Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Tự Bạch

 

VỀ TÔI

Họ tên : Phan Công Tuấn

Tuổi: Rắn, Ất Tỵ – 1965

Nguyên quán: Phú Sơn, Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng

Trú quán: Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ, Đà Nẵng.

Nghề nghiệp: Lương y

Học nghề từ tháng 6/1992, hành nghề từ  12/1993

Tốt nghiệp: Bổ túc Đông y dược (10/1992), Chuẩn hóa Lương y Quốc gia (12/2002).

Tham gia viết báo dưới nhiều bút danh như Phan Công Tuấn, Phan Lang, Phan Phú Sơn, Lang Vè, Lang Phang Ngang, Tuấn Phan… Từ năm 1995, đã có bài đăng trên tạp chí Y học cổ truyền Việt Nam  (nay là Đông y Việt Nam), Thuốc & Sức khỏe, báo Sức khỏe & Đời sống, bản tin Sức khỏe cho mọi nhà, đặc san Những Cây Thuốc Quý….

Từ 2003-2013, tham gia làm báo/ tạp chí Cây Thuốc Quý (là Đại diện Miền Trung, Phó Tổng biên tập) của TW Hội Dược liệu Việt Nam. Phụ trách chuyên mục Phương hay Thuốc quý báo Đà Nẵng cuối tuần từ 2012-2018.

Tham gia sáng lập và điều hành các phòng khám châm cứu thuốc nam từ thiện Tuệ Tĩnh đường chùa Lộc Quang (Hòa Sơn, 3/2010), Tuệ Tĩnh đường chùa Hòa Nam (Hòa Nhơn, 8/2010), Nhà điều dưỡng Tình thương Suối Hoa (Hòa Phú, 5/2013),…

Đề xuất và tham gia thực hiện 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố về Điều tra cây thuốc, Điều trị cai nghiện ma túy, Xây dựng mô hình trồng cây thuốc tại Đà Nẵng (trong đó là Thư ký 2 đề tài, Chủ nhiệm 1 đề tài).

Đồng tác giả sách Cây thuốc Đà Nẵng, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2020.

Công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng từ  tháng 3/2014.

Hiện là Chủ tịch Hội Dược liệu thành phố Đà Nẵng; Ủy viên Ban Thường vụ Hội Đông y thành phố Đà Nẵng (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đông y Đà Nẵng), ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng.

Đã được UBND thành phố Đà Nẵng và báo Tuổi trẻ vinh danh  trong chương trình “Tôi yêu Đà Nẵng” (2017), Trung ương Hội Đông y Việt Nam tặng danh hiệu “Thầy thuốc Đông y tiêu biểu toàn quốc” (2019), Bộ Y tế tặng Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông (2022).

Trang nhà phancongtuan.com  được  lập ra nhằm tập hợp, lưu giữ các bài viết đã đăng báo của Lương y Phan Công Tuấn trong mấy chục năm qua cũng  như ghi lại những kỷ niệm, tâm đắc trong đời làm thuốc, làm báo, nhằm giao lưu, chia sẻ cùng đồng nghiệp, bạn đọc và góp phần tư vấn sức khỏe, hướng dẫn điều trị bệnh cho thân chủ xa gần.

Đặc biệt, bên cạnh các bài viết của chính chủ, rất mong nhận được sự ủng hộ và quan tâm của quý thân hữu, bạn đọc nhằm sưu tầm bài viết, cung cấp tư liệu, trao đổi, thảo luận về mảng đề tài về dưỡng sinh, văn hóa, lịch sử Đông y địa phương cũng như giới thiệu các bài thuốc kinh nghiệm, các trường phái, danh y cổ kim của Y học phương Đông.

Xin cám ơn mọi người đã quan tâm, chia sẻ.

P.C.T


ĐỀ TỰA WEBSITE

Sinh phần anh cất nơi đây
Lan man y dược, cỏ cây quê nhà
Cám ơn người đã ghé qua

Trăm năm trong cõi gần xa, xa gần…

Kể từ lỡ bước phong vân
Nửa tuồng chữ nghĩa nợ nần trót gieo
Báo đời mưa núi mây đèo

Dấu chân lông ngỗng lần theo cõi tình …

Kể từ lỡ bước mưu sinh
Dặm dài cuộc lữ in hình bóng mây
Sinh phần anh cất nơi đây

Trăm năm trong cõi vần xoay, xoay vần…

Kể từ lỡ bước phong trần
Theo đòi y nghiệp dấn thân ta bà
Một đời học mãi chữ Hòa
Trăm năm trong cõi người – ta, ta – người …

23.10.2023

 


CHUYÊN MỤC “TÔI YÊU ĐÀ NẴNG” BÁO TUỔI TRẺ VIẾT VỀ TÔI:

Người mê mẩn cây thuốc nam

TRƯỜNG TRUNG
19/06/2017 10:20 GMT+7

TTO – Ở tuổi 53, những chuyến đi nhặt nhạnh kiến thức dược liệu của ông vẫn chưa có dấu hiệu mỏi mệt. Bởi trong ông niềm đam mê được tìm danh pháp cho những loài cây dại xung quanh vẫn căng tràn.

Ở tuổi 53, lương y Phan Công Tuấn vẫn mải miết đi tìm danh phận cho những loài cây rừng – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Ông là lương y Phan Công Tuấn, công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Hơn hai chục năm nay, hễ nghe ở đâu có bài thuốc hay, cây thuốc quý ông lại xách balô lên đường.

Tìm “danh pháp” cho loài cây dại

Tay lăn nhẹ con chuột máy tính, lương y Phan Công Tuấn cứ quay đầu qua lại giữa màn hình máy tính và mớ cây rừng đang cầm trên tay. Mớ cây này có lá đang xanh tươi, có lá đã ngả màu vàng úa, có nhánh hoa nở đỏ, dường như chúng được hái ở nhiều thời điểm khác nhau.

“Cây thuốc nam của mình vốn rất hay. Bằng chứng là cây cỏ quanh nhà mười cây thì chí ít cũng có phân nửa hữu ích trong chữa trị. Thế nhưng dường như ở nước ta người ta mới chú tâm tìm kiếm dược liệu vài năm trở lại đây thành ra vị thế của cây thuốc nam vẫn chưa so được với thuốc bắc vốn được nhập về từ Trung Quốc với chất lượng phập phù”.
 Lương y Phan Công Tuấn

Những trang web về thực vật bằng tiếng nước ngoài liên tục mấp máy trên màn hình nhưng không có điểm trùng khớp với loại cây trên tay. Ông lật dở cuốn từ điển dày cộm liên tục nhưng “danh tính” loài cây này vẫn mịt mờ…

“Ba năm trước tui tìm thấy loài cây này ở núi Sơn Trà và Bà Nà. Dân gian nói đây là cây máu gà, lá có thể chữa được thiếu máu, thấp khớp nên tui quyết định đi tìm tên khoa học cho loại cây này để nghiên cứu sâu hơn. Tra đến cả trăm từ điển thực vật học mà vẫn chưa ra, nhưng gần đây tui lại có niềm tin rằng đích đến đang tới gần khi vừa có trong tay bộ sách về hơn 20.000 loài thực vật bậc cao của Trung Quốc mới ấn hành…” – lương y Tuấn bắt đầu câu chuyện đi tìm “danh phận” cho các loại cây rừng của mình như thế.

Với niềm đam mê kỳ lạ với các loại cây dược liệu, nghe ở đâu có kỳ hoa dị thảo hoặc các loại cây được người dân dùng làm thuốc chữa bệnh là ông Tuấn gác công bỏ việc tìm đến. Cứ mày mò tìm kiếm, cóp nhặt như đứa trẻ đi tìm con chữ mà rất nhiều lần ông Tuấn đã tìm ra các loài cây rừng có giá trị dược liệu được ứng dụng trong dân gian.

Lương y Phan Công Tuấn vẫn mải miết đi tìm danh pháp cho những loài cây rừng – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Ông Tuấn kể có lần cách đây nhiều năm, ông lên thăm bạn tại huyện Hòa Vang rồi thấy một cây dại mọc bên giếng nước. Chủ nhà cho biết đây là “vị cứu tinh” chữa bệnh đau dạ dày mỗi khi uống nhiều rượu được mang về trong những năm dạy học ở miền núi Quảng Nam. Loại này chỉ cần rửa sạch và nhai sống vài ba lá tươi với một hạt muối là cắt cơn đau rất hiệu nghiệm.

“Tôi thấy thích thú quá nhưng không thể xác định được đây là loại cây gì. Bí quá nên tôi phải thu thập mẫu cây đó gửi bưu điện cho thầy Võ Văn Chi – tác giả Từ điển Cây thuốc Việt Nam để định danh. Nhưng do cây chưa có hoa nên khó xác định chính xác, thầy chỉ gợi ý ở mục tên họ của loài cây. Trong xác định danh loài thì hoa của cây giống như thẻ căn cước, thành ra có khi mưa gió thế nào đi nữa mà mình nghe người ta báo cây nở hoa là phải có mặt để hái về tra cứu”.

“Nhiều năm tra cứu đủ các tài liệu sau này mới xác định được đây là cây xăngsê. Trên các trang từ điển tiếng Anh, tiếng Trung đều có thông tin cây này trong danh mục cây cảnh nhưng không ứng dụng làm thuốc. Trong khi đó tôi đi thực địa thì tại Đà Nẵng và Quảng Nam người ta dùng loại này làm thuốc và chữa bệnh rất thành công. Như thế mới thấy cây cỏ trong dân gian còn rất nhiều tiềm năng mà mình chưa khai phá hết” – lương y Tuấn nói.

Thầy thuốc “3 không”

“Thiệt tình không có ai đi làm cái công việc kỳ quái như tôi bởi ai đi tìm dược liệu đều biết chỉ có người trong ngành thực vật học mới rành rẽ cách tra cứu bộ, chi, họ, loài để tìm ra chính danh khoa học của cây rừng. Mình “tay ngang” nên chủ yếu là cần cù đọc sách, đi thực địa và học hỏi từ sự trợ giúp của các thầy có chuyên môn trong ngành dược liệu để đi tìm cây thuốc. Đi tìm cây thuốc cũng là quá trình để nâng cao tay nghề khi mình biết rõ ngọn ngành về cây cỏ và các phương thuốc truyền đời từ nhiều thế hệ cha ông” – ông Tuấn bộc bạch.

Lương y Phan Công Tuấn là kiểu thầy thuốc “ba không” – không có truyền thống gia đình, không học chính quy, không theo học thầy. Phan Công Tuấn “rẽ ngang” từ ngành thương mại sang học bổ túc đông y theo người bạn gái thuở ấy (nay là hiền thê của ông).

Ngoài thời gian hành nghề tại nhà, thầy lang chân đất này còn thường xuyên đi đến nhiều vùng miền để học các bài thuốc dân gian. Không được học bài bản chính quy nên từ khi còn trẻ chàng thanh niên Tuấn luôn ý thức được việc tự học.

Dần dà rồi nghề lại dạy nghề, ông Tuấn cũng đã “bỏ túi” những bài thuốc riêng cho mình. Năm 2008, ông Tuấn công bố phương pháp “Hỏa long cứu” trên tạp chí Cây Thuốc Quý và được triển khai chữa bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Đà Nẵng. Đây là phương pháp kết hợp 3 trong 1 gồm cứu ấm kinh lạc, xoa bóp rượu thuốc và bấm nắn tác động cột sống, giúp giảm đau và hồi phục sức khỏe rất tốt.

Đến nay phương pháp dùng hỏa long cứu và thuốc nam giải độc kết hợp với phương pháp điện châm điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy đã được thực hiện trên hàng trăm bệnh nhân tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng hơn hai năm nay.

Ngoài việc kết hợp với phương pháp khác để điều trị cắt cơn nghiện, ông Tuấn cũng hi vọng có thể biến hỏa long cứu thành một sản phẩm du lịch níu chân du khách khi vừa phương pháp giải mỏi mệt vừa kết hợp biểu diễn đẹp mắt.

“Gia sản” sau 20 năm lội núi băng rừng của ông là tập tài liệu định danh gần 1.000 loại cây mang giá trị dược liệu có mặt trên địa bàn Đà Nẵng. Trong đó có 5 loại cây thuốc phân bố tại Đà Nẵng do công tìm kiếm của ông để có tên trong Danh lục cây thuốc VN.

“Những chuyến bỏ phố đi ăn núi ngủ rừng tìm cây thuốc hay cùng ăn cùng ngủ với người cai nghiện thì phải là người có tâm và máu nghề mới làm được. Những chuyện như thế anh Tuấn không nói ra nhưng ở đây ai cũng biết, cũng phục” – BS Nguyễn Văn Ánh, giám đốc Bệnh viện YHCT Đà Nẵng, nói.

Mong muốn giữ gìn cây thuốc Nam

Trong đề tài đánh giá thực trạng cây thuốc tại Đà Nẵng mà lương y Phan Công Tuấn và đồng sự đang thực hiện đã thống kê được 974 loài cây có giá trị dược liệu trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Theo lương y Tuấn, con số này sẽ còn tăng lên bởi hiện nay ông biết có một số loại cây địa phương hay dùng để chữa bệnh nhưng vẫn chưa xác định được danh xưng khoa học nên chưa thể công bố.

LẤY CẢM HỨNG TỪ BÀO BÁO TRÊN ĐÂY, NĂM 2018 HÃNG PHIM TFS (ĐÀI TRUYỀN HÌNH TP.HCM) ĐÃ SẢN XUẤT PHIM TÀI LIỆU “NGƯỜI THẦY THUỐC 3 KHÔNG” VỀ LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN, PHÁT SÓNG NHIỀU LẦN TRÊN HTV9.

 


Lương y Phan Công Tuấn phát biểu chào mừng lễ ra mắt Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tài nguyên Cây thuốc Dân tộc Cổ truyền Khu vực miền Trung và Tây Nguyên (Center for Research & Application of Ethnomedicinal Plants in the Central and Highland of Vietnam – CECV).của Đại học Duy Tân, ngày 24/6/2016.

(https://duytan.edu.vn/news/NewsDetail.aspx?id=3434&pid=2066&lang=vi-VN)

 


CHÙM THƠ TỰ BẠCH

HỘI NGỘ

Ta từ muôn ngả tựu về đây
Thân ái bên nhau bạn với thầy
Nghiên cứu y thư truyền phép diệu
Sưu tầm dược liệu phổ phương hay
Cứu người đâu kể Nam cùng Bắc
Trị bệnh nào phân Đông với Tây
Một mái nhà chung Y Dược học
Cổ truyền – Hiện đại góp công xây
P.C.T

 

TỰ TRÀO

Ba chục năm rồi trót học y
Đường xa đã mỏi gót thiên di
Vọng Văn Vấn Thiết dường quên hẳn
Nội Nạn Bản Thương chẳng nhớ gì
“Thầy thuốc ba không” nghe thiệt thiệt
“Thi đua yêu nước” thấy nghi nghi
“Đông y tiêu biểu” chi chi nữa
Giải thưởng “… Lãn Ông” lại hắt xì !!!

P.C.T

 

 

TỰ HỌA

Nghé mắt ngang đời một góc riêng
Rừng thưa vạt nắng nhuốm hương thiền
Cong cong vành mũ che phàm tục
Giọt giọt mồ hôi thấm lụy phiền
Mắt mở chưa thôi nhìn khinh bạc
Môi còn cố mím ngó đảo điên
Mặt mày bê bết tai cùng tóc
Núi cũ mờ xa vẫn hiện tiền…

P.C.T

CẢM TÁC 21/6

Cũng là vì nước, cũng vì dân
Múa bút bao phen chẳng ngại ngần
Thuốc quý giúp người tăng sức khỏe
Thầy hay cứu bệnh vững tinh thần
Tin bài cặn kẽ nguồn tri thức
Hỏi đáp ân cần cội nghĩa nhân
Ra sức dựng xây ngành dược liệu
Cổ truyền hiện đại hóa thanh tân

P.C.T