Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Bảo tồn và phát triển cây THUỐC THƯỢNG (Phaeanthus vietnamensis Ban) tại Đà Nẵng

23/10/2023

Phan Công Tuấn1* – Huỳnh Minh Đạo2

 1Hội Dược liệu thành phố Đà Nẵng

2Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng

Email: hoiduoclieutpdn@gmail.com

1.    Đặc điểm thực vật

  • Tên gọi: Thuốc thượng
  • Tên gọi khác: Thuốc mọi, thuốc dấu cà doong, da xà lắc [1]
  • Tên khoa học: Phaeanthus vietnamensis Ban, Họ Na (Annonaceae)

1.1.         Mô tả hình thái:

 

Hình 1. Cây Thuốc thượng tại thực địa

Hình 1. Cây Thuốc thượng tại thực địa

Thuốc Thượng là cây gỗ nhỏ hoặc cây bụi, cao 2-10 m. Cành non gần như không có lông. Lá thuôn hoặc gần hình mác, cỡ 9-16 x 3-6,5 cm; chóp lá thường thành mũi dài và nhọn; gốc lá hình nêm, hơi lệch; cả 2 mặt đều không có lông (đen khi khô); gân bên 9-11 đôi, nổi rõ ở mặt dưới, cong hình cung và hơi vấn hợp ở gần mép; gân cấp III hơi rõ; cuống lá dài 5-6 mm, không có lông. Hoa mọc so le với lá, thường thành xim 2-hoa; cuống chung dài 1-1,5 cm, hơi có lông thưa; cuống hoa dài 1,5-3 cm, mang 4-6 lá bắc nhỏ thường hình mác (cuống hoa, lá bắc, mặt ngoài lá đài và cánh hoa lúc đầu có lông màu gỉ sắt, về sau gần như nhẵn). Lá đài và cánh hoa ngoài gần giống nhau, hình mác, dài trên

Hình 2. Đặc điểm hình thái cây Thuốc thượng

  1. Thân; 2. Cành mang lá; 3. Lá (mặt trên và mặt dưới); 4a. Nụ hoa;
    4b. Hoa; 5. Quả non; 6. Cành mang quả; 7a. Quả già; 7b. Quả chín; 7c. Quả bổ đôi

1 mm; cánh hoa trong màu vàng (khi già trở nên trắng), hình trứng, dài 8-12 mm, rộng 4-6 mm, dính nhau bởi mép từ gốc tới đỉnh (đỉnh gần như phẳng). Nhị nhiều, dài chừng 1 mm; mào trung đới hình đĩa hơi nhọn đầu; chỉ nhị hơi rõ. Lá noãn nhiều (trên 10), dài gần 2 mm; bầu có lông; núm nhụy hình đầu, có lông, không có vòi nhụy. Noãn 1, đính gốc. Phân quả hình trái xoan, cỡ 12-15 x 6-7 mm , không có lông, khi chín màu vàng sau đó chuyển thành màu mận chín (khi khô có 2 khía hằn sâu dọc theo 2 lá mầm), ở trên cuống dài 13-15 mm; vỏ quả rất mỏng [1], [2]

1.2.         Sinh thái, phân bố, bộ phận dùng:

Sinh thái: mọc dưới tán rừng thưa, rừng thứ sinh, nơi sáng và ẩm, ở độ cao dưới 300 m. Ra hoa tháng 5-12, có quả tháng 6 đến tháng 1 năm sau

Phân bố trong nước: Thừa Thiên – Huế (Phú Lộc, Hương Phú), Quảng Nam (Đại Lộc, Quế Sơn, Núi Thành, Duy Xuyên, Tiên Phước, Phước Sơn, Đông Giang). Tại Đà Nẵng có mọc tự nhiên bên các bờ khe suối ở trong rừng xã Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Khương.

Ở Việt Nam, chi Phaeanthus lần đầu tiên được Nguyễn Tiến Bân ghi nhận với loài Thuốc thượng-Phaeanthus vietnamensis Ban. Đây cũng là loài duy nhất thuộc chi này được ghi nhận ở Việt Nam cho tới nay. Thuốc thượng là loài đặc hữu của xứ Quảng, phân bố trong tự nhiên khá hẹp. Loài đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam (2007) với cấp phân hạng VU B2b,e+3b (loài sắp nguy cấp). Trên thế giới hiện chưa có dẫn liệu về loài này.

Bộ phận dùng, sơ chế: Lá và cành nhỏ, thu hái phơi khô dùng trực tiếp hoặc nấu cao

2.    Thành phần hóa học

Theo kết quả nghiên cứu của Võ Duy Lê Sơn, Thuốc thượng có chứa 3,925% alkaloid toàn phần [3].

Năm 2014, Lê Thị Ngọc Ngân đã tiến hành định tính Thuốc thượng thấy có chứa: alkaloid, tinh dầu, polyphenol, triterpenoid, acid hữu cơ. Từ cao chiết ethylacetat của lá, Lê Thị Ngọc Ngân đã phân lập được 3 hợp chất: pinoresinol, lyoniresinol, syringaresinol [4].

Nguyễn Thị Nghĩa và cộng sự (1991) đã phân lập được 7 alkaloid: petalinemethin, doryphornin methyl ether, N-methylcorydaldin, argentinin, atherosperminin, 1S,1’R-7,7′-O,O’-dimethylgrisabin và 1S,1’R-7-Omethylgrisabin [5]

Nguyễn Trung Tường và cộng sự đã phân lập từ cành và lá Thuốc thượng được 15 hợp chất gồm: 7 hợp chất thuộc nhóm sesquiterpen, 4 hợp chất thuộc nhóm lignan, 3 hợp chất thuộc nhóm alkaloid, 1 hợp chất thuộc nhóm meroterpen. Trong đó có: 3 hợp chất mới là (7S,8R,8′R)-3,5,3′,5′-tetramethoxy-4,4′,7-trihydroxy-9,9′-epoxylignan (PV1), 8α-hydroxyoplop-11(12)-en-14-on (PV5) và (1R,2S,4S)-2-E-cinnamoyloxy-4-acetyl-1-methylcyclohexan-1-ol (PV12); 8 hợp chất lần đầu tiên phân lập được từ chi Phaeanthus là: 8R,8ʹRbishydrosyringenin (PV2), (+)-5,5′-dimethoxylariciresinol (PV3), spathulenol (PV6), 1αH,5βH-aromandendrane-4β,10α-diol (PV7), 1αH,5βH-aromandendrane-4α,10α-diol (PV8), 1βH,5βH-aromandendrane-4α,10β-diol (PV9), 3α,4β-dihydroxybisabola-1,10-dien (PV10), nerolidol (PV11); 2 hợp chất lần đầu tiên phân lập được từ loài P. vietnamensis Ban là thalifolin (PV14) và moupinamid (PV15); 2 hợp chất đã phân lập trước đó là (+)-pinoresinol  (PV4) và N-methylcorydaldin (PV13) [6],[7],[8],[9]

3.    Tác dụng dược lý

Nguyễn Thị Nghĩa và cộng sự: Phát hiện alkaloid toàn phần chiết tư lá cây thuốc Thượng có hoạt tính kháng khuẩn. Trong đó alkaloid phân lập được 1S, 1’R-7,7′-O,O’-dimethylgrisabin thể hiện hoạt tính kháng khuẩn mạnh với nồng độ ức chế tối thiểu đối với Bacillus subtilis là 62,5 ppm [5]

Nghiên cứu của Trần Công Luận và cộng sự (2015) cho thấy các cao chiết của cây Thuốc Thượng đều có khả năng kháng khuẩn tốt. Cao alkaloid toàn phần cho hiệu quả kháng khuẩn cao nhất trên các chủng vi khuẩn Gram (+) và Gram (-). Cao chloroform có hiệu quả mạnh thứ hai. Cao cồn tổng có hoạt tính kháng khuẩn tương tự như cao chloroform, trong khi các cao n-butanol và cao nước thể hiện hoạt tính kháng khuẩn yếu hơn và hầu như không có tính kháng khuẩn trong cao ether [10]

Theo Nguyễn Trung Tường, LD50 của cao lỏng lá (CL1) bằng đường uống là 135,63 g/kg. Chưa xác định được LD50 của cao lỏng thân cành (CL2) với liều tối đa chuột có thể dung nạp là 550 g/kg. Độc tính bán trường diễn: Cao lỏng lá (CL1), cao lỏng thân cành (CL2) cây thuốc Thượng an toàn ở các mức liều 2 g và 4 g/kg/ngày khi dùng trên chuột cống trong thời gian 60 ngày [11].

Chống viêm: Cao lỏng CL1 và CL2 với các mức liều 1,4 g/kg và 2,8 g/kg đều có tác dụng chống viêm khớp, tương đương với thuốc tham chiếu indomethacin liều 10 mg/kg; Cao lỏng CL1 và CL2 với các mức liều 1,4 g/kg và 2,8 g/kg đều có tác dụng chống viêm cấp và viêm mạn, tương đương với thuốc tham chiếu diclofenac liều 15 mg/kg. Giảm đau: Cao lỏng CL1 và CL2 với mức liều 1,4 g/kg và 2,8 g/kg đều có tác dụng giảm đau trên tổ chức viêm, tương đương với thuốc tham chiếu diclofenac liều 15 mg/kg; Cao lỏng CL1 và CL2 với các mức liều 2,4 g/kg và 4,8 g/kg đều có tác dụng giảm đau trên mô hình gây đau quặn, tương đương với thuốc tham chiếu diclofenac liều 20 mg/kg; Cao lỏng CL1 và CL2 với các mức liều 2,4 g/kg và 4,8 g/kg đều có chiều hướng làm tăng thời gian phản ứng đau trên mô hình gây đau bởi mâm nóng tuy nhiên chưa có ý nghĩa thống kê [7].

Theo Huỳnh Minh Đạo và cộng sự (2021), cao lá Thuốc thượng có tác dụng chống loét dạ dày tương đương với omeprazole trên các mô hình gây loét thực nghiệm trên chuột nhắt, cụ thể: Ở mô hình gây loét bởi aspirin, cao lá Thuốc thượng làm giảm chỉ số loét so với nhóm chứng bệnh lý là 57% (liều 7 g/kg) và 48% (liều 14 g/kg); ở mô hình gây loét bởi ethanol, cao lá Thuốc thượng làm giảm chỉ số loét so với nhóm chứng bệnh lý là 59% (liều 7 g/kg)  và 46% (liều 14 g/kg); ở mô hình gây loét bởi stress bất động lạnh, cao lá Thuốc thượng làm giảm chỉ số loét so với nhóm chứng bệnh lý là 29% (liều 7 g/kg)  và 25% (liều 14 g/kg) [12]

4.    Kinh nghiệm sử dụng trong dân gian

Theo kinh nghiệm dân gian, Thuốc thượng được dùng để chữa vết thương phần mềm, chữa ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, ỉa chảy, viêm ruột và dạ dày…Bộ phận dùng của cây thuốc Thượng là lá, vỏ rễ, vỏ thân [2]. Theo kinh nghiệm gia truyền của một số lương y, cao thuốc Thượng ngoài việc pha loãng trị đau mắt đỏ rất hiệu quả thì còn có thể uống để trị các chứng đau bụng (do đau dạ dày, bệnh đường ruột, đau bụng không rõ nguyên nhân, thống kinh) và ngậm nuốt dần cao này cũng cắt được cơn hen suyễn (uống nuốt 1 lần không hiệu nghiệm). Tại An Ngải (Hòa Sơn, Đà Nẵng) trước đây có bà lang Y chuyên nấu cao nấu từ lá cây thuốc Thượng và cây găng voi để chữa các chứng sưng, nóng, đỏ, đau của bệnh khớp. Một số bà con ở Quế Sơn, Đại Lộc và huyện Hiên (nay là Đông Giang và Tây Giang) dùng nước sắc lá cây này vừa uống trong vừa ngâm rửa ngoài điều trị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa rất hiệu quả, bệnh trĩ (theo đường uống và dùng ngoài). Mộ số Lương y dùng cao thuốc thượng hoặc nước sắc đặc dùng rửa đắp ngoài, thấy các vết thương lành khá nhanh trong một số bệnh lở loét, viêm nhiễm phụ khoa, ngoại khoa, kể cả trĩ ngoại,…Cao nấu từ lá, cành non được dùng để giảm đau do khối u chèn ép, giảm đau thắt ruột sau cai nghiện cũng thể hiện tác dụng tốt [13].

5. Bài thuốc kinh nghiệm dẫn theo sách “Cây Thuốc Đà Nẵng”:

  • Chữa đau mắt đỏ: Cao thuốc thượng pha loãng với nước muối sinh lý, nhỏ mắt ngày 2-3 lần (Kinh nghiệm lương y Đặng Xuân Quang, Cẩm Lệ).
  • Chữa viêm khớp sưng nóng đỏ đau: Thuốc thượng và Găng voi lượng bằng nhau, nấu cao pha rượu uống (Kinh nghiệm bà lang Y, An Ngải, Hòa Sơn do lão sư Nguyễn Đạo Điều truyền, L.Y Phan Công Tuấn sưu tầm).
  • Khí hư do viêm nhiễm phụ khoa: Thuốc thượng 30g, sắc lấy 1 lít nước ngâm rửa ngày 1 lần. (Kinh nghiệm của Ý. Đặng Ánh Tuyết, Cẩm Lệ)
  • Thống kinh, đau bụng nội khoa chưa rõ nguyên nhân: Thuốc thượng 10g, hãm nước sôi, chia 3-4 lần uống trong ngày. (Kinh nghiệm của YS. Đặng Ánh Tuyết, Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ)
  • Chữa khí hư, bạch đới, di tinh: Cẩu tích 40g, Bạc thau 15g, Bướm bạc 15g, Thuốc thượng 10g, sắc uống. (Nghiệm phương của lương y Phan Công Tuấn).
  • Chữa phong thấp, viêm khớp, lưng cơ đau mỏi, thân thể mỏi mệt: dùng Chóc máu 20 g, Lá lốt 15g, Dây gắm 20g, Thuốc thượng 8g, sắc uống ngày 1 thang (Nghiệm phương của Đơn vị thừa kế thuốc nam – BV YHCT Đà Nẵng).
  • Chữa tê thấp, nhức mỏi: Dây gắm 30g, Kê huyết đằng 30g, Thuốc thượng 10g sắc uống ngày 1 thang (Nghiệm phương của Đơn vị thừa kế thuốc nam – BV YHCT Đà Nẵng).
  • Chữa thấp khớp, đau mỏi lưng gối: Kê huyết đằng 20g, Dây gắm 20g, Cẩu tích 20g, Thuốc thượng 10g. Sắc uống ngày 1 thang. (Nghiệm phương của Tuệ Tĩnh đường Hòa Nam, Hòa Vang).
  • Hỗ trợ cai nghiện, giải độc ma túy: Lá đắng, Dạ cẩm, Ngấy hương, Tầm gửi dâu, Muồng ngủ đều 15g; Cà gai leo, Lạc tiên đều 20g; Đinh lăng, Cối xay, Mắc cỡ đều 12g; Cam thảo đất, Thanh táo, Cỏ sữa nhỏ lá, Mơ lông, Rễ tranh đều 10g; Lá vông, Lá thuốc dấu (Sâm ngọc linh) đều 8g, Thuốc thượng 4g. Sắc uống ngày 1 thang trong 10 ngày. (Nghiệm phương của lương y Phan Công Tuấn – Huỳnh Sự, đề tài NCKH cấp thành phố của Bệnh viện YHCT Đà Nẵng). [15]
  • Bài thuốc chữa Gout cấp/ Xơ gan mất bù do rượu (đã nhập viện Đông – Tây y hàng chục lần không khỏi). Bệnh viện YHCT Đà Nẵng mời Lương y Phan Công Tuấn hội chẩn và kê đơn: Ráy gai 24g, Thuốc thượng 10g, Gừng gió 8g. Uống 20 thang đỡ hẳn, uống thêm 20 thang , đã 2 năm bệnh chưa tái phát.

6. Nghiên cứu bảo tồn và phát triển Thuốc thượng tại Đà Nẵng

Tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng, theo đề tài “Đánh giá thực trạng cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển” (Đề tài NCKH cấp thành phố, nghiệm thu 2017), Thuốc thượng là cây thuốc có giá trị bảo tồn và nhiều tiềm năng phát triển. Nhóm nghiên cứu đã xác định GPS có 26 điểm phân bố cây Thuốc thượng trên địa bàn huyện Hòa Vang. Ngoài ra  đã điều tra thống kê được 4 bài thuốc kinh nghiệm có sử dụng Thuốc thượng [14].

Sách chuyên khảo CÂY THUỐC ĐÀ NẴNG, một sản phẩm của nhóm nghiên cứu, đã tổng kết tính năng, công dụng của Thuốc thượng như sau: Vị đắng, có tác dụng hoạt huyết tiêu viêm, kháng khuẩn, sát trùng, đặc biệt giảm đau mạnh, có thể hạ đường huyết; dùng uống trị đau bụng, viêm loét dạ dày, co thắt đại tràng, nhiễm trùng đường ruột, bệnh phụ khoa (khí hư, viêm loét sinh dục, thống kinh). Dân gian dùng lá non hấp chín trên nồi cơm, lấy nước nhỏ mắt chữa đau mắt đỏ. Vỏ rễ, vỏ thân và lá đem nấu cao dán chỗ mụn nhọt sưng tấy. Còn được dùng chữa bệnh đường ruột (tiêu chảy). Cao đặc nấu từ lá, chế thành viên nén dùng chữa bệnh ỉa phân trắng ở lợn con rất tốt [15].

Vị Thuốc thượng đã được đưa vào sử dụng trong bài thuốc hỗ trợ điều trị Cai nghiện ma túy tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng theo đề xuất của Lương y Phan Công Tuấn, trong đề tài NCKH cấp thành phố “Đánh giá hiệu quả điều trị nghiện ma túy bằng châm cứu, thuốc nam kết hợp dạy nghề giúp việc lương y lương dược tại trung tâm dạy nghề 05-06”, đã được nghiệm thu năm 2017 [16].

Gần đây, Thuốc thượng đã được kê đơn sử dụng (thông qua hội chẩn) trong một số trường hợp bệnh lý xơ gan cho kết quả rất tốt  và chế thành dung dịch sát khuẩn mũi họng trong phòng chống dịch Covid tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng.

Trong đề tài cấp thành phố “Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng một số loài cây thuốc tại thành phố Đà Nẵng”, Thuốc thượng là một trong 5 loài cây thuốc đã được nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát thực địa và thu mẫu hạt để nhân giống, xây dựng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Thuốc thượng, phối hợp chuyển giao cho hộ ông Phan Thanh Phiến xây dựng vườn thực nghiệm mô hình, đã trồng trên 20.000 cây Thuốc thượng dưới tán rừng tại Bãi Xếp, Sơn Trà. Sau 3 năm trồng, cây Thuốc thượng đã phát triển rất tốt, cao 1-2m, cây đã ra hoa, kết quả và cho lá thu hoạch làm dược liệu [17].

Hiện nay, Hội Dược liệu thành phố Đà Nẵng đã vận động thành lập “Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Xứ Quảng”, trong đó Thuốc thượng là đối tượng được quan tâm hàng đầu.

Các đối tác có nhu cầu mua cây giống và dược liệu Thuốc thượng, có thể liên hệ với ông Phan Thanh Phiến là một trong 7 thành viên sáng lập của HTX Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Xứ Quảng, thông qua số điện thoại/zalo: 0913 486994.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Nguyễn Tiến Bân, (2000), Thực vật chí Việt Nam, Họ Na (Annonaceae Juss.), NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội
  2. Võ Văn Chi (2002), Từ điển cây thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, Tập 2, tr. 940-941
  3. Võ Duy Lê Sơn, (2012), Định tính – Định lượng – Chiết tách và khảo sát hoạt tính kháng khuẩn của hợp chất alcaloid trong cây thuốc thượng (Phaeanthus vietnamensis Ban), Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh
  4. Lê Thị Ngọc Ngân (2014), Nghiên cứu chiết tách và xác định thành phần hóa học của cây Thuốc Thượng ở Quảng Nam Đà Nẵng trong một số dịch chiết hữu cơ, Luận văn Thạc sỹ, Trường Đại học Sư phạm Đà nẵng, Đà Nẵng
  5. Nghia, N.T., Valka, I., Weigl, E., Simanek, V., Cortes, D., and Cave, A.,(1991), “Alkaloids from leaves of Phaeanthus vietnamensis“, Fitoterapia 62, 315-318.
  6. Nguyen Xuan Nhiem, Nguyen Trung Tuong, Pham Thanh Ky, Lalita Subedi, Seon Ju Park, Tran Minh Ngoc, Pham Hai Yen, Bui Huu Tai, Tran Hong Quang, Phan Van Kiem, Sun Yeou Kim, Seung Hyun Kim (2017), Chemical components from Phaeanthus vietnamensis and their inhibitory NO production in BV2 Cells, Chemistry & Biodiversity, 14(8), DOI:10.1002/cbdv.201700013
  7. Nguyễn Trung Tường (2019), Nghiên cứu đặc điểm thực vật, thành phần hóa học và một số tác dụng sinh học của cây thuốc Thượng (Phaeanthus vietnamensis Ban, Họ Na Annonaceae), Luận án tiến sĩ, Viện Dược liệu
  8. Nguyễn Trung Tường, Phạm Thanh Kỳ, Phan Văn Kiệm, Nguyễn Xuân Nhiệm (2016), Các hợp chất alkaloid phân lập từ lá cây Thuốc thượng (Phaeanthus vietnamensis Ban), Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tập 9 số 10, trang 16-19
  9. Nguyen Trung Tuong, Pham Thanh Ky, Tran Minh Ngoc, Do Thi Ha, Phan Van Kiem, Nguyen Xuan Nhiem (2017), Sesquiterpenes from Phaeanthus vietnamensis Ban, Journal of Medicinal Materials, Vol. 22, No. 3 (pp. 141-146)
  10. Trần Công Luận, Huỳnh Thị Ngọc Lan, Bùi Thanh Phong, Đặng Ngọc Phái (2015), Khảo sát tác dụng kháng khuẩn của các cao chiết từ cây Thuốc thượng (Phaeanthus vietnamensis Ban), Y Học TP. Hồ Chí Minh, Phụ Bản Tập 19, Số 5, trang 165-168
  11. Nguyễn Trung Tường, Nguyễn Hoàng Ngân, Phạm Thanh Kỳ, Nguyễn Xuân Nhiệm (2016), Nghiên cứu tính an toàn của cao lỏng lá cây thuốc thượng, Tạp chí Dược học, Tập 56, Số 5, trang 38-40
  12. Huỳnh Minh Đạo, Trịnh Thị Quỳnh, Nguyễn Thanh Quang, Cao Thị Hà, Đỗ Đình Nguyện (2021), Khảo sát tác dụng hỗ trợ chữa loét dạ dày của cây Thuốc thượng (Phaeanthus vietnamensis Ban, họ Na (Annonaceae)) thu hái tại thành phố Đà Nẵng trên chuột nhắt, Đề tài cấp cơ sở, Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng
  13. Phan Công Tuấn (2015), Thuốc thượng – cây thuốc quý cần được nghiên cứu và bảo tồn, https://baodanang.vn/channel/5433/201503/phuong-hay-thuoc-quy-thuoc-thuong-cay-thuoc-quy-can-duoc-nghien-cuu-va-bao-ton-2399832/, truy cập 26/3/2023
  14. Đặng Ngọc Phái – Phan Công Tuấn và CS (2017). Báo cáo tổng kết đề tài “Đánh giá thực trạng cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
  15. Nguyễn Văn Ánh, Nguyễn Tập, Đặng Ngọc Phái, Phan Công Tuấn (2020), CÂY THUỐC ĐÀ NẴNG, Nxb Đà Nẵng.
  16. Nguyễn Văn Ánh – Phan Công Tuấn và CS, (2017), Báo cáo tổng kết đề tài “Đánh giá hiệu quả điều trị nghiện ma túy bằng châm cứu, thuốc nam kết hợp dạy nghề giúp việc lương y lương dược tại trung tâm dạy nghề 05-06”, Đề tài NCKH cấp thành phố, đã nghiệm thu.
  17. Phan Công Tuấn và cộng sự (2022), Báo cáo tổng kết đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng một số loài cây thuốc tại thành phố Đà Nẵng”, Đề tài NCKH cấp thành phố, đã nghiệm thu.

2 Replies to “Bảo tồn và phát triển cây THUỐC THƯỢNG (Phaeanthus vietnamensis Ban) tại Đà Nẵng”

  1. Cao lỏng từ thân, lá cây thuốc thượng được nhiều người dùng có hiệu quả, kể cả một số trường hợp tiểu đường cũng hiệu quả đó anh.

    1. Sách CÂY THUỐC ĐÀ NẴNG nói trên có ghi nhận tác dụng hạ đường huyết nên có thể hỗ trợ điều trị tiểu đường. Kinh nghiệm từ một bệnh nhân là vợ một lương y ở quận Thanh Khê phản ánh cho tác giả bài viết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *