Chuyện Lão Lười: GIA THẾ TRÂM ANH
07/01/2024
Chuyện Lão Lười 2: GIA THẾ TRÂM ANH
Trong lời Tự tựa bộ sách “Lãn Ông tâm lĩnh”, Lãn Ông nói mình lấy làm thẹn vì sinh ra và lớn lên trong một gia đình “trâm anh môn đệ” , tức gia đình dòng dõi quyền quý, học hành đỗ đạt làm quan nhiều đời (khế thiểm xuất trâm anh môn đệ – 契忝出簪纓門第).
Tuy là lời nói khiêm tốn về chí hướng khác người của mình, nhưng ẩn chứa một phần sự thật về gia thế “khủng” của vị Đại danh y, danh nhân văn hóa đã được tổ chức UNESCO tôn vinh, phối hợp kỷ niệm 300 năm ngày sinh trong năm 2024 này.
Lãn Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng quyền quý thời Hậu Lê. Đại gia đình có tới 7 người cha con, ông cháu đậu Tiến sĩ, Hoàng giáp và làm quan đại thần.
Ông nội là Hoàng Giáp Lê Hữu Danh (1642-1691), đậu Nhị giáp tiến sĩ khoa thi Đình năm Tân Hợi (1671), được bổ làm Hiệu lý hàn lâm, sau được thăng Hiến sát sứ Kinh Bắc (*).
Cha là Tiến sĩ Lê Hữu Mưu (1685-1739), năm Canh Dần (1710) thi Hội đứng thứ 7, vào thi Đình đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, được bổ làm Hiệu thảo Hàn lâm.
Bác ruột là Tiến sĩ Lê Hữu Hỷ (1674-1706), năm Canh Thìn (1700) thi Hội đứng thứ 3, điện thí được ban học vị đồng Tiến sĩ xuất thân, được bổ làm Giám sát ngự sử đạo Tuyên Quang, rồi Đốc đồng xứ Sơn Tây.
Chú ruột là Tiến sĩ Lê Hữu Kiều (1691-1760), năm Mậu Tuất (1718) đậu đồng Tiến sĩ, trải nhiều chức vụ từ Đốc đồng tới Phó Đô ngự sử (Hải Dương Phong Vật Chí của Trần Huy Phác ghi nhầm Lãn Ông là con Lê Hữu Kiều).
Anh cùng cha khác mẹ là Lê Hữu Kiển (1722-1797) đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1748) làm quan Đốc trấn Lạng Sơn, tháng Đông các Đại học sĩ, Công bộ Hữu thị Lang.
Em con chú ruột là Lê Hữu Thư (1722-1801) đậu Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775), làm quan Đốc đồng Lạng Sơn, từng đi sứ sang Trung Quốc như cha (Lê Hữu Kiều) và được phong tặng Hàn lâm viện thị giảng.
Anh em cô cậu là Dương Lệ (cùng hàng nhưng lớn tuổi hơn Lãn Ông, cùng học và làm quan với cha Lãn Ông), đậu Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1712), giữ chức Bồi tụng Công bộ Tả thị lang thự Hình bộ sự.
Đó là chưa kể Lê Quý Đôn (1726-1784), đậu Bảng nhãn, là em rể (rể của chú ruột là Lê Hữu Kiều). Và về phía tộc ngoại, mẹ của Lãn Ông là bà Bùi Thị Thưởng, vốn là con võ quan Tham đốc tướng công Bùi Diệm Đăng.
Với danh gia vọng tộc nội ngoại như vậy, nên Lãn Ông tự nhận mình xuất thân từ gia thế “trâm anh môn đệ” hoàn toàn là chính xác.
Theo gia phả thì năm 20 tuổi Lãn Ông đi thi chỉ đậu Tam trường khoa thi Quý Hợi (1743), không đậu đại khoa như người anh cùng cha khác mẹ Lê Hữu Kiển. Trong lời Tiểu dẫn tập Y âm án, Lãn Ông có viết: “Tôi thất bại về đường khoa cử, không nối được nghiệp nhà, quay sang làm thuốc”.
Khi không theo truyền thống học hành đỗ đạt làm quan của gia đình, rẽ ngang qua con đường nghiên cứu y học vốn là nghề không được xã hội đương thời trọng vọng, Lãn Ông đã xác định làm ông lão lười với danh lợi quyền lực, chỉ ưu ái với quan niệm sống “Quên mình phục vụ người ta/ Ngoài ra tất cả đều là mây trôi” (Xả ngã tư nhân ngoại/ Phù vân tổng thị nhàn).
Chính nhờ lối đi riêng, với tư tưởng nhân văn “sống vì mọi người” và tinh thần “học tập suốt đời” mà dân tộc Việt Nam có một Hải Thượng Lãn Ông không chỉ trở thành Danh y xuất chúng, Y tổ của ngành Đông y, mà còn là nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa thứ 7 được tổ chức UNESCO vinh danh kỷ niệm. Đáng tự hào thay!
PHAN CÔNG TUẤN
(*) Theo Phạm Quang Ái trong tham luận “Góp phần cải chính năm sinh và năm mất của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” trong Kỷ yếu Hội thảo ngày 02/8/2022 thì năm sinh và năm mất đích thực của Tiến sĩ Lê Hữu Mưu là (1675-1743).
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 14
- Tất cả: 38098