Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Chữa bệnh bằng phương pháp Chườm nóng

08/10/2023

Chườm nóng là một phương pháp chữa bệnh khá phổ biến trong dân gian (còn gọi là hơ háp, Đông y gọi là uất pháp hay úy pháp 熨法). Phương pháp này có nhiều điểm tương đồng với phương pháp đốt cứu, tuy nhiên, cách dùng dược vật và phương pháp tiến hành có khác.

Chườm nóng là dùng vật dụng hoặc dược liệu nóng ấm chườm trực tiếp hoặc gián tiếp lên các vùng da để trị liệu bệnh tật. Phương pháp này có được mô tả trong các tác phẩm Đông y kinh điển, như Nội Kinh Tố Vấn – Điều kinh luận có chép: “bệnh trong xương thì hơ nóng kim châm hoặc dùng thuốc sao nóng chườm vào”; Linh Khu – Thọ yểu cương nhu cũng có chép bài thuốc sao nóng để chườm trên da chữa chứng hàn tý (đau khớp do lạnh, có giới thiệu bài thuốc ở phần sau).

Các tác phẩm y học nổi tiếng như Trửu Hậu Phương, Thiên Kim Phương, Ngoại Đài Bí Yếu, Gia Hựu Bản Thảo, Bản Thảo Cương Mục, Vệ Sinh Bửu Giám,… đều có chép về phương pháp chườm nóng bằng thuốc. Như vậy có thể nói chườm nóng là phương pháp chữa bệnh có lịch sử lâu đời và phạm vi ứng dụng rộng rãi. Phương pháp này đơn giản dễ làm, có tính an toàn cao mà hiệu quả lại nhanh chóng, rất được đại chúng hoan nghênh.

ĐYS. Đặng Ánh Tuyết tại Ngày hội Đông y và SKCĐ,
Trung tâm triển lãm Vân hồ Hà Nội, 2008.

I.TÁC DỤNG VÀ PHẠM VI ỨNG DỤNG:

Phương pháp chườm nóng chủ yếu mượn khí ấm nóng để trị liệu bệnh tật, nó có tác dụng ôn dương khí, khu hàn tà, thông kinh mạch, điều khí huyết… Sách Linh Khu, thiên Thích tiết chân tà viết: “Trị người bệnh quyết (hôn mê mà chân tay lạnh giá) trước hết phải dùng phép chườm nóng để điều hòa các kinh,… hỏa khí thông rồi, huyết mạch mới lưu hành”.

Phép chườm nóng thích ứng với các chứng bệnh có hàn tà bên ngoài xâm nhập vào kinh lạc tạng phủ, hoặc bẩm tạng dương hư, khí huyết không điều hòa dẫn đến các chứng bệnh khác, như phong hàn thấp tý (đau khớp dạng thấp), đau dạ dày, đau bụng do lạnh, ngực bụng đầy trướng, đại tiểu tiện không thông, hoắc loạn ẩu thổ, trưng hà bĩ khối (trong bụng có khối tích hòn cục).

  1. CÁC PHƯƠNG PHÁP CHƯỜM NÓNG THƯỜNG DÙNG:

Theo phương thức lấy nhiệt, có thể phân làm 2 loại: chườm trực tiếp và chườm gián tiếp. Theo nguyên liệu để chườm, có thể phân ra: chườm tro, chườm hành, chườm gừng, chườm rượu, chườm muối, chườm nước, chườm thuốc (một vị hay nhiều vị thuốc)…

1) Phân theo cách lấy nhiệt:

  1. a) Chườm trực tiếp: Là phương pháp lấy vật thể đang nóng ấm chườm áp lên da thịt, như đem các dược liệu sao hay xào nóng rồi trực tiếp chườm lên trên vùng da. Hoặc có khi dùng dụng cụ khác như cục gạch đá đã nướng nóng hoặc đổ nước nóng vào những vật dụng thủy tinh, kim loại như đồng rồi áp vào da đều thuộc loại này.
  2. b) Chườm gián tiếp: Không áp trực tiếp vật thể nóng lên da mà gián tiếp qua một số lớp dược liệu hay bông vải, mục đích để giữ sức nóng ôn hòa hay nhờ tác dụng sức nóng làm cho thuốc ngấm vào trong tổ chức da để điều trị bệnh tật.

2) Phân loại theo nguyên liệu chườm:

  1. a) Chườm thuốc: Cách này lấy các bài thuốc chữa các loại bệnh tật rồi làm nóng, đắp lên chỗ bị bệnh, mượn sức nóng khiến cho thuốc dễ ngấm vào da thịt để phát huy tác dụng chữa bệnh.
  2. b) Chườm tro: Lấy tro nóng trong lòng bếp củi, cho vào túi vải chườm những chỗ đau, có công năng ôn trung tán hàn, chủ trị các chứng đau ngực bụng (tâm phúc thống). Dân gian ứng dụng rất phổ biến phương pháp này.
  3. c) Chườm hành: Hành có tác dụng giải biểu, hòa lý thông dương, hòa huyết. Dùng củ hành giã nhuyễn, nắn thành bánh đặt lên huyệt vị hoặc chỗ đau, dùng một vật dụng chườm nóng đặt lên trên; hoặc xào nóng hành đã giã nhuyễn, cho vào túi vải chườm lên chỗ đau. Có thể trị tiểu không thông, nhọt sưng, bị đánh đòn, té ngã, hoặc dương khí vong thoát, tức ngực do khí kết…
  4. d) Chườm gừng: Gừng sống có tác dụng ôn trung tán hàn, dùng nó giã nát xào nóng chườm lên ngực bụng có tác dụng khai thông cách mạc, thông khí lồng ngực. Trên lâm sàng thường phối hợp gừng với hành cùng chườm.
  5. e) Chườm muối: Dùng muối sao nóng, cho vào túi vải chườm trực tiếp lên chỗ đau, hoặc trộn với các loại bột thuốc khác cùng sao chườm, tùy thuộc vào các loại dược liệu sử dụng mà có tác dụng trị liệu khác nhau.
  6. f) Chườm rượu: Dùng rượu đun hoặc chưng nóng, dùng khăn vải nhúng rượu đang nóng để chườm trị tức ngực do khí uất không thông hoặc tiêu sưng.
  7. g) Chườm nước: Dùng chai lọ dựng nước nóng hoặc dùng khăn lông nhúng nước sôi vắt kiệt rồi đắp lên chỗ đau, có tác dụng tiêu sưng, thông hành huyết mạch. Cách này đơn giản, thao tác tiện lợi, thường được dùng nhiều.

III. CÁC PHƯƠNG THUỐC CHƯỜM NÓNG:

Trong sách Nội Kinh Linh Khu, thiên Thọ yểu cương nhu có giới thiệu phương thuốc kinh điển chườm nóng chữa chứng hàn tý (sưng đau khớp do lạnh) như sau:

Dùng 20 cân (chừng 12 lít) rượu ngon, Thục tiêu 1 thăng (100ml), Can khương 1 cân (600g), Quế tâm 1 cân (600g). Dược liệu cắt nhỏ ra ngâm vào trong rượu. Dùng bông gòn 1 cân, vải trắng mịn 4 trượng (40 thước ta, tức khoảng 12m), tất cả bọc lại cho vào trong rượu, để bình rượu lên cái lò có đốt phân ngựa phơi khô; bình rượu phải được đậy nắp, trét kín lại không cho ra hơi. Ngâm như vậy trong 5 ngày 5 đêm, xong mới lấy bọc vải và bông đem ra phơi nắng cho khô. Khô rồi lại tẩm và phơi nhiều lần cho đến khi hết rượu trong bình. Mỗi lần tẩm như vậy phải tròn 1 ngày đêm mới đem phơi khô. Dùng cả bã thuốc với bông cuộn trong vải xếp thành từng xấp, mỗi xấp khoảng 6-7 thước (khoảng 2m) như cái khăn xếp, sẽ được chừng 6-7 xấp khăn như vậy. Khi dùng thì lấy than đốt từ cây dâu tươi hơ nóng xấp khăn đó rồi chườm áp lên trên chỗ đã được châm chữa bệnh hàn tý. Như thế khiến cho sức nhiệt nhập thấu tận nơi hàn tà khu trú bên trong. Khăn nguội thì hơ nóng lại và chườm tiếp như vậy khoảng 30 lần mới thôi. Khi mồ hôi ra thì dùng khăn lau khô, lau cũng phải đến 30 lần. Sau đó bảo người bệnh đứng lên đi bộ thong thả  trong nhà, không được ra gió. Mỗi lần châm đều phải hơ chườm như thế, bệnh sẽ khỏi.

Dưới đây là một số phương thuốc chườm nóng khác theo y văn cổ truyền, phần lớn khá đơn giản, bạn đọc phổ thông cũng có thể tự ứng dụng được:

  1. Niêm thống tán (Vệ sinh bửu giám):

Khương hoạt, Độc hoạt, Tế tân, Nhục quế, Phòng phong, Bạch truật, Cao lương khương, Ma hoàng, Thiên ma, Xuyên ô, Ngô thù du, Nhủ hương, Xuyên tiêu, Toàn yết, Đương quy đều 20g, Bạch khương 10g. Tán thô, mỗi lần dùng 40-60g trộn với một chén muối cùng sao co thật nóng rồi cho vào túi vải chườm lên chỗ đau, nếu nguội đổi túi thuốc khác hoặc sao nóng lại để dùng.

  1. Đương quy tán (Y lâm tập yếu):

Phòng phong, Đương quy, Cảo bản, Độc hoạt, Kinh giới tuệ, Ngoan kinh diệp (?) đều 1 lạng, tán bột thô. Mỗi lần lấy 1 lạng bột thuốc trộn với 4 lạng muối cùng sao nóng cho vào túi vải chườm, khi nguội thay túi khác.

  1. Phương thuốc chườm chữa bĩ khí (Y học nhập môn):

Trị vùng ngực tức nghẽn, và tất cả các chứng hung cách bị hàn kết, nhiệt kết, thủy kết, thực kết, đàm kết, bĩ kết  đều chữa được.

Gừng tươi 1 cân, giã nát vắt lấy nước cốt để riêng, sao nóng bã gừng, bọc vào túi vải chườm lên vùng ngực và hạ sườn, khi nguội trộn thêm nước cốt gừng vào bã thuốc rồi sao nóng lại, chườm tiếp. (Nếu nhiệt kết, không dùng sao).

  1. Phương thuốc chườm chữa chứng kết hung (Y học nhập môn):

Kết hung là thứ bệnh do tà khí ngưng kết ở ngực, làm cho ngực đầy cứng và đau. Trị âm chứng kết hung, tay chân lạnh buốt, dùng hành 10 củ, gừng sống 1 lạng, giã nát nhừ nắn thành bánh, dán lên trên rốn, dùng một vật dụng chườm nóng đặt lên trên, sao cho cảm giác nóng thấu vào bên trong là tốt, lại nên uống thêm các loại thuốc như Lý trung hoàn gia chỉ thiệt.

  1. Phương thuốc chườm chữa đau bụng quanh rốn do lạnh và tiết tả (Y lâm tập yếu):

Kỳ ngải 1 lạng, Xà sàng tử 1 lạng, Mộc miết tử (hạt gấc, cả vỏ, dùng sống). Tất cả tán bột, trộn đều, bọc vào vải bông, đặt lên rốn, dán băng cố định rồi áp vật dụng chườm nóng lên.

