Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Chuyện Lão Lười: NỖI ĐAU MẤT CON

17/01/2024

Chuyện Lão Lười 7: NỖI ĐAU MẤT CON

Trong bài Tiểu dẫn đầu tập sách Mộng Trung Giác Đậu, tuy không ghi thời điểm viết nhưng Lãn Ông có kể chi tiết câu chuyện về nỗi đau mất con rất cảm động:

Bên ngôi mộ Y tổ ở Hương Sơn

Tôi có đứa con 5 tuổi, bị lên đậu mùa, gặp thầy thuốc chữa sai, không khỏi khóc lóc buồn rầu mở sách đọc trong cơn đau xót.

Con 5 tuổi của tôi ở huyện Hoài An, xã Nguyễn Xá, ngày 9 tháng 3 năm Mậu Dần (1758) bị lên đậu có triệu chứng huyết hư huyết nhiệt kiêm khí hư. Mời nhầm một thầy thuốc (…) cho uống thuốc thanh nhiệt giải độc, uống liền 6,7 thang thì sốt lui, tinh thần tỉnh táo, đại tiểu tiện bình thường. Đến 6,7 ngày, nốt đậu mưng mủ đầy đủ, đầu nốt đậu sung huyết nổi cao, quanh chân nốt đậu rõ ràng, cho là kết quả mỹ mãn, đến 8,9 ngày bỗng sốt cao mê man, nói sảng, ông thầy thuốc cho rằng dư độc chưa hết, cho uống thêm mấy thang thanh nhiệt giải độc nữa, chưa kiến hiệu bèn dùng ngay thang Đại hoàng để công hạ. Mới uống xong 2 thang thì sốt lui mà hàn chứng sinh ra ngay, ngoài thì nốt đậu lõm xuống màu xám tro, trong thì rét run, nghiến răng, ỉa tháo ra lãi, ông ta thấy thế bệnh chuyển biến xấu bèn kiếm cớ rút lui. Tôi cấp tốc đi mời mấy thầy thuốc khác, nhưng cũng đều là hạng tầm thường không giải quyết nổi bệnh này. Lại đi mời một danh y ở xa nữa, nhưng cách chữa và dùng thuốc thì chỉ theo cách chữa bệnh thông thường không phải là tay giỏi, đến ngày 25 thì con tôi mất!”(…)

Than ôi! Bọn lang băm đui điếc giết con tôi không đáng nói nữa. Trời đất quỷ thần ôi, sao mà oan uổng đến thế! Đáng tiếc là số mệnh tôi gian truân, mới được đứa con quý hiếm, mắt đẹp mày xanh, trong việc chơi đùa chỉ lấy bút vở sách nghiên làm thích, viết chữ thành giòng, ca dao, ngạn ngữ, chuyện kể, nhiều câu dài nghe qua một lần là đã nhớ, nói năng cười đùa đều có nghĩa lý, có văn vẻ, có dạng thơ, câu đối… làng xóm đều cho là lạ.

Tôi đau xót như xé gan đứt ruột, đi đứng nằm ngồi mất cả thăng bằng, như ngây như dại gần nửa năm mới hơi nguôi tỉnh. Tuy lúc trước bị bệnh đã có chí theo nghề y nhưng chưa quả quyết, đến nay gặp họa lớn một cách vô cớ, than rằng: người xưa nói “làm người không biết thuốc thì chỉ là một cái hồn vất vưởng mà thôi, vua cha nguy khốn, con đỏ lầm than, tuy có lòng từ hiếu, cuối cùng không cứu được”.

Từ đó tôi quyết tâm học thuốc, tìm khắp các thầy thuốc ở kinh thành, ở vùng nông thôn có ít nhiều tiếng tăm giỏi về môn bệnh đậu mùa, đều không tiếc công tìm đến vài mươi nhà, nhưng cuối cùng sở đắc chỉ là một số khuôn sáo cũ, thì tôi quay về Hương Sơn nuôi mẹ đọc sách, đóng cửa không tiếp khách, dốc lòng học thuật Hiên Kỳ, Hoàng đế Nội kinh Tố vấn đến nay 15 năm, về môn chữa đậu lại càng gia công nghiên cứu và viết ra tập sách này chính là từ đó (…)

Tiên hiền Trương Trọng Cảnh vì khổ đau thấy người trong họ chết nhiều do bị bệnh thương hàn uống nhầm thuốc mà có 7 tập sách của quyển Thương Hàn Luận, tôi tuy không dám sánh với bậc tiền bối, nhưng cũng vì đau khổ mà có soạn sách thì cùng một hoàn cảnh vậy, bèn đặt tên sách là “Mộng Trung Giác Đậu”, ý là trải qua ác mộng mà hiểu biết được bệnh đậu vậy.”

Câu chuyện con chết vì bệnh đậu mùa xảy ra vào thời điểm đầu năm 1758, trong giai đoạn Lãn Ông học thuốc mà chưa thành nghề. Chính sự kiện đau lòng khiến Lãn Ông càng quyết tâm hơn để học thuốc đến cùng và tổng kết soạn nên bộ bách khoa toàn thư Đông y về sau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *