Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Uống nước chanh phòng bệnh mùa hè

28/04/2024

Trong mục “Dân hỏi – cơ quan chức năng trả lời” trên Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng ngày 17-4-2014, một công dân cho biết “Con tôi và các cháu nhà tôi ít khi bị các bệnh nhiệt mùa hè nhờ có thói quen uống nước chanh trong hầu hết bữa cơm. (Đây là) kinh nghiệm ông bà cha mẹ để lại”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về việc giao cho cơ quan chức năng nghiên cứu kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đã trả lời như sau.

Nhân dân thường trồng chanh để lấy quả ăn hoặc làm gia vị. Y học dân gian sử dụng vỏ quả, lá và rễ cây để làm thuốc. Theo Đông y, lá, rễ và vỏ quả chanh có vị the, đắng, mùi thơm, tính bình có tác dụng tán phong giải nhiệt, hoạt huyết, thông kinh lạc, tiêu đờm, tiêu thực, giảm ho, sơ tiết can khí. Phần lá, rễ và vỏ quả thường dùng chữa tức ngực, khó thở, đau hông sườn, ăn kém, hay nôn, sốt rét và các triệu chứng đau mắt, nhức đầu do can đởm hỏa vượng. Dịch quả chanh có vị chua, tính mát có tác dụng giải khát, thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc, cầm nôn, tiêu thực, sáng mắt. Ngoài ra, chanh cũng dùng để sát trùng hoặc giải độc tại chỗ do trùng thú cắn. Vỏ quả chanh phơi khô có thể dùng để làm thuốc xua đuổi côn trùng, sâu bọ. Lá chanh tươi có chứa nhiều tinh dầu có tính sát khuẩn, chỉ khái và tiêu đờm nên cũng thường được sử dụng làm nguyên liệu cho nồi xông giải cảm, giải độc.

Bên cạnh giá trị của một loại gia vị và nước uống giải khát phổ thông, chanh còn là nguồn quan trọng cung cấp vitamin C và những chất chống oxy hóa thuộc nhóm Flavonoids có chức năng giải độc, bảo vệ thành mạch, tăng cường hệ miễn dịch và làm chậm sự lão hóa.

Trong 100g thịt quả chanh có 90% nước, protein 0,8g, chất béo 0,5g, carbohydrate 8,2g, chất xơ 0,6g, tro 5,4g, calcium 33mg, phosphor15mg, sắt 0,5mg, sodium 3mg, potassium 137mg, vitamin A 12mg, thiamin (B1) 0,5mg, riboflavin (B2) 0,02mg, niacin 0,1mg và vitamin C 52mg. Ngoài ra lớp vỏ ngoài của quả chanh và lá chanh có chứa nhiều tinh dầu có mùi thơm dễ chịu. Tinh dầu chanh là một hợp chất có chứa limonene, camphen và α tecpinen.

Kết quả nghiên cứu của những nhà khoa học Nhật Bản cho biết chanh có thể làm gia tăng 19% lượng máu lưu thông trong hệ thống các tĩnh mạch, mao mạch và làm giảm nguy cơ máu đông.

Hiện nay ngoài công dụng là một loại nước giải khát được ưa chuộng, uống nước chanh còn được xem là một liệu pháp bổ sung giúp giải độc, cải thiện thành mạch và hạ huyết áp. Về mặt dưỡng sinh phòng bệnh, một số người chủ trương thực hành tiết thực và giải độc định kỳ bằng cách nhịn ăn một ngày mỗi tuần lễ. Trong ngày nhịn ăn chỉ uống nước chanh pha đường. Uống nước chanh không những giúp việc nhịn ăn được dễ dàng mà còn bổ sung thêm một số sinh tố, khoáng chất cần thiết, lại có thể tăng cường khả năng giải độc cho cơ thể.

Với những tính năng tác dụng nói trên, việc uống nhiều nước chanh để phòng tránh các bệnh mùa hè là một kinh nghiệm có cơ sở đáng tin cậy được. Tuy nhiên, theo ý kiến của chúng tôi, việc uống nước chanh không nhất thiết tiến hành “trong hầu hết bữa cơm”, mà có thể rải rác trong ngày, trước hoặc sau bữa ăn 1-2 giờ. Xin lưu ý “uống nước chanh” chỉ là một liệu pháp bổ sung, việc ít mắc bệnh còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng đầy đủ, tổ chức lối sống lành mạnh, tinh thần vui vẻ thảnh thơi, đặc biệt với trẻ em cần phải tiêm chủng đầy đủ. Cũng cần chú ý thêm: không được lạm dụng uống quá nhiều nước chanh trong thời gian dài vì lượng chất chua nhiều có thể gây tái phát hay tăng nặng bệnh viêm loét dạ dày, hay dùng nhiều đường (pha nước chanh) có thể gây béo phì, bệnh tim mạch…

Lương y PHAN CÔNG TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *