CÀ HAI LÁ chữa đau dạ dày tá tràng
07/10/2023
TRONG BÀI VIẾT VỀ DẠ CẨM CÓ NHẮC ĐẾN CÂY CÀ HAI LÁ CHỮA ĐAU DẠ DÀY ĐƯỢC CHÚNG TÔI SƯU TẦM TỪ KINH NGHIỆM DÂN GIAN Ở HUẾ. CÂY THUỐC NÀY CHƯA THẤY CÁC TÁC GIẢ ĐỖ TẤT LỢI, VÕ VĂN CHI VÀ TÀI LIỆU VIỆN DƯỢC LIỆU GIỚI THIỆU Ở VIỆT NAM, TRÊN TRANG WEB CỦA KHOA DƯỢC ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP,HCM CÓ GIỚI THIỆU NHƯNG KHÔNG NÊU TÁC DỤNG CHỮA ĐAU DẠ DÀY. NAY XIN CHIA SẺ LẠI BÀI VIẾT CỦA CHÚNG TÔI ĐÃ ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ CÂY THUỐC QUÝ SỐ 205/ 2012.
CÀ HAI LÁ chữa đau dạ dày tá tràng
CTQ số 186, tr.8 có giới thiệu cây Săng-xê (Sanchezia speciosa) làm thuốc chữa đau dạ dày, đó là một kinh nghiệm dân gian mới lần đầu ghi nhận bổ sung vào kho tàng tri thức về cây thuốc của loài người. Mới đây trong chuyến nghỉ lễ 1/5 ở cố đô Huế, tôi được học thêm một kinh nghiệm dùng cây thuốc nam chữa đau dạ dày tá tràng rất hiệu quả. Xin tường thuật cho bạn đọc cùng quan tâm theo dõi.
Lương y Phan Tấn Tô, vốn là Nhà giáo ưu tú, Thạc sĩ trong ngành giáo dục, hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết có một người bạn đau dạ dày tá tràng kinh niên, cuối cùng đã nhờ cây “cam hoang” chữa khỏi hẳn. Nghe tên cây lạ, tôi liền nhờ thầy Tô dẫn vào thành nội tìm đến nơi có cây này mọc để “tận mục sở thị” (xem ảnh). Thì ra cây này có mọc hoang trong vườn nhà tôi, nhưng thú thật tôi không biết tên và chưa một lần có ý nghĩ tìm hiểu về nó để làm thuốc.
Hái mẫu cây có cả chùm quả mang đến nhà người bạn thầy Tô là dược tá Võ Văn Cừ (ảnh đính kèm), chủ một đại lý thuốc tây ở địa chỉ 99 Mai Thúc Loan, Thuận Thành, Huế. Ông Cừ xác nhận mẫu cây đúng là cây “cam hoang” đã dùng và cho biết trước đây bị đau dạ dày tá tràng hơn chục năm, sau khi ăn hoặc uống chút bia rượu vào là đau lâm râm suốt cả ngày, uống đủ loại thuốc Tây (vốn là chủ nhà thuốc tây, lại có em vợ là bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa), nhưng không khỏi. Một lần về quê (làng Vân Thê , xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy) ăn giỗ, được người bà con mách nên dùng cây “cam hoang” (có quả chín vàng như quả cam, còn gọi “bưởi hoang”), xắt phơi khô, mỗi ngày nấu 1 nắm (khoảng 30g) uống thay nước trong vài tháng.
Có bệnh thì vái tứ phương, dù nửa tin nửa ngờ nhưng ông vẫn làm theo. Sau mỗi lần uống thuốc thấy triệu chứng đau dịu dần, chưa đầy 1 tháng thì khỏi hẳn. Đã 10 năm bệnh không tái phát. Kinh nghiệm dùng thuốc nam này đã được ông chủ tiệm thuốc Tây hướng dẫn và nhờ người quen cung cấp dược liệu cho hàng trăm người “đồng bệnh tương lân”, phần lớn đều khỏi bệnh. Chia tay ông Cừ và thầy Tô, tôi có hứa tạp chí CTQ sẽ sớm định danh và phổ biến kinh nghiệm dùng thuốc nam này đến bạn đọc.
Người cùng đi Huế với tôi, Đông y sĩ Đặng Thị Ánh Tuyết, vốn có thời gian học dược liệu với các thầy cô ở trường YDDT Tuệ Tĩnh TP.HCM, thoạt nhìn đã xác định được ngay “cam hoang” là cây họ Cà. Nhờ nhận định này mà tôi đã khoanh vùng tìm kiếm, định danh được khá nhanh cây thuốc đó chính là cây Cà hai lá, tên khoa học Solanum diphyllum L., thuộc họ Cà (Solanaceae).
Tra cứu trong các sách dược liệu kinh điển như Những cây thuốc và vị thuốc VN của GS.Đỗ Tất Lợi, Từ điển cây thuốc VN của TS.Võ Văn Chi và Cây thuốc và động vật làm thuốc ở VN của Viện Dược liệu, tôi đều không thấy cây thuốc này. Tra cứu trên mạng thực vật học tiếng Hoa, cây này có tên Mã não châu (瑪瑙珠) hay Long quỳ quả vàng (黃果龍葵), nhưng tra các sách dược liệu như Trung dược đại từ điển thi không thấy nói đến. May thay, trong mục cây thuốc của trang web của Khoa Dược, Đại học Y Dược TP.HCM (www.uphcm.edu.vn), có mô tả về cây Cà hai lá như sau:
Cây gỗ nhỏ mọc đứng, cao 0,5-1 m. Thân tiết diện tròn, thường có 2, ít khi 3, gân dọc nổi rõ; thân non màu lục hay nâu đỏ, rất ít lông; thân già nâu đen, có nốt sần. Lá đơn, mọc so le; đoạn mang hoa có hiện tượng lôi cuốn lá nên mỗi mấu có một lá to và một lá nhỏ mọc thành một góc 90o (nên có tên Cà hai lá). Phiến lá hình trứng thuôn, dài 5,5-8,5 cm, ngang 2-2,5 cm, đầu có mũi nhọn, đáy phiến thuôn hẹp, không đều, kéo dài xuống đến đáy cuống, mặt trên màu lục sậm hơn mặt dưới, bìa nguyên, gân hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá dài 4-6 mm, có lông ngắn. Cụm hoa ở ngoài nách lá hay đối diện với lá, gồm 8-10 hoa hay nhiều hơn, xếp thành chùm ngắn và cong như đuôi con bò cạp; cuống cụm hoa màu lục nâu, có lông ngắn. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 5; hoa nở màu trắng, đường kính 10-12 mm; cuống cong hướng xuống phía dưới, màu lục hay nâu đỏ, dài 8-10 mm, nhẵn hay có lông ngắn. Lá đài 5, màu lục nhạt, nhẵn, dài 2,5 mm, dính nhau 1 mm phía dưới thành ống hình chén, phía trên chia thành 5 phiến hình tam giác, bằng nhau, dài 1,5 mm, ngang 1 mm, tiền khai van. Cánh hoa 5, dài 5 mm, dính nhau 1 mm phía dưới thành ống ngắn, phía trên loe rộng. Phần loe gồm 2 phần: phía dưới là phần các phiến dính nhau rất ít, phía trên là 5 phiến rời, bằng nhau, hình bầu dục thuôn, đầu nhọn, dài 3,5 mm, ngang khoảng 2 mm, tiền khai van; giữa phiến có một gân dọc màu lục. Khi hoa nở, lúc đầu phần loe rộng xòe ra xếp vuông góc với ống (kiểu tràng hình bánh xe) nhưng sau đó thì sụ xuống phía dưới. Nhị 5, rời, dài bằng nhau, đính trên ống tràng và xếp xen kẽ với cánh hoa; chỉ nhị dài 0,5 mm, màu lục, nhẵn; bao phấn hình bầu dục, dài khoảng 2 mm, màu vàng sậm, xếp chụm vào nhau thành một ống thẳng đứng bao quanh vòi nhụy, 2 ô, hướng trong, đính đáy, mở bằng lỗ ở đỉnh; hạt phấn rời, màu vàng nhạt, hình bầu dục, dài 19-23 µm, ngang 9-13 µm, có một rãnh dọc ở giữa. Lá noãn 2, đặt lệch so với mặt phẳng đối xứng của hoa, dính nhau thành bầu 2 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ, thai tòa lồi; bầu trên, hình cầu, màu lục, nhẵn; vòi nhụy 1, hình sợi, dài 4 mm, vượt ra khỏi ống bao phấn một đoạn 2 mm, màu trắng ngà; đầu nhụy 1, hình cầu, màu vàng lục, chia 2 thùy cạn. Quả mọng, mọc đứng, hình cầu, đường kính 8-10 mm, lúc non màu lục, khi chín màu vàng cam, vỏ sáng bóng hay không; cuống dài khoảng 10 mm; lá đài còn lại trên quả, hơi đồng trưởng. Hạt nhiều, màu nâu, nhẵn, hình thận dẹp, dài 3 mm, ngang 2 mm, có một đường viền màu vàng nhạt xung quanh bìa.
(…)
Phân bố, sinh học và sinh thái: Mọc ở sân vườn, dựa đường, vùng Sài gòn, Đồng tháp. Mùa hoa từ tháng 3 đến tháng 8.
Thành phần hóa học: Rễ cây có chứa 3-O-(beta-D-glucopyranosyl) etioline [(25S)-22,26-epimino-3beta-(beta-D-glucopyranosyloxy) cholesta-5,22(N)-dien-16alpha-ol].
Tác dụng dược lý – Công dụng: Tác dụng độc tế bào, có khả năng diệt một số dạng tế bào ung thư cổ (tử cung_PCT), tế bào Hela.
Solanum diphyllum có hình thái khá giống với S. spirale (Cà xoắn), cần lưu ý để chống nhầm lẫn (xem thêm thông tin bài sau).
Xin lưu ý, các tài liệu thực vật nước ngoài đều có cảnh báo loài cây này có độc, nhất là trong quả chín, nếu ngộ độc có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, có thể dẫn đến tử vong. Theo tôi, trước mắt các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cần đặc biệt lưu ý về cây này, phải hướng dẫn cho trẻ em biết nhận diện quả cây có độc (khi chín mọng trông rất bắt mắt ngon lành), tuyệt đối không được ăn. Ngoài ra, khi ứng dụng bài thuốc chữa đau dạ dày tá tràng nói trên đây, nên sử dụng dược liệu khô, không dùng cây tươi, quả chín và cần thận trọng uống thăm dò về liều lượng. Trên đây mới chỉ là một số kinh nghiệm và tư liệu về cây Cà hai lá làm thuốc, bước đầu tìm hiểu giới thiệu với bạn đọc, mong được các nhà khoa học chú ý nghiên cứu bổ túc thông tin thêm.
PHAN CÔNG TUẤN
(Đã đăng CTQ số 205)
Bài viết mới nhất
Chuyện Lão Lười: Hai lần chạm trán thầy Tàu
21/11/2024
khóc cười nghe ChatGPT bình thơ
19/11/2024
Thổ nhân sâm và Thổ nhân sâm ba cạnh
17/11/2024
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 9
- Tất cả: 38093