Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Gai cua chữa bệnh ngoài da

03/12/2023

Gai cua là một trong những cây có chứa alcaloid độc. Ở nước ta một số sách cây thuốc có ghi nhận làm thuốc nhưng chưa được dùng phổ biến, trong khi ở nhiều nước trên thế giới Gai cua đã dược sử dụng toàn cây (thân, rễ, lá, hạt, hoa) để chữa một số bệnh, nhất là các bệnh ngoài da.

“Gai cua chữa bệnh ngoài da/ Uống trong có độc chớ pha quá liều”. Ảnh: P.C.T

Gai cua còn có tên Mùi cua, Cà gai, Cà dại hoa vàng, tài liệu Trung quốc gọi là Kế anh túc (罂粟) hay Thích anh túc (剌罂粟), tên khoa học  Argemone mexicana L., thuộc họ Thuốc phiện – Papaveraceae. Cây thảo cao 0,30-0,50m; thân non có gai thưa, thân già nhẵn. Toàn cây có nhựa mủ màu vàng vàng. Lá mọc so le, gốc lá ôm vào thân. Phiến lá xẻ sâu, màu xanh lục thẫm, mép có gai nhọn, gân lá màu trắng. Hoa to, màu vàng tươi, mọc đơn độc ở đầu cành; có 3 lá đài màu xanh, sớm rụng; có 6 cánh hoa; 6-7 lá noãn hợp thành bầu trên, 1 ô. Vòi nhụy ngắn. Núm nhụy màu đỏ còn lại trên quả. Quả nang, có nhiều gai, trong chứa nhiều hạt nhỏ, tròn, dẹp và đen. Ra hoa tháng 3-5.

Gai cua thường gặp mọc hoang trên các bãi bồi ven sông, khá phổ biến ở đồng bằng và trung du miền Bắc nước ta, vùng trung và hạ Lào và Campuchia. Nguyên sản ở vùng nhiệt đới châu Mỹ. Tại Đà Nẵng, chúng tôi đã gặp Gai cua mọc rải rác ở quanh danh thắng Ngũ Hành Sơn và một số vùng trồng hoa ở các phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) và Hòa Cường  Nam (quận Hải Châu).

Phân tích thành phần hóa học cho thấy hạt chứa 16-30% chất dầu cố định; bã hạt có các alcaloid berberin và protopin. Rễ chứa nhiều alcaloid (0,125%) chủ yếu là protopin (0,084%) allocryptopin (0,068%) berberin (0,125%) sanguinarin và cheleritin. Ngoài ra còn có tanin, nhựa dầu của cây chứa argemon 22-30%; còn có một chất độc.

Theo Trung Hoa bản thảo, toàn cây Gai cua có vị đắng, tính mát; vào 3 kinh tỳ, phế, đởm; có công năng phát hãn, lợi thủy, thanh nhiệt, giải độc, giảm đau, giảm ngứa; chủ trị cảm mạo không mồ hôi, viêm gan vàng da, viêm tiết niệu, phù thũng, viêm loét mí mắt, đau do thoát vị bẹn, giang mai, ghẻ lở. Liều dùng 3-6g.

Theo Tân Hoa bản thảo cương yếu,  Gai cua có tác dụng tiêu thũng, lợi đởm, trừ đàm, cầm đi tả, giảm ngứa. Toàn cây dùng chữa phù thũng, vàng da; rễ trị bệnh ngoài da mạn tính; hạt xổ nhẹ, gây nôn, tiêu đàm, tiêu viêm, giảm đau.

Từ điển cây thuốc Việt Nam của TS.Võ Văn Chi cho biết ở Ấn Độ, rễ được dùng trị bệnh ngoài da mạn tính; Nhựa mủ tươi của cây dùng chữa phù, vàng da và các bệnh về da; Dầu cây dùng xổ và chữa bệnh về da, Dầu này có tác dụng tẩy xổ nhưng không gây đau bụng. Dầu mới ép có tác dụng mạnh hơn. Dầu này không có mùi khó chịu như dầu Thầu dầu; Hạt ngoài việc dùng làm thuốc nhuận tràng gây nôn, được dùng trị nọc độc các vết cắn của côn trùng và động vật.

Ở Philippine nhựa mủ tươi màu nâu dùng chữa bệnh về mắt hoặc đau kẽ mắt, bệnh ngoài da, bệnh giang mai. Hoa sắc uống làm thuốc chữa ho và làm thuốc ngủ. Dầu của hạt làm thuốc tẩy và gây nôn. Ở Indonesia, dùng chữa bệnh ngoài da và làm thuốc điều kinh. Ở đảo Martinique, nhựa cây dùng chữa chai chân, mụn cơm, bệnh ngoài da, phong hủi, loét giang mai và giác mạc bị viêm.

Cây độc ở Việt Nam của GS, TS. Trần Công Khánh cho biết nhựa có tính gây tê; lá khô trộn với thuốc lá, hút để giảm cơn hen suyễn; ép toàn cây dùng uống, bã đắp ngoài trị rắn độc cắn. Khi bị ngộ độc do quá liều, nạn nhân thấy khó thở, tay chân tê liệt, nôn mửa, ỉa chảy.

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, Gai cua có tác dụng ức chế vi khuẩn bệnh Ranikhet; còn có tác dụng diệt nấm và các chất có hoạt tính ức chế sự sinh tinh trùng như protopin, berberin.

Bài thuốc:

Viêm gan vàng da cấp: Gai cua 10g, Đậu mắt tôm 60g, Cốt khí củ 30g. Sắc uống. Hoặc  dùng: Gai cua 10g, Chó đẻ răng cưa, Cỏ ban đều 30g, Dành dành 10g. Sắc uống.

Viêm da mẩn ngứa: Gai cua, Nhân trần, Bông ổi, Kim ngân dây, Cúc lục lăng, lượng bằng nhau, sắc lấy nước đặc rửa.

Viêm da do tiếp xúc rơm rạ: Gai cua, Hy thiêm, Vỏ xoan, lá Me rừng, Cúc lục lăng, lượng bằng nhau, sắc lấy nước đặc rửa.

Chàm bìu: Gai cua, Bồ cu vẽ, Bách bộ, lượng bằng nhau, sắc lấy nước đặc rửa tại chỗ.

Dị ứng sơn: Gai cua, Bòn bọt, Ngũ trảo, lượng bằng nhau, sắc lấy nước đặc, để nguội rửa.

PHAN CÔNG TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *