Văn khấn Lễ an vị tôn tượng Hải Thượng Lãn Ông tại cơ sở mới Bệnh viện YHCT Đà Nẵng
22/11/2023
Nhân sự kiện UNESCO thông qua nghị quyết cùng tham gia kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vào năm 2024 sắp đến. Xin đăng lại bài văn khấn chúng tôi đã soạn đọc trong Lễ an vị tôn tượng Hải Thượng Lãn Ông tại cơ sở mới của Bệnh viện YHCT Đà Nẵng như một chút tâm tình của học trò Xứ Quảng dâng lên Y tổ.
P.C.T
Nam mô Thập phương Thường trụ Tam bảo !
Kính cáo chư Hoàng thiên, Hậu thổ liệt vị tôn thần !
Thừa ủy quyền của Ban giám đốc Bệnh viện, đại diện cho hơn hai trăm cán bộ nhân viên, người lao động của Bệnh viện, chúng con xin có đôi lời khấn nguyện dâng lên đức Y tổ HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG trong buổi lễ an vị tôn tượng Y tổ hôm nay:
1. Khải bạch đức Y tổ, chúng con thiết tưởng không cần phải nhắc lại chi tiết thân thế, sự nghiệp của Người, bởi vì hầu hết chúng con đều đã ghi khắc ngọn ngành trong tâm khảm từ khi mới bước chân vào nghề. Kể từ khi bộ bách khoa toàn thư “Lãn Ông tâm lĩnh” hoàn thành sơ thảo và được Y tổ viết tự tựa vào năm 1770, (mặc dầu phải hơn một trăm năm sau mới được khắc in vào năm 1885, và gần một trăm năm sau đó mới chuyển dịch ra chữ quốc ngữ), nhưng trong suốt 250 năm qua, trong tâm trí của các thế hệ thầy thuốc Đông y Việt Nam, tác giả HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG đã trở thành biểu tượng y học cổ truyền Việt Nam, một ngôi sao sáng chói trong lịch sử y dược dân tộc.
Từ năm 2000, ngày Rằm tháng Giêng, ngày mất của Y tổ đã được Bộ Y tế chọn là ngày truyền thống của những người làm công tác y dược học cổ truyền Việt Nam. Trên quê nội Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên cũng như nơi quê ngoại, Sơn Trung, Hương Sơn, Hà Tĩnh đã hình thành các quần thể di tích lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa có ý nghĩa quan trọng gắn liền với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Đặc biệt, bên khu mộ đơn sơ ngày nào, một tượng đài Y tổ uy nghi với hơn 1600 tấn đá cẩm thạch đã được xây dựng trên núi cao, nơi trước mặt có dòng sông Ngàn Phố trong xanh hiền hòa và một vùng đồi núi, làng mạc nên thơ, nơi ngày xưa Y tổ thường “nằm trên đá, ngủ dưới hoa” để viết nên bộ y thư bất hủ.
2. Khải bạch đức Y tổ, trong bộ sách thuốc đồ sộ gồm 28 tập/ 66 quyển để lại cho muôn đời sau, Người không chỉ thâu thập tinh hoa y học cổ truyền phương Đông từ các học thuyết lý luận đến thực tiễn các khoa lâm sàng, phương thang, dược vật, dưỡng sinh, vệ sinh phòng bệnh, chú trọng các mô hình bệnh tật thường gặp của người dân Việt Nam, ứng dụng các loại cỏ cây làm thuốc thường dùng trên đất nước Việt Nam. Người còn để lại nhiều áng thơ văn, ký sự, thuật lại những y án, y huấn cách ngôn, răn dạy về bổn phận trách nhiệm, y đức người thầy thuốc, những tâm đắc mẫu mực về đối nhân xử thế. Cả cuộc đời của Người là tấm gương tiêu biểu cho người thầy thuốc y học cổ truyền chân chính: “Xả ngã tư nhân ngoại/ Phù vân tổng thị nhàn” (Quên mình phục vụ người ta/ Ngoài ra tất cả đều là mây trôi).
3. Khải bạch đức Y tổ, đọc lại di thư của Người, chúng con đặc biệt có ấn tượng về việc sinh thời, Y tổ rất chăm lo việc phụng sự, thờ cúng các bậc tiên sư thầy tổ của mình và luôn dạy dỗ học trò thực hiện các nghĩa vụ ấy.
Cảm kích vô cùng nên tôi đã dùng giấy bút vẽ thần tượng của Trương Công (tức Phùng Triệu Trương, tác giả bộ Cẩm nang bí lục), dọn một phòng sách để sớm tối lo hương đèn báo đáp ân đức sâu nặng của ngài… ”.
Chúng con thiết nghĩ phụng sự thầy tổ chính là một biểu hiện của đạo lý uống nước nhớ nguồn, một mạch ngầm văn hóa tâm linh xuyên suốt lịch sử dân tộc, một nét đẹp văn hóa Việt Nam. Chúng con nguyện sẽ ra sức gìn giữ truyền thống quý báu đó, mà việc di dời, an vị tôn tượng Y tổ từ cơ sở cũ về cơ sở mới của Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng hôm nay mới chỉ là bước khởi đầu.
Mặc dầu vậy, chúng con luôn ý thức được rằng sự tri ân và phụng sự Y tổ đối với chúng con không chỉ bó hẹp trong việc dựng tượng đài tưởng niệm hay thờ cúng, mà quan trọng hơn cả là chúng con luôn ghi tâm khắc cốt rằng hãy phấn đấu thực hiện bảo tồn, thừa kế, phát huy và phát triển, đánh thức tiềm lực vốn quý YHCT để phục vụ cho mục tiêu con người và sức khỏe. Đó chính là phương thức hay nhất để báo đáp ân đức Y tổ.
4. Khải bạch đức Y tổ, được sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, cơ sở mới của Bệnh viện YHCT Đà Nẵng qua hơn hai năm xây dựng đã sắp sửa hoàn thành và đưa vào sử dụng với quy mô 300 giường bệnh và diện tích gấp 4-5 lần cơ sở cũ, đúng vào mốc lịch sử kỷ niệm 45 năm hình thành và phát triển của Bệnh viện YHCT Đà Nẵng (1976-2021).
Điều đặc biệt đáng nói, trong xây dựng bệnh viện lần này, có 2 hạng mục lần đầu tiên đưa vào thiết kế chính thức, đó là Hội quán Đông y và một thiền thất (nhà thiền) gắn liền với quần thể vườn tượng Y tổ, là những không gian văn hóa y dược cổ truyền độc đáo mà chúng con đã đề xuất và được các cơ quan chức năng chấp nhận.
Thiền thất và Hội quán Đông y không chỉ là nơi hỗ trợ khám chữa bệnh, cung ứng thuốc theo tinh hoa dưỡng sinh Đông y, mà chủ yếu là nơi gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu, thực hành, huấn luyện về YHCT của các thầy thuốc và bệnh nhân, các nhà nghiên cứu và sinh viên, hội viên các hội nhóm dưỡng sinh, người cao tuổi… có chung mối quan tâm nâng cao tri thức YHCT để bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh tật, xây dựng lối sống lành mạnh, nâng cao chất lượng sống, theo phương châm hiện pháp lạc trú, sống an lạc thảnh thơi trong từng giây phút hiện tại. Phải chăng đó là tinh thần Thiền – Y dung thông mà Y tổ đã từng chứng ngộ từ hơn 250 năm trước: “Y đạo năng cùng lý/ Vong cơ khả định thiền” (Đạo y hiểu thấu tận cùng/ Soi lòng vắng lặng chứng thông lẽ thiền) ?
5. Khải bạch đức Y tổ, nhân lễ di dời an vị tôn tượng Y tổ hôm nay, cho phép chúng con nhắc lại duyên khởi của bức tượng được tạc bằng bàn tay, khối óc con tim của những nghệ nhân làng nghề đá Non Nước của thành phố Đà Nẵng, do một gia đình bệnh nhân phát tâm hiến tặng cho bệnh viện sau khi được chữa khỏi trọng bệnh từ gần mười lăm năm trước. Vì vậy, chúng con luôn ý thức được rằng mỗi một thành quả mà chúng con thừa hưởng hôm nay luôn có sự đóng góp của các thế hệ đồng nghiệp đi trước, kể cả của các bệnh nhân đã từng tin tưởng, gắn bó với bệnh viện của chúng con trong thời gian qua.
Và trên bước đường sắp đến sau này, giữa bộn bề cuộc sống với bao lo toan, áp lực công việc, chắc chắn chúng con không tránh khỏi những giây phút ngã lòng, những suy tư lệch lạc, những bước chân ngập ngừng… Những khi ấy, may mắn biết bao cho chúng con khi bắt gặp tôn tượng trầm mặc, uy nghi, thanh thoát và vững chãi của Y tổ trong khuôn viên Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, chỉ cần kính cẩn nghiêng mình trong vài ba hơi thở có ý thức, chắc chắn chúng con sẽ nhận được nguồn năng lượng tươi mát dào dạt tình thương và hiểu biết của Người để an tâm vững bước đi tiếp trên con đường mà chúng con đã chọn.
Hy vọng trong tương lai không xa, tại khuôn viên Bệnh viện YHCT Đà Nẵng, bên cạnh tôn tượng Y tổ, sẽ bổ sung nhiều tranh tượng các bậc danh y đông tây kim cổ cùng nhiều gian trưng bày lưu trữ các hiện vật, thư tịch, báo chí… trong quần thể Vườn tượng- Hội quán Đông y – Nhà thiền, sẽ được nhiều nhà hảo tâm đóng góp xây dựng, để biến nơi đây thành một địa chỉ văn hóa y dược cổ truyền cho thầy thuốc, bệnh nhân và du khách trong và ngoài thành phố tham quan thưởng lãm.
Kính mong lịch đại Y tổ, liệt vị tôn thần và ba đời mười phương chư Phật sáng soi chứng giám lòng thành và phù hộ độ trì nguyện ước của chúng con sớm thành hiện thực.
Nam mô Hoan hỷ tạng bồ tát ma ha tát !
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 1
- Hôm nay: 9
- Tất cả: 38093