TUỆ TĨNH ĐƯỜNG LỘC QUANG – một thời để nhớ
04/10/2023
Một ngày đầu năm 2010, một sư huynh là lương y Quý Lê, Phó chủ tịch Hội Đông y huyện Hòa Vang, đèo một ni cô rất trẻ trên chiếc xe Cub 79 đến nhà tôi.
Sau khi chào hỏi phân ngôi chủ khách, thầy Quý giới thiệu sư cô Thích Nữ Chúc Hiền là trụ trì Lộc Quang Chùa ở thôn Xuân Phú xã Hòa Sơn, huyện Hòa vang , TP.Đà Nẵng đang có ý định mở một phòng khám nhân đạo để chữa bệnh bằng thuốc nam châm cứu miễn phí cho đồng bào, mong được anh em thầy thuốc chúng tôi hỗ trợ thực hiện.
Tôi đã vui vẻ nhận lời ngay, vì cách đó 5 năm nhóm anh em cũng đã thai nghén ý tưởng mở Tuệ tĩnh đường ở chùa Hòa Nam (xem bài Cây Thuốc Quý và những người bạn) nhưng do nhà chùa còn đang trong quá trình xây dựng cơ sở chưa thành, nên chưa thực hiện được.
Sau buổi gặp gỡ ban đầu đó, sư cô Chúc Hiền đã cho cơi nới gian chái bên trái chánh điện, vốn là nơi tiếp khách của nhà chùa làm phòng châm cứu, đóng giường châm cứu, tủ kệ quầy thuốc.
Nhóm anh em thầy thuốc chúng tôi ban đầu gồm có Quý Lê, Ha Nguyen, Phan Công Tuấn (đều đăng ký mỗi tuần làm 3 buổi); Đặng Thị Ánh Tuyết, Sự Huỳnh, Lâm Quang Thành (đều đăng ký mỗi tuần làm 1 buổi)… đã tích cực tham gia công tác chuẩn bị cùng các đạo hữu nhà chùa.
Đáng lưu ý thân mẫu của sư cô trụ trì là bà lang Phú, chuyên dùng thuốc nam ở thôn Lộc Tây, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, là nhà tài trợ chính cho nguồn dược liệu thuốc nam sử dụng ban đầu.
Sau một tháng chuẩn bị, Tuệ Tĩnh Đường Lộc Quang chính thức khai trương vào ngày 29/3/2010. Tuy nhiên để có cơ sở pháp lý hoạt động lâu dài, Tuệ Tĩnh Đường đã tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức.
Một mặt, chúng tôi mời Hội Đông y huyện Hòa Vang đứng ra phối hợp với chùa Lộc Quang và Đại diện Tạp chí Cây Thuốc Quý thành lập cơ sở Thuốc Nam Châm cứu từ thiện TUỆ TĨNH ĐƯỜNG LỘC QUANG nhằm khám chữa bệnh bằng thuốc Nam, Châm cứu hoàn toàn miễn phí cho người nghèo mỗi tuần 3 buổi (chiều thứ 3, 5, 7) tại chùa Lộc Quang xã Hòa Sơn.
Mặt khác, Lương y Phan Văn Bốn, Chủ tịch Hội Đông y huyện Hòa Vang đã ký gởi công văn cho Sở Y tế và Hội Đông y thành phố Đà Nẵng, tổ chức họp báo cáo Ban thường vụ và lãnh đạo Huyện ủy, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, tất cả đều ủng hộ và hoan nghênh chương trình công tác từ thiện này và nhất trí giao nhiệm vụ cho huyện hội chịu trách nhiệm về công tác khám chữa bệnh tại cơ sở.
Thấm thoắt đã 10 năm trôi qua, Tuệ Tĩnh Đường Lộc Quang đến nay vẫn duy trì hoạt động, mặc dù về sau có lúc thăng lúc trầm, lúc đông đảo lúc thưa thớt, thời gian, nhân sự hoạt động trong tuần cũng có nhiều thay đổi. Thành công này trước hết là nhờ quyết tâm nổ lực rất lớn của sư cô trụ trì cũng như sự nhiệt tình của anh em tình nguyện viên, thầy thuốc hội viên hội Đông y huyện Hòa Vang.
Về phần mình, sau hơn 6 tháng phục vụ mỗi tuần 3 buổi cho Tuệ Tĩnh Đường Lộc Quang, một phần thấy hoạt động tại đây đã đi vào nề nếp ổn định, một phần do bận rộn công việc tiếp tục tổ chức và duy trì hoạt động cho cơ sở Tuệ Tĩnh Đường Chùa Hòa Nam mới khai trương từ 11/8/2010, tôi không còn tham gia khám chữa bệnh thường xuyên tại chùa Lộc Quang nữa.
Chỉ tham gia tích cực 6 tháng thôi, nhưng có thể nói đây là quãng thời gian để lại nhiều mồ hôi nước mắt, nhiều dấu ấn kỷ niệm sâu sắc tôi không thể nào quên. Quên sao được những buổi đi làm, mới 13h30 lo dậy cỡi xe máy chạy suốt quãng đường nhựa gần 20 km hơi nóng bốc khói dưới cái nắng trưa hè. Đến chùa vừa kịp uống ly nước đá sư em Chúc Hải đưa cho đã vội vào phòng châm cứu lợp tôn thấp lè tè nóng hầm hập như lò bánh mì để “nổi lửa lên em” trực tiếp hỏa long cứu hoặc hướng dẫn các tình nguyện viên hỏa long cứu, mồ hôi cứ túa ra như tắm. (Có thể nói chùa Lộc Quang là nơi đầu tiên đã tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật Hỏa long cứu, về sau ngọn lửa hỏa long tiếp tục được truyền bá không chỉ trong các Tuệ Tĩnh đường mà còn chuyển giao cho nhiều nơi như Bệnh viện YHCT Đà Nẵng, Trung tâm xã hội Bầu bàng, một số bệnh viện YHCT tỉnh bạn như Tây Ninh, Sơn La cũng đã cử thầy thuốc đến học tập hoặc mời chúng tôi đến chuyển giao).
Ngoài khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc, có thời gian rãnh chút là tôi xách rựa chạy quanh mấy khe suối, gò đồi quanh chùa để kiếm mớ dây bướm bạc hay nắm lá dũ giẻ, đại bi đem về. Nhớ có lần ôm bó cây thuốc về gần đến cổng chùa, tự dưng bỗng trào nước mắt vì một ý nghĩ chợt thoáng qua: có một ngày ra đi từ giã cõi đời, tôi sẽ để lại di nguyện không nhận phúng điếu, thay vào đó mong mỗi người quen hãy góp cho bó cây thuốc hái được trên đường, biết đâu có thể giúp nhà chùa có đủ thuốc dùng một vài tháng…
Nhưng nhớ nhất có lẽ là những tô bún riêu nóng hổi hay đĩa bánh xèo nghi ngút khói bên cạnh rổ rau tía tô, kinh giới, húng quế xanh tươi mới hái ở vườn chùa được sư chị Chúc Hiền, sư em Chúc Hải dọn sẵn cuối buổi làm việc trong những chiều mưa…
Mặc dù có thâm niên viết báo Đông y, làm tạp chí cho Hội Dược liệu từ 10-15 năm trước đó, nhưng có thể nói chính nhờ Tuệ Tĩnh Đường Lộc Quang đã bắt một nhịp cầu cho tôi thật sự dấn thân hòa mình vào thế giới cây thuốc. Nhiều cây thuốc như Thuốc thượng, Muồng truổng, Bướm bạc,… được tôi biết đến, tìm hiểu và sử dụng từ nơi đây. Từ các nhãn thuốc giúp nhớ công năng tác dụng, phân loại nhóm thuốc, đến các phác đồ điều trị theo Toa căn bản, các nghiệm phương bài thuốc, cây thuốc biên soạn đúc kết, sau này được thâm canh viết lại thành vài ba trăm bài báo cho chuyên mục Phương hay thuốc quý của báo Đà Nẵng cuối tuần (2012-2018).
Một kỷ niệm sâu sắc khi viết về cây thuốc trị phong thấp nhức mỏi mà bà lang Phú là thân mẫu sư cô Chúc Hiền cung cấp và gọi tên là Buồn chún hay Muồng tún. Sau khi cùng vài đồng nghiệp tìm đến nhà bà lang ở thôn Lộc Tây, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam (cách Đà Nẵng khoảng 70 km), tận mắt thấy một cây cao khoảng 10m đang kỳ ra hoa, tôi mới xác định được chính xác đây là cây Muồng truổng đã được GS.Đỗ Tất Lợi, TS.Võ Văn Chi, và nhiều tác giả ở Viện Dược Liệu đã mô tả và giới thiệu trong các sách thuốc Việt Nam. Có điều đáng nói là từ tra cứu tài liệu và quan sát thực địa thấy hoa cây này có màu trắng nhạt, nên trong bài viết tôi có nêu thắc mắc rằng trong “Từ điển cây thuốc Việt Nam (bản cũ, in năm 1999) có minh họa ảnh cây Muồng truổng có hoa màu đỏ, khiến chúng tôi rất bối rối, nhưng qua tra cứu tôi cho rằng có lẽ đã có sự nhầm lẫn trong khâu in ấn, mong TS. Võ Văn Chi xác định lại giúp!”.
Không ngờ sau khi tạp chí Cây Thuốc Quý số 168 có đăng bài Muồng truổng phát hành được vài hôm, một buổi tối tôi nhận được điện thoại của thầy Võ Văn Chi cho biết điều tôi nghi ngờ nhầm lẫn là đúng, do thầy dùng ảnh học trò cung cấp mà chưa kiểm tra kỹ. Thầy nói có theo dõi đều đặn các bài viết của tôi, sẽ dùng ảnh Muồng truổng của tôi để sử dụng cho bộ sách Từ điển cây thuốc Việt Nam tái bản trong năm tới. Thầy ân cần mời tôi có dịp vào Sài gòn đến thăm nhà thầy.
Thật khó có thể mô tả được niềm xúc động của một gã thầy lang chân quê là tôi, trước tấm chân tình của một nhà khoa học lớn, một nhân cách lớn. Từ cuộc điện đàm này, đã mở ra một chân trời mới cho tôi tiếp tục đi sâu vào thế giới cây thuốc. Mỗi khi có dịp vào Sài Gòn là tôi đến ở hẳn nhà thầy để được hướng dẫn, chỉ dạy kinh nghiệm điều tra, nghiên cứu ứng dụng cây thuốc. Mỗi khi gặp một cây thuốc lạ tôi thường gởi mẫu chuyển phát nhanh cho thầy, thường là một vài ngày sau thầy gọi điện thoại cho biết đó là cây gì, tra cứu thêm ở sách nào, trang nào. Không chỉ giúp tôi định danh hàng chục, thậm chí hàng trăm loài cây thuốc sử dụng cho các Tuệ Tĩnh Đường trong mười năm qua, Thầy còn là người khích lệ, cố vấn và trực tiếp chỉnh sửa, hiệu đính tên khoa học giúp tôi và các đồng nghiệp trong quá trình thực hiện đề tài điều tra cây thuốc, lập Danh lục cây thuốc thành phố Đà Nẵng cũng như biên soạn, xuất bản sách CÂY THUỐC ĐÀ NẴNG.
Người ta thường nói không nên giả thiết về lịch sử, nhưng có đôi lúc tôi vẫn tần ngần nghĩ ngợi, nếu không có buổi gặp gỡ ban đầu ấy, liệu mình có học hỏi được những kiến thức cơ bản, những bước đi vững chãi trong nghề thuốc, và làm được đôi điều hữu ích cho đời hay không ?
Nhớ ngày nào lên chùa, tôi thường nửa đùa nửa thật với sư cô trụ trì rằng Tuệ Tĩnh Đường Lộc Quang là mối tình đầu của tôi, và chắc chắn chưa phải là mối tình cuối. Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan. Bốn năm cơ sở lập ra giờ đã vài nơi đóng cửa. Mới đó mà đã mười năm, thời gian tuy chưa đủ động biến thương hải tang điền, nhưng cũng đem lại biết bao tân trần đại tạ. Chiếc Cub 79 ngày nào đã thay bằng xế hộp. Vị ni cô trẻ trung ngày nào giờ đây nghe nói đang định viết di chúc đem tài vật phúng điếu trả nợ xây chùa. Và “kẻ bộ hành phiêu lãng đường trần gian xuôi ngược để vui chơi” mới hăng hái hôm nao giờ đã bắt đầu thấm mệt, để sương gió gội trắng cả mái đầu, ngày hôm nay đang ngồi gõ những dòng chữ ăn mày dĩ vãng, nhấm nháp kỷ niệm một thời.
“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ đã ai quên…”
Ngày trăng tròn, tháng Tư nhuận, năm Canh Tý 2020.
PHAN LANG
Bài viết mới nhất
Chuyện Lão Lười: Hai lần chạm trán thầy Tàu
21/11/2024
khóc cười nghe ChatGPT bình thơ
19/11/2024
Thổ nhân sâm và Thổ nhân sâm ba cạnh
17/11/2024
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 9
- Tất cả: 38093