Chuyện Lão Lười: PHONG LƯU CÔNG TỬ
11/01/2024
Chuyện Lão Lười 4: PHONG LƯU CÔNG TỬ
Khi lớn lên, lúc cha và chú đang làm quan trong triều đình, chàng thiếu niên Lê Hữu Trác đã đến kinh đô Thăng Long dùi mài kinh sử theo đòi cử nghiệp.
Trong Thượng Kinh Ký Sự, trên mỗi bước đường trở lại kinh kỳ, luôn gợi nhớ cho Lãn Ông bao kỷ niệm một thời.
“Tôi vốn là con quan, sinh trưởng ở chốn phồn hoa, chỗ nào trong Cấm thành mình cũng đã từng biết, chỉ có những việc trong phủ Chúa mình mới nghe nói mà thôi”.
“… Đi qua cửa Vũ quan vào thành,…nơi này xưa kia tôi đã từng trọ học ở đây…”
“Tôi qua mấy dinh cũ của cha tôi và chú tôi ở ngày xưa, thấy phong cảnh thê lương, tôi xuống võng xem. Núi hồ vẫn như cũ, nhưng cỏ hoa ngày trước nay đã thuộc về ai!”
Có lần thăm lại Hồ Tây sau bao nhiêu năm xa cách. Lãn Ông đã hồi tưởng một thời vang bóng của tay chơi “phong lưu công tử” thuở nào:
“Nhớ lại khi còn niên thiếu, tôi ở trong Kinh cùng mấy anh em kết bạn thành một thi xã. Chúng tôi hẹn nhau mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu, đến Hồ Tây, đem đủ rượu và đồ nhắm, thuê ba bốn chiếc thuyền buông chèo ra giữa hồ du ngoạn. Tiếng đàn hát ca vang bốn phía. Đêm khuya chúng tôi về chùa Trấn Vũ ngủ; có khi chơi đến bốn năm ngày mới về…”
Trước khi lên kinh lần này (1782), Lãn Ông đã từng quay lại kinh đô vào năm Bính Tý (1756), trong tập “Y Dương án” số 1 trong bộ sách “Lãn Ông Tâm Lĩnh”, tác giả cũng có nhắc đến một kỷ niệm lỡ hẹn với Hồ Tây: “Tôi đến kinh đô, bạn tôi là ông Giám sinh họ Trần, hẹn nhau đến tối đi chơi thuyền ở Hồ Tây, để uống rượu làm thơ cho vui..”
Kể ra vài chi tiết, để thấy con người thật Lãn Ông không chỉ từng là tay chơi công tử thời trẻ, hay cặm cụi soạn sách hành y lúc về già, mà những thú vui thơ túi rượu bầu, du lãm thưởng ngoạn đó đây đã theo suốt cuộc đời mỗi khi có dịp tận hưởng.
Chỉ cần đọc vài dòng đầu của bài Tự tựa đầu sách “Lãn Ông Tâm Lĩnh”: “Đương lúc ngày xuân đầm ấm, trời đất vui tươi, gió xuân phơi phới, hoa xuân đua nở, tôi ngồi hóng mát trong phòng thuốc ở sơn trang, mắt nhìn cá lội dưới ao, tai nghe chim hót trong rừng”…
Hay đoạn đầu quyển “Thượng Kinh Ký Sự”: “Gặp lúc trời xuân sáng láng, hoa cỏ tốt tươi, mấy cây ở trước sân nhà U trai của tôi nở hoa kết quả, tuyết rủ hương bay… Trong cái ao ở mé Tây vườn, đàn cá tung tăng ra đớp những vành trăng nhấp nhô trên sóng. Chim oanh qua lại vun vút như thoi đưa, bay vào lùm cây mát rượu…
Tôi thường dắt tiểu đồng lên núi, tha hồ ngắm cảnh khói mây để tiêu khiển; hoặc ngồi ở đình Nghênh phong mà buông câu, hoặc ngồi ở lầu Tị huyên mà gảy đàn, hoặc ngồi ở đình Tối quảng mà đọc sách; hoặc ngủ dưới bàn cờ ở nhà Di chân… tha hồ vui thú! Thường ngà ngà say mới về nhà…”
Lãn Ông chỉ lười với danh lợi chứ không lười với những thú vui phong lưu, cho dù “nghề chơi cũng lắm công phu”, như một nhà nho tài tử, luôn biết thưởng thức cái thật, cái lành, cái đẹp trong cuộc sống để nuôi dưỡng tâm hồn ung dung tự tại, không bị ràng buộc vào cường quyền và thế sự nhiễu nhương. Có lẽ nhờ đó mà Lãn Ông đã làm được nhiều việc đại sự mà những kẻ vướng vào vòng danh lợi khó có thể làm được.
PHAN CÔNG TUẤN
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 1
- Hôm nay: 14
- Tất cả: 38098