Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

VÕ VĂN CHI một đời say mê cây thuốc

12/12/2023

TS.Võ Văn Chi sinh ngày 01/3/1929 tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, từng giảng dạy tại các trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1959-1980), Đại học Đà Lạt (1980-1984), Đại học Y dược TP.HCM (1984-1991); từ năm 1961 đến nay, đã trực tiếp tiến hành và tham gia các đoàn sưu tầm, nghiên cứu cây cỏ dùng làm thuốc trên nhiều địa phương của nước Việt Nam, đã công bố 70 công trình khoa học. Nhân dịp bộ mới Từ điển cây thuốc Việt Nam ra mắt bạn đọc vào giữa năm 2012, Phóng viên (PV) tạp chí CTQ đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Võ Văn Chi (VVC) về một số nội dung chung quanh công trình khoa học đồ sộ này. Mời bạn đọc cùng theo dõi.


PV: Được biết công trình tâm huyết TĐCTVN (Bộ mới) vừa ra mắt tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Xin Thầy cho biết cảm xúc của mình khi bộ sách này ra đời?

VVC: Năm 1997, tôi biên soạn cuốn Từ điển cây thuốc Việt Nam với 3105 đề mục giới thiệu khoảng 3165 loài cây thuốc ở Việt Nam. Trong quá trình đi nghiên cứu điều tra ở nhiều nơi, cùng với sự giúp sức của một số dược sĩ, lương y, tôi đã có thêm hiểu biết về nhiều cây thuốc khác. Nhiều công trình viết về Thực vật học của nước ta xuất bản trong những năm 2000-2005 như Danh lục thực vật Việt Nam, Cây cỏ Việt Nam… đã giúp tôi rà lại các tên cây, đối chiếu công dụng với những công trình khác về cây thuốc. Do đó, số loài cây có thể sử dụng làm thuốc đã tăng lên một cách đáng kể.
Tôi suy nghĩ là nếu các dược sĩ, các lương y và những người say mê cây cỏ làm thuốc ở Việt Nam biết thêm được nhiều cây thuốc mới để nghiên cứu, sử dụng trong điều trị bệnh cho nhiều người thì còn gì quý cho bằng. Tuy nhiên nhìn lại bản thân mình, đã nghỉ hưu lâu rồi, sức khoẻ có hạn, sống chủ yếu bằng tiền lương thì làm sao có thể tiến hành bổ sung thêm các cây thuốc và biên soạn bộ sách mới.
Tôi chuẩn bị bản thảo những lúc rảnh rỗi nhưng muốn đánh máy vi tính thì phải lệ thuộc vào nhân viên và máy của con trai tôi. Vào lúc này tìm được người đánh máy được tài liệu chuyên môn cũng khó.
May mà nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, người thân mà mọi khó khăn đã qua đi và chế bản vi tính được hoàn thành vào chiều 05/04/2011.
Sáng 06/04, tôi gửi được đĩa và tập ảnh màu (1500 ảnh) ra cho Nhà xuất bản Y học. Thế mà đến giữa tháng 5/2012 mới in xong tập 1 và đến tháng 6/2012 mới có tập 2. Tìm hiểu sự chậm trễ này là do Nhà xuất bản thiếu kinh phí.

Cầm bộ sách trong tay, tôi vui vì đã thực hiện được điều mong muốn. Tuy có những điều chưa hài lòng, nhưng có bộ sách ra đời phục vụ được nhu cầu bạn đọc yêu thích cây thuốc trong cả nước, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi thầm cảm ơn mọi người thân, bạn bè đã giúp đỡ tôi để hoàn thành công trình mới này. Giám đốc Nhà xuất bản cũng vui mừng vì đã hoàn thành việc in ấn và cho bộ sách được ra đời. Nhiều người thân, bạn bè gần và xa đã chia vui với tôi nhân dịp này.

Tác giả Võ Văn Chi và bộ Từ điển Cây thuốc Việt Nam


PV: Là công trình cá nhân nhưng quy mô rất đồ sộ, đạt nhiều kỷ lục về số trang, số lượng cây thuốc, số ảnh màu minh hoạ. Nhờ đâu Thầy thực hiện được công trình khoa học Từ điển cây thuốc Việt Nam? Thầy có thể kể vài kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình biên soạn.

VVC: Tôi đã từng tham gia những công trình với sự biên soạn của nhiều người, cũng như muốn có một tập thể để làm một công trình lớn. Tôi vào thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1984, đến năm 1991 thì nghỉ hưu. Từ đó về sau tôi phải làm việc một mình với những khó khăn riêng. Nhưng từ suy nghĩ vì lợi chung mà mỗi người đã bước chân vào con đường khoa học cũng phải cố gắng làm được cái gì đó đem lại lợi ích cho nền khoa học của đất nước, đáp ứng được nhu cầu của nhiều người.
Bộ Từ điển cây thuốc Việt Nam (1997) giới thiệu 3105 đề mục đề cập tới gần 3200 loài cây có thể sử dụng làm thuốc kèm theo 768 ảnh màu. Lần này nhờ bạn bè cung cấp tư liệu, ảnh màu, tôi đã tập hợp được 4470 đề mục đề cập tới gần 4700 loài cây thuốc ở Việt Nam với 1500 ảnh màu kèm theo. Số trang bản thảo đánh máy vi tính gần 3200 trang khổ giấy A4.
Rõ ràng là so với nhiều công trình khác đã được công bố, thì từ số trang, số loài cây thuốc được nêu và số ảnh màu đã chuẩn bị nhiều hơn về số lượng.
Không thể nói hết những kỷ niệm vui, buồn, nhưng đối với một cá nhân tự mình đã đảm đương mọi việc thì ai cũng có thể hình dung được khó khăn không lường hết được.
Từ lâu rồi, tôi muốn có sự cộng tác của một số vị lương y để xây dựng bộ sách Từ điển cây thuốc được tốt hơn. Nhưng việc hợp tác không thực hiện được nên đành làm một mình vậy.
Có lúc cần hiểu biết ít thuật ngữ chữ Hán, tôi tìm đến vị lương y thân quen hỏi. Lần thứ nhất được ít chữ. Lần thứ hai đến lại được nghe “chữ nghĩa đâu mà rẻ rúng thế?”. Thế là từ đó phải tự học để làm.

Tôi đã quen với việc tự thân vận động, cùng chia sẻ để vượt qua khó khăn. Khi đã vượt qua được những trở ngại thì không còn niềm vui nào cao hơn.

PV: Xuất thân được đào tạo chuyên ngành Sinh học, nhân duyên nào đưa đẩy Thầy nghiên cứu sâu về Cây thuốc? So với các tác giả là Dược sĩ, Lương y thì chuyên gia về thực vật học như thầy có lợi thế, cũng như khó khăn gì khi nghiên cứu cây thuốc?

VVC: Khi phải nghỉ học về đi dạy cấp 2 và cấp 3 ở huyện nhà, do tình hình của trường, tôi phải dạy kiêm môn Sinh vật và nhận thấy Sinh vật học có nhiều điều lý thú. Từ một học sinh chuyên khoa Khoa học tự nhiên, nay lại dạy môn Sinh vật, tôi nộp đơn thi và được chọn học lớp Thực vật học khoa Sinh vật học Trường Đại học Tổng hợp. Học xong, được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy.
Qua những lần thực tập cũng như cuộc sống gắn bó với cỏ cây ở vùng nông thôn, từ trước cũng như qua quá trình đi điều tra nghiên cứu thực địa, tôi chú ý đến cây cỏ có ích. Rồi đến năm 1961, tham gia định tên giúp Vườn thuốc Văn Điển (Hà Nội), tôi nhận thấy môn sở trường Phân loại mà tôi đang giảng dạy giúp rất nhiều cho việc nhận biết cây cỏ.
Trong quá trình đi sơ tán, tiếp xúc với đồng bào các dân tộc ít người, tôi đã hướng dẫn cho nhiều sinh viên điều tra cây thuốc ở các địa bàn sơ tán. Tứ đó, tôi chủ trì đề tài điều tra cây thuốc và bài thuốc dân gian của đồng bào dân tộc Dao, Tày, Nùng, Mèo… ở Bắc Thái và Liên khu Việt Bắc.
Được mời báo cáo về điều tra cây thuốc ở các đồng bào trên ở Liên khu Việt Bắc cũng như ở Hội đồng khoa học Trường Đại học Dược Hà Nội, tôi được khuyến khích tiếp tục công việc, cũng như nhà thực vật học Alfred Petelot đã làm từ trước năm 1952-1954 ở Việt Nam.
Muốn tìm cái mới thì phải đến nơi mà từ trước đến nay ít người nước ngoài có thể tiếp xúc được. Tôi đã vận dụng kiến thức về phân loại thực vật để giải quyết một vấn đề thực tiễn trong đời sống nhân dân.
Cùng lúc tôi tham gia cùng các bậc đàn anh như anh Vũ Văn Chuyên đi hướng dẫn cho sinh viên nhận biết cây cỏ làm thuốc, cũng cùng anh Chuyên kiểm tra và định loại các cây thuốc đã được sưu tầm ở Viện Dược liệu.
Tất cả những công việc đó đã giúp cho tôi nâng cao kiến thức thực tế. Mặt khác, qua việc tiếp xúc với các lương y ở các địa phương cùng với kinh nghiệm trị bệnh của các vị lương y này, tôi đã có dịp được hiểu biết thêm về các kiến thức thực tế của nhân dân và các vị lương y, ông lang, bà mế ở các địa phương.
Có thể nói là trong điều tra cây thuốc không thể thiếu kiến thức về Phân loại thực vật. Có đi sâu, đi sát, gần gũi đồng bào mới có thêm bài thuốc hay, cây thuốc quý. Kết hợp với các sách đã công bố, các sách thuốc của các nước xung quanh nước ta, tôi cũng như nhiều bạn khác có thể bổ sung được nhiều hiểu biết của nhân dân các nước khác để làm giàu cho vốn hiểu biết của nhân dân ta về cây thuốc của nước ta.

Đi điều tra nghiên cứu là vất vả, khó khăn, không lăn lộn với thực tế thì khó tìm được cái hay, cái mới. Mặt khác, không có cái tâm với công việc đang làm để tranh thủ được sự giúp đỡ của đồng bào các dân tộc ít người ở các địa phương thì cũng khó mà thu được những kết quả tốt.

PV: Có vài con số thống kê từ một vài hội nghị, hội thảo dược liệu gần đây. Hiện nay cả nước dùng 50.000 tấn dược liệu mỗi năm, trong đó có 80-85% dược liệu nhập nước ngoài mà chủ yếu từ Trung Quốc. Trong khi đó tại các cửa khẩu nước ta có 300-500.000 tấn Dược liệu Việt Nam xuất sang Trung Quốc hàng năm. Từ thực tế này, Thầy có suy nghĩ gì và góp ý gì để phát triển ngành Dược liệu Việt Nam nói chung và Hội Dược Liệu Việt Nam nói riêng.

VVC: Tôi già rồi, không được tham gia họp hành nên không có nhiều thông tin.
Việc giao thương về cây thuốc, vị thuốc giữa nước ta với Trung Quốc cũng như một số nước khác đã có từ lâu đời. Ta cần những vị thuốc hay của Trung Quốc mà ta không thể trồng được, cũng như Trung Quốc cần những cây thuốc nhiệt đới mọc tốt ở nước ta. Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu khai thác tự nhiên mà không bảo tồn, không mở rộng quy mô trồng trọt thì tài nguyên cây thuốc sẽ cạn kiệt.
Với lẽ đó cần bảo tồn tài nguyên cây thuốc, nhất là các loài cây có nguy cơ suy giảm về số lượng. Bảo tồn để giữ giống, phát triển trồng các loài cây quý hiếm để bảo tồn là việc làm cần thiết.
Mặt khác cần sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên cây thuốc, thu hái đúng cách để tránh lãng phí, nhân giống để trồng cây thuốc có chất lượng cao, nghiên cứu cây thuốc thay thế khi mà các cây thuốc nhập nội có vấn đề về chất lượng.
Cần có những trung tâm nghiên cứu về hoá dược để sàng lọc vốn cây thuốc phong phú của nước ta do đó sẽ có thêm nhiều cây thuốc có giá trị.
Cũng cần lưu ý việc hiện đại hoá y học cổ truyền để đảm bảo sự an toàn, hiệu quả và tiện dụng.

Nếu mọi người đều ý thức về việc bảo tồn và phát triển dược liệu thì ngành Dược liệu Việt Nam sẽ đạt được nhiều tiến bộ trong tương lai không xa.

PV: Là Uỷ viên hội đồng cố vấn tạp chí CTQ, Thầy có nhận xét gì về ưu, nhược điểm của CTQ, đánh giá thế nào những nỗ lực cải cách thay đổi gần đây. Theo Thầy, CTQ cần có thêm cải cách gì để phát triển gắn liền với sự phát triển ngành Dược liệu.

VVC: Tôi được mời tham gia Hội đồng cố vấn của Tạp chí CTQ, nhưng do ở xa chưa được một lần cùng ngồi với quý vị khác trong Hội đồng để bàn bạc xem nên rút kinh nghiệm và nên tiến hành như thế nào.
Tuy nhiên, qua việc chuyển tên, chuyển mục đích của Tạp chí, tôi nhận thấy Ban biên tập đã có nhiều cố gắng hướng về cộng đồng và đồng hành vì chất lượng cuộc sống.
Đã là Tạp chí của Hội Dược liệu thì không chỉ có cây thuốc mà cần chú ý đến các loại dược liệu khác. Riêng đối với cây thuốc, thì làm sao phổ cập được nhiều cây thuốc thông thường mà có giá trị, có những ứng dụng thực tế tốt để người đọc có thể tự mình trị bệnh và giúp trị bệnh cho người khác.
Cũng cần quan tâm đến cây thuốc quý, hiếm cần được bảo vệ, bảo tồn để mọi người có ý thức sưu tầm, trồng trọt, nhiều giống để bảo vệ nguồn gen cho mai sau trong trường hợp rừng bị tàn phá, môi trường sống của cây bị huỷ hoại.
Người đọc rất cần những kinh nghiệm thực tế trị bệnh của các vị lương y cũng như những kinh nghiệm dân gian vì với những bài thuốc đơn giản, với những cây thuốc dễ tìm kiếm, nhiều người sẽ ứng dụng có hiệu quả.
Làm được một số việc như trên, Tạp chí sẽ gần gũi với bạn đọc hơn, người đọc tin yêu tờ báo hơn và quảng bá Tạp chí được tốt hơn.
Chúng ta cũng nên nâng tính khoa học của Tạp chí bằng những kết quả nghiên cứu, cập nhật những hiểu biết mới để giúp người đọc có thêm thông tin.
Chúng ta trân trọng những đóng góp của các cộng tác viên, nhưng những thông tin được cung cấp cần phải đúng, chính xác, rõ ràng để bạn đọc hiểu và thực hiện có kết quả.
Khi mà mọi người tìm hiểu về dược liệu nhiều hơn, quan tâm đến dược liệu nhiều hơn thì sự phát triển của ngành Dược sẽ được nâng cao.

Tạp chí CTQ sẽ trực tiếp góp phần không nhỏ vào sự phát triển đó.

Phóng viên CTQ và TS. Võ Văn Chi bên bức tượng đồng do một người hâm mộ đúc tặng nhà khoa học

PV: Trông bề ngoài gầy gò “nhẹ cân” nhưng ở tuổi 84 mà vẫn miệt mài nghiên cứu làm việc hiệu quả, rõ ràng về mặt sức khoẻ Thầy thuộc hạng “nặng ký”. Thầy có bí quyết gì về dưỡng sinh giữ gìn sức khoẻ có thể chia sẻ với bạn đọc CTQ.

VVC: Tôi thuộc dạng “nhỏ con” từ lúc thiếu thời đến khi trưởng thành. May nhờ ham thích thể thao nên có sức bền chịu đựng. Cũng vì không đủ tiêu chuẩn nên không thể tham gia vào quân đội như những bạn bè cùng lớp thời Chuyên Khoa trong kháng chiến chống Pháp.
Học hành bị gián đoạn, về quê tham gia đội bóng của xã nên tôi cũng được rèn luyện và có được sự dẻo dai. Sau khi học xong Đại học, có nhiều thời gian đi rừng nên cũng càng rèn luyện được đôi chân…
Mặt khác tôi thường học hỏi các bậc trưởng lão về cách giữ gìn sức khoẻ. Nhớ nhất là lần gặp cụ Phó Đức Thành lúc tôi mới 45 tuổi mà cụ đã ngoài 80. Cụ bảo ăn uống điều độ, đừng biến mọi thứ thành nhu cầu không có không được cũng như bỏ qua mọi nỗi ưu phiền.
Quả thực từ nhỏ đến nay, tôi không bao giờ hút thuốc lá, không uống rượu (có chăng chỉ là nhấp môi), không uống bia (có chăng ngồi với bạn bè thì cố gắng uống đến 100cc là cùng), không uống cà phê (trừ vài khi vì xã giao). Có lẽ vì không bị nhiễm độc thuốc lá, rượu nên tôi ít bị bệnh. Mặt khác tôi luôn giữ sự điều độ trong giờ giấc ăn uống sinh hoạt và nghỉ ngơi. Lúc còn đi học, tôi luôn sợ ốm, nay già rồi cũng phải giữ gìn tránh mang bệnh vào người (dù rằng cũng có bệnh nhưng không phải là nan y).
Tôi luôn lấy các châm ngôn của các bậc tiền nhân làm kim chỉ nam cho vấn đề bảo vệ sức khoẻ. Tôi cũng thường xuyên đọc báo, tạp chí qua đó cũng học được nhiều điều hay của người nước ngoài để duy trì tuổi thọ.

Đến nay, sắp bước sang tuổi 85, tôi vẫn giữ được sức bền, giữ được trí nhớ và nhất là giữ được tinh thần làm việc và cống hiến cho cộng đồng. Tôi nghĩ đó cũng là điều may mắn mà tôi có được so với các bạn bè cùng trang lứa.

Vợ chồng thầy Võ Văn Chi và cô Nguyễn Thị Trà

PV: Người ta thường nói “của chồng công vợ”, đằng sau sự nghiệp của người đàn ông luôn có sự đóng góp lớn lao của các “nội tướng”. Trong trường hợp của Thầy Võ Văn Chi, sự đóng góp của Cô là gì?

VVC: Không có người chồng nào thành công trong sự nghiệp mà không có sự hỗ trợ của người vợ. Từ việc chăm sóc con cái, giải quyết mọi nhu cầu trong nhà, lo toan việc gia tộc… không có người phụ nữ chịu thương chịu khó giải quyết thì người đàn ông khó lòng tập trung vào công việc chính.
Tôi may mắn có vợ là người cùng quê, hiểu nhau và biết khả năng của nhau từ lúc đang yêu nên sau khi lập gia đình, vợ tôi luôn luôn động viên tôi học tập và nâng cao trình độ.
Lúc tôi đi học Đại học thì đã có 3 đứa con, đến khi tốt nghiệp đã có đứa thứ tư. Với đồng lương của một mình vợ tôi dùng nuôi 5 miệng ăn trong nhà (kể cả bà vú nuôi), còn tôi thì hưởng học bổng thời sinh viên. Phải nói là vô cùng khó khăn. Hồi đó khi có tuyển sinh thì chỉ có Trường Đại học Sư phạm hệ 2 năm và hệ 4 năm. Tôi muốn học nhanh ra công tác sớm để giúp đỡ gia đình, nhưng vợ tôi động viên tôi học dài hạn.
Lúc vào thi thì được biết ai đăng ký thi học 2 năm thì ghi là Đại học Sư phạm, còn ai đăng ký học 4 năm thì ghi là Đại học Tổng hợp. Và tôi đã thi đậu vào Trường Đại học Tổng hợp. Để giải quyết mọi nhu cầu tôi phải đi dạy thêm ở tư gia, ở các lớp Bổ túc văn hoá. Còn vợ tôi chịu đựng khó khăn để nuôi 4 đứa con nhỏ cho đến năm 1960 mới xin được chuyển ra Hà Nội tiếp tục dạy học.
Từ đó cuộc sống có đỡ khó khăn hơn vì tôi đã có lương nhưng khó khăn khác vẫn tiếp diễn và chúng tôi lại phải khắc phục dần từng bước.
Không có người vợ đồng hành trong quá trình công tác, không có sự thuận vợ, thuận chồng thì khó có những kết quả đạt được ngày hôm nay. Chúng tôi sống tiết kiệm, có khi là rất tiết kiệm để dành tiền mua sách, mua các nhu cầu cho sinh hoạt, học tập và nghiên cứu, vợ tôi còn lo giúp các em bên nội, bên ngoại để cho các em có thể tiếp tục học tập.
Đến lúc tạm ổn, vợ tôi lại được đi học Đại học ở nơi sơ tán, đi học xa, hàng tuần mới về. Con trai lớn đi sơ tán theo trường ở xa nhà, 3 đứa ở với tôi. Chúng tôi làm nhà để ở, trồng rau, nuôi gà, trồng sắn để giải quyết sinh hoạt hằng ngày. Vợ tôi hàng tuần về lại tham gia công việc nhà và săn sóc gia đình.
Chúng tôi luôn chắp cánh cho nhau để cùng tiến bộ và nuôi dạy các con trưởng thành.
Lâu nay, những lúc vui, buồn, khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn, sự trao đổi và bàn bạc đi đến nhất trí đã giúp chúng tôi có cuộc sống ổn định hơn để làm được những công việc mà tôi đã tiến hành trước cũng như sau khi đã nghỉ hưu. Những kết quả đã đạt được cũng giúp cho vợ tôi hiểu rõ lợi ích của việc làm của tôi và động viên tôi luôn luôn cố gắng.

Không có hoàn cảnh của ai giống ai. Mỗi người đều có khó khăn riêng. Nhưng nếu may mắn có sự đồng thuận trong gia đình thì mọi việc khó khăn cũng sẽ được giải quyết một cách ổn thoả. Đúng là có an cư mới lạc nghiệp.

PV: Xin chân thành cám ơn Thầy đã dành cho CTQ cuộc trò chuyện này. Kính chúc Thầy Cô sống tròn trăm tuổi để tiếp tục có những đóng góp hữu ích cho sự nghiệp phát triển ngành Dược liệu nước nhà.
Thầy Võ Văn Chi và Phó Tổng biên tập Tạp chí Cây Thuốc Quý
C.T.Q
(CTQ SỐ 219+220, THÁNG 1/2013)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *