Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Chuyện Lão Lười: MƯỜI NĂM MÀI GƯƠM

12/01/2024

Chuyện Lão Lười 5: MƯỜI NĂM MÀI GƯƠM

Trước khi đến với nghề Y, Lãn Ông có mười năm lang bạt giang hồ theo đòi binh nghiệp giai đoạn 20 đến 30 tuổi.

Hãy nghe chính Lãn Ông tự thuật trong bài tự đề tựa đầu sách Y Tông Tâm Lĩnh: “Tôi thẹn mình sinh ra từ dòng dõi trâm anh, theo đòi đèn sách, hẹn hò bay nhảy. Tới tuổi đôi mươi, cha tôi mất, tôi xót đau vì thiếu sự dạy bảo của cha. Cuối năm, quận bên có loạn, tôi chạy nay đây mai đó, không thể làm người cao đạo trong đời loạn, học thói giàu có trong cái năm nghèo đói được! Có người bảo rằng: “Há lẽ can qua dàn trước mắt/ Làm trai bịn rịn chốn thư song”. Từ đó tôi giao du khắp nẻo để tìm bạn đồng tâm, may gặp được một vị xử sĩ là người họ Vũ ở Hoài An, Đặng Xá (vốn đã đỗ hương tiến, không muốn đi làm quan, ẩn ở trong vùng đó, năm ấy vừa 80 tuổi, rất tinh về việc thiên văn nhân sự) dạy cho thuật âm dương (lục nhâm đại độn). Nghiền ngẫm được vài năm, mới hiểu sơ qua, liền đeo kiếm theo việc quân cơ, có nhiều phen rất trúng, thường thường tới đâu thắng đó. Quan Thống soái từng muốn cất nhắc, nhưng chí xưa chưa thỏa, há dễ mong cầu, đáng hận là trời làm cho mình nhọc nhằn làm gì. Tôi vốn có ông anh thứ 5 vẫn ở quê ngoại Hương Sơn để nuôi mẹ tôi, chợt nhận được tin báo anh vừa ốm chết. Tôi liền bẻ tên, cởi giáp về chịu tang anh. Trên thì mẹ già tuổi độ bảy mươi, dưới có vài ba cháu côi cút.  Tuy đã mải miết lo toan ngược xuôi không phút rảnh rang, việc mài gươm, đọc sách, khí hồng nghe muôn trượng khó bề thực hiện, khi ấy tôi có làm bài thơ ngẫu cảm:

十年磨一劍

鋒刃正光芒

殺氣橫牛斗

嚴威動雪霜

入秦既不可

歸漢亦未還

湖海空飄蕩

壯心成大狂

Thập niên ma nhất kiếm

Phong nhận chính quang mang

Sát khí hoạnh ngưu đẩu

Uy nghiêm động tuyết sương

Nhập Tần ký bất khả

Quy Hán diệc vị hoàn

Hải hồ không phiêu đãng

Tráng tâm thành đại cuồng.

Tạm dịch:

Mười năm mài lưỡi kiếm

Sắc bén tỏa hào quang

Sát khí xông Ngưu Đẩu

Hùng uy động tuyết sương

Vào Tần đã chẳng được

Về Hán cũng chưa màng

Giang hồ trôi dạt mãi

Chí lớn hóa ngông cuồng.

Giai đoạn 10 năm (1743-1753) từ sau khóa thi Quý Hợi (1743) cho đến lúc hay tin người anh mất phải về Hương Sơn nuôi mẹ là quãng đời khăn nhất của chàng thanh niên Lê Hữu Trác, không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần.

Do không đỗ đại khoa như người anh cùng cha khác mẹ Lê Hữu Kiển (1722-1797) hay cậu em (rể ông chú) Lê Quý Đôn (1726-1784), lại gặp thời cuộc loạn lạc rối ren nên Lãn Ông không còn tha thiết với con đường khoa cử, và đã dấn thân vào con đường binh nghiệp.

Mặc dù đã đạt nhiều thành tựu, nhiều cơ hội được bái tướng phong hầu, nhưng có lẽ đã sớm nhận ra tính chất phi nghĩa của các cuộc nội chiến nồi da nấu thịt thời vua Lê chúa Trịnh nên sau cái tang ông anh và trận ốm chí tử đã bất ngờ mở ra bước ngoặt để Lãn Ông chọn cho mình một lối đi riêng.

PHAN CÔNG TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *