Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Nhớ một lần đỗ Trạng: Vần Vè Viết Vui

01/12/2023

NHỚ MỘT LẦN… ĐỖ TRẠNG

 

Cách đây hơn hai chục năm, vào khoảng thăng 9 năm 2001, lần đầu tiên tôi mua được một số Đặc san NHỮNG CÂY THUỐC QUÝ tại quầy báo chí của Bưu điện thành phố. Đó là đặc san số 4 của Hội Dược liệu Vệt Nam. Hội đồng biên tập gồm GSTS Đỗ Tất Lợi là Chủ tịch, GSTS Phạm Thanh Kỳ là Phó Chủ tịch, DS Bùi Thị Trường là Thư ký Hội đồng; Chịu trách nhiệm xuất bản là DS Tạ Ngọc Dũng, Tổng Thư ký Hội Dược liệu Việt Nam.

Điều tôi thích thú là ngoài phần chuyên môn dược liệu, Đặc san này có nhiều mục văn nghệ giải trí khá sinh động. Trong số Đặc san 4 này, ở mục THƯ GIÃN… NỬA TUYỆT VỜI, trang 27 có đề bài như sau:

MỜI BẠN NỐI VẦN
Một nhà bào chế văn tự có viết vui hai câu sáu tám:
“Tía tô, Toan táo, Tế tân
Kim cang, Kỷ tử, Cát căn, Cườm cườm”
Chỉ cần theo một quy chế là các tên vị thuốc trong một câu phải cùng một (phụ) âm. Ví dụ câu 1 theo T, câu 2 theo K và C”. Thứ bậc dược vị tính như sau: Bạn nối được 10 câu sẽ đỗ tú tài, 20 câu là cử nhân, 30 câu là tiên sĩ. Còn trên 40 câu đều là trạng cả.
Hình như công danh theo kiểu này đều không gian truân mấy?!
Xin mời!

CẨM Y

Sau này, tôi mới biết Cẩm Y cũng như Lang Văn là bút danh của Nhà thơ, Nhà báo Bùi Hạnh Cẩn (1919-2020), là người dịch lại đầy đủ nhất bản THƯỢNG KINH KÝ SỰ của Lãn Ông và là tác giả hàng chục đầu sách thơ văn biên khảo dịch thuật khác . Ông còn là cộng tác viên đắc lực cho Đặc san NCTQ từ ngày đầu cũng như là Ủy viên Hội đồng cố vấn cho Tạp chí Cây Thuốc Quý sau này (cụ còn là thân phụ của LYDS Bùi Thị Trường, nguyên Phó TBT CTQ).

Sau khi đọc đề bài của Cẩm Y, vốn trước đó đã nhiều lần soạn vè để học dễ thuộc lòng các kiến thức Đông y từ dược liệu đến phương thang, châm cứu, với công cụ là cuốn sách cẩm nang NHỮNG CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC VIỆT NAM của GSTS Đỗ Tất Lợi trong tay, tôi ngồi vào bàn máy đánh chữ (chưa dùng máy vi tính như thời sau này) để soạn và gõ một lèo bài dự thi dưới đây.

VẦN VÈ – VIẾT VUI

 

Vần vè, vấn vít, viết vui
Thi thơ thỏa thích, thuận thời thuốc thang
Vòi voi, Vốn vén, Vông vang
Sa sâm, Sương sáo, Sà sàng, Súc sa (nhân)
Hoắc hương, Húng, Hẹ, Hồng hoa
Dây giun, Dứa dại, Dâu gia, Dành dành
Chạc chìu, Chua chát, Chuối, Chanh
Trút, Trăn, Triết truật, Tre, Tranh, Trèn trèn
Công cộng, Cà cuống, Cóc kèn
Đu đủ, Đậu đỏ, Đậu đen, Địa đào
Đơn đông, Đọt đắng, Đại đao
Tam tài, (Thanh) Tương tử, Táo tàu, Tóc tiên
Mai mực, Mũi mác, Mộc miên
Hùng huyết, Hổ hĩnh, Hoa hiên, Hoa hòe
Mạch môn, Mộc miếp, Mơ, Me
Mướp, Muồng, Mít, Mức, Mía, Mè, Mật mông
Phèn phi, Phụ phiến, Phòng phong
Bách bộ, Bông báo, Bòng bong, Bìm bìm
Chàm, Chè, Chút chít, Chân chim
Thần thông, Thiền thoái, Thông thiên, Thiềm thừ
Ba ba, Bìm bịp, Bồ bồ
Hùng hoàng, Hồng, Hạnh, Huyền hồ, Hồi hương
Dạ giao, Dương giác, Dâm dương
Cát cánh, Kim cúc, Càn cương, Kiến cò
Bạch bối, Bạch biển, Bo bo
Ngành ngạnh, Ngọt nghẹo, Nghệ, Ngò, Ngải, Ngoi
Hải hà, Hàu, Hạc, Hoa hồi
Sâm, Sen, Sơn, Sữa, Sim, Sòi, Sau sau
Cải củ, Cỏ cú, Ca cao
Bấn, Bèo, Bông bụt, Bí, Bầu, Bưởi bung
Khỉ, Khôi, Khế, Khiếm, Khương, Khung
Tượng, Tằm, Tang, Tỏi, Tiêu, Tùng, Toan tương
Hợp hoan, Hươu, Hống, Hành hương
Nhội, Nhàu, Nhãn nhục, Nhót, Nhung, Nhím, Nhài
Găng, Gòn, Gáo, Gấc, Gắm, Gai
Nắc nẻ, Núc nác, Nổ, Nai, Nàng nàng
Xá xị, Xộp xộp, Xoài, Xoan
Ráy, Riềng, Rắn ráo, Rau răm, Rết, Rùa
Móp, Men, Muối, Mọt, Mực, Mua
Dái dê, Dấm, Duối, Dứa, Dừa, Dướng, Dung
Sả, Sui, Si, Sấu, Sưng, Sung
Cánh kiến, Cải cúc, Cây cuồng, Cam, Cau…
Đề đơn đã đủ đỗ đầu
Đăng đàn đàm đạo đuổi đau độ đời
30/9/2001
LANG VÈ

Chính danh: L.Y Phan Công Tuấn

 

Chú thích: Bài dài không tiện chú thích từng vị thuốc. Xin chú ý một số cây con thuốc lạ tai xin tra trong tài liệu NCTVVTVN của GS Đỗ Tất Lợi đều có. Như “Vốn vén” là tên khác của Chua meo còn goi Chua ngút, Nam phỉ tử; hoặc “Trèn trèn” là tên một loại quế núi… Ngoài ra có một số tên theo chữ Hán như: hải hà (tôm biển), Tượng (voi), Hống (thủy ngân), Tang (cây dâu),…
Sau khi gởi bản thảo bài vè này cùng với bài vè DƯỢC LOẠI TOÁT YẾU vốn là cẩm nang học nhóm thuốc vị thuốc tôi tự soạn khi mới học Đông y chừng mười năm trước đó (1992), mấy tháng sau tôi nhận được tời báo biếu đăng cả 2 bài trong Đặc san NHỮNG CÂY THUỐC QUÝ số 5, Xuân Nhâm Ngọ, 2002.

Dưới bài VẦN VÈ VIẾT VUI (có một số lỗi morát) có LỜI TÒA SOẠN như sau:

Cẩm Y bái phục… Lang Vè
Nối vần như thế, dám chê được nào?
Trạng nguyên… Vè: xứng đáng sao !

Đáng chú ý, từ Đặc san NCTQ số 5 này đến Đặc san số 13, là số Đặc san cuối cùng, tôi có thêm gần 10 bài đăng báo nữa. Mặc dù trước đó, từ năm 1995, tôi đã có nhiều bài viết, bài dịch đăng trên tạp chí Y học cổ truyền Việt Nam, tạp chí Thuốc &Sức khỏe, báo Sức khỏe và Đời sống, báo Đại Đoàn kết, Đặc san Sổ tay Y học, Sống Vui Khỏe,… Nhưng có thể nói việc cộng tác rồi tiến tới làm báo với Tạp chí Cây Thuốc Quý là một chặng đường học hỏi và làm việc sôi nổi, giúp cho mình thêm nhiều kiến thức nhất.

Đến đầu năm 2003, Đặc san NCTQ được Bộ Văn hóa thông tin chính thức cho phép phát triển thành tạp chí Cây Thuốc Quý, tôi được mời làm Đại diên Miền Trung và sau đó là Phó Tổng biên tập, phụ trách thiết kế nội dung cho tạp chí CTQ. Trong hơn 10 năm làm báo (2003-2013), từ Đặc san 2-3 tháng 1 kỳ trước đó, đến Tạp chí 1 tháng 1 kỳ, rồi nhanh chóng thành bán nguyệt san nửa tháng 1 kỳ, là một chặng đường tôi thử sức trong một lĩnh vực mới chưa một ngày được đào tạo, phải tự học tự làm khá gian nan nhưng cũng nhiều thú vị, góp phần đưa Tạp chí đi lên nhiều bước ngoạn mục.
Rất tiếc, đến hết năm 2013, sau Đại hội lần II Hội Dược liệu Việt Nam, tôi không còn hứng thú với công việc làm tạp chí, nên đã bỏ việc về đầu quân cho Bệnh viện YHCT Đà Nẵng, tiếp tục thử sức ở một vài lĩnh vực mới.

Nhân ngày đầu xuân, ghi lại mấy dòng kỷ niệm về “công danh, sự nghiệp” để NÓI TRẠNG về một thời… ĐỖ TRẠNG và võ vẽ làm báo từ hơn hai chục năm trước, làm quà tặng cho bạn bè thân hữu gần xa.

Mùng Năm Tết Quý Mão (26/01/2023)
Trạng…vè PHAN CÔNG TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *