Vị thuốc, bài thuốc từ cây Dâu tằm
07/11/2023
Dâu là một cây thuốc quen thuộc nhưng khá đặc biệt. Đó là tất cả các bộ phận của cây dâu, thậm chí cả các thành phần ký sinh, ký gửi trên cây dâu đều được Đông y sử dụng làm thuốc.
– Lá dâu (Tang diệp, thường hái sau tiết Sương giáng, gọi là Sương tang diệp hay Đông tang diệp) có vị đắng, ngọt, tính bình có tác dụng tán phong, thanh nhiệt, lương huyết, sáng mắt;
– Vỏ rễ dâu (Tang bạch bì) đã cạo sạch lớp vỏ ngoài, phơi hay sấy khô, có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi thủy, chữa ho, định suyễn, tiêu sưng;
– Cành dâu (Tang chi) đã phơi hay sấy khô có vị đắng nhạt, tính bình, có tác dụng trừ phong, lợi các khớp, thông kinh lạc, tiêu viêm, chữa sốt, giảm đau;
– Quả dâu chín (Tang thầm) có vị ngọt, chua, tính mát, có tác dụng dưỡng huyết, bổ gan thận, trừ phong;
Người ta còn dùng tầm gửi cây dâu (Tang ký sinh), tổ bọ ngựa trên cây dâu (Tang phiêu tiêu), mấu gỗ thành u trên cây dâu lâu năm (Tang anh), nấm tai mèo trên cây dâu (Tang nhĩ), sâu cây dâu (Tang đố trùng)…
Bài thuốc:
1. Đổ mồ hôi trộm vào ban đêm: Lá dâu 100g, sấy khô, tán mịn, uống mỗi lần 9g với nước cơm, ngày 2 lần, uống trong 5 ngày.
2. Đau đầu, chóng mặt do thiếu máu sau sinh hoặc sau khi ốm dậy: Lá dâu sấy khô và Mè đen (rang thơm), mỗi thứ 100g, hợp tán bột mịn, mỗi lần dùng 15g, ngày 2 lần, liên tục trong 5-7 ngày.
3. Viêm kết mạc, giác mạc, mống mắt dẫn đến mắt đỏ đau xốn hoặc chảy nước mắt: Lá dâu 12g, Cúc hoa trắng 9g, sắc uống ngày 1 thang, đồng thời nấu nước lá dâu lượng vừa đủ để rửa mắt.
4. Cao huyết áp: Lá dâu 10g, Cúc hoa dại 9g, Hạ khô thảo 15g. Sắc uống thường ngày.
5. Nhuận da, làm đẹp, chữa da thịt khô ráp, không tươi nhuận do suy nhược: Lá dâu 100g, Mè đen 400g, Mật ong 600g. Lá dâu rửa sạch, phơi khô; mè đen rang thơm. Hai vị tán bột mịn. Lấy mật nấu đến độ nhỏ vào nước tụ thành giọt châu, đổ thuốc bột vào trộn đều làm hoàn 9g/viên. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên vào buổi sáng và tối, uống với nước ấm.
6. Chữa chứng đầu lắc lư, miệng chảy dãi, lưỡi lè ra (diêu đầu phong): Lá dâu 6g, sắc uống.
7. Hoa mắt chóng mặt (huyễn vựng): Lá dâu 10g, Cúc hoa 9g, Câu kỷ tử 10g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
8. Thần kinh suy nhược: Quả dâu chín (khô) 30g, Nữ trinh tử 20g, Dây hà thủ ô 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
9. Viêm teo niêm mạc mũi: Vỏ trắng rễ dâu 50g, sắc chia 2 lần uống (sáng, tối). Đồng thời mỗi lần rửa mặt dùng 2 bàn tay tát mạnh nước vào lỗ mũi, cho hít nước vào sâu trong mũi, liên tục 3-4 lần, để kích thích niêm mạc mũi, không cho viêm teo phát triển.
10. Đau vai cánh tay: Cành dâu 60g, cắt nhỏ, sao thơm, sắc chia 3 lần uống trong ngày.
11. Mất ngủ do tâm thận suy nhược, táo bón do tập quán nín nhịn: Quả dâu chín tươi 30-60g, sắc uống ngày 1 thang.
12. Sưng đau khớp gối (hạc tất phong): Mấu gỗ thành u trên cây dâu lâu năm (Tang anh) 1 khối, mài với giấm gạo để lâu năm, uống vào cho đi tả (cầu lỏng). Sau khi đi tả liền cho uống hoàn Bổ trung ích khí (thành phẩm).
13. Chấn thương phần mềm ở khuỷu tay: Chùm gửi dâu 30g, Uy linh tiên 20g, Xương heo 60g. Sắc chia 3 lần uống trong ngày.
14. Cao huyết áp, cao mỡ máu: Lá dâu 20g, Sơn tra 40g, Cúc hoa dại 30g, Kim ngân hoa 15g. Tất cả sấy khô, tán thô, mỗi lần dùng 30g hãm nước sôi 2 lần uống cho hết, mỗi ngày 3 lần.
15. Viêm giác mạc mắt do herpes đơn thuần: Lá dâu 10g, Cúc hoa dại 10g, Bản lam căn 15g. Cho nước sắc 40 phút, thừa lúc đang nóng xông và rửa mắt, ngày 2-3 lần.
16. Tử điến phong (bệnh da mọc nốt nhỏ, sau lan thành mảng rộng, màu đỏ tía là tử điến phong, màu trắng là bạch điến phong): Cành dâu 5kg, Ích mẫu thảo 1,5kg. Cho nước ngập sắc 2 lần rồi nấu lửa nhỏ cho thành cao. Mỗi tối trước khi đi ngủ uống 60ml với rượu gạo ấm.
17. Tiểu sót, tiểu không thông: Mộc nhĩ trên cây dâu, sấy khô, tán mịn, mỗi lần uống 5g với rượu nhạt.
18. Trúng độc tít (rết): Rễ dâu 50g, sắc uống.
PHAN CÔNG TUẤN
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 10
- Tất cả: 38094