Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Cám ơn CTQ đã hé mở một phần tiểu sử của ông ngoại tôi – danh y Lưu Thủy

03/11/2023

Ni sư Thích Nữ Như Đức

LTS: Sau loạt bài về danh y Lưu Thủy trên CTQ116, Tòa soạn đã nhận được thư và điện thoại phản hồi của quý độc giả: L.Y Quách Thị Phong Vân (32/1 Mai Xuân Thưởng, P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), bác Nguyễn Văn Tân (thôn La Thọ 1, Điện Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam) và Ni sư Thích Nữ Như Đức (trụ trì thiền viện Viên Chiếu, Ấp 2, Phước Bình, Long Khánh, Đồng Nai). Trong số này, xin chia sẻ cùng bạn đọc những tình cảm và kỷ niệm của một người cháu ngoại cụ Lưu Thủy, nhờ đọc bài viết trên CTQ116 thấy hé mở ra một phần tiểu sử của ông ngoại mình.

Kính thưa quý thầy trong BBT CTQ!

Tôi rất vui mừng nhận được tạp chí Cây Thuốc Quý số 116, trong đó có bài viết về ông ngoại tôi, cụ Lưu Thủy. Tôi cũng cám ơn anh Sáu Long đã cho địa chỉ để quý thầy liên lạc, nối lại tin tức cho gia đình.

Ông ngoại tôi có bốn người con trai, một người con gái là mẹ tôi. Trong các con trai, chỉ có cậu Ba Hạp của tôi là sống thọ, có hai con trai là Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Anh Minh (cháu nội) và các chị em gái. Cậu Ba Hạp và mẹ tôi thường gần gũi với ông lúc ông vào Sài Gòn. Khi ông mất cũng có cậu và mẹ tôi ở bên cạnh. Ông có dặn là chôn cất ông xong thì về Sài Gòn liền, vì sẽ có mưa bão và chiến tranh. Riêng tôi, cháu ngoại gái, sinh ở Nha Trang sống ở Sài Gòn chẳng được về quê ngoại. Bao nhiêu ký ức về ông, về La Thọ là do mẹ tôi kể. Mẹ tôi nói ông giỏi về tử vi, giỏi làm thuốc, bắt mạch cho mấy người quê mùa cũng giải thích cặn kẽ kinh mạch, bộ vị… Dù rằng mấy người dân quê chất phác nghe chẳng hiểu chi hết. Ông nói như tự kể cho mình nghe vì kiến thức ông rất rộng. Ông rất muốn trao truyền kinh nghiệm của mình, nhưng phía con trai không đủ duyên, cậu Ba tôi thì theo tây học làm công chức nhà nước chẳng hiểu chữ Nho, mẹ tôi là con gái quê mùa một phận.

Lúc ở Sài Gòn ông rất quý trọng BS. Nguyễn Văn Ba, thường nhắc với mẹ tôi. Mẹ tôi chỉ vâng vâng dạ dạ không hiểu thâm tình của các cụ, cho đến khi đọc được tạp chí CTQ tôi mới biết, và giờ này thì các vị đã khuất bóng. Tôi trân trọng kỷ niệm của ông ngoại. Tôi muốn gởi theo đây, một bản Duy Thức luận của ông ngoại dịch, và chắc là ông đọc cho người cháu- anh Bùi Thế Kinh – đánh máy lại,… Bùi Thế Kinh là rể cụ Nguyễn Khải, ngang một đời với anh Sáu Long, nhưng ông ngoại tôi nhắc hoài, rất tâm đắc với người học trò về thuốc và về Phật pháp này. Tôi may mắn có được di cảo về Phật pháp của ông, và nhớ lại kỷ niệm về ông hồi tôi còn nhỏ, quá nhỏ để chỉ biết thích hột xí muội hay táo tàu ở tiệm thuốc thôi.

Ông có về Phật học đường Lưỡng Xuyên ở Trà Vinh để giảng dạy Phật pháp, mẹ tôi đi theo ông, có duyên gần gũi Phật pháp. Khi mẹ tôi xuất gia, lúc này ông chưa đến 70 tuổi, chắc đã về La Thọ rồi, cũng không dược gần ông để học Phật.

Vốn liếng quý báu của ông về Phật học và Y học, rốt cuộc chưa được thi thố hết. Ông cũng biết đó là mệnh mình. Tôi rất thương ông ngoại bà ngoại, vì mẹ tôi rất thương cha mẹ, nhắc hoài với một tâm tình không khuây. Các anh chị phía nội thì người bận gia đình, người bận đau bệnh chẳng có về quê. Tôi đi tu, không thể xông xáo một mình, dù cứ nhớ La Thọ như lời truyền khẩu của mẹ tôi: làng La Thọ, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Cho đến năm 2006, tôi và các anh chị mới hợp ý để xin cải cát hỏa táng và đưa di cốt hai cụ về thờ tại tháp ở thiền viện Thường Chiếu – Đồng Nai. Vì tôi ở thiền viện Viên Chiếu rất gần để thắp hương. Thiền viện Thường Chiếu có quý Thầy chăm sóc, các anh chị cháu nội ở Sài Gòn về cũng gần. Tôi cũng đã biết quê ngoại, mỗi năm về thắp hương viếng các cụ, cúng lễ ở chùa Hòa Phước.

Trên tạp chí CTQ116 có tin về buổi họp mặt tưởng niệm ông, tôi rất muốn được tham dự, nhưng ngày đó lại có lịch giảng dạy, ba tháng mới có một kỳ, nên đành từ xa mà hướng vọng. Kính chúc quý thầy, quý vị CTV được bình an sức khỏe để làm lợi ích cho đời.

Xin giới thiệu đôi dòng về tác phẩm Duy Thức Tam Thập Tụng. Đây là tác phẩm Phật học chuyên sâu về tâm và những biến chuyển của tâm, mục đích giúp người ta nhìn thấu rõ về tâm lý của mình, biết rõ thì sẽ biết gốc của bệnh mình, bệnh do tham sân si chẳng hạn. Tuy là có nhiều danh từ khó hiểu, nhưng tôi nghĩ ông ngoại tôi thích nó vì có những điều kiện như y học, bắt mạch trúng, biết bệnh trạng, cho thuốc và lành bệnh. Phật học như y học, vì người đời cũng xưng ngợi Phật là vua của thầy thuốc. Thời của ông, tác phẩm này rất khó phổ biến vì khó hiểu, ngay như con cháu có xuất gia học Phật nhưng không thể nào hiểu hết. Thế mới biết tâm trí mênh mông của ông.

Ngoài ra tôi sẽ cố liên lạc với gia đình anh Bùi Thế Kinh xem còn các di cảo nào liên quan về thuốc, vì lúc sống ông rất tin tưởng, thường trò chuyện với anh. Gia đình hiện tại cũng còn mấy người con ở Sài Gòn. Tôi luôn muốn đóng góp cho CTQ vì chợt một phần tiểu sử của ông đã hé mở, những điều này mẹ tôi không thể biết, không kể được cho tôi nghe.

Một lần nữa xin cảm tạ quý Thầy, kính chúc quý Thầy và gia đình luôn an lạc. Nếu có dịp tôi sẽ xin đến Văn phòng CTQ để thăm.

Thiền viện Viên Chiếu,

Ngày 13 tháng 10 năm 2008

Kính thư!

Thích Nữ Như Đức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *