Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Vua thuốc TÔN TƯ MẠC

04/09/2024

Một bậc đại thụ trong y lâm Trung Quốc, tác giả bộ sách THIÊN KIM PHƯƠNG nổi tiếng, sống hơn trăm tuổi, sau khi mất được người đời tôn xưng là Dược Vương (Vua Thuốc). Chỉ cần nhắc đến một vài dữ kiện như vậy trong y giới Đông phương không ai không biết đó là nhà y dược học trứ danh Tôn Tư Mạc ( ),có khi phiên âm là Tôn Tư Mạo. Tuy nhiên, cuộc đời sự nghiệp của y gia kiêm đạo sĩ đạo hiệu Diệu Ứng Chân Nhân này còn nhiều điều thú vị mà không phải ai cũng biết hết. Xin được tổng hợp một số tư liệu để hầu chuyện bạn đọc CTQ nhân dịp đầu Xuân Bính Tuất 2006.

 

TÔN TƯ MẠC (581-682)

VỐN SẴN TÍNH TRỜI

Tôn Tư Mạc là người Hoa Nguyên, Kinh Triệu (nay là Thiểm Tây, TQ), sống vào đời Tuỳ – Đường. Ông sinh vào năm 581. Vốn bẩm sinh thông tuệ khác người, 7 tuổi đọc sách mỗi ngày thuộc cả ngàn chữ, 20 tuổi đã thông hiểu học thuyết của bách gia chư tử, làu làu sách sử đời Chu, đời Tề, đặc biệt thấu suốt về Kinh Dịch, thấm nhuần tư tưởng Lão Trang, quán thông tam giáo Nho – Đạo – Phật, nắm rõ về âm dương thuật số.

Thông minh vốn sẵn tính trời, nhưng dường như trời cũng muốn thử lòng giao cho mệnh lớn, nên thuở nhỏ bẩm thụ thân thể yếu đuối, hay đau ốm bệnh tật , đến nỗi  cha mẹ khuynh gia bại sản vì lo chạy thầy chạy thuốc cho con. Do vậy, Ông lập chí học y, nhờ thông minh và cần mẫn nên sớm tinh thông y thuật trị liệu, dưỡng sinh, trở thành một danh y cao minh, được rất đông người tìm đến chữa trị, trong đó có cả các bậc vua chúa. Mến mộ tài đức, vua Tuỳ Văn Đế phong chức Quốc tử Bác sĩ, nhưng Ông không nhận. Về sau Đường Thái Tông mời ra làm quan, Ông cũng chối từ. Hơn 90 tuổi, lại được triệu ra Kinh sư, thấy Ông phong độ thần thái  tốt đẹp tráng kiện, nghe nhìn còn minh mẫn, nên nhà vua ban cho chức Gián nghị Đại phu nhưng Ông một mực xin quay về, tiếp tục ẩn cư trong dãy núi Thái Bạch để tu đạo luyện khí, nghiên cứu y thuật và hành y giúp đời.

Ông quả là bậc tiên phong đạo cốt, sống đến dư trăm tuổi,  mới mất năm 682, được tôn vinh là Tôn Chân Nhân (Chân Nhân là người tu luyện đắc đạo), bên cạnh danh hiệu Dược Vương do vua Đường Cao Tông ban tặng. Chỗ ở ẩn của Ông là Ngũ Đài sơn cũng được đổi tên là Dược Vương sơn. Người đời tạc tượng lập miếu trong núi thờ Ông, đồng thời dựng bia chép sự tích, ghi lại công đức và cống hiến của Ông đối với Y đạo Phương Đông.

NGÀN VÀNG HÁ DỄ…

Tôn Tư Mạc thường cho rằng “mạng người là rất trọng, quý hơn ngàn vàng, một phương thuốc cứu được, công đức còn hơn thế”. Với tinh thần nhân đạo nhân văn sâu sắc, Ông dành tâm huyết mấy chục năm trời biên soạn nên bộ sách Thiên Kim Yếu Phương (còn gọi Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương, nghĩa là phương thuốc quý như ngàn vàng để sẵn cứu nguy), hoàn thành vào năm 652, khi Ông đã ngoài 70 tuổi. Một đời viết nên bộ sách lớn như vậy, tưởng đã mãn nguyện lắm rồi, nhưng với Ông dường chưa đủ, nhất là chưa yên tâm với kiến thức đã có, e còn nhiều chỗ chưa thấu đáo như với bệnh thương hàn chẳng hạn, nên lại tiếp tục nghiên cứu học hỏi từ các tác phẩm kinh điển của tiên hiền trong nền y học chính thống, cho đến kinh nghiệm của các thầy thuốc dân gian, kể cả y học nước ngoài như Tây Trúc (Ấn Độ) , để biên soạn bộ sách bổ túc tiếp theo. 29 năm sau, bước vào tuổi chẵn 100, Ông mới hoàn thành bộ sách, gọi là Thiên Kim Dực Phương. Hai bộ sách này, mỗi bộ 30 quyển, sau hợp lại, gọi chung là THIÊN KIM PHƯƠNG. (Người viết bài này xin mách nhỏ bạn đọc có thể vào trang Web chữ Hán: http://www.tcmet.com.tw để xem  Thiên Kim Phương.)

Thiên Kim Phương được coi là bộ bách khoa toàn thư sớm nhất về y học lâm sàng, tổng kết có hệ thống các thành tựu của y dược học từ đời Đường trở về trước, có ảnh hưởng sâu rộng đến nền Đông y của cả Trung Quốc lẫn Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Bộ sách này đề cập đầy đủ lý luận, phương dược và các cách chữa bệnh, ghi chép tường tận các yếu quyết chẩn trị, phương pháp châm cứu, cho đến các phương pháp khí công đạo dẫn, ăn uống dưỡng sinh. Từ bộ sách này, Tôn Tư Mạc đã đặt nền móng xướng lập một số chuyên khoa và đi tiên phong trong một số phương pháp có tính phát minh và cách tân trong học thuật Đông y.

XƯỚNG LẬP PHỤ KHOA, NHI KHOA:

Thấu hiểu xã hội phong kiến với phong tục lễ giáo cản trở các phép chẩn đoán vọng văn vấn thiết của Đông y, Tôn Tư Mạc đã từng ngậm ngùi nhận xét rằng chữa bệnh cho đàn bà khó gấp mười lần chữa bệnh cho đàn ông. Ông đề xuất bệnh phụ nữ phải lập thành lập  khoa riêng bởi lẽ khí huyết thường hay bị rối loạn mà không được điều hoà do việc thai sản kinh đới băng lậu… Hơn nữa, theo Ông, nữ giới vốn thị dục hơn đàn ông mà tình cảm cũng gấp bội, lại thêm thất tình nội thương, ghen tương đố kỵ thâm nhiễm, do sự cố nén chịu luôn ở trong tình trạng ức chế mà gốc bệnh ngấm sâu thành ra khó chữa. Cho nên Ông đặc biệt chú trọng nghiên cứu chuyên sâu và đưa phần viết về Phụ khoa lên phần đầu tác phẩm Thiên Kim Phương với 540 bài thuốc và hơn 20 phép cứu cùng nhiều kiến thức về phụ khoa khác như lời căn dặn kỹ với phụ nữ sau sanh phải 100 ngày mới giao hợp trở lại. (Có lẽ do ảnh hưởng từ Ông mà GSTS.Đỗ Tất Lợi của chúng ta cũng đưa các cây thuốc và vị thuốc chữa bệnh phụ nữ lên đầu  bộ sách Những Cây Thuốc và Vị Thuốc Việt Nam chăng?).

Đối với Nhi khoa, Ông cũng có những kiến giải tương tự và xếp Nhi khoa ở hàng thứ hai trong bộ sách Thiên Kim Phương. Ngoài ra cũng cần ghi nhận phương pháp dùng bệnh chứng tạng phủ để phân loại cũng do Ông sáng tạo ra lần đầu trong tác phẩm của mình.

Không chỉ lý luận suông, Ông còn là nhà thực hành điều trị lâm sàng xuất chúng.

Trong lịch sử y học Trung Quốc còn lưu truyền giai thoại kể về một lần gặp một sản phụ chết ngất đã mấy giờ do khó sinh, người nhà chuẩn bị lo mai táng, Ông xin khám thử, phát hiện mạch vẫn còn đập yếu ớt, bèn dùng kim châm cứu. Một lát sau, thật kỳ diệu, sản phụ từ từ mở mắt, và sau đó sinh được em bé. Đúng là một mũi kim cứu hai sinh mệnh!

Lần khác, cấp cứu một em bé vừa sinh, miệng dính đầy máu bẩn, toàn thân tím tái, khẽ lay không động, hình như tắt thở. Ông liền lấy một miếng bông sạch lau hết máu bẩn trên miệng và vạch miệng ra lau hết máu ứ trong miệng. Sau sai người đem mấy cọng hành, bỏ lá xanh, lấy phần nõn trắng đập nhẹ vào thân em bé. Một lát sau em bé khóc “oa” lên. Vậy là nhờ kịp thời lấy sạch máu ứ và gây khóc để thông khí vào phổi mà em bé được cứu sống.

VUA DƯỠNG SINH VÀ…

Không chỉ là Vua Thuốc, theo tôi, Tôn Tư Mạc xứng đáng được gọi là Vua Dưỡng Sinh. Dưỡng Sinh ở đây trước hết được hiểu theo nghĩa rộng là Đại Đạo Dưỡng Sinh. Như Tôn Chân Nhân từng nói: “Dưỡng sinh là bồi dưỡng cho mình cái tính thiện. Bản tính đã thiện thì bệnh tật từ bên trong hay từ bên ngoài đều không thể sinh ra, tai hoạ cũng không thể xuất hiện. Đó chính là đạo lớn của phép dưỡng sinh vậy”. Tư tưởng ấy được gửi gắm qua các tác phẩm khác của Ông như Nhiếp Sinh Chân Lục, Chẩm Trung Tố Thư Hội, Phước Lộc Luận, Tam Giáo Luận.

Hiểu dưỡng sinh theo nghĩa hẹp hơn như ăn uống trị bệnh, Ông cũng có nhiều cống hiến có tính phát minh đi trước thời đại. Như đối với người miền núi hay bị Bướu cổ, Ông cho dùng Côn bố, Hải tảo (rong biển), giáp trạng tuyến con Dê, con Nai (ngày nay ta biết là giàu chất iode) mà chữa. Hay với chứng quáng gà hay gặp ở người nghèo (thiếu thịt) nên dùng gan bò, gan dê ăn để chữa (bổ sung vitamin A). Hoặc người giàu hay ăn gạo trắng tinh mà phù thũng, nên dùng tấm cám gạo và hạt hạnh nhân  (giàu vitamin B1) nấu cháo ăn sẽ khỏi. So với người châu Âu nói về bệnh phù thiếu B1 vào giữa thế kỷ XVII, thì Tôn Tư Mạc đã mô tả và điều trị bệnh này sớm hơn cả 1000 năm.

Và xin nói thêm, cũng trước hơn 1000 năm khi vị bác sĩ người Pháp lần đầu tiên bên Tây y dùng ống cao su xông tiểu vào giữa thế kỷ XIX, Tôn Tư Mạc đã từng dùng cọng lá hành dẫn tiểu thành công cho một bệnh nhân bí tiểu của mình.

ÔNG TỔ LÒ CỨU:

Đối với lĩnh vực châm cứu, Tôn Tư Mạc cũng có nhiều đóng góp xuất sắc như đề xướng châm cứu cùng dùng, đặc biệt táo bạo dùng liều lượng cứu lên hàng trăm mồi, vẽ tranh kinh lạc huyệt vị châm cứu, dùng ngải cứu và dược vật kết hợp thành phép cứu cách tỏi, cứu cách muối, cứu cách đậu xị v.v… Ông còn tìm ra A thị huyệt (huyệt đau đâu châm đấy) rất có ý nghĩa trong ứng dụng điều trị. Nhưng bài viết này xin được dừng lại ở một khía cạnh khác.

Bạn đọc CTQ (số 4-5-6-7) và bạn xem truyền hình (VTV2: 19h 21/5/2003 và VTV1: 14h30 29/5/2003) hẳn còn nhớ về sản phẩm Lò Cứu của tôi. Sau 5 năm chế tạo và ứng dụng, mãi gần đây tôi mới ngớ người nhận ra Tôn Chân Nhân chính là…Ông Tổ của mình.

Xin bạn đọc chớ cười tôi …thấy người sang bắt quàng làm họ.  Đây là một sự thật lịch sử. Trong chương  Thất Khiếu Bệnh của sách Thiên Kim Yếu Phương (năm 652), lần đầu tiên Tôn Tư Mạc đưa ra phương pháp dùng ống trúc, ống sậy (tiếng Hán là Trúc đồng 竹 筒?, Vi đồng 苇筒) làm công cụ đặt ngải nhung vào một đầu, đầu kia để vào lỗ tai  đốt cứu trị bệnh. Nhắc lại sự kiện này, sách Trung Quốc Cứu Liệu Học, do Chương Phùng Nhuận và Cảnh Tuấn Anh chủ biên, Nhân Dân Vệ Sinh xuất bản xã (Bắc Kinh) in lần đầu năm 1989, tại trang 2 dòng 31 có ghi: “Ông (Tôn Tư Mạc) là tỵ tổ sáng chế dụng cụ đốt cứu trị liệu”. Tôi đọc được điều này là nhờ L.Y Trương Quang Phương  ở Huế mới tặng sách đó trong năm rồi.

Như vậy sản phẩm Lò Cứu bằng đất nung mới ra lò từ năm 2001, mà trước đây tôi ngỡ là mình cải tiến mô phỏng từ  “Ôn cứu khí” bằng đồng của một Bác sĩ người Nhật khoảng giữa thế kỷ XX, hoá ra lại có gốc gác từ cái “ống trúc” của cụ Tổ Trung Hoa trước đó 1349 năm.

Nay xin cúi đầu dâng bài báo Xuân này lên Đức Dược Vương Diệu Ứng Tôn Chân Nhân, thành kính mong Ngài đón nhận thay cho lễ mọn bái lạy Tổ Sư muộn màng của kẻ học trò thất truyền hậu đậu này.

Đà Nẵng, Trọng Đông 2005

PHAN CÔNG TUẤN  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *