VĂN KHẤN LỄ AN VỊ TÔN TƯỢNG ĐẠI Y THIỀN SƯ TUỆ TĨNH TẠI Y MIẾU BỆNH VIỆN Y HỌC CỔ TRUYỀN ĐÀ NẴNG
24/03/2024
Nam mô Thập phương Thường trụ Tam bảo !
Nam mô Đông độ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật !
Nam mô Thanh Lương Địa Bồ tát ma ha tát !
Nam mô Hương Vân Cái Bồ tát ma ha tát !
Nam mô Nam dược Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh tôn thần!
Kính cáo chư Thiên Long Bát bộ long thần hộ pháp !
Kính cáo chư Hoàng thiên, Hậu thổ liệt vị tôn thần !
Hôm nay, ngày Rằm tháng Hai, năm Giáp Thìn, nhằm ngày 24/3/2024.
Tại khuôn viên Y Miếu của Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, thuộc xứ đất La Qua, đường Đinh Gia Trinh, tổ 57 phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ thành phố Đà Nẵng; cùng với Ban giám đốc Bệnh viện, đại diện cho hơn hai trăm cán bộ, viên chức, người lao động của Bệnh viện, chúng con thành kính tổ chức lễ an vị tôn tượng Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh, đức Thánh Thuốc Nam, người đặt nền móng xây dựng nền y dược cổ truyền dân tộc Việt Nam.
Cùng với lễ phẩm chi nghi, trong khói hương trầm xông ngát, chúng con thành tâm bày tỏ đôi điều thay lời khấn nguyện, ngưỡng mong Đức Đại y Thiền sư soi sáng chứng minh.
- Khải bạch đức Đại y Thiền sư, mặc dù đã bỏ ra hơn hai mươi năm tìm kiếm, sưu tầm tư liệu, nhưng thú thật cho đến bây giờ chúng con vẫn chưa vén hết được những màn sương ẩn khuất bao phủ những truyền thuyết về cuộc đời và hành trạng của Ngài. Chúng con biết rằng do binh đao loạn lạc, do thủy hỏa đạo tặc,.. lại trải qua dòng chảy thời gian khắc nghiệt nên các tư liệu lịch sử về cuộc đời, về gia đình dòng họ, về năm sinh năm mất, về niên đại sống thuộc đời Lý, đời Trần hay đời Hậu Lê, về việc có thi đậu Thái học sinh, đậu Hoàng giáp hay không, về việc có đi sứ hay đi cống cho nhà Minh hay không,… đến nay mặc dù các nhà khoa học, sử học, y dược học đã nổ lực sưu tra nghiên cứu, tuy có hé mở một số tư liệu mới những vẫn chưa tìm ra đủ căn cứ thuyết phục để khẳng định chính xác.
- Khải bạch đức Đại y Thiền sư, theo những tư liệu Hán Nôm, quốc ngữ sớm nhất chúng con tiếp cận được như: bảng khai Thần tích xã An Lư, tổng Thủy Tú, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An (soạn năm Hồng Phúc nguyên niên, 1572; phụng sao năm Vĩnh Hựu thứ 3, 1737); bảng Thần tích – Thần sắc của làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương (soạn năm 1938), hay cùng với một loạt sắc phong từ các năm Tự Đức thứ 6 (1853), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909), Khải Định thứ 9 (1924) và Bảo Đại thứ 15 (1939), nếu loại trừ các điểm dị biệt, thì còn lại đều ghi nhận rằng Đức Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh là người có công lao hộ quốc an dân, chăm lo sự nghiệp bảo vệ đất nước, chăm sóc chữa bệnh cho đồng bào, được nhân dân trong vùng kính ngưỡng và chính quyền phong kiến trung ương nhiều lần ban tặng sắc phong và tôn thần như: Bản cảnh Thành hoàng Linh phù chi thần; Dực bảo Trung hưng chi thần, Linh thúy Trung đẳng thần, Huân liệt Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần, Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần, Linh phù Dực bảo Trung hưng Bổn cảnh Thành hoàng Trung thiên Tiên thánh Linh ứng Tôn thần, Nam dược Đại y Thiền sư Tôn thần… Các sắc phong đều ghi rõ cho phép các địa phương phụng thờ để mong Thần giúp đỡ che chở dân ta và quy định chi tiết các chế độ hương hỏa cúng tế theo nghi lễ nhà nước.
Sự kiện Đức Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh ba lần “hiển thánh” cho thuốc cứu dân được chính sử triều Nguyễn và thần tích làng An Lư ghi nhận, nếu nhìn dưới ánh sáng khoa học ngày nay theo chúng con có thể giải mã đó chính là hiệu ứng của tâm thức cộng đồng đã đặt để niềm tin vào thuốc nam thần hiệu của y học dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe, tiêu trừ dịch bệnh cho nhân dân.
- Khải bạch đức Đại y Thiền sư, với các tác phẩm y dược mà Ngài cùng các học trò trong môn phái đã biên soạn như Nam Dược Thần Hiệu và Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư [là sách đã được dâng lên Vương thượng (Chúa Trịnh) năm 1717, sau giao cho Thái y viện thời Hậu Lê chỉnh lý, bổ sung và khắc in tái bản vào năm 1723]. Các y thư này là minh chúng về vai trò đặt nền móng xây dựng ngành y dược cổ truyền Việt Nam, kết hợp lý luận Đông y với kinh nghiệm dân gian để xây dựng nền Y học cổ truyền Việt Nam theo thực tiễn bệnh tật và khí hậu Việt Nam, trọng dụng dược liệu thuốc Nam và phương pháp y học dân tộc với ý thức tự lực, tự cường; sáng lập nên trường phái Y dược Tuệ Tĩnh với những đặc thù hết sức độc đáo.
Điểm son đặc biệt của trường phái y dược Tuệ Tĩnh đã giương cao ngọn cờ “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt” với những tư tưởng bất hủ như “Thiên thư việt định nam bang; Thổ sản hữu thù Bắc quốc” có thể xem như những tuyên ngôn độc lập cho nền y dược nước nhà. Ngoài ra, có lẽ mà nhờ thấm nhuần tư tưởng từ bi hỷ xả và y phương minh của nhà Phật nên trường phái Tuệ Tĩnh mang tính nhân văn nhân đạo sâu sắc, thể hiện rõ quan điểm phục vụ nhân dân, xây dựng nền y học toàn dân, vì sức khoẻ cho mọi người, như lời Ngài đã viết trong bài phú chữ Nôm: “Thương dân yểu trát, tiên thánh đà chép để đồ kinh / Vui đạo dưỡng sinh, hậu học sá tìm nơi diệu quyết”; lại nêu rõ đầu bài phú chữ Hán: “Dục huệ sinh dân / Tiên tầm thánh dược” (Muốn giúp sinh dân / Trước tìm thánh dược), đến đoạn cuối bài phú này đã nhấn mạnh (bản dịch): “Góp mọi phương lương dược, rộng tay Phật tổ cứu dân / Nếm một hạt linh đơn, tỏ đạo Thiên tiên độ thế / Người người lên đài nhân cõi thọ sênh sang / Nơi nơi đượm gió mát khí hoà vui vẻ / Mừng thấy; nhân dân ấm chăn chiếu, nhà nước vững núi non / Mới không phụ cái nguyện ước cõi trời Nam rộng khắp ân huệ”.
Điểm nổi bật khác của Trường phái Y dược Tuệ Tĩnh là hết sức đề cao phương pháp dưỡng sinh phòng bệnh theo phương châm: “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần/ Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”, đó là đường lối y học dự phòng, phòng bệnh hơn chữa bệnh và quan tâm chú trọng chẩn trị toàn diện cả thân bệnh và tâm bệnh mà Đại y Thiền sư đã để lại cho chúng con.
Điều đặc biệt nữa về mô hình y tế nhân dân “thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ”, xây dựng vườn chùa thành vườn thuốc, giảng đường nhà chùa là cơ sở khám chữa bệnh miễn phí cho mọi người do chính Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh sáng lập xây dựng trên 24 ngôi chùa cách đây nhiều thế kỷ vẫn còn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay dưới tên gọi mới là cơ sở Tuệ Tĩnh đường phổ biến trong hệ thống chùa chiền trên khắp cả nước, chung tay góp sức cùng hệ thống y tế nhà nước chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đây là minh chứng sống động cho thấy ảnh hưởng của Đại y Thiền sư trong sự nghiệp y dược nước nhà.
- Khải bạch đức Đại y Thiền sư, không chỉ là một Đại Nho, Đại Y đã mở đường cho sự nghiệp nghiên cứu thuốc Nam, xây dựng nền móng cho Y học dân tộc, Ngài còn là bậc Đại Thiền (thiền sư nổi tiếng), đã viết sách giảng nghĩa (diễn Nôm) tác phẩm Thiền Tông khoá hư lụccủa Trần Thái Tông. Hầu hết tác phẩm của Ngài đều dùng hình thức thơ phú, chủ yếu lại dùng chữ Nôm dễ hiểu, dễ nhớ, giúp việc truyền bá phổ biến rộng rãi tri thức Y học, Phật học đến mọi tầng lớp nhân dân. Sự nghiệp của Ngài đã được nhân dân ngưỡng mộ và phong thánh, nằm trong số rất ít các vị thánh như Thánh Gióng, Thánh Tản Viên, Thánh Trần (Hưng Đạo), Thánh Thuốc Nam (Tuệ Tĩnh).
Có thể nói Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh là nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà tư tưởng lớn của dân tộc. Tên của Ngài ngày nay đã được đặt tên đường, trường học, cơ sở y tế trong cả nước. Ở quê hương huyện Cẩm Giàng trong vòng hơn 3 km vuông đã có 3 di tích được Nhà nước công nhận Cụm di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2017 đều liên quan và thờ phụng Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh: Đền Xưa ở thôn Nghĩa Phú (xã Cẩm Vũ), Đền Bia ở làng Văn Thai (xã Cẩm Văn), Chùa Giám ở xã Cẩm Sơn (nay là Định Sơn). Tại di tích đền thờ xã An Lư huyện Thủy Nguyên thành phố Hải Phòng, nơi những cư dân làng Nghĩa Phú đến khai hoang lập làng mới vẫn tôn thờ Ngài là Thành hoàng. Bài vị của Ngài còn được phối thời ở Văn miếu Mao Điền thuộc làng Mao xã Cẩm Điền. Cùng với Danh y Hải Thượng Lãn Ông, linh vị Ngài đã được đưa vào thờ ở Y miếu Thăng Long cùng nhiều nhà thờ Y tổ khác trên cả nước.
Chúng con còn nhớ cách đây khoảng ¼ thế kỷ, trong buổi gặp mặt đầu năm, đầu thế kỷ và thiên niên kỷ mới với cán bộ công chức cơ quan Bộ Y Tế và đại diện các đơn vị trực thuộc vào ngày 2.1.2001, GS.Đỗ Nguyên Phương, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ đã long trọng tuyên bố: “Với tấm lòng trân trọng các di sản quý giá về Y Dược học cổ truyền dân tộc, Bộ Y tế sẽ tổ chức trọng thể lễ Tưởng niệm Cụ Tuệ Tĩnh vào ngày Rằm tháng 2 âm lịch năm nay. Từ nay, ngành y tế sẽ tổ chức trọng thể ngày giỗ Rằm tháng Giêng âm lịch của Cụ Hải Thượng Lãn Ông vào những năm chẵn, còn với những năm lẻ thì tổ chức lễ tưởng niệm Cụ Tuệ Tĩnh”. Có thể nói Quyết định nâng tầm lễ tưởng niệm Thánh Y Tuệ Tĩnh lên ngang hàng với Y Tổ Hải Thượng Lãn Ông trên phạm vi quốc gia có một ý nghĩa lớn lao nhằm trả lại vị trí xứng đáng của Đại Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh trong vai trò là người đặt nền móng xây dựng nền y dược dân tộc Việt Nam.
Chúng con hy vọng trong thời gian đến, thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng của Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh sẽ tiếp tục được nghiên cứu khẳng định tầm vóc quốc gia và quốc tế, ngang tầm với Danh y Hải Thượng Lãn Ông vừa được Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục UNESCO vinh danh và tưởng niệm 300 năm năm sinh trong năm 2024 này.
- Khải bạch đức Đại y Thiền sư, hôm nay đây, giờ phút này, khi Lễ hội truyền thống năm 2024 đang diễn ra tại Đền Xưa trong Cụm di tích quốc gia đặc biệt Đền Xưa – Đền Bia và Chùa Giám trên quê hương của Ngài ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, thì tại Y miếu của Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Đà Nẵng, chúng con rất hoan hỷ được tổ chức an vị tôn tượng để tưởng niệm và ghi khắc công đức của Ngài. Tôn tượng này không chỉ đã được tạc bằng bàn tay, khối óc, con tim của những người thợ đá làng nghề Non Nước quê hương chúng con mà còn được kết tinh từ chính ước nguyện và tấm lòng biết ơn của Ban Giám đốc và hơn hai trăm thầy thuốc, viên chức và người lao động của Bệnh viện chúng con.
Khải bạch đức Đại y Thiền sư, được sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Bệnh viện Y học cổ truyền của chúng con trong mấy năm qua vừa được xây mới với quy mô giường bệnh gấp 3 lần và diện tích gấp 4-5 lần cơ sở cũ nhằm đáp ứng nhu cầu chữa bệnh ngày càng cao cho nhân dân trong và ngoài thành phố.
Hy vọng với sự hiện diện tôn tượng của Ngài tại khuôn viên Y miếu này, cùng với nhiều tranh tượng các bậc danh y đông tây kim cổ, các gian trưng bày lưu trữ các hiện vật, thư tịch, báo chí… trong quần thể Vườn tượng- Hội quán Đông y – Nhà thiền, sẽ tiếp tục được nâng cấp bổ sung, để biến nơi đây thành một địa chỉ văn hóa y dược cổ truyền cho thầy thuốc, bệnh nhân và du khách trong và ngoài thành phố tham quan thưởng lãm và tiếp nhận được năng lượng bình an và trí tuệ sáng suốt của các bậc Y tổ để vững bước trên con đường hành y, trị bệnh.
Ngưỡng mong Đại Y Thiền sư cùng lịch đại Y tổ, liệt vị tôn thần và ba đời mười phương chư Phật sáng soi chứng giám lòng thành và phù hộ độ trì cho Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng vạn sự hanh thông và tất cả nguyện ước của chúng con sớm thành hiện thực.
Nam mô Nam dược Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh tôn thần chứng minh!
Nam mô Hoan hỷ tạng bồ tát ma ha tát ! (3 lần)
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 5
- Tất cả: 38089