Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Giao lưu, hợp tác để hội nhập và phát triển

14/12/2023

Giao lưu, hội nhập, trao đổi, hợp tác, đó là các phương thức để tồn tại và phát triển. Điều đó không chỉ đúng trong các lĩnh vực kinh tế xã hội mà còn đúng trong mọi mặt văn hoá đời sống. Điều đó không chỉ đặt ra với một cá nhân, một cộng đồng  hay dân tộc nào mà mang tính phổ quát toàn nhân loại. Điều đó không chỉ là vấn đề của hôm nay mà vốn có tự ngàn xưa và mãi mãi sau này. Nói vậy, không có nghĩa là trong lịch sử không có những giai đoạn đen tối với chính sách “đối đầu”, “bế quan toả cảng” hay “ngủ quên trên chiến thắng”…, nhưng may mắn thay, những gam màu ảm đạm ấy không phải là nét chủ đạo trong bức tranh lịch sử đất nước, con người.

Trong lịch sử bang giao của Việt Nam có câu chuyện về Hoàng tử Lý Long Tường, con vua Lý Anh Tông (1226) đã sang Hàn Quốc và có những đóng góp to lớn đối với đất nước này, để rồi gần tám trăm năm sau, đại diện những hậu duệ họ Lý (hiện có khoảng 200 hộ với hơn 600 người) đã tìm về quê hương thắp nén nhang kính cáo tổ tiên ông bà. Có lẽ hiếm có câu chuyện nào về cội nguồn lịch sử bang giao quốc tế đẹp đẽ, cảm động và có hậu như vậy. Đó là một nhân tố tiếp thêm sức sống cho tình hữu nghị lâu đời và vững bền của nhân dân hai nước Việt – Hàn.

Sử sách Việt Nam còn ghi lại một câu chuyện khác. Trong lần đi sứ Trung Quốc vào năm Đinh Dậu (1597), sứ thần Phùng Khắc Khoan đã tiếp xúc với sứ thần Lý Chi Phong của Triều Tiên, hai bên kết giao có thơ từ xướng hoạ, tặng đáp có dến mấy chục bài. Sứ thần Lý Tối Quang còn viết TựaHậu chi cho tập thơ của Phùng Khắc Khoan. Đây là cuộc giao tiếp mở đầu quan hệ văn hoá và ngoại giao giữa hai nước.

Cùng thời điểm câu chuyện bang giao trên đây, tại Triều Tiên, Ngự y Hứa Tuấn tức Thần y Hur Jun (1546-1615) đã biên soạn bộ sách Đông Y Bảo Giám. Theo dòng thời gian, cùng với đặc sản Nhân sâm Cao Ly nổi tiếng trước đó, bộ sách kiệt tác ĐYBG đã được truyền đến và phổ biến trong y giới Việt Nam từ nhiều thế kỷ nay, và danh từ ĐÔNG Y cũng chính thức được du nhập vào Việt Nam từ đó. Đây là một phát hiện mới của chúng tôi vừa công bố trên 2 số CTQ số 46-47 vừa qua. Với phát hiện này, có thể nói “Thần y Hur Jun và bộ sách ĐYBG” là một sứ giả trong lịch sử bang giao của hai nền y học Việt – Hàn.

Sở dĩ chúng tôi chỉ nói là sứ giả mà không dám  nói sứ giả đầu tiên, là bởi trong lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử y học nói riêng hiện nay vẫn còn nhiều góc khuất do chiến tranh, loạn lạc và thời gian đã làm mất mát tư liệu khá nhiều. Ví như từng có các bộ sách y học rất giá trị đã được truyền tụng trong dân chúng như Cúc Đường Di Thảo của Trần Nguyên Đào, Dược Thảo Tân Biên của Nguyễn Chí Tân đã bị giặc Minh vơ vét đem về nước đến nay không biết đã bị đốt sạch hay còn lưu lạc ở phương trời nào.

Hay như đối với Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh, vốn được tôn xưng là Thánh Tổ của ngành Đông y, Dược liệu Việt Nam, tác giả các bộ sách Nam Dược Thần Hiệu, Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư còn lưu lại ngày nay, thì trong tiểu sử, niên đại, hành trạng vẫn còn nhiều điểm mù mờ chưa xác định chính xác được.

Theo tài liệu sưu tầm trên CTQ số 38 (trang 6) có viết: “Tương truyền, hoàng hậu của Minh Thái Tổ, lúc đầu vì chứng khó sanh gần chết mà phải rước tới Trúc Điền Xương Khánh, một bậc đại danh y Nhựt, qua chữa lành bịnh, và nhà vua phong cho ông này làm An-quốc-công. Sau nữa, bà vua ấy lại bị sản hậu mà các thầy Tàu, Nhựt lại không trị nổi, người Tàu nhơn đọc sách đã đoạt của phái Tuệ-Tĩnh, biết tiếng vị đại y này, nên nhà vua cho người sang hỏi thăm quan đô hộ bên nước Nam (vì quân Minh đã chiếm cứ một phần). Rồi có chiếu triệu cụ Tuệ-Tĩnh sang Kim-lăng chữa cho hoàng hậu, và được sắc phong làm Nam-Việt y-sư. Nếu chứng minh được điều tương truyền này là đúng sự thật lịch sử thì rất có thể đã có các cuộc giao lưu tiếp xúc giữa Tuệ Tĩnh với các danh y Trung Quốc, Nhật Bản, và có thể cả Triều Tiên nữa, vốn là “tứ quốc đồng văn”.

Lật lại các trang lịch sử và truyền thuyết trên đây, tạp chí Cây Thuốc Quý, cơ quan ngôn luận của Hội Dược Liệu Việt Nam, chuyên san về Dược liệu và sức khoẻ cộng đồng, mong muốn được đứng ra làm chiếc cầu nối cho các tổ chức cá nhân trong ngoài nước cùng hợp tác nghiên cứu, trao đổi, giao lưu về các vấn đề học thuật, giới thiệu các danh nhân, tác phẩm  Đông y dược học nổi tiếng của các nước trong khu vực, song song với việc xúc tiến hợp tác sản xuất kinh doanh tiêu thụ các chế phẩm từ các nguồn dược liệu quý hiếm của các nước. Đây cũng sẽ là chương trình hành động quan trọng của Trung ương Hội DLVN trong nhiệm kỳ đến.

Hội DLVN và Tạp chí CTQ kêu gọi toàn thể hội viên và bạn đọc, cũng như các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân hoạt động trên các lĩnh vực y dược, văn hoá, ngoại giao… của tất cả các nước Việt Nam, Trung Quốc, Nhật bản và Hàn Quốc cùng nhiệt tình hưởng ứng và đóng góp trí tuệ và tài lực cho chương trình hành động này.

Giao lưu, hợp tác đi đôi với phát huy nội lực, đó là con đường hội nhập và phát triển tiềm năng của ngành Đông y, Dược liệu Việt Nam và khu vực.

C.T.Q

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *