Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Không coi mạch cũng biết bệnh

07/10/2023

 

Kịch bản: ÁNH TUYẾT

Nhân vật:

  • Bác sĩ Nam
  • Bệnh nhân Nổ
  • Y sĩ Nữ

Mở màn. Cảnh một bàn khám bệnh khoa Đông y của bệnh viện. Vào cuối giờ làm việc buổi sáng (đồng hồ treo tường chỉ 10h50’). Bác sĩ Nam đang ngồi bàn khám cắm cúi hí hoáy ghi bệnh án. Bên ngoài phòng chờ, có một bệnh nhân nam trên 60 tuổi, người hơi gầy, hai má phừng phừng đỏ, vẻ nôn nóng nhấp nhỏm chờ vào khám bệnh. Một lát sau, không ngẩng mặt lên, bác sĩ  gọi vọng ra ngoài: “Mời bệnh nhân số 49 vào khám!”. Bệnh nhân bước vào, ngồi dựa ngửa và vắt chân chữ ngũ trên ghế khám bệnh.

Bác sĩ Nam (vẫn cúi mặt): -Xin cho biết họ tên địa chỉ!

Bệnh nhân Nổ (đẩy cuốn sổ khám bệnh đến trước mặt bác sĩ): -Coi sổ thì biết!

Bác sĩ Nam (lúc này mới ngẩng lên, vẻ mặt khó chịu nhưng cố nén nhịn): -Thôi được, (nhìn sổ khám bệnh lẩm bẩm đọc) Họ và tên Lê Nổ, địa chỉ thôn…, xã… (bỗng lớn tiếng) -Đau bệnh gì?

Bệnh nhân Nổ (hơi giật mình vì câu hỏi, rồi định thần chìa bàn tay trái về phía bác sĩ):  -Coi mạch thì biết!

Bác sĩ Nam: -Ô hay, tôi hỏi bác đau bệnh gì, khai mau để tôi ghi bệnh án.

Bệnh nhân Nổ: -Ô hay,  bác sĩ phải coi mạch đoán bệnh, tui mà biết bệnh tui thì mắc mớ chi phải đi tới đây để khám nữa.

Bác sĩ Nam: -Bác định thử tôi à? Tôi là bác sĩ chứ không phải thầy bói, nếu bác không chịu khai bệnh thì tôi sẽ chuyển đến một nơi mà bác sĩ không cần  hỏi bệnh vẫn cho thuốc đó.

Bệnh nhân Nổ: -Bác sĩ định chuyển tui tới đâu?

Bác sĩ Nam: -Trạm thú y ở gần Tòa án quận Cẩm Lệ đó!

Bệnh nhân Nổ (đứng dậy, bừng bừng tức giận):  -À, rứa bác sĩ coi tui là thú vật à? Được rồi, tui sẽ lên gặp Giám đốc bệnh viện hỏi cho ra lẽ, lương y mà ăn nói như dì ghẻ thế này à!

[Bác sĩ Nam đứng dậy, giơ hai tay lên rồi buông thõng, lắc đầu, vẻ ngao ngán chán nản, bỏ vào trong. Trong lúc đó bệnh nhân Nổ hằm hằm bước ra thì gặp Y sĩ Nữ tay cầm tờ báo TSK từ ngoài bước vào, liền kéo tay bệnh nhân đứng lại]. 

Y sĩ Nữ: -Bác Nổ, bác Nổ đó à, sao hôm nay mới đi khám bệnh, cháu hẹn phải tái khám từ tuần trước kia mà.

Bệnh nhân Nổ (ngẩn người một lúc mới nhận ra người quen): Cô Y sĩ, khổ quá. Uống 5 thang thuốc cô cho đợt trước thấy đơ đỡ, nhưng tuần vừa rồi bà xã tui lại sưng khớp, con trai bị té xe, con gái sắp đẻ nữa, tui phải ở nhà lo cơm nước heo quéo chưa đi khám lại được, dứt thuốc hơn tuần, bịnh lại tái phát như cũ.

Y sĩ Nữ: Bây giờ bác đang thấy đau đầu…

Bệnh nhân Nổ: -Đúng đúng, đỉnh đầu tui đang đau như búa bổ, cô ơi.

Y sĩ Nữ: -Hai bên hông sườn cũng đang nhoi nhói…

Bệnh nhân Nổ: -Đúng đúng, tui đang tức cành hông đây cô ơi.

Y sĩ Nữ: -Miệng thì đắng ngét và khô khát…

Bệnh nhân Nổ: -Đúng đúng, tui đang khát cháy cổ đây cô ơi.

Y sĩ Nữ: -Và táo bón nữa.

Bệnh nhân Nổ: -Đúng đúng, cả tuần ni tui chưa đi cầu.

Y sĩ Nữ: -Hay khó ngủ và rất dễ nổi nóng cáu gắt.

Bệnh nhân Nổ: -Đúng đúng, cô nói y như bà xã tui ở nhà vẫn nói.

Y sĩ Nữ: -Thôi thôi, bác bình tĩnh ngồi xuống đây (Y tá Nữ dắt bệnh nhân Nổ ngồi xuống ghế phòng chờ, rồi rót một ly nước bưng đến mời), bác uống hết ly nước này cho hạ hỏa rồi con nói cho bác nghe (chờ bệnh nhân uống hết ly nước). Thế này bác Nổ à, cái bịnh của bác theo Đông y thuộc hội chứng âm hư dương xung, lại thêm can khí uất trệ mới sinh các chứng và tâm tính như vậy, chứ bác có muốn vậy đâu.

Bệnh nhân Nổ: -Ủa, răng chưa coi mạch mà cô biết hết trơn bịnh tật ruột gan của tui rứa?

Y sĩ Nữ: -Bác Nổ biết không, trong Đông y khám bệnh không chỉ là coi mạch đâu, mà phải dùng đến 4 cách lận, người xưa gọi là vọng, văn, vấn, thiết. Vọng là nhìn khí sắc; văn là nghe tiếng nói, hơi thở; vấn là hỏi chứng bệnh; cuối cùng mới thiết là xem mạch, sờ nắn. Cả 4 cách thăm khám này (Đông y gọi là Tứ chẩn) đều cần phải kết hợp với nhau mới đoán được bệnh. Xem mạch không phải là yếu tố quyết định chẩn đoán, xem mạch mà biết được bệnh chẳng qua là nhờ ở nhìn, nghe và hỏi nữa. Như nhìn sắc mặt phừng phừng đỏ của bác là cháu đoán được một phần căn bệnh rồi…

Bệnh nhân Nổ: -Cô nói rứa thì tui hiểu, thôi biết bịnh rồi thì nhờ cô kê đơn luôn cho tui đi nhận thuốc đi.

Y sĩ Nữ: -Thế này bác Nổ à, hôm nay khoa phân công con đi họp giao ban chứ không phải trực khám, mời bác vào đây (dẫn vào ngồi ghế bàn khám rồi gọi với vào bên trong). Bác sĩ Nam ơi, mời bác sĩ ra khám bệnh cho bác Nổ đi, sắp hết giờ rồi.

Bác sĩ Nam (vừa bước ra, vừa gãi đầu gãi tai): – Bác thấy đó, sang nay có mình cháu mà khám gần 50 bệnh nhân, trời mùa hè lại đang oi bức thế này, nên có nổi nóng lỡ lời với bác, mong bác đại xá cho.

Bệnh nhân Nổ: – Thì cũng tại tính tui và bịnh của tui hay bắt… “nổ” quá trời, thôi có gì sai cũng mong bác sĩ bỏ quá cho. Nhờ bác sĩ xem mạch kê đơn chữa bịnh cho tui về, để bà xã ở nhà chờ lâu nóng ruột.

[Trong khi bác sĩ Nam khám bệnh cho bệnh nhân Nổ thì Y sĩ Nữ tiến về phía trước, nhìn xuống khán giả].

Y sĩ Nữ: -Thưa bà con, thưa quý đồng nghiệp, Khoa Đông y chúng tôi chỉ có 2 y bác sĩ trực tiếp khám bệnh mà mỗi ngày tiếp nhận trung bình gần 100 bệnh nhân. Tình trạng quá tải ở bệnh viện cũng như áp lực công việc trong cơ quan, gia đình, xã hội đang tạo ra nhiều “thùng thuốc súng di động” có mặt ở khắp nơi, nếu không biết cách tháo gỡ các “ngòi nổ” thì nhiều khi “chuyện bé xé ra to”, sẽ gây ra nhiều sự đổ vỡ mất mát không đáng có.  Có lẽ chính vì thế mà Bộ Y tế đã kịp thời đưa ra  “Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế” để mọi người cùng học tập, ứng dụng. Chúng tôi thiết nghĩ không chỉ cán bộ nhân viên y tế mà cả bà con bệnh nhân chúng ta cũng cần nghiên cứu học hỏi các quy tắc này để cùng giám sát cũng như sẵn sàng chia sẻ khó khăn, góp ý xây dựng, thông cảm, tha thứ lỗi lầm cho nhau, để giúp nhau cùng tiến bộ. Có như vậy đội ngũ nhân viên y tế chúng tôi mới làm tròn nhiệm vụ và thiên chức của mình, như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy: “lương y phải như từ mẫu”.

Xin trân trọng cám ơn quý vị khán giả đã chăm chú đón xem tiểu phẩm này (cúi chào, hạ màn).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *