Tìm hiểu “THẬP TAM PHƯƠNG GIA GIẢM”
25/11/2023
L.Y PHAN CÔNG TUẤN
Trong bài “Tuệ Tĩnh lan man ký” viết trên CTQ số 31 (tr.19), tôi có ghi nhận rằng mình rất tâm đắc với phần Thập tam phương gia giảm (TTPGG), đánh giá đây một tuyển tập phương thang không tiền khoáng hậu trong Đông y cổ kim, bởi tính chất cực kỳ tinh giản trong việc dùng 13 phương thang với phép gia giảm linh hoạt có thể đối trị hầu hết các loại tạp bệnh nội thương ngoại cảm thường gặp của dân ta.
Trong lúc cao đàm khoát luận, tôi đã hạ bút viết tiếp một câu: “Hẹn có dịp sẽ đi sâu phân tích tìm hiểu tác phẩm này”. Đến khi báo in ra, đọc lại mới giật mình thấy mình hớ hênh liều lĩnh quá. Thú thật, vì câu đó mà nửa năm nay tôi luôn cảm thấy ray rứt không yên. Không viết thì lỗi hẹn với bạn đọc, mà viết ra thì với một chút sở đắc ít ỏi của mình chẳng thể gọi là đi sâu phân tích tìm hiểu tác phẩm được. Thôi thì, theo lời các cụ ngày xưa “biết đủ là đủ, đợi đủ đến bao giờ cho đủ”, đành cố gắng biết đến đâu nói đến đó, còn những chỗ thiếu sót và không hiểu xin nhờ quý bạn đọc cao minh chỉ chính thêm cho.
Điều đầu tiên chúng ta có thể khẳng định TTPGG là một tác phẩm y học rất độc đáo. Tính độc đáo trước hết thể hiện ở hình thức. Toàn văn tác phẩm là một bản thơ Nôm lục bát dài 1190 câu. (Xin mở ngoặc nói thêm ở bản in Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư của Nxb Yhọc, Hà Nội, 1978 đã bỏ sót một câu lục thứ 745, không rõ do lỗi nhà in hay lỗi phiên âm, biên tập, vì chúng tôi chỉ có duy nhất bản sách này có in toàn văn tác phẩm, nên chưa tìm đâu bổ sung cho đủ, mong quý bạn đọc nào có bản văn khác có câu đó, xin chia xẻ cho chúng tôi cùng biết với).
Ngoài phần mở đầu (42 câu) và kết luận (30 câu), còn lại 1112 câu tập trung giới thiệu 13 phương thuốc với toàn bộ nội dung chủ trị, thành phần, liều lượng, bào chế và đặc biệt trình bày rất kỹ lưỡng cách gia giảm linh hoạt tuỳ theo triệu chứng bệnh lý. Bài viết này không đi vào chi tiết, xin chỉ lướt qua trong một cái nhìn bao quát và dừng lại ở một vài điểm nhấn quan trọng theo nhãn quan tác giả.
TẠI SAO LẠI LÀ 13 PHƯƠNG ?
Câu hỏi trên như một công án thiền đeo bám ám ảnh tôi hơn mười năm trời mà chưa tìm ra lời giải đáp. Đọc sách phương thang đông y cổ kim, ngoài các tác phẩm đồ sộ như Thái Bình Thánh Huệ Phương của Vương Hoài Ẩn (năm 922, đời Tống, TQ) thu thập 16.834 bài thuốc; hay Phổ Tế Phương của bộ ba tác giả Chu Tiêu, Đằng Thạc, Lưu Thuần ra đời năm 1406 đời Minh sưu tập trên 60.000 bài thuốc; còn có một số tác phẩm có khuynh hướng chọn lọc như Tế Sinh Phương của Nghiêm Dụng Hoà đời Tống tinh tuyển hơn 500 bài thuốc, hay như Uông Ngang vào đời cuối Minh đầu Thanh soạn Y Phương Tập Giải chọn chép hơn 800 bài thuốc thường dùng trong lâm sàng, sau đó tuyển chọn lấy 290 bài soạn theo lối văn vần cho dễ nhớ dễ thuộc thành sách Thang Đầu Ca Quát. Hải Thượng Lãn Ông cũng đã góp nhặt 234 bài thuốc thường dùng biên soạn thành tập Y Phương Hải Hội trong bộ sách Lãn Ông Tâm Lĩnh. Hầu hết các sách phương tể học ngày nay đều tuyển chọn số lượng bài thuốc thường dùng cũng ở mức trên dưới 300 bài. Có lẽ chưa có tác phẩm nào tinh tuyển cô đọng tới mức kỷ lục còn 13 bài thuốc như TTPGG. “Thấy trong tiên giác y gia / Quốc âm đằng thảo mười ba phương này”. Đó là câu 17-18 trong phần mở đầu TTPGG. Tác giả cho chúng ta biết 13 bài thuốc này được chép lại rõ ràng (đằng thảo) bằng quốc âm vốn có xuất xứ từ trong các tác phẩm của tiên hiền đời trước, cụ thể gồm 3 bài thuốc trong Thương Hàn Tạp Bệnh Luận của Trương Trọng Cảnh đời Hán và 9 bài trong sách Cục Phương (Thái Bình Huệ Dân Hoà Tể Cục Phương) và 1 bài trong sách Dị Giản Phương đều thuộc đời Tống.
Nhưng tại sao lại là 13, chứ không phải 10, 12 hay 15, 16 …? Con số 13 có ý nghĩa gì ? Đây quả là một vấn đề hóc búa !
Loay hoay mò mẫm mãi trong đường hầm tối hun hút đó, cuối cùng tôi cũng đã thấy le lói một vài tia sáng.
Một là, trong kho tàng văn hoá Đông phương chúng ta thường nghe nói đến “thập tam kinh”, tức là 13 kinh sách (Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Lễ Ký, Chu Lễ, Nghi Lễ, Xuân Thu, Công Dương, Cốc Lương, Luận Ngữ, Mạnh Tử, Hiếu Kinh, Nhĩ Nhã) vốn được các nhà Nho cho là nền tảng cơ bản và hàm chứa đầy đủ các ngành học thuật cổ đại.
Hai là, trong một số tác phẩm y sử có đưa ra thuật ngữ “thập tam khoa”, đó là cách chia Đông y cổ đại ra làm 13 khoa cơ bản. Theo Tống Sử thì 13 khoa là: Phong, Thương hàn, Đại phương mạch (người lớn), Tiểu phương mạch (trẻ em), Phụ nhân thai sản, Châm cứu, Yết hầu khẩu xỉ (hầu họng răng miệng), Sang dương (nhọt lở), Chính cốt (sửa xương), Kim thốc (trị thương do gươm đao kim khí), Dưỡng sinh, Chúc do (bùa chú, tâm lý trị liệu), Nhãn (mắt). Theo sách Loại Kinh thì 13 khoa là: Đại phương, Tiểu phương, Phụ nhân, Thương hàn, Sang dương, Châm cứu, Nhãn, Khẩu xỉ, Hầu lung (họng), Án cốt (nắn xương), Kim thốc, Án ma (xoa bóp) và Chúc do.
Phải chăng từ “thập tam kinh”, “thập tam khoa” đến “thập tam phương” có một sự liên hệ tương đương nào đó? Và phải chăng con số 13 là con số đại diện cho tất cả và toàn bộ ?
Đọc lại phần kết luận trong TTPGG, câu 1161-1162 viết: “Xem cho biết phép bổ công / Mười ba phương ấy no trong đủ ngoài”, tôi chợt ngộ ra một điều là tác giả TTPGG có ý thức rất rõ ràng khi chỉ chọn 13 bài thuốc cơ bản để đối trị đầy đủ tất cả các loại bệnh nội thương ngoại cảm thường gặp. Đã có một sự gặp gỡ lý thú giữa trường phái y học Tuệ Tĩnh Việt Nam với trường phái Hán phương Nhật Bản. Một danh y Nhật bản là Đông Động tiên sinh cũng từng chủ trương: “Dùng phương thuốc càng đơn giản, y thuật ngày càng tinh tế; dùng phương thuốc càng phức tạp, y thuật ngày càng thô thiển” (Dụng phương giản giả, kỳ thuật nhật tinh; dụng phương phồn giả, kỳ thuật nhật thô). Đây phải chăng là một đặc trưng của trường phái Tuệ Tĩnh mà chúng ta cần nghiên cứu phát huy? Bởi lẽ thầy thuốc ngày nay có không ít người vẫn quan niệm sai lầm rằng đơn giản là biểu hiện của sự thô thiển và phức tạp mới là biểu hiện của sự tinh vi.
Mong bạn đọc tiếp sức cùng tôi suy nghĩ thêm về vấn đề này!
THỨ TỰ VÀ CHỦ TRỊ 13 PHƯƠNG :
Thứ tự, xuất xứ, và tóm tắt chủ trị của 13 phương trong TTPGG như sau:
1.Bất hoán kim chính khí tán (Cục phương): Chủ trị các chứng thương hàn ôn dịch, tứ thời cảm mạo, sốt rét, ho đàm, tỳ vị bất hoà, thực tích, hoắc loạn thổ tả, sơn lam chướng khí…
2.Nhị trần thang (Cục phương): Chủ trị các chứng đàm ẩm, đầy trướng, ho đàm, nôn nửa, lợm giọng, chóng mặt, tim hồi hộp…
3.Sâm tô ẩm (Dị giản phương): Chủ trị các chứng ngoại cảm phong hàn, phát sốt, ớn lạnh, đau đầu, ngạt mủi, đàm ẩm, ngực đầy tức…
4.Tứ vật thang (Cục phương): Chủ trị các chứng huyết hư, thất huyết, phụ nữ kinh nguyệt không đều, súc huyết, băng trung đới hạ…
- Ngũ linh tán (Trọng Cảnh): Chủ trị các chứng thấp, thuỷ ẩm, thuỷ thũng, bụng đầy, mình nặng mà đau, hoắc loạn thổ tả, phiền khát, tiểu tiện không thông…
6.Huyền vũ thang (Trọng Cảnh): Chủ trị các chứng thiếu âm thương hàn, bụng đau, tiểu tiện không lợi, chân tay nặng nề đau nhức, hạ lợi do có thuỷ khí gây nên…
7.Hương tô tán (Cục phương): Chủ trị các chứng ngoại cảm phong hàn, nhức đầu, phát sốt mà sợ lạnh, không mồ hôi, và trong có khí trệ, ngực đầy tức, ợ hơi, không muốn ăn, phụ nữ có thai mà phù thũng, nhức đầu, ớn lạnh …
8.Tiểu sài hồ thang (Trọng Cảnh): Chủ trị chứng thiếu dương thương hàn, nóng rét qua lại, ngực sườn đầy tức, miệng đắng, họng khô, tâm phiền, hay ụa, không muốn ăn uống, chứng ôn ngược mùa xuân, phụ nữ thương hàn nhiệt nhập huyết thất …
9.Đối kim ẩm tử tức Bình vị tán (Cục phương): Chủ trị chứng tỳ vị thấp trệ, đàm ẩm, bụng trướng đầy, hay nôn ợ, không muốn ăn uống, sơn lam chướng khí, sốt rét ngã nước, bụng tích báng…
10.Thập thần phương (Cục phương): Chủ trị các chứng thời khí ôn dịch, phong hàn lưỡng cảm, nhức đầu phát sốt, ớn lạnh, không mồ hôi, ho, ngạt mủi, nặng tiếng…
11.Ô dược thuận khí thang (Cục phương): Chủ trị chứng trúng phong, kinh lạc bế tắc, xương cốt đau nhức, khắp mình tê dại, đi lại khó khăn, thở gấp, có đàm…
12.Ngũ tích tán (Cục phương): Chủ trị các chứng ngoại cảm thương hàn, nội thương ẩm thực, đau đầu mình nhức, gáy lưng co cứng, phát sốt, ớn lạnh, không có mồ hôi, bụng đau, nôn thổ, cùng hàn thấp lưu trệ trong kinh lạc, lưng chân đau buốt, phụ nữ kinh nguyệt không đều, đẻ khó …
13.Tứ quân tử thang (Cục phương): Chủ trị các chứng tỳ vị hư nhược, ăn kém, ỉa lỏng, hơi thở ngắn, mặt trắng bợt hoặc vàng bủng, người béo bệu hoặc gầy còm, chân tay yếu ớt. Theo Y Phương Tập Giải, bài này chữa cả tỳ hư (biểu hiện người gầy, mặt vàng) và phế hư (biểu hiện da nhăn, lông rụng) .
Trên đây là thứ tự và tóm tắt chủ trị 13 phương trong TTPGG . Về thứ tự của 13 phương, thú thật là tôi chưa phát hiện ra 13 phương đã được sắp xếp theo quy luật hay thứ tự ưu tiên nào . Chỉ xin soạn thành bài ca về thứ tự các phương (Phương tự) giúp cho mọi người dễ ghi nhớ theo truyền thống ca quát đông y.
Mười ba phương Tuệ sư truyền
Bất hoán kim chính khí (1) biên hàng đầu.
Nhị trần thang (2) xếp đứng sau
Sâm tô(3) – Tứ vật (4) tiếp nhau trận đồ
Ngũ linh(5) – Huyền vũ (6)- Hương tô (7)-
Tiểu sài (8) – Bình vị (9) nối vô Thập thần (10)
Ô dược thuận khí (11) rất cần
Cuối cùng Ngũ tích (12)– Tứ quân (13) thêm vào
Gia giảm linh hoạt sát sao
Mười ba phương ấy bệnh nào cũng thuyên .
Dưới đây là chú thích thành phần của 13 phương thuốc của chúng tôi, cũng viết theo thể văn vần giúp dễ nhớ:
(1)Bất hoán…chính Bình vị phương
Gia thêm Bán hạ, Hoắc hương mà thành.
(2)Nhị trần táo thấp hoá đàm
Phục linh, Bán hạ, Trần (bì), Cam (thảo) hợp cùng.
(3)Sâm tô (Cát) Căn, (Kiết) Cánh, Tiền hồ,
Mộc hương, Chỉ xác thêm vô Nhị trần.
(4)(13) Tứ vật: Địa, Thược, Quy, Khung;
Sâm, Linh, Truật, Thảo tương phùng Tứ quân.
(5)Ngũ linh Trư – Xích lưỡng Linh,
Bạch truật, Trạch tả lại trình Quế tâm.
(6)Huyền vũ lợi thấp ôn dương
Tam Bạch (B.Truật, B.Linh, B.Thược), Phụ tử, Can khương phối cùng.
(7)Hương tô Hương phụ, Tử tô,
Trần bì, Cam thảo gia vô ít Gừng.
(8)Tiểu sài… hoà giải chủ phương
Sài, Cầm, Sâm, Hạ, Táo, Khương, Thảo hoà.
(Sài hồ, Hoàng cầm, Nhân sâm, Bán hạ, Đại táo, Cam thảo)
(9)Bình vị ôn thấp vận tỳ
Thương truật, Hậu phác, Trần bì, (Cam)Thảo chung.
(10)Thập thần Xích thược, Xuyên khung,
Ma (hoàng), Thăng(ma), (Cát) Căn, (Bạch) Chỉ hợp cùng Hương tô.
(11)Ô dược thuận khí Ma (hoàng), (Xuyên)Khung,
(Chỉ)Xác, (Cương)Tàm, (Kiết)Cánh, (Bạch)Chỉ, Can khương, (Cam)Thảo, Trần (bì).
(12)Ngũ tích = Bình vị + Nhị trần +
Khung, Quy, Thược, K.Cánh, Chỉ (Bạch chỉ, Chỉ xác), Càn(khương), Quế(chi) , Ma(hoàng).
Cần lưu ý bài Ngũ tích tán theo sách TTPGG có thêm 2 vị Nhân sâm và Bạch truật , đây là điều khác biệt so với các sách phương thang cổ điển khác mà chúng tôi đã tham khảo viết thành câu ca trên. Thú thật chúng tôi chưa lý giải được điều khác biệt này, mong được lắng nghe ý kiến của quý bạn đọc khác.
Cũng xin nói thêm trong 13 phương thuốc chính trên đây, chúng tôi thống kê thành phần chỉ gồm 35 vị thuốc. Một con số hết sức khiêm tốn!
Đó là: Thương truật, Hậu phác, Trần bì, Cam thảo, Bán hạ, Hoắc hương, Bạch linh, Nhân sâm, Cát căn, Kiết cánh, Tiền hồ, Mộc hương, Chỉ xác, Thục địa, Đương quy, Xuyên khung, Bạch thược, Bạch truật, Trư linh, Xích linh, Trạch tả, Quế, Phụ tử, Can khương, Hương phụ, Tử tô, sàI hồ, Hoàng cầm, ĐạI táo, Sinh khương, Xích thược, Ma hoàng, Thăng ma, Bạch chỉ và Cương tàm.
Trừ một vài vị như Nhân sâm, Thục địa, còn đa số đều là thuốc nam thuốc bắc rẻ tiền và thông dụng. Phải chăng đây là một chủ trương của trường phái Tuệ Tĩnh trong việc tinh tuyển các phương thang kinh điển vẫn ưu tiên trọng dụng các nguồn thuốc thông dụng rẻ tiền để ứng cứu mọi lúc mọi nơi, ngay người nghèo vẫn có khả năng sử dụng?
PHÂN LOẠI 13 PHƯƠNG
Bệnh tật thiên hình vạn trạng, tuy nhiên theo cách phân loại đơn giản nhất của Đông y gồm các nhóm chính như sau:
-Bệnh ngoại cảm: Do các nhân tố môi trường (đông y gọi là lục dâm: phong, hàn, thử, thấp, táo, hoả) tác động gây nên như cảm lạnh, phong thấp…
-Bệnh nội thương: Chủ yếu do nhân tố tình chí (đông y gọi là thất tình: mừng, giận, lo, nghĩ, buồn, sợ, kinh hãi) kết hợp với các yếu tố ăn uống, sinh hoạt gây nên.
-Bệnh ngoại cảm nội thương kết hợp: Bệnh không chỉ đơn thuần là ngoại cảm hay nội thương, mà phần lớn kết hợp cả hai.
-Bệnh hư nhược: Do suy giảm chức năng của âm dương khí huyết, do lão suy…
Căn cứ vào cách phân loại bệnh trên đây cũng như công năng chủ trị của 13 phương đã nêu ở phần trước, theo tôi có thể phân thành các nhóm bài thuốc trong TTPGG như sau:
1.Nhóm bài thuốc trị ngoại cảm và trúng phong kinh lạc:
-Hương tô tán: chủ về phát tán phong hàn, kèm khí trệ.
-Tiểu sài hồ thang: chủ về hoà giải thiếu dương (trong thương hàn chứng)
-Thập thần thang: chủ chứng thời khí ôn dịch, phong hàn lưỡng cảm.
-Ô dược thuận khí thang: chủ chứng trúng phong kinh lạc.
2.Nhóm bài thuốc chữa nội thương:
-Nhị trần thang: chủ trị đàm ẩm
-Ngũ linh tán: chủ trị thuỷ thũng, thấp nhiệt
-Bình vị tán : chủ trị thấp trệ tỳ vị
-Huyền vũ thang: chủ trị hàn thấp .
3.Nhóm bài thuốc chữa ngoại cảm kiêm nội thương:
-Bất hoán kim chính khí tán: chủ trị tứ thời cảm mạo kiêm tỳ vị bất hoà.
-Sâm tô ẩm: trị ngoại cảm phong hàn kiêm khí hư .
-Ngũ tích tán: trị ngoại cảm phong hàn kiêm nội thương ẩm thực .
4.Nhóm bài thuốc bổ dưỡng:
-Tứ vật thang: chủ bổ huyết.
-Tứ quân thang: chủ bổ khí.
Dưới đây là bài ca toát yếu về cách phân loại của chúng tôi (Phương loại):
Mười ba phương Tuệ sư truyền
Tạm chia làm mấy loại riêng dễ dò .
Trúng phong, ngoại cảm nhớ cho
Tiểu sài…, Ô dược…, Hương tô, Thập thần.
Nội thương thuỷ – thấp – đàm phân
Huyền vũ, Bình vị, Nhị trần, Ngũ linh .
Nội thương ngoại cảm song hành
Bất hoán…, Ngũ tích lại dành Sâm tô.
Bổ khí bổ huyết thêm vô
Tứ quân, Tứ vật bệnh mô chẳng lành.
Cần lưu ý sự phân loại trên đây có tính tương đối theo chủ quan của chúng tôi. Một phương thuốc cũng như một vị thuốc thường có nhiều công năng tác dụng, nếu căn cứ từng công năng khác nhau thì có thể xếp vào các nhóm bài thuốc khác.
Bước đầu tìm hiểu TTPGG, chúng tôi thấy số lượng bài thuốc, vị thuốc, cũng như cách phân nhóm bệnh, nhóm bài thuốc mà trường phái Tuệ Tĩnh sử dụng có thể nói là cực kỳ tinh giản. Tất nhiên, để đối phó với hàng trăm bệnh chứng khác nhau, người thầy thuốc cần nắm vững phép gia giảm thêm bớt số vị thuốc, liều lượng thuốc một cách linh hoạt khi sử dụng 13 phương này. Đó cũng là một nội dung độc đáo mà loạt bài tìm hiểu TTPGG đầu tiên này đành gác lại, hẹn sẽ bàn tiếp trong một dịp khác. Để kết thúc loạt bài này, xin cống hiến quý bạn đọc một bản sơ đồ có thể giúp nắm được toát yếu của 13 phương trong lòng bàn tay như sau: (xem ảnh trên).
(CTQ số 46-47-48)
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Apple Store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 1
- Hôm nay: 6
- Tất cả: 38090