  1. Phương thuốc chườm chữa hoắc loạn:
  2. a) Chủ trị hoắc loạn thổ tả, ngực bụng đau không chịu nổi (Thế y đắc hiệu phương): Muối rang 2 chén, bọc vào giấy hay vải giữ nóng, chườm lên trước ngực và bụng, có thể lấy vật dụng chườm nóng áp trên một tầng nữa, khí nóng thấu vào sẽ dễ chịu ngay, tiếp tục chườm muối rang thêm vào vùng lưng, sẽ an toàn vô sự.

Lại có cách khác lấy muối rang cùng Ngô thù du chườm dưới rốn cũng hiệu quả (Y học nhập môn).

  1. b) Chủ trị hoắc loạn chuyển cân (Gia Hựu bản thảo):

Lấy bình hay vại chứa nước sôi để chườm hay đạp chân lên, khi nguội thay bình khác, để chữa hoắc loạn chuyển cân (đau bụng thổ tả, mất nước nhiều gây chuột rút ở cơ).

  1. Phương thuốc chườm chữa chứng nổi khối tích một chỗ trên bụng (Ngoại đài bí yếu):

Ngô thù du 3 vốc, nghiền nát, tẩm rượu sao nóng, bọc vải chườm lên ngay khối tích (đông y gọi là trưng hà), nếu nguội thay bọc khác, nếu khối tích chuyển dịch thì vẫn chườm áp theo.

  1. Phương thuốc chườm chữa chứng phong dị ứng (Thiên kim phương)

Sao Tàm sa (phân tằm khô) với muối để chườm lên chỗ nổi giác dị ứng.

  1. Phương thuốc chườm chữa đau sườn (Thiên kim phương):

Nguyên hoa, Cúc hoa lượng bằng nhau, Trịch trục hoa (?) nửa cân, bọc trong vải, chưng cho nóng rồi chườm chỗ đau, khi nguội đổi bọc khác.

  1. Phương thuốc chườm chữa bí tiểu (Thế y đắc hiệu phương):

Hành 3 cân, xắt nhỏ sao nóng, cho vào 2 túi vải, thay nhau chườm dưới rốn, tiểu được ngay. Cách khác: dùng muối rang nóng 0,5 cân, cho vào túi chườm dưới rốn cũng thông ngay.

  1. Phương thuốc chườm chữa thoát giang (Trửu hậu phương):

Đá vôi nung nóng bọc vải chườm vào giang môn, phần sa ra sẽ thụt vào.

  1. Bài thuốc chườm chữa âm thũng (Trửu hậu phương):

Nướng quả chỉ thiệt  chườm vào âm hộ sưng đau, sẽ lành.

  1. Phương thuốc chườm chữa thoát dương (Thế y đắc hiệu phương):

Giã nát hành và muối, xào nóng, đắp vào huyệt Khí hải (dưới rốn 1,5 thốn) liền khỏi chứng thoát dương (bệnh nguy kịch âm hàn thịnh ở trong, dương bị hao tổn nhiều và thoát ra ngoài; hoặc đàn ông khi giao hợp tinh thoát không ngừng).

  1. Phương thuốc chườm cứu người chết cóng (Y học cương mục):

Dùng cái chảo lớn sao tro cho ấm, cho vào túi chườm lên ngực trái, tro nguội liền thay, khi mở miệng thở được, dùng nước cháo loãng còn ấm bón từng ít một, hoặc dùng rượu hay nước gừng đổ vào.

  1. Phương thuốc chườm chữa đau bụng kiết lỵ (Chủng phước đường công tuyển lương phương):

Dùng bài Bình vị tán (Trần bì, Thương truật, Hậu phác, Cam thảo, lượng bằng nhau), tán bột thô, gói trong bọc vải, đặt lên bụng, rồi dùng vật dụng chườm nóng đè lên, áp cho khí thuốc chạy vào bụng, người đau có cảm giác dễ chịu, liền lấy gói thuốc ra để dưới gối nằm, để thọ nhận khí thuốc. Một ngày chườm 3, 4, 5 lần, chứng đau sẽ dần bớt, ăn uống trở lại bình thường.

  1. Phương thuốc chữa chứng đau nửa đầu kịch liệt (Giản tiện đơn phương):

Dùng Xạ hương 1.5g, bột Tạo giác (gai Bồ kết) 3g, gói trong giấy quyến đặt lên vùng đầu đau, rồi dùng túi vải bọc muối rang nóng chườm lên trên, khi nguội thay túi khác, làm như vậy nhiều lần, sẽ không tái phát.

  1. Phương thuốc chườm chữa đau thắt lưng đột ngột (Diên niên bí lục)

Đậu đen vẩy nước rồi sao nóng, bọc vải chườm chỗ đau, nguội thay bọc khác.

  1. Phương thuốc chườm chữa chứng bón do đại trường hư yếu (Dân gian bách bệnh bí phương):

Hành 1 củ cả rễ, Gừng một gié, Muối 1 vốc nhỏ. Giã nhuyễn nắn thành bánh, hơ nóng háp lên giữa rốn, buộc cố định, khi nguội thay bánh khác.

  1. Phương thuốc chườm trúng phong méo miệng (Thánh huệ phương):

Quát lâu vắt lấy nước, hòa bột Đại mạch làm thành bánh, nướng nóng chườm lên, khi miệng hết méo thì thôi.

  1. Phương thuốc chườm chữa liệt nửa người (Dân gian bách bệnh bí phương):

Tàm sa (Phân tằm) chưng nóng cho vào 3 túi, lấy từng túi áp chườm lần lượt khắp bên bị liệt, khi nguội thay túi khác.

  1. Phương thuốc chườm tay chân nhức mỏi tê rần (Dân gian bách bệnh bí phương):

Tạo giáp (quả bồ kết) 500g (loại không có sâu mọt), Muối ăn 5 thăng, cắt nhỏ bồ kết, trộn với muối ăn sao nóng, bọc trong một túi vải xanh, chườm vào chỗ đau, sẽ hết.

  1. Phương thuốc chườm chữa chứng lịch tiết thống phong (Cảnh Nhạc toàn thư):

Lịch tiết thống phong là chứng đau nhức khắp các khớp xương. Dùng tro than 5 thăng, Giun đất giã nát như bùn 1 thăng, Hồng hoa 3 đồng cân (12g), hòa giấm sao nóng, cho vào 2 túi thay nhau chườm chỗ đau, rất hiệu nghiệm.

Lưu ý, trong dân gian còn dùng một số phương cách chườm nóng khác như:

Chườm bằng bàn là: Dùng trong trường hợp sưng mụn nhọt trong ngoại khoa, dùng bàn là vừa độ nóng chà áp tới lui trên chỗ đau, cũng dùng đẻ chữa bệnh ở mắt và sốt rét,cũng nưh các bệnh đau nhức lưng. Chữa bệnh mắt thì chườm nóng vùng lân cận mí mắt, chữa sốt rét và đau lưng thì chườm trên vùng lưng.

Chườm bằng gạch nóng: Dân gian thường dùng cho ngồi lên viên gạch nướng để trị liệu bệnh ở vùng hậu  môn và huyệt hội âm.

Chườm áp bằng bao nóng: Dùng cát nóng hoặc muối nóng cho vào bao vải, đặt lên vùng bụng để trị bệnh viêm ruột hay đau bụng ỉa chảy ở trẻ em.

(Tham khảo: Trung Quốc Cứu Liệu Học – NXB Vệ sinh Nhân dân, Bắc kinh, 1989)

ĐẶNG ÁNH TUYẾT ( tạp chí CTQ số 120)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *