Quan điểm và cống hiến học thuật châm cứu của Thừa Đạm Am
09/12/2023
QUAN ĐIỂM VÀ CỐNG HIẾN HỌC THUẬT CHÂM CỨU CỦA THỪA ĐẠM AM
1. Nhấn mạnh vào giá trị khoa học và lâm sàng của châm cứu
Trước xu hướng phủ định toàn diện văn hóa truyền thống Trung Quốc, Thừa Đạm Am, dựa trên quan sát và trải nghiệm lâm sàng trong thực tế của mình, và sau khi so sánh các hệ thống lý thuyết y học Đông y và Tây y, đưa ra quan điểm: “Khoa học phương Tây không phải là lối đi duy nhất; học thuật phương Đông có hệ thống không thể bỏ đi. Tại sao? Bởi vì bất kỳ cái gì có thể tồn tại, nói lên bằng lý thuyết, đều trở thành một học thuật. Khoa học phương Tây có thể tồn tại, nói lên bằng lý thuyết, học thuật phương Đông cũng có thể. Nhưng nghệ thuật châm cứu lại có điều không thể nói hết bằng lý thuyết, điều này xuất phát từ sách cổ diễn giải mập mờ, người sau không thể hiểu, không phải vì bản thân nó không thể hiểu… Chỉ cần làm sáng tỏ lý thuyết mập mờ của sách cổ, kiểm chứng kỹ lưỡng… hiểu rõ mình, khiến cho người khác cũng hiểu rõ, đây chính là gọi là khoa học.”
Trong nghiên cứu và thực hành giảng dạy về châm cứu, Thừa Đạm Am nhấn mạnh rằng trước tiên phải làm sáng tỏ lý thuyết y học Trung Quốc và từ thực tế lâm sàng điều tra và xác nhận về Âm Dương, Ngũ Hành, Dinh Vệ, Khí Huyết, cũng như về các kinh mạch khó hiểu và không thể thấy được trong giải phẫu học, mới có thể làm rõ cơ chế điều trị của châm cứu. Mặt khác, dựa trên nền tảng khoa học và nghiên cứu, ông tích cực đưa vào tác phẩm của mình phương pháp và kết quả nghiên cứu về châm cứu từ Nhật Bản, và cố gắng áp dụng lý thuyết phản xạ thần kinh của Pavlov để giải thích cơ chế tác động của châm cứu.
Đối với giá trị lâm sàng của châm cứu, Thừa Đạm Am đã tổng kết bằng ba từ “tiện lợi, tốc hiệu (hiệu quả nhanh chóng), kinh tế”. Ông cho rằng châm cứu trong điều trị bệnh đơn giản, dễ thực hiện, có hiệu quả nhanh chóng, có lợi cho đất nước và nhân dân, là lựa chọn hàng đầu giúp người dân giảm chi phí y tế. Đối mặt với tình trạng thiếu thốn thuốc men sau chiến tranh, ông còn đã phát đi lời hiệu triệu: “Châm cứu cũng có thể cứu nước”.
2. Đưa giải phẫu hiện đại vào lý thuyết huyệt và làm rõ ý nghĩa của huyệt
Thừa Đạm Am cho rằng, muốn thực hiện châm cứu, bác sĩ phải rõ ràng về vị trí và cấu trúc giải phẫu của huyệt. Năm 1931, trong cuốn sách “Trung Quốc châm cứu trị liệu học”, ông đã khám phá mô tả chi tiết vị trí và cấu trúc giải phẫu của mỗi huyệt, mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển của huyệt học. Trong sách này, ông cũng đưa vào hình vẽ về xương, cơ, mạch máu, và phân bố thần kinh trong cơ thể con người, và đánh dấu vị trí của từng huyệt theo vị trí giải phẫu, giúp người đọc dễ hiểu.
Trong cuốn sách “Kinh Huyệt Đồ Giải” (Giải thích Hình Ảnh Cơ Bản về Huyệt Học), Thừa Đạm Am đã vẽ 17 bức tranh giải phẫu về xương để mô tả huyệt theo vị trí trên đầu, thân, tay, khuỷu tay, đầu gối, chân, mô tả mối quan hệ rõ ràng giữa huyệt và xương, giúp cho việc học tập trở nên thuận lợi hơn.
Nhận thức được nhiều hiệu quả đặc biệt từ kinh nghiệm lâm sàng với các kỳ huyệt bên ngoài đường kinh (经外奇穴), Thừa Đạm Am đã đặt sự chú ý đặc biệt vào những huyệt đặc biệt này. Trong cuốn sách “Trung Quốc Châm Cứu học Giảng Nghĩa – 中国针灸学讲义”xuất bản vào năm 1954, ông thu thập tổng cộng 132 huyệt ngoài kinh, ghi chú tên gọi, vị trí, phương pháp châm cứu và các bệnh lý chủ yếu mà chúng có thể điều trị, để cung cấp cho các bác sĩ lâm sàng sử dụng.
3. Khẳng định sự tồn tại khách quan của kinh lạc, làm rõ vai trò quan trọng của học thuyết kinh lạc
Dưới tác động của y học chứng cứ phương Tây cũng như lý thuyết châm cứu mới từ Nhật Bản, Thừa Đạm Am đã từng có lúc không đánh giá cao lý thuyết kinh lạc do không thể theo dõi được dấu vết trong giải phẫu học. Nhưng qua những trải nghiệm lâm sàng lặp đi lặp lại, ông nhận ra giá trị của lý thuyết kinh lạc và phát đi lời kêu gọi “Ngành châm cứu nên trước tiên cần học tập và nghiên cứu về học thuyết kinh lạc”. Và cho dù nhận thức của loài người còn hạn chế, theo ông, các hiện tượng lâm sàng và hiệu quả điều trị bằng châm cứu đã minh chứng rõ ràng sự tồn tại khách quan của kinh lạc.
Trong việc khám phá bản chất của kinh lạc, ông đã khẳng định rằng không thể đơn giản là tra cứu các điểm tương ứng trên cơ thể theo các y văn truyền thống, bởi vì lý thuyết 12 kinh lạc được hình thành dựa trên bối cảnh và đặc điểm cụ thể của thời đại, và do đó cũng mang theo hạn chế của thời đại đó. Thừa Đạm Am khẳng định kinh lạc có giá trị cao trong chẩn đoán và điều trị lâm sàng, cho rằng chỉ khi phân biệt nhận biết rõ về vị trí của các kinh mạch bị tổn thương, châm cứu mới có thể thực hiện mục tiêu điều trị đúng hướng và hiệu quả.
4. Nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ thuật châm cứu và cải tiến phương pháp thực hành châm cứu
Kỹ thuật châm cứu không chỉ là vận dụng lý thuyết mà còn là cơ sở cho tác dụng chữa bệnh. Thừa Đạm Am luôn coi trọng việc rèn luyện kỹ thuật châm cứu của học viên. Ông tin rằng sự thành thạo kỹ thuật và sự nhuần nhuyễn sử dụng lực mạnh yếu của ngón tay là nền tảng quan trọng cho kết quả lâm sàng. Ông không chỉ sáng kiến ra phương pháp luyện tập sức mạnh ngón tay mà vẫn còn được sử dụng trong thế giới châm cứu ngày nay mà còn phát minh ra kỹ thuật áp đè ngón tay để tiến kim khi châm không gây đau (押手进针法).
Trên cơ sở cải tiến phương pháp châm cứu truyền thống, ông đề xuất rằng châm cứu không phân biệt thủ pháp bổ hay tả mà chỉ phân biệt cường độ kích thích nhẹ hay mạnh tùy thuộc vào tình trạng hư hay thực cả bệnh nhân. Thầy thuốc nên tùy cơ ứng biến điều chỉnh thủ thuật kích thích thích ứng thể chất của bệnh nhân, mức độ ngưỡng đau, tình trạng mới mắc bệnh hay đã lâu ngày, khó hay dễ đắc khí và cường độ cảm giác khí mạnh yếu. Ông cho rằng chỉ dựa vào tình trạng bệnh nhân mà quyết định châm cứu bổ hay tả, hay bằng kích thích nhẹ nhàng hay mạnh mẽ chẳng qua chỉ là cách diễn đạt khác mà thôi.
5. Làm sáng tỏ cơ chế điều trị hiện đại và định lượng phương pháp cứu ngải
Thừa Đạm Am rất coi trọng việc ứng dụng phương pháp cứu ngải, kết hợp lý thuyết và kết quả nghiên cứu của y học Trung Quốc và phương Tây, ông tin rằng phương pháp cứu ngải có thể kích hoạt chức năng của các cơ quan, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và điều chỉnh chức năng của các hệ thống khác nhau của con người. Cứu ngải không chỉ có thể chữa bệnh mà còn phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, kéo dài tuổi thọ con người.
Để nắm bắt chính xác liều lượng điều trị bằng phương pháp cứu ngải, ông đã chế định các thao tác tiêu chuẩn trong quy trình kỹ thuật cứu ngải trên lâm sàng sao cho đạt các mức độ kích thích mạnh, trung bình và yếu. Đồng thời tổng kết và phân tích các bộ phận vị trí nên lựa chọn điều trị bằng phương pháp cứu và các hiện tượng xuất hiện sau khi cứu ngải, nhằm thúc đẩy việc tiêu chuẩn hóa các hoạt động điều trị bằng phương pháp cứu.
Trong những năm cuối đời, ông đã để lại một bản nháp về phương pháp cứu (灸法草稿).
6. Cải tiến và nghiên cứu chế tạo thiết bị châm cứu, chuẩn hóa các tiêu chuẩn cho thiết bị châm cứu
Do Trung Quốc thời trước không có đơn vị sản xuất đặc biệt cho dụng cụ châm cứu, và do thiếu hụt các quy định về sản xuất dụng cụ châm cứu, vào những năm 1930, Thừa Đạm Am trong tác phẩm “Trung Quốc Châm Cứu Trị Liệu Học” đã đưa ra các quy định nghiêm túc về tiêu chuẩn và chất lượng cho kim châm cứu. Và từ năm 1951, ông đã thử nghiệm việc sử dụng thép không gỉ để sản xuất kim châm cứu, từ đó đặt nền móng cho các tiêu chuẩn sản xuất kim châm cứu hiện đại.
Đồng thời, dưới ảnh hưởng của phương pháp châm cứu bằng kim dưới da (皮内针) của bác sĩ Nhật Bản Akabayashi Kōbei, Thừa Đạm Am không chỉ mô phỏng mà còn sáng tạo và phát minh ra kim châm cứu nhấn (揿针), tiện lợi hơn cho việc sử dụng. Hiện nay, kim dưới da và kim nhấn đã trở thành các công cụ châm cứu phổ biến trong thực hành lâm sàng. Ngoài ra, ông còn cải tiến và sáng chế các dụng cụ như hộp ôn cứu (温灸器), mai hoa châm hay bì phu châm (皮肤针), mô hình kinh huyệt châm cứu, v.v.
PHAN CÔNG TUẤN biên dịch
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 9
- Tất cả: 38093