DƯỠNG SINH YẾU QUYẾT
11/11/2023
(Trích dịch ĐÔNG Y BẢO GIÁM)
Bảy điều giới răn của Thái Ất chân nhân nói rằng: Một là ít nói để dưỡng nội khí; hai là kiêng sắc dục để dưỡng tinh khí; ba là ăn uống đạm bạc để dưỡng huyết khí; bốn là nuốt nước miếng để dưỡng tạng khí; năm là tránh tức giận để dưỡng Can khí; sáu là khéo ăn uống để dưỡng vị khí; bảy là chớ suy tư lo lắng để dưỡng tâm khí.
Con người do bẩm khí trời đất sinh ra, khí do thần thịnh vượng kết thành. Cho nên dưỡng khí, tồn thần thì có thể đắc đạo. Phàm trong trời đất cái cần phải bảo tồn không gì hơn là gìn giữ nguyên khí.
Hoàng Đình Kinh nói: Muốn sống lâu thì tập luyện “côn lôn”, như tóc năng lấy tay chải đều, rồi tay xoa vùng mặt; răng năng gõ với nhau, nước miếng ra thì nuốt; hít thở năng tinh luyện. Tập luyện ba phần này gọi là tu dưỡng “côn lôn”, côn lôn còn gọi là đầu người vậy.
Cát Tiên Ông trong Thanh Tịnh Kinh nói rằng: Con người có thể chế ngự dục vọng của mình để tâm được thanh tịnh, lắng trong lòng mình để thần được sáng suốt, tự nhiên lục dục (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) không còn, tam độc (tham, sân, si) được tiêu trừ. Phàm khi tâm không chất chứa tà kiến vọng niệm thì mọi sự được rõ ràng. Tọa thiền thì tâm được tĩnh lặng. Ít nói, bớt nghe để gìn thần giữ mạng. Cho hay nói nhiều thì tổn khí, vui quá thì buông tình, giận quá thì tâm ý căng thẳng, buồn lo suy nghĩ nhiều thì hao tổn tinh thần, tham đắm dục lạc, lao nhọc thái quá thì hao tinh tổn khí. Phàm những thứ này người biết tu dưỡng không nên có những sự thái quá đó.
Lại nói: Người dưỡng tính không nên khạc nhổ văng xa, đi đứng chớ nên vội vàng, tai không quá lắng nghe, mắt không quá chăm nhìn. Không để quá đói mới ăn, ăn đừng để quá no; không để quá khát mới uống, uống đừng để quá nhiều.
Kê Khang nói rằng: Dưỡng tính có năm cái khó: không màng danh lợi là cái khó thứ nhất, vui giận không trừ được là cái khó thứ hai, thanh sắc không ham muốn là cái khó thứ ba, cao lương mỹ vị không dứt được là cái khó thứ tư, không điều độ để thần hư tinh tán là cái khó thứ năm. Năm thứ ấy nếu không vướng mắc trong lòng thì niềm tin và sự tùy thuận trong cuộc sống mỗi ngày một nâng cao, đạo đức mỗi ngày một chu toàn. Không cầu điều lành mà phước báu tự đến, không mong sống thọ mà vẫn kéo dài được tuổi trời. Đó là yếu quyết quan trọng nhất của việc dưỡng sinh vậy.
Loại Toản chép rằng: Muốn dưỡng thị lực thì thường nhắm mắt lại, muốn dưỡng thính lực thì thường bịt tai lại, dưỡng tay thì thường co duỗi, dưỡng chân thì năng đi lại.
Tôn Chân Nhân nói rằng: Tuy thường uống thuốc mà không biết thuật nhiếp dưỡng tính mệnh thì khó mà trường thọ được. Đạo dưỡng sinh thường không nên lao lực đến nỗi quá mệt mỏi hoặc cưỡng cầu sức lực thái quá. Thế nhưng không vận động cũng không được. Cú câu: “Nước luôn chảy thì không hôi thối, trục cửa đóng mở thường xuyên thì không mối mọt”. Cố nhiên con người cũng vậy, có vận động thì khí huyết mới lưu thông. Đạo dưỡng sinh là không đi lâu, không đứng lâu, không ngồi lâu, không nằm lâu, không nhìn lâu, không nghe nhiều. Tất cả đều khiến cho ta tổn thọ vậy. Lại nói: Phàm nói về các sự gây tổn hại không phải bao giờ cũng biết ngay được, mà thường tích lũy lâu ngày mới dẫn đến tổn thọ.
Đỗng Thần chân kinh nói: Dưỡng sinh là thuật kéo dài tuổi thọ bằng cách không gây tổn hại. Không gây tổn hại mà còn bổ ích thêm, đó là lẽ thường của đạo dưỡng sinh vậy. Khi an lành phải phòng lúc nguy khốn, khi khoẻ mạnh phải ngừa bệnh tật lúc còn chưa manh nha. Tuy thiếu thời có thể phạm nhiều điều tổn hại, đến nỗi khí nhược, thân gầy. Nhưng đến tuổi về chiều nếu biết tỉnh ngộ tu dưỡng phòng bệnh thì khi huyết sung mãn, tinh thần đủ đầy, tự nhiên được trường thọ vậy.
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 1
- Hôm nay: 9
- Tất cả: 38093