Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Vài kinh nghiệm dùng thuốc Nam

15/04/2024

  1. Có lần bị viêm họng, cô em vợ làm ở khoa Dược một bệnh viện đưa cho tôi mấy viên Sulfaprim bảo ngậm sẽ đỡ ngay. Mới ngậm 1 viên, có đỡ rát cổ đôi chút nhưng sau đó cả trong miệng lưỡi lẫn ngoài da ở các bộ phận nách, bẹn đều bị thâm tím, nớt da, đau rát… Thì ra tôi bị dị ứng với loại biệt dược này.

Từ đó về sau, mỗi lần viêm họng tôi đều tìm đến thuốc Nam, có khi là một quả chiêu liêu (kha tử) hay một mẩu lá rẽ quạt tươi (cỡ bằng móng tay thôi, dùng nhiều cũng có thể gây bỏng họng) đem nhấm nháp, ngậm nuốt dần sẽ đỡ.

“Ngậm chua me đất hoa vàng/ Họng viêm, cổ rát, giọng khàn… hết ngay!”. P.C.T

Đặc biệt, dùng một nắm lá chua me đất hoa vàng đem rửa sạch, thêm tí muối nhai nuốt dần hoặc đem giã vắt nước cốt cho vào lọ thuốc nhỏ mắt (đã hết), nhỏ vào cổ họng mỗi giờ vài ba giọt, có thể giải quyết khá nhanh và triệt để các triệu chứng viêm họng, rát cổ, khản tiếng,… cho những người bị cảm cúm, viêm đường hô hấp trên (kèm sổ mũi, ho, sốt cao…), hoặc có khi đơn thuần là hậu quả của một buổi thuyết trình, thao giảng hay một trận nhậu, hát karaoke quá trớn. Tôi đã phổ biến bài thuốc đơn giản, hiệu quả này cho nhiều người bằng câu ca dễ nhớ: “Ngậm chua me đất hoa vàng/ Họng viêm, cổ rát, giọng khàn… hết ngay!”.

Rau muống biển – vị thuốc hay chữa dị ứng sứa. Ảnh: P.C.T

2. Vài năm trở lại đây, cứ mỗi lần ngâm mình trong nước biển trở về, nhất là những ngày biển động sứa nhiều, khắp mình tôi nổi mẩn đỏ và đặc biệt là ngứa, ngứa trân người, ngứa kịch liệt, càng gãi lại càng ngứa, nhiều lúc nửa đêm phải vùng dậy soạn đồ nghề chích lễ, giác máu hay dùng máy sấy tóc khò nóng bỏng da mới nguôi ngoai được một lúc. Biết mình bị dị ứng với nọc sứa tiết sẵn trong nước biển, tôi đã thử dùng hàng chục loại thuốc chống dị ứng bôi ngoài uống trong của Đông y lẫn Tây y mà vẫn không hiệu quả.

Than phiền với một đồng nghiệp, con trai trưởng một giáo sư đầu ngành dược liệu ở Hà Nội, tôi được mách nước một kinh nghiệm dân gian của Thái Lan, dùng một nắm lá rau muống biển tươi (vốn sẵn có mọc đầy trên các vùng bờ biển nước ta) giã nát rồi cho chút nước vắt lấy chất nước sền sệt như cao bôi khắp người sau khi tắm biển (đã tắm lại nước ngọt). Thế là chứng bệnh dị ứng do sứa trầm kha cố đế mấy năm đã bay biến. Tôi thử đi thử lại nhiều lần, đều cho kết quả tốt.

Người ta thường nói người Việt chúng ta nhiều khi nằm trên đống thuốc mà không biết sử dụng. Điều này quả thật không sai với tôi, vì đã từng giẫm đạp trên các bãi biển mọc đầy rau muống biển để lăn lộn… gãi ngứa do sứa mà chẳng hề biết vị thuốc có sẵn dưới chân mình. Tôi đã ghi lại bài học kinh nghiệm này bằng bài vè cho mọi người dễ nhớ: “Dị ứng do sứa/ Mẩn ngứa đầy người/ Thuốc chữa đây rồi/ Lá rau muống biển/ Đem giã thật nhuyễn/ Vắt nước thoa liền/ Kinh nghiệm cổ truyền/ Rất là thần hiệu!”. Mới đây một anh bạn phóng viên đài DRT bị bệnh hệt tôi, sau khi được mách dùng, đã phản hồi: Đúng là thuốc Nam thần hiệu!

3. Tôi có người anh bị bệnh ưa chảy máu, mỗi năm phải nhập viện cấp cứu truyền máu và huyết tương cả chục lần. Một lần nằm viện, gặp một sinh viên cùng bệnh cho biết lúc còn ở quê nhà người này thường dùng lá dâu và cỏ mực mỗi thứ một nắm sao qua rồi sắc uống, nên ít phải đi viện, nhưng từ khi vào ký túc xá đại học, không có điều kiện uống bài thuốc đó nên phải lai rai đi bệnh viện với tần suất dày hơn.
Thú thật, thoạt nghe ông anh nói lại bài thuốc của sinh viên này, tôi không mấy tin tưởng. Vì tôi là thầy thuốc Đông y, nhưng có đọc tài liệu Tây y nên biết bệnh ưa chảy máu (hemophilie) của anh do thiếu yếu tố đông máu, là bệnh di truyền từ họ ngoại chuyển sang, nên chủ yếu tìm hiểu hướng dẫn học cách “sống chung với bệnh” và biết sơ cứu chuyển viện kịp thời khi chảy máu ồ ạt, chứ ít chú tâm tìm thuốc đặc hiệu điều trị. Tuy nhiên, tôi vẫn bào chế dạng viên bài thuốc này cho anh tôi tiện sử dụng lâu dài. Thật ngạc nhiên, đã 3 năm nay, mỗi năm anh chỉ còn đi viện vài ba lần. Quả thật, bài thuốc có tác dụng khống chế bệnh ưa chảy máu khá rõ. Bởi vậy: “Cỏ mực sắc với lá dâu/ Bệnh ưa chảy máu nhắc nhau hãy dùng”.

Trên đây mới là vài ba mẩu chuyện về kinh nghiệm sử dụng thuốc Nam của cá nhân và gia đình tôi. Thiền sư Tuệ Tĩnh, ông Tổ nghề thuốc Việt Nam, từng có câu tuyên ngôn bất hủ: “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”. Tuệ Tĩnh là tác giả bộ sách “Nam dược thần hiệu” – một tác phẩm đặt nền móng vững chắc cho nền Đông y dược cổ truyền Việt Nam, đã tổng kết và truyền thừa 580 vị thuốc và 3.873 bài thuốc chữa 182 chứng bệnh trong 10 khoa lâm sàng.

Trong những năm tháng chiến tranh và cả thời kỳ bao cấp kinh tế khó khăn, di sản y dược học dân tộc đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng kế thừa và phát triển, một thời phong trào sử dụng thuốc Nam châm cứu khá rầm rộ. Nhưng từ khi đất nước mở cửa, hội nhập kinh tế thị trường, trước sự tiếp thị ồ ạt của các hãng dược trong và ngoài nước, chuyện dùng thuốc Nam cây nhà lá vườn dường như không còn được các cơ quan chức năng khuyến khích quan tâm.

Gần đây, cùng một số đồng nghiệp ở các hội Đông y, Dược liệu của Đà Nẵng, chúng tôi phối hợp với hai nhà chùa tổ chức được 2 cơ sở Tuệ Tĩnh Đường khám chữa bệnh bằng thuốc Nam, châm cứu hoàn toàn miễn phí mỗi tuần 3 buổi ở huyện Hòa Vang. Điều đáng nói, dù dùng toàn thuốc Nam với trên 70% dược liệu là cây thuốc bản địa mọc hoang do chúng tôi tự khai thác, nhưng vẫn cho kết quả điều trị khá tốt, được đông đảo bệnh nhân tín nhiệm.

Lương y PHAN CÔNG TUẤN

http://baodanang.vn/channel/5433/201210/Vai-kinh-nghiem-dung-thuoc-Nam-2200992/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *