tiếng Việt xuất bản tại Việt Nam).
P.C.T
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 1
- Hôm nay: 75
- Tất cả: 38078