Câu hỏi cuối năm
25/11/2023
Tiểu thuyết Lãn Ông (Monsieur le Paresseux) của nữ văn sĩ người Pháp Yveline Féray, sau hơn năm năm xuất bản ở Paris, đã được NXB Văn Nghệ (TP.HCM) cho ra mắt bản dịch tiếng Việt của dịch giả Lê Trọng Sâm.
Còn nhớ cách đây hơn một năm, trên diễn đàn CTQ số 26 (ra ngày 5-11-2004) có bài “Những ý kiến khác nhau từ tấm lòng đối với Hải Thượng Lãn Ông” nêu tranh luận chung quanh một tình tiết trong nội dung tiểu thuyết này. Gác lại một vài ý kiến cực đoan, phiến diện, Hội DLVN và Tạp chí CTQ đã bày tỏ đồng tình với một hậu duệ sáng suốt của cụ Lãn Ông rằng: “Chúng ta cảm ơn bà Féray đã giới thiệu Lê Hữu Trác với nhân dân thế giới.” Đoạn cuối bài báo có viết thêm: “Tạp chí CTQ mong rằng bản dịch tác phẩm trên sớm được ra mắt bạn đọc để chúng ta nhìn nhận rõ hơn về đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác”. Vậy là đến nay điều mong ước đó đã thành hiện thực.
Phải nói đây là một sự kiện văn hoá không chỉ cho chúng ta vui mừng, hãnh diện, tự hào mà còn nhiều vấn đề đáng để suy ngẫm.
Tiểu thuyết vẽ lại chân dung Hải Thượng Lãn Ông, một Ông Lười luôn mơ ước “mọi người đều mạnh khoẻ để ông được hoàn toàn thảnh thơi ngâm thơ và uống rượu”, một con người luôn tâm niệm “khoe khoang không thể nào sánh được với niềm vui tự giấu mình”phải đơn thương độc mã chống chọi trong bối cảnh “lên kinh chữa bệnh” trong hoàng cung suy tàn với nhiều thế lực thao túng chính trị, lẫn sự gian trá của bọn ngự y bất tài làm hại sinh mạng cả Chúa Trịnh Sâm lẫn Thế tử Trịnh Cán. Tác giả đã nghiên cứu tỉ mỉ nhiều tư liệu lịch sử, văn học quý báu như Thượng Kinh Ký Sự, Hoàng Lê Nhất Thống Chí, cùng nhiều tài liệu y học khác. Không chỉ có tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, dường như sự đồng cảm sâu sắc trong tâm hồn nữ văn sĩ người Pháp này dành cho Y tổ Hải Thượng hoàn toàn không kém những gì bà đã dành cho danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi trong tiểu thuyết Vạn Xuân trước đó. Nhờ vậy mà người đọc tiểu thuyết như thấy được Lãn Ông sống lại, chia sẻ từng nỗi niềm suy tư trăn trở trước thế thái nhân tình, trước thân phận đáng thương của một thế tử quyền quý cực kỳ thông minh dù Ông hết lòng cứu chữa mà vẫn bó tay trước định mệnh. Có ai ngờ được, chính sinh linh bé bỏng, vị ấu Chúa với tâm hồn già dặn đó đã thành người bạn vong niên đồng điệu sâu sắc với vị Y sư già của chúng ta, đã “chẩn bệnh” chính xác và cho “thuốc chữa” bằng cách giải phóng cho Lãn Ông trở về với rừng núi Hương Sơn quê nhà… Một chút hư cấu về mối giao tình thầy thuốc-bệnh nhân đã chắp cánh tinh thần lãng mạn và nhân văn nhân đạo của tiểu thuyết đến với người đọc chúng ta tiếp tục khám phá di sản tổ tiên trên hành trình tìm về nguồn cội của mình. Đây là điều không phải nhà văn Việt Nam nào cũng làm được
Chưa hết cảm kích vì xem phim Thần Y Hur Jun của Hàn Quốc, lại đọc tiếp tiểu thuyết Lãn Ông do nữ văn sĩ người Pháp viết, thú thật tôi không thể ngăn được nỗi niềm cám cảnh “trông người mà ngẫm đến ta” xâm chiếm lòng mình. Bao giờ các nhà văn Việt Nam, các nhà làm phim Việt Nam xây dựng được các tác phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc về các nhân vật nổi tiếng trong ngành y dược học nước nhà như Tuệ Tĩnh, Lãn Ông… để không chỉ mang lịch sử đến với người đương đại mà còn góp phần giáo dục y đức đang xuống cấp trầm trọng cho đội ngũ thầy thuốc ngày nay và giao lưu văn hoá nghệ thuật với bạn bè trên trường quốc tế? …
Mong rằng câu hỏi cuối năm 2005 từ diễn đàn CTQ này sớm tìm được câu trả lời trong thời gian tới.
P.C.T
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 9
- Tất cả: 38093