Thuốc Tàu hay Thuốc Tây ?
06/11/2023
LGT: Bài viết ngắn dưới đây đã đăng khá lâu trên tạp chí THUỐC & SỨC KHỎE và được phát thanh trong chương trình Y TẾ – SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG của đài Tiếng nói Việt Nam. Tuy vậy, thông tin mà bài viết đề cập vẫn còn khá mới mẻ và cần thiết cho nhiều thầy thuốc Đông y tuyến cơ sở, nên chúng tôi mạn phép cho đăng lại bài viết này.
Từ nhiều năm nay, trên thị trường Đông dược, có một loại thuốc gọi là “đau đầu Trung quốc”, được lưu hành khá phổ biến để trị các bệnh cảm sốt, nhức đầu… Nhiều thầy thuốc y học cổ truyền và bệnh nhân truyền tụng rất nhiều về tác dụng “thần hiệu” của loại thuốc này. Nhưng một phần do thiếu hiểu biết, một phần do mê tín thuốc Tàu, cho thuốc Đông y là thuốc tự nhiên, cứ uống vô tội vạ, bội liều lượng lên cũng không hề gì… Trên thực tế đã có không ít trường hợp vì dùng sai hoặc lạm dụng thuốc đó mà dẫn đến nhiều hậu quả tai hại. Thường là sau khi uống vào, người bệnh nghe cồn cào, xót ruột, sau đó sẽ tái phát hoặc nặng thêm các chứng bệnh viêm lóet dạ dày -tá tràng, thậm chí có thể gây xuất huyết tiêu hóa, có trường hợp phải cấp cứu ở bệnh viện mới thoát chết. Vậy thực chất loại thuốc đó là gì?
Đúng ra tên thuốc (bằng chữ Hán) ghi trên nhãn là GIẢI NHIỆT CHỈ THỐNG TÁN (解热止痛散). Do không biết chữ Hán hoặc không rành tên phiên âm các loại thuốc mới (tân dược) mà nhiều thầy thuốc cổ truyền đã cố tình… lờ đi thành phần được ghi rõ trên nhãn thuốc. Đó là:
阿司匹林 (A-ti-thất-lâm tức Aspirin) 0,2268g
非那西丁(Phi-na-tây-đinh tức Phenacetin) 0,162g
咖啡因 (Già-phi-nhân tức Caféin) 0,035g
Đọc công thức này rõ ràng nó không khác viên A.P.C trong thuốc Tây. Tác dụng của thuốc được ghi là thuốc giải nhiệt (hạ sốt), trấn thống (giảm đau), chỉ định dùng trong đau đầu, đau răng, đau thần kinh, đau kinh nguyệt, đau cơ nhục, đau khớp xương… Với liều dùng ngày 3 lần, mỗi lần 1 gói. Ngoài ra, nhà sản xuất (tập đoàn chế dược Ngô Châu, Quảng Tây, Trung Quốc) không hề ghi thêm một dòng nào về chống chỉ định của thuốc. Đó chính là một phần nguyên nhân của các hậu quả nêu trên.
Rõ ràng không phải ai cũng biết A.P.C chống chỉ định trong tiền sử chảy máu dạ dày – ruột, lóet dạ dày, mẫn cảm với dẫn chất salicylic, các chứng bệnh gây xuất huyết như sốt xuất huyết… Nên thận trọng dùng cho phụ nữ có thai (nhất là 3 tháng cuối), người bị suy thận, người lao hay ra mồ hôi …
Và càng không phải ai cũng biết gói “đau đầu Trung Quốc”hay “giải nhiệt chỉ thống tán” chính là tên gọi và hình thức khác nhau của A.P.C.. Vì vậy, là những người làm công tác điều trị trong lĩnh vực y học cổ truyền, chúng tôi tự thấy trách nhiệm cần khuyến cáo cùng đồng nghiệp và bạn đọc về tệ nạn
“Thuốc Tàu mà hóa … thuốc Tây
Mập mờ chẳng rõ có ngày tiêu ma !”
L.Y. PHAN CÔNG TUẤN
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 11
- Tất cả: 38095