Một số chuyện kể về Danh y Lưu Thủy
02/11/2023
Ghi chép của PHAN CÔNG TUẤN
Đây là những chuyện tôi nghe Ông lão Sáu (Nguyễn Đạo Điều, 88 tuổi, là một bậc chân tu từ nhỏ, hiện là trưởng lão của Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo) kể về những trường hợp chữa bệnh của cụ Học Ngôn (tên thường gọi của cụ Lưu Thủy – Nguyễn Văn Ngôn) vào buổi chiều ngày 10/8/2008 tại Hòa Nam Phật Đường, thôn Phú Hòa, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng. Bối cảnh của các câu chuyện xảy ra vào khoảng 10 năm cuối đời của cụ LT (1954-1964). Xin lược ghi như sau.
- Một người cháu gái [sau này tôi xác định được tên Nguyễn Thị Hiếu, là chị ruột của thầy Sáu Long, tôi có nêu tên trong bài Đi tìm di cảo…, đều gọi Cụ LT là Ông nội chú. PCT] là vợ anh Kinh, con dâu ông Cửu Đồng. Ông Cửu Đồng là con cụ Cơ Nghi giàu nhất ở Vĩnh Trinh. [Trong lá thư Ni sư Như Đức gởi tôi sau này có nhắc đến anh Bùi Thế Kinh này]. Mới về làm dâu thì bị đau, người ốm o gầy mòn, gia đình bên chồng giàu có nên chữa chạy nhiều nơi, từ các thầy thuốc danh tiếng đến các bệnh viện lớn ở Đà Nẵng và Huế trong 5-7 tháng vẫn không khỏi, đành đưa về nhà. Gặp Cụ Lưu Thủy từ Sài Gòn về, gia đình mời đến xem mạch, người bệnh nằm trên giường người khô rạc như một xác ve (các cụ gọi là thoát nhục). Khi Ông lão Sáu đến thăm cụ LT tại nhà người cháu này trên đường Hoàng Diệu, Đà Nẵng nên đã tận mắt chứng kiến tình trạng bệnh nhân lúc đó. Cụ LT xem mạch rất lâu (hàng giờ), sau đó Cụ bảo đây là bệnh tim, còn có thể chữa được. Nhưng cụ chưa kê đơn vội, chờ đêm đến xem mạch lại một lần nữa, rồi mới kê đơn thuốc, bảo uống trong 4 tháng sẽ khỏi. Gia đình theo lời, quả nhiên sau đó người cháu khỏe mạnh hồng hào và … đẻ liền một mạch 10 người con (2 trai 8 gái, hiện đều sinh sống ở TP.HCM).
- Một gia đình thương gia ở Sài gòn, đi tản cư về thì cha mẹ đều ốm và lần lượt qua đời, chỉ còn hai chị em. Người em trai bỗng phát bệnh, ho kéo dài, người gầy đi, vì gia đình giàu có nên mời bác sĩ danh tiếng đến chữa tại nhà. Cần máy móc xét nghiệm chẩn đóan, kể cả máy chụp phim (nghi lao phổi), gia đình sẵn sàng mua về cho bác sĩ dùng tại nhà, nhưng điều trị mất nửa năm vẫn không khỏi, người càng lúc càng xanh xao gầy mòn, không ăn uống gì được. Nghe danh tiếng cụ Lưu Thủy, gia đình rước Cụ đến xem mạch. Sau một hồi xem mạch và quan sát bệnh nhân cũng như người nhà, gia đình hỏi ý kiến thì Cụ bảo: “Bệnh này chữa được, nhưng mà không chữa được”. Mọi người há hốc miệng vì nghe kiểu nói lạ quá, Cụ giải thích thêm: “Chữa được vì mạch chứng chưa tuyệt, nhưng không chữa được vì người nhà chưa tin hẳn vào Đông y mà vẫn còn kỳ vọng ở Tây y”. Nghe trúng phóc tâm ý như thế, gia đình lẳng lặng tạ tiền công và đưa Cụ về. Khoảng 6 tháng sau, người nhà gia đình kia lại tìm đến mời Cụ lần nữa. Cụ không hề từ chối, vẫn đến thăm mạch. Lúc này người bệnh nằm liệt giường, trông như một xác chết, các bác sĩ đã rút lui cả rồi. Sau một hồi thăm mạch, Cụ bảo: “Lạ thật, thân thể suy kiệt mà mạch vẫn không khác mấy lúc trước!” – “Nghĩa là bệnh này vẫn còn chữa được?” – Người nhà hỏi. Cụ gật đầu. Gia đình nửa tin nửa ngờ, nhưng ở thế cùng đường “còn nước còn tát”, nên đành nghe lời. Cụ liền kê đơn và đích thân đi đến tiệm lấy 7 thang thuốc, giá mỗi thang chỉ chừng 7 đồng, nhưng khi ấy Cụ nói giá 200 đồng để họ tin dùng. Sau khi dặn kỹ cách sắc uống, Cụ bảo người nhà khi uống thuốc mà thấy toát mồ hôi phải lập tức đến báo cho Cụ. Quả nhiên khi mới vào một nước thuốc của thang đầu tiên, người bệnh vã mồ hôi đầm đìa. Người nhà hoảng hốt chạy đến báo Cụ. Cụ cười lớn, bảo như vậy là chắc chắn sống được rồi, chỉ định cho uống tiếp tục và cử 2 người thường trực 2 bên lau mồ môi cho bệnh nhân. Người nhà nóng lòng đề nghị cho uống ngày 2 thang được không, Cụ bảo được và cho bốc thêm 7 thang thuốc nữa. Uống hết 14 thang trong 7 ngày, căn bệnh thập tử nhất sinh dai dẳng cả năm trường đã hồi phục hoàn toàn. Sau đó gia đình đã làm lễ hậu tạ Cụ rất hậu hĩnh và đăng thư cám ơn suốt hai tháng liền trên một tờ báo ở Sài Gòn. Nhờ đọc báo này mà thầy Sáu biết và khi gặp hỏi chuyện nên Cụ kể như trên. [Tôi đã lược một số đoạn chi tiết về lễ hậu tạ rất hoành tráng. Rất tiếc là thầy Sáu không còn nhớ tên tờ báo kia, mong có ai biết được và còn lưu giữ tờ báo kia, xin chia sẻ thông tin cho chúng tôi cùng biết].
- Có một cao tăng Phật giáo ở Huế bị thương hàn đã 3 tháng, nhiều thầy thuốc chữa không khỏi. Nghe danh tiếng Cụ LT, nhất là sau ca bệnh vang dội nói trên, nên nhà chùa đã mời Cụ từ Sài Gòn ra chữa bệnh. Xem mạch xong, Cụ kê cho đơn thuốc bài Quế chi thang. Thầy thuốc địa phương ai nấy đều lắc đầu lè lưỡi. Thế nhưng chỉ uống 3 thang là bệnh lành. Kể lại chuyện này với thầy Sáu, Cụ còn tủm tỉm cười rằng: Kê đơn như vậy nhưng khi ra tiệm bốc thuốc, Cụ có gia thêm một vị thuốc nữa mà các thầy thuốc không hề biết. [Chuyện này ngoài Ông lão Sáu kể, có một người khác là Lão y Thái Đờn (nguyên Chủ tịch Hội YHCT TP.ĐN) từng được nghe là Cụ Phạm Châu Tuân (nhà thuốc Mặt Trăng, Đà Nẵng, là học trò hay tháp tùng Cụ LT đi chữa bệnh đó đây) kể lại tương tự. Tuy nhiên, về chi tiết gia thêm vị thuốc không nghe cụ Tuân nói đến].
- Có một người đang khỏe mạnh, nhờ Cụ xem mạch, Cụ khuyên nên uống thuốc nếu không 3 năm sau sẽ bị bệnh teo phổi (phế nuy). Người đó không tin lời. Sau 3 năm, quả nhiên phát bệnh. Đến nhờ Cụ chữa thì Cụ cho biết đến giai đoạn bệnh toàn phát rồi, không chữa được nữa. Đành chịu tử vong.
- Một bệnh nhân được cụ xem mạch kê đơn, dặn đi dặn lại thật kỹ rằng phải bốc thuốc uống cho đủ liều là 100 đồng, nếu không, khi bệnh tái phát không chữa đươc. Người đó uống được 80 đồng rồi thì hết tiền, vả lại thấy bệnh khỏi hẳn đã lâu nên không uống nữa. Đúng sáu tháng sau, bệnh tái phát và khi đó mời Cụ, nhưng không cứu được.
- Một người bệnh là anh Xin con ông Mãn ở Miếu Bông (Hòa Phước bây giờ), gần nhà thầy Ba là anh ruột thầy Sáu, bị đau lưng đến độ nằm cù cum, không ngồi dậy được. Là con một, lại sắp cưới vợ nên gia đình đưa ra bệnh viện Đà Nẵng chữa chạy. Nghe nói bác sĩ bảo bị “thối” 3 đốt xương sống, đề nghị người nhà cho mổ nhưng phải ký giấy chấp nhận rủi ro tai biến. Gia đình lo sợ nên đưa về, đến khóc lóc nhờ thầy Ba nói giúp nhờ thầy Sáu đi mời Cụ Học Ngôn xem mạch cho thuốc. Thầy Sáu nhận lời đi cùng người cha đến nhà Cụ LT. Sau khi nghe kể lể bệnh tình và hỏi thêm một số chứng trạng gì đó, Cụ LT bảo khỏi đi xem mạch nữa, Cụ đã biết đó là bệnh thận và kê cho đơn thuốc, bảo bốc 3 thang sắc uống. Bệnh nhân uống mới 1 thang, bệnh đã đỡ phân nửa, ngồi dậy được. Sau đó Cụ đến thăm và kê đơn bốc thêm 3 thang thuốc nữa là khỏi hẳn.
- Cụ Cửu Trác, là chú của thầy Sáu, ở Lệ Trạch (Hòa Tiến), bị bệnh ế cách đã 6 tháng. Thầy Sáu đi mời Cụ LT. Phải đi bộ từ sớm đến trưa mới đến nhà Cụ ở La Thọ, rồi từ trưa đến sẩm tối mới trở về nhà người bệnh. Cụ xem mạch, kê đơn thuốc bảo lấy chỉ 1 thang và sắc uống liền đầu hôm. Đến nửa đêm, người bệnh đang nằm liệt giường ngồi dậy được và nói chuyện với Cụ đến sáng. Sáng hôm sau thầy Sáu qua nhà ông chú, gia đình ai cũng mừng rỡ. Nhưng Cụ LT kêu thầy Sáu ra bảo nhỏ: Bệnh này không chữa được, chứng ế cách để lâu ngày làm hư tổn cả 5 tạng, mà phế là tạng bị tổn cuối cùng, nên 3 ngày sau sẽ mất. Theo thỉnh cầu tha thiết của gia đình, Cụ kê cho đơn thuốc dặn hốt 3 thang thôi, uống vừa hết thì người bệnh mất.
- Ngưởi em trai thứ Chín của thầy Sáu hay đau ốm nhiều bệnh, trở chứng lung tung, uống thuốc ai cũng không đỡ, nhưng mỗi lần uống thuốc Cụ Học thì đỡ được 5-7 tháng sau đó mới tái phát. Cụ cho sẵn gia đình một đơn thuốc. Dặn khi bệnh phát nếu không kịp mời Cụ thì cứ bốc uống đỡ. Quả nhiên, đơn thuốc rất hiệu quả. Không may trong khi trận lụt lịch sử năm Thìn (1964), đơn thuốc bị nước cuốn trôi mất. Sau trận lụt bệnh người em phát bệnh, thầy Sáu lội bùn hơn mười cây số sang nhà Cụ Học, nhưng khi đến nơi mới biết Cụ đã mất và an táng trước trận lụt. Thắp nén nhang cho người quá cố, thầy Sáu ngậm ngùi ra về. Chẳng bao lâu sau, người em thầy Sáu cũng mất theo, vì không thầy thuốc nào chữa được.
Kể đến đây Ông lão Sáu trầm ngâm một lúc rồi nói: “Theo tôi, Cụ LT là một bậc Thánh y. Hơn 70 năm ở chùa, đi lại giao lưu với nhiều bậc tôn túc nho y khắp miền Trung, miền Nam, nhưng tôi chưa từng gặp một người nào có tài xem mạch chữa bệnh quyết đoán tử sinh tài tình như Cụ LT”. Ông lão Sáu không hề biết Cụ LT có viết sách Đông y để lại. Khi nghe tôi nói vậy, Ông lão Sáu bảo, nếu Cụ LT có viết sách để lại, sách đó ắt hẳn không phải loại sách tầm thường. Trong buổi lễ tưởng niệm cụ LT do CTQ tổ chức sau đó, Ông lão Sáu đã đọc một bài phát biểu rất súc tích, đánh giá rất cao về cụ Lưu Thủy là một cư sĩ, một triết nho “đạo đức cao thâm, tài năng xuất chúng nhưng cụ lấy y đạo làm nền tảng ở đời, đúng là một thánh y thời đó, tiếng vang dậy cả miền Trung và Sài thành”.
Khi nghe qua những câu chuyện trên đây, một liên tưởng chợt đến trong tôi, dù muốn cưỡng lại, nhưng không thể nào cưỡng được, đó là “Thần y Hoa Đà, Biển Thước ngày xưa chữa bệnh cũng cỡ như Cụ LT là cùng!” Và một ý nghĩ chợt lóe lên, muốn kế thừa kiến thức Đông y của Cụ, có lẽ bên cạnh việc học tập di cảo còn cần sưu tầm và phục dựng các y án chữa bệnh của Cụ để làm sáng tỏ lý pháp phương dược Cụ đã áp dụng. Đây là việc không dễ dàng gì, nhưng biết đồng tâm hiệp lực, vận dụng trí tuệ tập thể, kể cả lớp đi trước lẫn người đi sau, chúng ta có thể thực hiện được. Trước mắt, có lẽ việc tiếp tục tìm kiếm các nhân chứng sống, sưu tầm ghi chép các câu chuyện chữa bệnh tương tự cần tiến hành khẩn trương, nếu không 5 – 7 năm nữa, những người thế hệ của Ông lão Sáu khuất núi rồi, chúng ta không thể nào khai thác được nữa. Rất mong anh em đồng tâm đồng chí, những người nặng lòng với di cảo Cụ LT cũng như tiền đồ ngành Đông y nước nhà lưu tâm cho vấn đề này.
Ngồi hầu chuyện Ông lão Sáu, cùng nghe và góp chuyện còn có Ông lão Ba và Bà thái Bảy, là anh em ruột của Ông lão Sáu và đều từng tiếp xúc với cụ Học Ngôn, tôi còn được biết thêm một số chi tiết thú vị về hành trạng sinh thời của cụ LT. Người Cụ đôn hậu, tính tình vui vẻ. Tuy rất giỏi y nhưng Cụ không ham chữa bệnh. Cụ hay nói: “Cứu người không bằng cứu mình”. Cụ rất ngại nắng non mỗi đi xem mạch xa, mỗi lần như vậy thường phải đi bộ hàng chục cây số, mất cả một vài ngày, nên chỉ người nào thật thân tình như thầy Sáu mời Cụ mới nhận đi (nên nhớ lúc này cụ đã ở tuổi trên 70). Ngược lại, bệnh nhân đến nhà nhờ thì Cụ sẵn sàng xem mạch kê đơn miễn phí. Cụ thường mặc áo vạt hò (áo 5 vạt) màu trắng hay màu đà. Nhà Cụ lợp ngói âm dương, xây gạch, nhưng chỉ tô bên trong, không tô bên ngoài. Nhà có ba gian, gian giữa thờ Phật, hai gian bên thờ ông bà. Khi Cụ về nhà mới, thầy Sáu có đi một bức hoành “Cao Sơn Ngưỡng Chỉ – 高山仰止”, 4 chữ này do chính Cụ cho để thầy Sáu đặt người làm. Mỗi lần đến, thầy Sáu hay gặp Cụ ngồi trên ghế trước bàn Phật tụng kinh (chứ không quỳ hay ngồi dưới đất). Tôi tò mò hỏi Cụ hay tụng kinh gì, Ông lão Sáu cho biết Cụ thường tụng kinh Kim Cang. Những năm cuối đời Cụ không ăn chay trường mà chỉ ăn chay kỳ. Sau khi Cụ bà mất đã lâu, Cụ còn cưới vợ mới. Cả tân nương và tân lang lúc ấy đều đã … U.70. Có người thắc mắc, Cụ giải thích rất… ngon lành, nhưng tôi chưa muốn nêu ra ở đây. Đề tài về gia cảnh của Cụ, xin để dành kể trong một dịp khác.
P.C.T
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 9
- Tất cả: 38093