Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Tiếp tục đi tìm Di cảo của cụ Lưu Thủy

04/11/2023

Phan Công Tuấn

 

Viếng di cốt cụ Lưu Thủy tại Thiền viện Viên Chiếu

 

Sau loạt bài trên CTQ 116 (9/2008), chúng tôi vẫn tiếp tục đi tìm di cảo của cụ Lưu Thủy và có được một số kết quả ban đầu như đã lần lượt đăng trên các số tạp chí sau đó (117, 119, 120, 122, 123-124). Tình cờ  ghé qua một forum trên mạng internet, tôi được biết tại TP.HCM có một học trò của học trò cụ Lưu Thủy là lương y Huỳnh Hiếu Hữu đã tổ chức một nhóm Học tập Đông y Hán Việt và biên dịch các tài liệu Thương hàn – Tạp bệnh luận bản nghĩa của cụ Lưu Thủy. Tôi đã nhắn tin trên CTQ (số 117) và nhờ một số thân hữu, cộng tác viên ở TP.HCM tìm cách liên lạc với thầy  Hữu, nhưng sau một năm vẫn biệt vô âm tín.

Ngày 15/12/2009, hơn một tháng sau ngày giỗ thứ 45 của Cụ Lưu Thủy (và là năm thứ hai chúng tôi tổ chức lễ Kỷ niệm Cụ tại Văn phòng Đại diện CTQ ở Đà Nẵng), qua một bài viết trên trang báo điện tử Viễn Đông Daily của người Việt hải ngoại, tôi được biết gia đình thầy Hữu đã xuất cảnh định cư tại Hoa Kỳ. Liên lạc e.mail với Tòa soạn báo kia và đúng một tuần sau, chiều ngày 21/12/2009, tôi nhận được điện thoại của thầy Hữu. Thế là nhờ “thế giới phẳng”, bước dầu sợi dây liên lạc đã được thiết lập.

Qua e.mail, thầy Hữu có gửi cho tôi file sách “Đông y với truyền thống Đạo học Khí hóa” do Thầy đúc kết tâm đắc và phát triển từ quá trình học tập di cảo của cụ Lưu Thủy. Khi tôi hỏi về di cảo của cụ Lưu Thủy, thầy Hữu cho biết: “Sau khi thầy Phương Thế Minh (học trò của Cụ Lưu Thủy) qua đời, các di cảo của Cụ Lưu Thủy tại Nam Dương học phái được tu sĩ Thích Thanh Đức sưu tập và quản thủ (trong đó có tập Á Đông Thương Hàn Giáo Khoa thủ bút chữ Hán của cụ Lưu Thủy). Nhưng không may tu sĩ Đức đã mất năm 2009 (cách nay khoảng 4 tháng). Tu sĩ là trụ trì chùa Báo Ân, hẽm 18A đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao quận 1, gần cầu Thị Nghè, bên cạnh nhà thờ Mac-Ti-Nho. Tu sĩ Đức trước khi mất không rõ là đã giao lại các di cảo này cho ai ? Hiện nay chùa đã có trụ trì mới và chúng tôi chưa quen biết”. Về các tài liệu học tập của nhóm Học tập Đông y Hán Việt, thầy Hữu đề nghị tôi liên lạc với đại diện của nhóm còn ở Việt Nam là BS. Đinh Việt Thức ở 69 Cao Thắng, Q.3, TP.HCM. Tôi đã liên lạc và gửi ngay cho BS Thức tất cả các số tạp chí CTQ có các bài viết về cụ Lưu Thủy.

Một dịp may như thể được xếp đặt, chỉ hơn nửa tháng sau, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Y dược cổ truyền năm 2009 tại Bình Dương, tôi được Tổng Biên tập CTQ phân công dự họp. Thế là, theo hẹn qua điện thoại, đúng 10h sáng Chủ nhật 10/01/2010, tôi và một CTV thân tín của CTQ là L.Y Võ Hà có mặt tại nhà BS. Đinh Việt Thức, là người từng giảng dạy YHCT tại Đại học Y dược và Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM (nay là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch).

Tác giả và nhóm cộng sự tại nhà bác sĩ Đinh Việt Thức

BS Thức dù khá bận rộn với việc khám bệnh và coi ngó một nhóm thợ sửa chữa nhà (để nâng cấp Phòng mạch thành một Dưỡng đường trong thời gian tới), nhưng cũng đã dành thời gian tiếp chuyện chúng tôi. BS Thức  hoan nghênh và tán thành  những công việc giới thiệu di cảo Đông y của cụ Lưu Thủy cũng như khuynh hướng chung của Tạp chí CTQ và hứa hẹn trong thời gian tới khi Dưỡng đường đi vào hoạt động sẽ tiếp tục hợp tác nghiên cứu học tập và phổ biến tài liệu của cụ Lưu Thủy thông qua các bản dịch của L.Y Huỳnh Hiếu Hữu và nhóm thân hữu đã thực hiện.

Tại nhà BS Thức khi tôi đến,  còn có lương y Lâm Văn Sơn, là một trong 6 thành viên ban đầu của nhóm Học tập Đông y Hán Việt. Anh Sơn cho biết gia nhập nhóm sau các thành viên đầu tiên chừng một  năm (khoảng 1991), và đã sinh hoạt  học học tập chung với nhóm suốt mười mấy năm. Đến năm 2004, với sự trợ lực của tập thể nhóm, thầy Hữu đã  biên dịch xong hai tập bản thảo Á Đông Thương Hàn Giáo KhoaÁ Đông Thương Hàn Luận Bản Nghĩa. Chưa kịp biên dịch tập sách thứ ba thì thầy Hữu  bị tai biến mạch máu não. Nhờ sự tận tình cứu chữa của gia đình và nhóm thân hữu, di chứng tai biến đã được khắc phục một phần, nhờ vậy chừng nửa năm sau thầy gượng dậy tiếp tục công việc dang dở với sự phụ tá đắc lực mỗi tuần 3 buổi của anh Sơn (lúc này vì nhiều lý do, phần lớn các thành viên của nhóm đã  ly tán). Sau gần  một năm, thầy Hữu đã kịp biên dịch xong cuốn sách Tạp Bệnh Luận Bản Nghĩa  của cụ Lưu Thủy vào năm 2006, trước khi xuất cảnh sang Mỹ.

Chuyện vãn đến trưa, chúng tôi  mời mọi người đi dùng cơm chay, rồi tìm đến chùa Báo Ân để hỏi tài liệu mà thầy Hữu đã chỉ dẫn. Bác sĩ  Thức cáo bận vì trực phòng khám và trông coi thợ sửa nhà,  nên chỉ còn anh Sơn  nhận lời đi cùng. Nhưng khi ra ngã tư đường thì lạc nhau, do xe hơi không thể đi ngược chiều như xe máy anh Sơn dẫn đường. Tôi lại sơ suất chưa kịp ghi số điện thoại của anh Sơn, nên gọi cho BS Thức nhiều  lần sau đó vẫn chưa liên  lạc được (Bs Thức do đang sửa nhà bề bộn nên chưa tìm được điện thoại ghi đâu đó).

Ngay chiều hôm ấy, chúng tôi đã xuống Thiền viện Viên Chiếu, lại không gặp được Ni sư Như Đức (cháu ngoại Cụ Lưu Thủy), do Ni sư đi giảng dạy ở TP.HCM. Theo nguyện vọng của tôi nói qua điện thoại, Ni sư cho người dẫn chúng tôi đến Tháp để tro cốt của Cụ Lưu Thủy để thắp hương  khấn vọng.

Sau mấy ngày hội nghị ở Bình Dương, tôi về lại  Sài gòn, ghé lại nhà BS. Thức lần cuối trước khi về Đà Nẵng trong chuyến bay cuối ngày 14/01. BS Thức cho biết từ hôm đó vẫn chưa thấy anh Sơn trở lại.  Nhưng may sao khi tôi vừa đi khỏi khoảng 15 phút thì BS.Thức gọi điện báo anh Sơn vừa đến. Anh bảo thấy nóng ruột nên xuống nhà Bs Thức xem thử. Thế là tôi quay lại cùng  anh Sơn xuống chùa Báo Ân, nhưng vị thầy trụ trì mới tên Chúc Hòa cho biết các di cảo Đông y,  Hòa thượng Thích Thanh Đức đã đem cho người ta trước khi mất chừng 2 năm rồi. Vậy là chúng tôi đành ra về, sau khi lưu lại địa chỉ để sau này có thông tin gì mới nhờ nhà chùa báo lại.

Khi về nhà anh Sơn thì được cho xem một số tài liệu và sách vở của thầy Hữu và của anh Sơn từng sao chép học tập. Tôi có mượn ra photocopy  2 bộ Thương hàn luậnTạp bệnh luận bản nghĩa nguyên văn chữ Hán (bản  sao chép tay). Anh Sơn có tặng tôi trọn bộ  3 tập sách thầy Hữu đã dịch, đồng thời cho mượn 1 đĩa CD lưu nội dung file sách dịch Tạp bệnh luận bản nghĩa.

Lương y Lâm Văn Sơn, thành viên nhóm Học tập Đông y Hán Việt và những bản sao tác phẩm chả cụ Lưu Thủy

Tuy vẫn chưa tìm ra bản Á Đông Thương Hàn Giáo Khoa  bản viết tay của cụ Lưu Thủy, nhưng như vậy cuối cùng tôi cũng đã gặp may khi gặp lại anh Sơn để  tiếp cận được nguồn tài liệu của thầy Hữu và nhóm Học tập Đông y Hán Việt đã thực hiện.

Về lại Đà Nẵng, noi gương thầy Hữu, trước mắt chúng tôi quyết định sẽ thành lập một nhóm học tập di cảo Đông y của cụ Lưu Thủy. Với các tài liệu mà thầy Hữu và nhóm thân hữu ở TP.HCM đã biên dịch, hy vọng sẽ giúp cho những người đi sau như nhóm chúng tôi có thể rút ngắn thời gian hàng chục năm trời so với quá trình mày mò học tập của các bậc cha anh đi trước. Để tổ chức học tập, phổ biến rộng rãi, và nhất là đưa vào ứng dụng lâm sàng các tài liệu Đông y quý báu này, chắc chắn vẫn còn là một hành trình không ít khó khăn gian khổ, đòi hỏi nhiều thời gian trí lực và nhất là sự  kiên tâm bền chí. Nhưng với hành trang tư liệu đang có, chúng tôi thiết nghĩ có thể hòa mình vào cuộc chạy tiếp sức cho dù đích về vẫn còn xa ngái.

Một lần nữa, xin chân thành tri ân những công việc mà thầy Hữu và nhóm anh em  đã làm. Chúng tôi tin trong cõi vô hình, Cụ Lưu Thủy vẫn hằng theo dõi công việc của những thế hệ nối tiếp đã và đang làm. Cầu mong đại nguyện của Cụ  sớm hoàn thành.” Đó là lời cuối trong bức thư điện tử tường trình về chuyến đi mà tôi đã gởi cho thầy Huỳnh Hiếu Hữu ngay khi về nhà,  xin tạm khép lại  bài viết này tại đây.

 

Đà Nẵng, 15/01/2010

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *