Về quá trình dịch và xuất bản bộ sách HẢI THƯỢNG Y TÔNG TÂM LĨNH
21/10/2024
Hải Thượng Lãn Ông (1724-1791) soạn xong cơ bản bộ sách Lãn Ông Tâm Lĩnh và tự viết lời tựa năm 1770. Về sau Lãn Ông chỉ soạn bổ sung 4 tập (trên tổng số 28 tập của bộ sách) gồm Y Trung Quan Kiện (1780), Y Hải Cầu Nguyên (1782), Thượng Kinh Ký Sự (1783) và Vận Khí Bí Điển (1786).
Hơn 100 năm sau, nhờ sự tận tâm của nhà sưu tập Vũ Xuân Hiên và sự nhiệt tình vận động quyên góp tài chính của nhà sư Thích Thanh Cao, bộ sách mới được khắc bản in xong vào năm 1885.
Sau ¾ thế kỷ lưu hành văn bản chữ Nho (Hán – Nôm), bắt đầu từ năm 1960, phần nội dung chuyên môn của bộ sách mới được nhà nước tổ chức dịch thuật đầy đủ và bài bản ra chữ quốc ngữ.
Xin nhắc lại vào tháng 6 năm 1957, một sự kiện lịch sử hiếm thấy là chỉ cách nhau 4 ngày, đã có 3 tổ chức đoàn thể Đông y được nhà nước có chủ trương thành lập. Đó là Hội Đông y Việt Nam (theo Nghị định số 399-NV-DC-NĐ ngày 3/6/1957), Vụ Đông y (theo Nghị định số 237/TTg ngày 7/6/1957) và Viện Nghiên cứu Đông y (theo Nghị định số 238/TTg ngày 7/6/1957).
Sự ra đời và hoạt động của các tổ chức cơ quan này đã thúc đẩy ngành đông y có những bước tiến vượt bậc, trong đó có công tác dịch thuật và xuất bản các tác phẩm y học cổ truyền dân tộc của Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh .
TỪ CUỘC THI TUYỂN LỚP GIẢNG VIÊN….
“Thi hành chủ trương của Đảng và Chính phủ, Bộ Y tế thông báo đi các tỉnh từ Quảng Bình ra Bắc. Bộ đã nhận được 124 hồ sơ xin dự cuộc thi tuyển lương y giỏi. Duyệt qua hồ sơ, Bộ chọn được 67 vị về Hà Nội dự thi. Bộ giao cho Viện Nghiên cứu Đông y ở 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội tổ chức và tiến hành cuộc thi.
Ban giám khảo gồm có: Lương y Cử nhân Hoàng Văn Thâm, Bác sĩ Viện trưởng Viện Đông y Nguyễn Văn Hưởng, Lương y Nguyễn Trung Khiêm, Hội trưởng Hội Đông y Trung ương”.
“Cuộc thi được tổ chức vào ngày 4 tháng 3 năm 1959. Nội dung cuộc thi gồm có 3 bài:
- Dịch một đoạn văn rút trong bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” (gồm 3 trang).
- Dịch một đoạn văn trong tập “Trung y học khái luận” (gồm 3 trang văn bạch thoại).
- Trình bày kinh nghiệm chữa bệnh bằng Đông y.
Lương y Nguyễn Sỹ Lâm dùng phấn trắng viết bài văn của Lãn Ông ở bảng đen đặt bên phải. Lương y Nguyễn Trung Hòa viết bài văn bạch thoại ở bảng đen đặt bên trái.
Lương y dự thi chép lại nguyên văn và làm bài. Đề tài trình bày kinh nghiệm làm theo dàn bài đã ghi ở trên bảng: tên bệnh, lý luận biện chứng luận trị, kinh nghiệm điều trị, phương thang, cách phòng bệnh, kết luận và tự đánh giá”.
Kết quả cuộc thi đã chọn ra 28 lương y tham gia vào “Lớp đào tạo giảng viên và xây dựng tài liệu huấn luyện đông y”, gọi tắt là “Lớp giảng viên”. Cụ Nguyễn Trung Khiêm nói: “Đây là số “nhị thập bát tú” sẽ ra sức đóng góp tài năng xây dựng cho Đông y nói riêng và nền y học nước nhà nói chung”…
Tiếng là “lớp” nhưng không có thầy nào đến dạy. Các cụ là thầy của nhau. Cụ nào cũng có những điều hay để học tập lẫn nhau vì xuất thân từ nho học và mỗi tỉnh đều có nhiều kinh nghiệm gom góp lại, việc đoàn kết, tương trợ… không ai chê được. Lớp đã tổ chức một buổi trình bày các bài bản đã làm được, kết quả lao động đã trải qua.
Đầu năm 1960, kết thúc lớp “giảng viên”. Bộ Y tế cử một số lương y về làm việc tại quê mình. Còn lại đều vào làm việc ở Viện Nghiên cứu Đông y Trung ương tại các khoa chuyên môn: Nội, Phụ, Nhi, Châm cứu và Phòng Tu thư huấn luyện. Phòng này có nhiệm vụ chính: dịch duyệt các tài liệu chuyên môn, mở các lớp học tại Viện, đi giảng dạy Đông y ở các đơn vị y tế khác hoặc đi các tỉnh trong nước, giảng dạy Đông y, Đông dược cho người nước ngoài đến học tập. Viện cũng cử người đi mở hội thảo hoặc làm chuyên gia ở nước ngoài.
[Dẫn theo bài LỚP GIẢNG VIÊN của Lương y Bác sĩ Phó Đức Thảo trên Tạp chí Cây Thuốc Quý số Tết 2012) ]
ĐẾN BAN DỊCH DUYỆT BỘ HẢI THƯỢNG Y TÔNG TÂM LĨNH
Sau các kết quả ban đầu là hoàn thành các bản dịch sách Nam Dược Thần Hiệu của Tuệ Tĩnh và sách Trung Y Học Khái Luận là tài liệu thí giảng của của Học viện Trung y Nam Kinh, các cụ đã chia nhau tiến hành dịch và xuất bản trong từng tập của bộ sách Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh. Thường là mỗi cụ nhận dịch một vài tập sau đó đưa bản dịch cho vài ba cụ khác duyệt lại, có lẽ nhờ cách làm này mà chất lượng các bản dịch cơ bản tốt hơn rất nhiều so với bản dịch sách Lãn Ông do một người dịch và xuất bản ở miền Nam.
Ban dịch duyệt sách này ngoài thành phần nòng cốt gồm 21 lương y từ “Lớp giảng viên” còn có sự tham gia của 5 lương y công tác tại Viện Đông y như Lê Trần Đức, Nguyễn Trung Hòa, Phạm Hữu Lãm, Nguyễn Quang Quỳnh, Nguyễn Duy Tấn và cụ Nguyễn Tử Siêu là người của Trung ương Hội Đông y. Trừ các trường hợp như Nguyễn Tử Siêu (dịch Ngoại Cảm Thông Trị, Khôn Hóa Thái Chân), Lê Trần Đức (dịch Vệ Sinh Yếu Quyết, Nữ Công Thắng Lãm) có ghi tên người dịch trong lần xuất bản đầu tiên này. Còn lại các bản dich khi xuất bản đều ghi chung là “Phòng Tu thư huấn luyện Viện Đông y dịch”, do nhà xuất bản Y học (có lúc đổi tên là Y học và Thể dục Thể thao) lần lượt xuất bản tại Hà Nội trong những năm 1960 – 1970. Riêng cuốn Thượng Kinh Ký Sự do Phan Võ dịch, NXB Văn học in năm 1959 và Nữ Công Thắng Lãm do NXB Phụ nữ in năm 1971.
Sau năm 1975, Lương y Nguyễn Trung Hòa về công tác Hội Y học dân tộc TP.HCM đã xúc tiến thành lập Tủ sách Y học cổ truyền vì phong trào học tập nâng cao nghiệp vụ cho giới y học các tỉnh phía Nam. Hội Y học dân tộc TP.HCM đã tổ chức tái bản toàn tập sách HTYTTL (kể cả các tập Mộng Trung Giác Đậu, Vận Khí Bí Điển và Bảo Thai Thần Hiệu chưa in trước đây ) in làm 6 tập vào các năm 1983, 1984, 1987.
Sự khác biệt của các ấn bản này là Lương y Nguyễn Trung Hòa đã ghi tên người dịch và hiệu đính nhuận sắc đầu mỗi tập, đồng thời liên hệ trả nhuận bút cho dịch giả hoặc gia đình dịch giả đã mất, đặc biệt còn trích kinh phí cho tỉnh Nghệ Tĩnh góp phần xây dựng lại ngôi mộ Hải Thượng Lãn Ông nên được y giới cả nước rất cảm kích.
Năm 1995 -1997, Nhà xuất bản Y Học, Hà Nội có kế hoạch tái bản bộ HTYTTL, giao cho Viện Y học dân tộc Hà Nội hiệu đính lại bản dịch và người chịu trách nhiệm khảo lại lần cuối là Lương y Nguyễn Văn Bách và Lương y, bác sĩ Phó Đức Thảo. Lần tái bản này sách được in làm 4 tập/ 4 quyển. Đến năm 2001 và 2005 tái bản in gộp vẫn 4 tập nhưng đóng thành 2 quyển. Các lần tái bản này, Ban dịch duyệt bộ Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh gồm 27 người được ghi trang trọng đầu mỗi tập/ quyển sách. Từ đó đến nay sách vẫn tiếp tục được tái bản hoặc in nối bản để phục vụ nhu cầu bạn đọc mà chưa tiến hành hiệu đính chỉnh lý thêm.
Có thể do “tam sao thất bản” từ bản thảo đầu tiên (1770) đến khi khắc in xong (1885) cách nhau 115 năm, rồi gần 100 năm sau, đến khi tổ chức dịch sách giữa cuộc chiến khốc liệt, còn nhiều khó khăn khi tiếp cận tư liệu, khảo sát đối chiếu văn bản khi dịch và hiệu đính, nên bản dịch nói trên khó có thể tránh một số thiếu sót, nhầm lẫn. Tuy nhiên, phải công nhận với đội ngũ dịch duyệt được tuyển chọn kỹ càng và là tinh hoa của giới y học cổ truyền lúc đó, nên đã chuyển ngữ thành công bộ sách chữ Hán ra tiếng Việt lưu hành hơn 60 năm qua. Đây là một thành tựu to lớn cho ngành Y học cổ truyền Việt nam cần ghi nhận.
NÓI THÊM VỀ ‘NHỊ THẬP BÁT TÚ” LỚP GIẢNG VIÊN
Trong bài viết vào năm 2012, tác giả Lương y Bác sĩ Phó Đức Thảo đã dẫn ở trên, có nhớ tên được 24/28 cụ lương y của Lớp Giảng viên (xem ảnh kèm, trong đó có 2 người đã mất vì bạo bệnh chỉ sau mấy tháng nhập lớp là Lương y Nguyễn Văn Kính và Nguyễn Trung Trực ), còn 4 người cụ Phó Đức Thảo không nhớ tên.
Sau khi đăng lại bài báo trên, tôi được Lương y Nguyễn Xuân Việt, nguyên Chủ tịch Hội Châm cứu tỉnh Hải Dương, nguyên chủ nhiệm đề tài khoa học : “Nghiên cứu đánh giá sự kế thừa, phát triển của y dược cổ truyền tỉnh Hải Dương” nhắn tin cho biết thêm trong lớp Giảng viên này có cụ Lương y Đoàn Quang Vẽ (1900-1972). Tiểu sử của cụ Vẽ có trong cuốn ” Lịch sử Y dược cổ truyền tỉnh Hải Dương”, chúng tôi đã tìm đọc và xác định thông tin là đúng.
Đối chiếu với danh sách lớp giảng viên trong ban dịch duyệt bộ HTYTTL do NXB Y học in từ 1997 về sau, chúng tôi thấy có một người còn sót nữa là Phạm Văn Liễn. Như vậy đã tìm thêm được 2 trong số 4 cụ mà cụ Thảo không nhớ ra là Đoàn Quang Vẽ và Phạm Văn Liễn (lớp này có 2 cụ tên Liễn đều được ghi trong ban dịch duyệt trong ấn bản sách HTYTTL từ năm 1997 về sau).
Như vậy chỉ còn thiếu 2 cụ nữa.Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm sau, hy vọng sẽ sớm xác định được.
Đà Nẵng, 20/10/2024
PHAN CÔNG TUẤN
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 1
- Hôm nay: 78
- Tất cả: 38081