HÀ NỘI THĂNG LONG, NGHÌN NĂM MÂY TRẮNG
11/12/2023
Cả nước đang hướng về Hà Nội, cùng chính quyền và nhân dân Thủ đô tưng bừng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (1010-2010). Một nghìn năm, có thể chỉ là một nháy mắt so với lịch sử xuất hiện của loài người trên trái đất, nhưng với lịch sử một dân tộc, đó là cả chặng đường dài đấu tranh dựng nước và giữ nước, với biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương nữa của biết bao thế hệ người Việt Nam đã đổ xuống để xây đắp nên truyền thống anh hùng bất khuất và vun bồi nền văn hóa độc lập của dân tộc, viết nên biết bao kỳ tích, để lại biết bao di sản cho con cháu muôn đời.
Điểm riêng về văn hóa y dược cổ truyền, Thăng Long – Hà Nội đã để lại rất nhiều điểm son lịch sử rất đáng tự hào. Ngay trong thời nhà Lý (1010-1225), ở triều đình có Ty Thái y chăm lo và bảo vệ sức khỏe cho vua quan, trong nhân dân có các lương y chuyên chữa bệnh và phát triển các nơi trồng thuốc mà di tích còn lại như làng Đại Yên (nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình).
Theo thần phả đình làng, vào thời nhà Lý thế kỉ XI, có một cô gái tên là Trần Ngọc Tường mới 9 tuổi, nhưng rất giỏi chữa bệnh bằng các loại lá cây. Quân của Lý Thường Kiệt qua đây bị mắc bệnh nên cô đã chữa giúp. Nhờ đó, quân ta đã đánh thắng giặc. Ngọc Tường được nhà vua triệu vào cung và phong làm Ngọc Hoa công chúa. Nhưng vì nhớ mẹ nên cô đã xin quay trở lại quê, làng Đại Bi (Đại Yên ngày nay) và truyền lại nghề thuốc cho dân. Người trong làng ghi nhớ công ơn và tôn bà là thành hoàng làng và lập đình thờ.
Bây giờ đến với làng nghề trồng thuốc Nam gần 1.000 năm tuổi này, ta còn gặp một vài nhân chứng sống như bà Nguyễn Thị Quế, dù tuổi ngoài 80 vẫn quyết tâm gắn bó giữ nghề truyền thống tổ tiên để lại. Vườn thuốc của bà Quế hàng ngày vẫn có các sinh viên y dược và nghiên cứu sinh nước ngoài đến tham quan, học tập. Khác với làng thuốc Nam Đại Yên đang có nguy cơ mai một, Hà Nội còn có một làng thuốc cổ khác là Ninh Giang (Ninh Hiệp, Gia Lâm) hiện vẫn đang có hàng trăm gia đình ăn nên làm ra nhờ nghề truyền thống trồng hái, sơ chế, bốc thuốc chữa bệnh, buôn bán dược liệu. Đó là chưa kể đến phố Lãn Ông giữa lòng phố cổ với trên 90% số nhà mặt tiền hành nghề Đông y và kinh doanh dược liệu vẫn tấp nập khách hàng.
Hà Nội cũng là nơi sản sinh nhiều danh y có nhiều cống hiến cho y dược cổ truyền. Chu Văn An (1292-1370) ở Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (ngày nay là làng Quang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì), đậu Thái học sinh và giữ chức Tư nghiệp trường Quốc tử giám dưới triều Trần Minh Tông (1324), nhưng về sau đời Trần Dụ Tông, vì triều chính thối nát, nhiều quan lộng quyền, ông can gián không được nên ông làm sớ xin chém 7 nịnh thần (1341) rồi từ quan về dạy học và nghiên cứu y học ở huyện Chí Linh, Hải Dương, có viết tác phẩm y học Y học yếu giải tập chú di biên.
Phan Phu Tiên (TK XV) người Đông Ngạc (làng Vẽ, Từ Liêm), viết Bản thảo thực vật toản yếu gồm 392 vị thuốc Nam dùng làm thức ăn, tiết chế ăn uống phục vụ phòng chữa bệnh. Nguyễn Trực (1417-1474) người làng Bối Khê, huyện Thanh Oai, Hà Tây viết sách Bảo anh lương phương. Ngô Tĩnh người làng Vân Canh, Từ Liêm, có tác phẩm Vạn phương tập nghiệm bao gồm 1000 bài thuốc kinh nghiệm. Hoàng Đôn Hòa quê ở Đa sĩ, Hà Tây viết Hoạt nhân toát yếu rất chú trọng dùng dưỡng sinh và thuốc Nam chữa bệnh, rất có công phòng chống dịch bệnh trong quân đội cũng như ngoài nhân dân, nên khi mất được nhân dân lập đền thờ. Nguyễn Thế Lịch tức Nguyễn Gia Phan (1749-1829) người làng Yên Lũng (Từ Liêm) viết Lý âm phương pháp thông lục, Liệu dịch phương pháp toàn thư, Tiểu nhi khoa, Thai sản điều lý phương pháp… Nguyễn Quang Tuân (thời Tây Sơn) quê ở Thanh Oai Hà Tây viết La Khê dược phương và Kim Ngọc quyển…
Đặc biệt vào đời vua Lê Hiển Tông (năm 1740-1786) niên hiệu Cảnh Hưng 34 (năm 1773), Y Miếu được Chưởng viện Thái Y Trịnh Đình Ngoạn đứng ra trông coi việc xây dựng. Tấm bia của Thái y viện, hiện dựng tại chùa Phổ Giác, phố Ngô Sĩ Liên – (gần Y Miếu) khắc tháng 8 năm Giáp Ngọ niên hiệu Cảnh Hưng 35 (năm 1774) còn ghi lại việc chọn đất xây dựng Y Miếu rất kỹ. Trải qua bao biến thiên dâu bể, di tích Y miếu vẫn tồn tại đến ngày nay, không chỉ là nơi thờ tự tưởng niệm các vị y tổ Tuệ Tĩnh thiền sư và Hải Thượng Lãn Ông, mà còn là một minh chứng hùng hồn về sự hiện diện truyền thống y dược dân tộc trên mảnh đất Thăng Long.
Trong gần 100 năm Pháp thuộc, mặc dù thực dân Pháp luôn chèn ép đàn áp sự phát triển của y học cổ truyền, nhưng ngành thuốc Nam vẫn luôn tồn tại đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của đại đa số dân nghèo. Có một điều ít ai ngờ tới, chính những trí thức được đào tạo từ trường y khoa Hà Nội của người Pháp như Nguyễn Văn Hưởng, Đỗ Tất Lợi, Vũ Văn Chuyên… đã sát cánh cùng các nhà nho tiền bối như Nguyễn Tử Siêu, Phó Đức Thành…trở thành những yếu nhân góp phần nghiên cứu thúc đẩy nền đông y dược nước nhà phát triển trong chính thể nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cách đây một năm, người viết bài này có dịp đến thăm nhà một cộng tác viên thân tín của CTQ, không ngờ đã đứng trên khu vườn mà GS.Đỗ Tất Lợi đã mua từ thời thuộc Pháp để trồng và nghiên cứu thuốc Nam, từ đó viết nên “áng Kiều” bất hủ trong y văn, đó là công trình Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, đến nay đã xuất bản 15 lần, là cẩm nang không thể thiếu đối người nghiên cứu y dược dân tộc. Càng bất ngờ hơn, đến bây giờ tôi mới phát hiện ra khu vườn đó nằm trên làng nghề thuốc Nam Đại Yên gần 1000 năm tuổi. Nhưng có lẽ điều thú vị nhất là người kế thừa mảnh đất đó, con trai trưởng của vị giáo sư danh tiếng, cũng là tác giả của hàng trăm bài báo nghiên cứu về Đông y và cây thuốc với hàng chục bút danh như T.H, H.Đ, H.T, T.N, P.Đ…trên khắp các báo trong Nam ngoài Bắc, chưa một lần để lộ cho bạn đọc biết danh tính thật của mình.
Cũng năm ngoái, Tổng biên tập CTQ có đưa tôi đến diện kiến “Long thành lão nhân” Lỗ công Nguyễn Văn Bách, là tác giả tập sách Thuốc hay tay đảm (những bài thuốc Nam hay) đã được in đi in lại hàng chục lần, một dịch giả kỳ cựu trong nhiều công trình dịch thuật của Viện Đông y và Viện Văn học từ những năm 1960, 1970, nhưng bây giờ người ta biết về Cụ nhiều hơn với tư cách một nhà thư pháp nổi tiếng đất kinh kỳ. Dạo quanh thắng tích Hà Nội, người tinh ý sẽ thấy những nét chữ phượng múa rồng bay của Cụ lượn trên tam quan Văn Miếu Quốc Tử Giám, trên tháp Hòa Phong bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, trên cổng thành Hà Nội nơi thờ Tổng đốc Hoàng Diệu, ở đền Cổ Loa, đền Lệ Mật và vô số di tích khác nữa. Đặc biệt chữ của Cụ đã được chọn lưu lại cho muôn đời sau trong một công trình quan trọng được trưng bày trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đó là bức tranh “Thiên đô chiếu” với toàn văn nguyên tác của vua Lý Thái Tổ. Điều gây ấn tượng nhất cho chúng tôi sau khi vui vẻ nhận lời mời làm cố vấn cho ban dịch thuật của tạp chí CTQ, Cụ không nói gì về thư pháp mà chỉ say sưa truyền cho mấy bài tập dưỡng sinh phòng chống đau khớp vai khiến tôi nghe chăm chú đến quên luôn ý định xin Cụ một chữ về làm kỷ niệm.
Lỡ hẹn ra thăm Thủ đô trong dịp đại lễ, nhưng cách đây mấy hôm tôi lại gặp một thoáng Hà Nội trong lễ ra mắt Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật (CTTETT) TP.Đà Nẵng vào tối ngày 9/9/2010 tại nhà hát Trưng Vương. Đó là những lời gan ruột của GS.BS Nguyễn Tài Thu, thầy thuốc nhân dân, anh hùng lao động, Chủ tịch Hội CTTETT và Hội Châm cứu VN, lại là một chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô năm nào. Giáo sư Thu tâm sự: “Qua 17 năm hoạt động, mới chỉ có 1/6 (tức 500.000 trên 3 triệu trẻ em tàn tật) được Hội CTTETTVN cưu mang chăm sóc nuôi ăn, chữa bệnh, dạy nghề… Năm nay tôi đã ngoài 80 tuổi, chưa biết khi nào về với Bác Hồ, nhưng chắc còn phải trở lại đời này nhiều lần nữa mới hoàn thành hết công việc cần làm …” Nghe vị giáo sư già nói mà lòng tôi trào dâng xúc động muốn rơi nước mắt, không biết đây là lời vị giáo sư bác sĩ vốn được mệnh danh là “Thần châm” của nền Đông y đương đại hay là lời của các thiền sư mang đại hạnh bồ tát cứu khổ cứu nạn từ đời Lý vọng về…
Mới hay tấm lòng nhân ái y quốc y dân muôn đời không thay đổi, như Thăng Long – Hà Nội nghìn năm mây vẫn trắng trên trời xanh…
P.C.T
(Đã đăng CTQ số 164, tháng 9/2010)
Bài viết mới nhất
Chuyện Lão Lười: Hai lần chạm trán thầy Tàu
21/11/2024
khóc cười nghe ChatGPT bình thơ
19/11/2024
Thổ nhân sâm và Thổ nhân sâm ba cạnh
17/11/2024
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 15
- Tất cả: 38099