Kết quả điều tra tài nguyên CÂY THUỐC tại thành phố Đà Nẵng
06/10/2023
Nguyễn Văn Ánh1, Trần Cúc2, Nguyễn Đức Dũng3, Phạm Thanh Huyền4, Đặng Ngọc Phái3, Hồ Quý Phương1, Nguyễn Tập4, Đống Viết Thắng3, Phan CôngTuấn1, Bùi Tứ1
1 Bệnh viện YHCT Đà Nẵng 2 Sở Y tế Đà Nẵng 3 Hội Dược liệu Đà Nẵng 4 Viện Dược liệu |
Tóm tắt
Mục tiêu: Đánh giá tiềm năng và hiện trạng nguồn tài nguyên cây thuốc ở thành phố Đà Nẵng. Qua đó, đề xuất một số giải pháp khả thi, nhằm bảo tồn đi đôi với khai thác sử dụng và phát triển bền vững.
Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp hồi cứu; Phương pháp điều tra thu thập cây thuốc trên thực địa; Phương pháp phỏng vấn; Phương pháp xác định tên khoa học và xây dựng Danh lục; Thu thập xử lý tiêu bản, xác định tên khoa học và xây dựng Danh lục cây thuốc; Xác định các loài cây thuốc có tiềm năng khai thác và có giá trị bảo tồn; Xây dựng bản đồ phân bố điểm cây thuốc có tiềm năng khai thác và có giá trị bảo tồn.
Thời gian nghiên cứu: 2 năm (12/2015 – 12/2017).
Kết quả nghiên cứu: Nhóm điều tra đã phát hiện và thống kê được ở thành phố Đà Nẵng có 1.117 loài và thứ làm thuốc, thuộc 681 chi, 207 họ của 7 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó có 52 loài mới bổ sung cho khu hệ thực vật ở địa phương và 6 loài cây thuốc mới bổ sung danh lục cây thuốc Việt Nam.
- ĐẶT VẤN ĐỀ
Cây thuốc có vai trò quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Theo kết quả điều tra dược liệu tương đối có hệ thống của Viện Dược liệu- Bộ Y tế, từ 1961-2016, đã phát hiện và thống kê được ở Việt Nam 5.117 loài thực vật bậc cao có mạch, nấm và Tảo được dùng làm thuốc, thuộc 1.823 chi và 360 họ [1].
Thành phố Đà Nẵng (TPĐN ) nằm ở miền Trung nước ta. Với đặc điểm về địa hình và khí hậu độc đáo, Đà Nẵng cũng là nơi có mức độ đa dạng sinh vật đáng chú ý. Theo kết quả điều tra nghiên về thực vật rừng ở Sơn Trà và Bà Nà – Núi Chúa, đã thống kê được tới trên 900 loài thực vật bậc cao có mạch trong đó có nhiều loài cây có công dụng làm thuốc [2], [3].
TPĐN trước kia, khi còn là hợp tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ (1976-1996), đã từng được tổ chức điều tra dược liệu. Theo kết quả hoàn thành công tác điều tra cơ bản năm 1984, đã phát hiện và ghi nhận được ở tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng 735 loài cây thuốc. Hàng chục cây thuốc có giá trị sử dụng và kinh tế cao (như Bách bộ, Cốt toái bổ lá to, Hoàng đằng, Mạn kinh biển, Ngũ gia bì chân chim, Sa nhân, Thiên niên kiện, Thổ phục linh, Vàng đắng …) cũng đã kịp thời giới thiệu cho khai thác thu mua, cung cấp cho nhu cầu sử dụng [4]. Song, đáng lưu ý rằng, kể từ khi tái TPĐN (1997) đến năm 2015, chưa có công trình nào đi sâu điều tra nghiên cứu về tiềm năng cũng như hiện trạng nguồn tài nguyên cây thuốc trên phạm vi toàn thành phố.
Trước tình hình thực tế trên, UBND thành phố, thông qua Sở KH & CN TPĐN đã giao cho Bệnh viện YHCT phối hợp với Hội Dược liệu TP và Khoa Tài nguyên dược liệu của Viện Dược liệu, thực hiện đề tài: Đánh giá thực trạng cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển. Với mục tiêu: Đánh giá được tiềm năng và hiện trạng nguồn tài nguyên cây thuốc ở thành phố Đà Nẵng. Qua đó, đề xuất một số giải pháp khả thi, nhằm bảo tồn đi đôi với khai thác sử dụng và phát triển bền vững. Địa điểm điều tra nghiên cứu: Trên phạm vi toàn thành phố, nhất là những khu vực có rừng. Thời gian thực hiện: 2 năm (11/2015-11/2017).
- ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu:
– Các loài thực vật bậc cao có mạch, có công dụng làm thuốc.
– Một số loài tảo biển và nấm lớn dùng làm thuốc.
2.2. Phạm vi nghiên cứu:
– Tập trung điều tra các khu bảo tồn thiên nhiên (Sơn Trà, Bà Nà – Núi Chúa), Khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân… và vùng phụ cận.
– Khảo sát nhanh các vùng có nhiều cây thuốc mọc hoang hoặc trồng ở các xã trung du và đồng bằng huyện Hòa Vang.
2.3. Nội dung nghiên cứu:
2.3.1. Điều tra thành phần loài, đánh giá hiện trạng cây thuốc TPĐN:
– Điều tra thu thập, xác định thành phần loài, tên khoa học, công dụng, phân bố và xây dựng Danh lục cây thuốc TPĐN.
– Đánh giá tiềm năng và hiện trạng một số loài cây thuốc có tiềm năng khai thác và có giá trị bảo tồn, lập Bản đồ phân bố cây thuốc.
– Điều tra đánh giá tình hình khai thác kinh doanh, trồng và sử dụng cây thuốc, bài thuốc.
2.3.2. Xây dựng tài liệu bản thảo sách Cây thuốc Đà Nẵng
2.3.3. Đề xuất một số giải pháp kế hoạch bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc TPĐN
2.4. Phương pháp nghiên cứu [5]:
– Phương pháp hồi cứu
– Phương pháp điều tra thu thập cây thuốc trên thực địa
– Phương pháp phỏng vấn
– Phương pháp xác định tên khoa học và xây dựng Danh lục
– Thu thập xử lý tiêu bản
– Xác định các loài cây thuốc có tiềm năng khai thác và có giá trị bảo tồn
– Xây dựng bản đồ phân bố điểm cây thuốc có tiềm năng khai thác và có giá trị bảo tồn.
III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Sự phong phú của cây thuốc về thành phần loài và ở các bậc phân loại
Qua điều tra thu thập, đã phát hiện và thống kê được ở thành phố Đà Nẵng 1117 loài và thứ làm thuốc, thuộc 681 chi, 207 họ của 7 ngành thực vật bậc cao có mạch và các nhóm Nấm, Tảo (13 loài).
Bảng 1- Cây thuốc trong các bậc phân loại (taxon) thực vật
STT | Ngành và Lớp | Số họ | Số chi | Số loài |
Giới nấm (Fungi) | ||||
1 | Ngành Nấm đảm (Basidiomycota) | 5 | 5 | 6 |
Giới thực vật (Plantae) | ||||
2 | Ngành Tảo đỏ (Rhodophyta) | 3 | 3 | 4 |
3 | Ngành Tảo lục (Chlorophyta) | 1 | 2 | 2 |
4 | Ngành Tảo nâu (Phaeophyta) | 1 | 1 | 1 |
5 | Ngành Thông đất /Thạch tùng (Lycopodiophyta) | 2 | 3 | 6 |
6 | Ngành Mộc tặc/Tháp bút (Equisetophyta) | 1 | 1 | 2 |
7 | Ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) | 16 | 22 | 27 |
8 | Ngành Tuế (Cycadophyta) | 1 | 1 | 3 |
9 | Ngành Thông/ Hạt trần (Pinophyta/ Gymnospermae) | 4 | 7 | 9 |
10 | Ngành Dây gắm (Gnetophyta) | 2 | 2 | 4 |
11 | Ngành Ngọc lan/ Hạt kín (Magnoliophyta/ Angiospermae) | 171 | 634 | 1053 |
11.1 | Lớp Ngọc lan/ lớp Hai lá mầm (Magnoliopsida/ Dicotyledons) | 137 | 515 | 863 |
11.2 | Lớp Hành/ lớp Một lá mầm (Liliopsida/ Monocotyledon) | 34 | 119 | 190 |
Tổng số | 207 | 681 | 1117 |
– Cây thuốc nằm trong ngành Ngọc lan có số lượng loài (chiếm gần 94,27 % tổng số loài), chi, họ thực vật lớn nhất, sau đến ngành Dương xỉ. Các ngành thực vật còn lại và nhóm Nấm, Tảo hiện mới ghi nhận được rất ít loài làm thuốc.
– Khi xem xét về xuất xứ hiện tại, trong tổng số 1117 loài cây thuốc đã thống kê được, có 912 loài mọc tự nhiên (81,65 %) và 205 loài là cây thuốc trồng. Nhóm cây thuốc mọc tự nhiên không chỉ phong phú về số lượng loài, mà còn phong phú về sự phân bố rộng rãi, trữ lượng tự nhiên, cũng như về giá trị sử dụng phổ biến của chúng. Nhóm cây thuốc trồng ở đây bao gồm phần lớn là các loại cây trồng ăn quả, rau, lương thực, cây cảnh … nhưng có bộ phân dùng làm thuốc. Cây trồng với mục đích làm thuốc tuy chiếm ít loài, song cũng có một số loài mới được nhập vào Việt Nam, đã xuất hiện ở thành phố Đà Nẵng: Lá đắng (Vernonia amygdalina Del.), Săng – xê (Sanchezia speciosa J. Leonard), Hương thảo (Rosmarinus officinalis L.)…
Từ các kết quả điều tra thu thập trên, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được tập Danh lục cây thuốc thành phố Đà Nẵng.
3.2. Một số loài cây thuốc bổ sung cho Danh lục thực vật thành phố Đà Nẵng
Với danh sách 1.104 loài cây thuốc là thực vật bậc cao có mạch (không tính 13 loài Nấm và Tảo làm thuốc), khi đem đối chiếu với một số tập Danh lục thực vật hiện có tại địa phương [2], [3], đã xác định được 52 loài được coi là mới đối với Đà Nẵng, như: Ba kích (Morinda officinalis How), Bình vôi tím (Stephania excentrica H.S. Lo), Bạch đầu to (Vernonia macrachaenia Gagnep.), Bàng vuông (Barringtonia asiatica (L.) Kurz.), Dương đầu (Rhopalocnemis phalloides Jungh.), Lan vani (Vanilla annamica Gagnep.), Nhàu núi (Morinda longissima Y.Z.Ruan), Sừng trâu nhẵn (Strophanthus wallichii A.DC.), Phá lủa (Tacca subflabellata P.P.Ling et C.T.Ting), Thiên lý hương (Embelia parviflora Wall. ex A.DC.), Tốt hoa (Thottea hainanensis (Merr. et Chun) D.Hou) …
Đặc biệt có 6 loài cây thuốc mới được điều tra, sưu tầm bổ sung cho Danh lục cây thuốc Việt Nam (chưa có trong số 5117 loài cây thuốc do Viện Dược liệu công bố 2016) [1]. Đó là:
– Thuốc trúng dại (Cẩm nhật) – Peristrophe japonica (Thunb.) Bremek. thuộc họ Ô rô – Acanthaceae.
– Lá đắng – Vernonia amygdalina Del., thuộc họ Cúc – Asteraceae.
– Cà hai lá – Solanum diphyllum L., thuộc họ Cà – Solanaceae.
– Săng xê – Sanchezia speciosa J. Leonard, thuộc họ Ô rô – Acanthaceae.
– Kê huyết đằng nam (Thàn mát nam bộ) – Callerya cochinchinensis (Gagnep.) Schot, họ Đậu – Fabaceae.
– Gai đầu răng to – Triumfetta grandidens Hance, thuộc họ Đay – Tiliaceae.
Những kết quả nghiên cứu này, đã góp phần bổ sung và làm phong phú thêm nguồn tri thức về cây thuốc của TPĐN.
3.3. Phong phú về tiềm năng khai thác và sử dụng
3.3.1 Sử dụng trong Y học cổ truyền:
Theo công dụng được ghi trong tập Danh lục cây thuốc Đà Nẵng, nguồn cây thuốc ở đây có giá trị sử dụng phong phú trong Y học cổ truyền, để điều trị nhiều chứng bệnh thông thường mắc phải. Bao gồm hơn 20 nhóm bệnh như: cảm sốt, cảm lạnh, nhức đầu, làm ra mồ hôi; bệnh ngoài da, mụn nhọt, dị ứng; bệnh về xương khớp, bại liệt; bệnh về gan, mật, đường tiêu hóa; bệnh về thận và đường tiết niệu; bệnh về đường hô hấp; bệnh về tim mạch, huyết áp; bệnh phụ nữ, bệnh trẻ em … và thuốc bổ dưỡng. Số cây thuốc được sử dụng nhiều nhất, đối với các bệnh về xương khớp, bệnh về gan mật, bệnh về thận và đường tiết niệu, bệnh về đường tiêu hóa … bao gồm 50-80 loài/ nhóm bệnh.
3.3.2. Tiềm năng chiết xuất các hoạt chất làm thuốc tân dược:
Bên cạnh giá trị sử dụng trong Y học cổ truyền, trong nguồn cây thuốc ở TPĐN, có nhiều loài có chứa các hoạt chất, được sử dụng làm thuốc. Đáng chú ý có một số loài tiềm năng như: Vàng đắng (Coscinium fenestratum) chiết berberin, Hoàng đằng (Fibraurea tinctoria và F. recisa) chiết palmatine, Mức hoa trắng (Holarrhena antidysenterica) chiết conessine … là các alkaloid làm thuốc chữa nghiễm khuẩn đường tiêu hóa. Mài gừng (Dioscorea zingiberensis), Nần gừng (D. dissmulans), Râu hùm (Tacca chantrieri), Phá lủa (T. subflabellata): chiết diosgenin bán tổng hợp thuốc chống viêm corticoid, nội tiết tố sinh dục. Núc nác (Oroxylum indicum) chiết flavonoid nunacin làm thuốc chống dị ứng … Ngoài ra còn nhiều loài cây thuốc có chứa tinh dầu như Vù hương, Dầu nóng, Màng tang, Hương nhu, Chổi xuể, Tràm…[6].
3.3.3. Thực tế khai thác sử dụng:
Kết quả điều tra tình hình khai thác sử dụng cây thuốc ở TPĐN cho thấy, hiện có khoảng gần 100 loài cây thuốc (trong đó có khoảng hơn 20 loài là cây thuốc trồng) được khai thác sử dụng ở các mức độ khác nhau, với khối lượng ước tính khoảng gần 200 tấn dược liệu / năm. Chiếm khoảng 20% tổng khối lượng dược liệu dùng trong hệ thống Y học cổ truyền và sản xuất thuốc Đông dược tại TPĐN. Riêng Công ty CP Dược Danapha đã tổ chức trồng Kim tiền thảo và Trinh nữ hoàng cung mỗi năm thu hoạch được 30 tấn, tự chủ khoảng 25% nguyên liệu cho nhà máy sản xuất thuốc Đông dược của công ty.
Trong những năm của thập kỷ 80 trước kia, nguồn Vàng đắng ở tiểu khu 37 khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa, cũng đã từng được khai thác để chiết xuất berberin.
Những dẫn liệu trên cho thấy, từ nguồn cây thuốc mọc tự nhiên và cây thuốc trồng ở thành phố, hàng năm đã cung cấp một khối lượng lớn các loại dược liệu để làm thuốc, góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân.
3.3.4. Cây thuốc hiện có tiềm năng khai thác:
Đã xác định được 25 loài và nhóm loài cây thuốc mọc tự nhiên, có tiềm năng tiếp tục cho khai thác. Đây là những cây thuốc đang (và sẽ) có nhu cầu sử dụng cao ở nước ta và TPĐN (trong Danh mục thuốc thiết yếu của Bộ Y tế – Thông tư số 19/2018/TT-BYT ngày 30 tháng 8 năm 2018); qua điều tra có tần suất gặp cao và không nằm trong diện bảo tồn ở Việt Nam. Như Bách bệnh, Bách bộ, Cam thảo dây, Cẩu tích, Câu đằng (2 loài), Dây gắm (2 loài), Ngũ gia bì chân chim (2-4 loài), Nhàu núi, Sói rừng … Trong số này, có một số loài và nhóm loài có trữ lượng lớn, ước tính tới hàng chục tấn.
Trong quá trình điều tra, đã ghi nhận được tọa độ địa lý tại tất cả điểm phân bố đã gặp và xây dựng bản đồ phân bố điểm của 25 loài và nhóm loài cây thuốc có tiềm năng khai thác kể trên.
3.4. Những cây thuốc cần quan tâm bảo tồn
Trong số 1.117 loài và thứ cây thuốc phát hiện ở TPĐN lần này, đã xác định có 30 loài thuộc 21 họ thực vật, là những cây thuốc nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia. Cụ thể, thuộc Nghị định số 32/2006/NĐ-CP có 6 loài (phụ lục IA: 1 loài, phụ lục IIA: 5 loài). Trong Sách Đỏ Việt Nam, phần II – Thực vật, 2007: 17 loài (ở cấp EN: 3 loài, VU: 14 loài) và trong Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam, 2006: 24 loài (EN: 5 loài, VU: 19 loài) [7], [8]. Từng loài đã ghi nhận được về hiện trạng quần thể, tọa độ địa lý nơi đã phát hiện và xây dựng bản đồ phân bố. Các dẫn liệu này, là cơ sở khoa học quan trọng, phục vụ cho công tác quản lý và bảo tồn tại chỗ (in situ), nhất là ở 2 khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa, Sơn Trà và ở khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân.
3.5. Một số giải pháp khai thác bền vững đi đôi với bảo tồn và phát triển:
3.5.1. Khai thác bền vững nguồn cây thuốc mọc tự nhiên:
Việc khai thác các cây thuốc mọc tự nhiên cần được thực hiện một cách có kế hoạch, theo các tiêu chí GACP-WHO (WHO, 2003) và ISSC-MAP (thường gọi là tiêu chí FairWild). (Leaman, D.J. and Salvador, S., 2005; Leaman, D.J. and Cunningham,A.B. ,2008). Trước hết, đối với 25 loài và nhóm loài có tiềm năng khai thác, cần xây dựng Quy trình khai thác, theo GACP-WHO và FairWild, cho từng loài và nhóm loài. Các Quy trình này được hướng dẫn cụ thể đến người làm công tác quản lý tài nguyên cây thuốc (để giám sát) và người đi khai thác (để thực hiện) [6], [9].
3.5.2. Bảo tồn cây thuốc:
– Nghiêm cấm khai thác cây thuốc mọc tự nhiên trong 2 khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa và Sơn Trà. Tuyệt đối không khai thác 30 loài cây thuốc thuộc diện bảo tồn ở nước ta hiện có tại TPĐN.
– Căn cứ vào các dẫn liệu đã ghi nhận được qua điều tra, bảo tồn 30 loài cây thuốc thuộc diện bảo tồn cấp Quốc gia, tại 2 khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa và Sơn Trà, xây dựng thành kế hoạch thường xuyên, thực thi công tác quản lý và bảo tồn nguyên vị (in situ).
3.5.3. Phát triển trồng cây thuốc:
Căn cứ vào nhu cầu sử dụng, điều kiện tự nhiên và tình hình thực tế, ở địa bàn TPĐN hiện nay, bước đầu đề xuất 40 loài cây thuốc có tiềm năng phát triển trồng ở các xã ngoại ô. Trong đó, phần lớn là những cây thuốc nam được sử dụng nhiều, trong hệ thống Y học cổ truyền ở thành phố (Bồ công anh, Cối xay, Địa liền, Hương nhu, Ké đầu ngựa, Khổ sâm nam, Mã đề, Mạch môn, Tô mộc…) và 5 loài là nguyên liệu cho công nghiệp dược tại Danapha và Bảo Linh (Cỏ mực, Diệp hạ châu, Hoàng cung trinh nữ, Kim tiền thảo, Nghệ vàng). Một số loài nằm trong diện bảo tồn, có nhu cầu nhu cầu sử dụng tương đối phổ biến, cần đưa vào trồng (Lá khôi, Thích tật lê, Sâm cau, Ba kích, Thuốc thượng) … Hiện tại mới có 23/40 loài trong danh sách đề xuất, được trồng rải rác trong nhân dân, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng ở thành phố, nên vẫn phải mua từ các tỉnh khác. TPĐN cần xây dựng thành một kế hoạch phát triển trồng các loài cây thuốc trên, theo tiêu chuẩn GACP-WHO, nhằm thu được dược liệu có chất lượng cao [10], [11].
3.5.4. Đào tạo nhân lực và nâng cao nhận thức cho người dân:
Ở TPĐN hiện nay, gần như chưa có đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác dược liệu. Để thực hiện có hiệu quả hơn công tác quản lý nguồn cây thuốc mọc tự nhiên, cần thiết phải bổ túc cho đội ngũ cán bộ làm công tác Kiểm lâm nhận dạng và nhận biết về giá trị nguồn gen, của các loài thuộc diện bảo tồn ở Việt Nam, hiện có trong các vùng rừng do ngành Lâm nghiệp quản lý. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân, thực hiện khai thác bền vững, đi đôi với bảo tồn các loài quý hiếm và phát triển trồng cây thuốc, tạo ra thu nhập cho bà con, ngay tại các địa phương [12].
- KẾT LUẬN
Sau gần 2 năm tiến hành điều tra nghiên cứu nguồn tài nguyên cây thuốc ở TPĐN, đã ghi nhận được một số kết quả đáng quan tâm sau:
– Đã phát hiện và thống kê được ở thành phố Đà Nẵng 1.117 loài và thứ làm thuốc, thuộc 681 chi, 207 họ của 7 ngành thực vật bậc cao có mạch và 13 loài thuộc các nhóm ngành Nấm, Tảo. Trong đó có 52 loài được coi là mới bổ sung cho khu hệ thực vật ở địa phương và 6 loài cây thuốc mới bổ sung danh lục cây thuốc Việt Nam.
– Đã xác định nguồn cây thuốc ở TPĐN có giá trị sử dụng khá phong phú, trước hết là theo kinh nghiệm của Y học cổ truyền. Một số loài có chứa các hợp chất tự nhiên, đã từng hoặc có triển vọng làm ra các thuốc mới. Kết quả điều tra tình hình khai thác sử dụng cây thuốc ở thành phố cũng cho thấy, hiện có khoảng gần 100 loài đang được khai thác, sử dụng ở các mức độ khác nhau, với tổng khối lượng tới 200 tấn / năm.
– Trong số các loài cây thuốc đã biết ở thành phố Đà Nẵng lần này, đã xác định được 30 loài nằm trong diện bảo tồn ở Việt Nam. Từng loài đã ghi nhận được về hiện trạng, tọa độ địa lý nơi phân bố đã gặp và vẽ bản đồ. Đây là nguồn dẫn liệu quan trọng, đồng thời cũng là cơ sở khoa học tin cậy, để tiến hành bảo tồn các loài cây thuốc bị đe dọa có hiệu quả hơn, tại địa phương.
– Trên cơ sở của các kết quả điều tra nghiên cứu trên, đã đề xuất một số giải pháp vĩ mô, góp phần thúc đẩy việc khai thác bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc thiên nhiên, đi đôi với bảo tồn và phát triển trồng thêm nhiều loài cây thuốc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Viện Dược liệu (2016), Danh lục cây thuốc Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
- Đinh Thị Phương Anh (1997), Điều tra khu hệ động thực vật và nhân tố ảnh hưởng. Đề xuất phương án bảo tồn và sử dụng hợp lý khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà thành phố Đà Nẵng, Đề tài cấp thành phố Đà Nẵng.
- Đinh Thị Phương Anh (2004), Điều tra lập danh lục và xây dựng bộ tiêu bản các loài thực vật thân gỗ tại khu Bảo tồn thiên nhiên Bà nà-Núi chúa, Đề tài cấp thành phố Đà Nẵng.
- Nguyễn Tập và cộng sự (2008), “Kết quả điều tra nguồn tài nguyên dược liệu ở Việt Nam giai đoạn 1961 – 2005”, Nghiên cứu phát triển dược liệu và đông dược ở Việt Nam, Nxb KH & KT, Hà Nội.
- Nguyễn Tập (2006), “Điều tra cây thuốc và nghiên cứu bảo tồn”, Nghiên cứu thuốc từ thảo dược, Giáo trình đào tạo sau đại học, Nxb KH & KT, Hà Nội.
- Nguyễn Tập, Nguyễn Duy Thuần và cộng sự (2006), “Điều tra, đánh giá về tiềm năng và hiện trạng nguồn dược liệu Việt Nam, đề xuất các giải pháp khai thác hợp lý đi đôi với bảo vệ, phát triển và sử dụng lâu bền”, Chương trình KH&CN phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Nxb KH&KT, Hà Nội.
- Nguyễn Tiến Bân và cộng sự (2007), Phần II – Thực vật, Sách Đỏ Việt Nam, Nxb KHTN & CN, Hà Nội.
- Nguyễn Tập (2006), ”Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam năm 2006”, Tạp chí Dược liệu, số 3/ 2006 (11).
- Mohan Karmat (2002), “Conservation Network for Medicinal Plants in the Southern of India”, Tuyển tập báo cáo Hội thảo Quốc tế về Mạng lưới hoạt động NC bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên cây thuốc ở Việt Nam và Lào, Ba Vì, Hà Nội, 27-29/3/2002.
- Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương và cộng sự (2004-2011), Cây thuốc và Động vật làm thuốc ở Việt Nam, I-II-III, Nxb KH & KT, Hà Nội.
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam, I-II; Nxb Y học, Hà Nội.
- Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng (2012), Báo cáo Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2012- 2020.
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 9
- Tất cả: 38093