Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Nặng tình cây cỏ

08/10/2023

Có những con người, suốt một đời gắn mình với cây cỏ, với những vị thuốc quý mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Công việc chẳng mang lại cho họ cuộc sống giàu sang nhưng mang lại cho họ những người bạn, cùng điều may mắn “nhìn đâu cũng thấy thuốc quý”.

Lương y Thái Đờn truyền dạy kiến thức về Đông y cho cô con gái út. Ảnh: T.Y

Sống cuộc đời tận hiến

Ngôi nhà của Lương y Thái Đờn nằm khuất trong con hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ, dường như lúc nào cũng nghe thoang thoảng mùi thơm đặc trưng của thuốc Bắc, là địa chỉ quen thuộc của nhiều bệnh nhân trong và ngoài tỉnh. Cả cuộc đời chẩn bệnh, bốc thuốc không giúp ông giàu tiền mà chỉ giúp ông tăng thêm kiến thức về nghề Đông y. Ngoài hàng trăm vị thuốc quý được ông cất trong lọ, đặt gọn gàng trên kệ “tài sản” của ông còn là hàng chục cuốn sách viết về nghề Đông y bằng chữ Nho. Trong đó có những cuốn sách quý như Trung Quốc y học đại từ điển, Nghiệm phương tân biên, Biện chứng kỳ văn, Hoàng hán y học, Y học nhập môn…

Có vốn chữ Nho đầy đặn, Lương y Thái Đờn đã dành thời gian dịch trên 100 bài thuốc quý truyền lại cho thế hệ mai sau. Ông đúc kết: “Nhờ siêng đọc sách, tôi biết nhiều bài thuốc quý người xưa truyền lại, những bài thuốc 1 vị, 2 vị đơn giản dễ áp dụng. Chưa kể một số bài thuốc chữa được nhiều căn bệnh mà y học hiện nay phải bó tay. Không có sách thì khó thông”.

Dường như với Lương y Thái Đờn, tuổi 93 vẫn chưa phải là tuổi nghỉ ngơi. Cây cỏ cho ông sức khỏe. Hương thơm dịu mát tỏa ra từ  những vị thuốc trong nhà cho ông tinh thần sảng khoái. Hơn 70 năm gắn bó với nghề cho ông kinh nghiệm lâm sàng châm cứu, kể cả bệnh phong, tê thấp, đau lưng, khớp xương bằng máy điện từ trường. Suốt thời gian đó, Lương y Thái Đờn không ít lần đứng lớp giảng dạy về nghề đông y do Hội Đông y Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) tổ chức. Mỗi lần đứng lớp là mỗi lần ông nhiệt tình truyền đạt tất cả kiến thức mình có với tâm niệm “suốt đời nghiên cứu mà bảo thủ, chỉ giữ cho mình thì nghiên cứu ấy cũng không có giá trị”.

Lương y Huỳnh Sự, một thầy thuốc có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết với công tác châm cứu phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật ở Đà Nẵng. Ảnh: P.C.T

Xây dựng thói quen chữa bệnh bằng cây thuốc

Sau khi tốt nghiệp Khoa Y học cổ truyền (YHCT), ĐH Y khoa Hà Nội năm 1978, bác sĩ Lê Trung Chính về công tác tại Bệnh viện Y học dân tộc Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), đóng chân ở Hội An rồi được cử sang vùng Tây Bắc Campuchia làm chuyên gia giảng dạy thuốc đông y cho đồng bào dân tộc. Cuối năm 1986, ông được giao nhiệm vụ Phó Giám đốc Chuyên môn. Cũng trong năm này, do quá trình hoạt động tại Hội An không đạt hiệu quả, Bệnh viện Y học dân tộc dời địa điểm ra Đà Nẵng tại 411 Phan Châu Trinh, đến năm 1997 đổi tên thành Bệnh viện YHCT TP. Đà Nẵng  cho đến ngày nay.

Khi mới chuyển địa điểm mới rộng chừng 800m2, bệnh viện chỉ vỏn vẹn 2 bác sĩ chuyên môn. Ở vai trò lãnh đạo, bác sĩ Lê Trung Chính đã nỗ lực tìm kiếm các khóa đào tạo, cử người đi học, thu hút nhiều bác sĩ trẻ về công tác. Suốt 20 năm giữ chức vụ giám đốc (1993-2013), Bác sĩ CKII Lê Trung Chính ra sức phổ cập kiến thức đông y, tác dụng của cây thuốc cho người dân các xã huyện Hòa Vang; hỗ trợ thành lập Khoa Đông y tại hầu hết bệnh viện trên địa bàn. Ngày nhận quyết định về hưu, điều ông trăn trở nhất là Bệnh viện YHCT hiện vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thói quen sử dụng cây thuốc nam ở bệnh viện vẫn còn hạn chế.

Có thể nói, bác sĩ Lê Trung Chính là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Bệnh viện YHCT khang trang, bề thế như hiện nay. Với những đóng góp đó, ông được Bộ Y tế trao Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông về công tác Y dược cổ truyền và nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. “Điều đau đáu của tôi là các vườn thuốc nam ngày càng thu hẹp dần. Ở các cơ sở y tế, vườn thuốc phần lớn để làm mẫu chứ không có tác dụng hỗ trợ điều trị. Trong điều kiện quỹ đất ngày càng ít, chúng ta nên nghĩ đến việc trồng cây thuốc trong các chậu cảnh với số lượng lớn, vừa trang trí vừa dùng chữa bệnh. Mặt khác người dân cần xây dựng thói quen chữa bệnh bằng cây thuốc để tiết kiệm chi phí trong điều kiện kinh tế còn khó khăn”, bác sĩ Lê Trung Chính chia sẻ.

Có thầy hay ắt có trò giỏi

Hầu hết người hành nghề Đông y đều xem Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là vị thầy đầu tiên dẫn lối mình đến với nghề. Tài năng, đức độ của vị danh y giúp họ có thêm động lực, niềm tin một đời gắn bó với cây thuốc. Với Lương y Huỳnh Sự (50 tuổi), ngoài Hải Thượng Lãn Ông, người thầy để lại trong anh nhiều ấn tượng nhất là Thầy thuốc nhân dân-Bác sĩ Nguyễn Tài Thu, người được báo giới ưu ái gọi là cây kim vàng, ông vua châm cứu, huyền thoại sống khi cứu chữa được nhiều ca bệnh khó. Ở tuổi 84, ông vẫn vào Nam, ra Bắc như người ta đi chợ.

Tiếp xúc với thầy Thu, Lương y Huỳnh Sự học được rằng, làm thầy thuốc trước hết phải có một trái tim biết rung động trước nỗi đau của người khác nhưng để thành một thầy thuốc giỏi, cần phải có trí tuệ, luôn luôn học hỏi. Nhờ y đức và tài năng học được, Lương y Huỳnh Sự đã dành phần lớn thời gian chữa bệnh, bốc thuốc cho người nghèo, trẻ em khuyết tật, như cách anh nói “người ta nghiện cà-phê, thuốc lá còn tôi nghiện châm cứu cho trẻ em. Nhìn các em khỏe, có thể đi lại, ăn uống bình thường sau thời gian điều trị là điều tôi thấy hạnh phúc nhất”.

Lịch làm việc của Lương y Huỳnh Sự nằm ở 3 cơ sở khám, chữa bệnh miễn phí là Nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa (xã Hòa Phú), Tuệ Tĩnh đường Hòa Nam (xã Hòa Nhơn) và Phòng phục hồi chức năng Nhi, Bệnh viện YHCT TP. Đà Nẵng. Ở đó, ông dành hết thời gian bốc thuốc, châm cứu cứu người. Ngoài ra, ông cũng là người đi đầu trong áp dụng kỹ thuật châm cứu “thời châm” hỗ trợ điều trị cai nghiện và thuốc lá khá thành công ở Đà Nẵng thời gian qua.

Cả cuộc đời gắn bó với cây thuốc, Lương y Thái Đờn đã có thể mỉm cười vì có 2 người con theo nghiệp ba. Trong đó, ông đặt nhiều kỳ vọng vào cô con gái út Thái Thị Hiền (1987), hiện đang công tác tại Khoa dược, Bệnh viện YHCT TP. Đà Nẵng. Biết mong mỏi của ba, Hiền ra sức học tập để có thể phân biệt các vị thuốc Bắc, Nam cũng như công dụng của nó. Hiền tâm sự: “Hiện em rất muốn học thêm về ngành Y để có thể chẩn đoán bệnh chứ không chỉ bốc thuốc theo đơn. Tủ thuốc và vốn kiến thức ba để lại thật sự rất quý mà một người con như mình cần phải nỗ lực gìn giữ”. Có lẽ, mong muốn của Hiền cũng là mong muốn của nhiều người con may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình lương y có truyền thống bốc thuốc chữa bệnh cho mọi người.

TIỂU YẾN

https://baodanang.vn/channel/6061/201407/nang-tinh-cay-co-2343530/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *