Tìm hiểu tư liệu về Tuệ Tĩnh
04/12/2023
GS. Hoàng Bảo Châu
LTS: GS.Hoàng Bảo Châu, nguyên là Viện trưởng Viện YHCTVN, nơi từng tổ chức một số cuộc hội thảo nghiên cứu về Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh vào các ngày 19-9-1984, 17-11-1984 và 23-7-1986, đã gửi cho tạp chí CTQ bài viết tóm tắt một số nội dung thảo luận về truyền thuyết, tác phẩm và niên đại của Tuệ Tĩnh. Xin cám ơn GS và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc CTQ.
Các nhà khoa học trong những năm 80 thế kỷ XX, mất nhiều công sức trong vòng hai năm liền đã đi tìm những tư liệu về Tuệ Tĩnh, nhằm xác định những vấn đề có liên quan đến ông. Tóm tắt như sau:
1, Những di tích về Tuệ Tĩnh.
- a) Tấm bia ở chùa Giám (năm 1717): Tấm bia này nói về vấn đề tạc tượng Phật bà Quan âm ở chùa Nghiêm Quang, do nhà sư Sa môn Chân An Giác Tịnh hiệu Tuệ Tĩnh chủ trì. Chữ Tịnh gồm bộ băng và chữ tranh, nghĩa là thanh tịnh. Thiền sư Tuệ Tĩnh là tác giả cuốn Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư (HNGTYT). Chữ Tĩnh gồm bộ lập và chữ thanh hoặc bộ thanh và chữ tranh, có nghĩa là yên tĩnh.
Các nhà khảo cổ học đã giám định tấm bia này vào năm 1984, thấy tấm bia làm năm 1717 này không có liên quan đến Tuệ Tĩnh tác giả HNGTYT.
- b) Tượng Tuệ Tĩnh: Tượng có phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX, thể hiện một người trần tục hơn là một nhà sư, một vị quan, một danh y.
- Truyền thuyết về Tuệ Tĩnh
Có bốn truyền thuyết về Tụê Tĩnh, trong đó truyền thuyết về Tuệ Tĩnh thiền sư tác giả cuốn HNGTYT, người làng Nghĩa Phú, Tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, Phủ Thượng Hồng tỉnh Hải Dương là gắn với tác giả cuốn HNGTYT (Phủ Thượng Hồng, làng Nghĩa Phú) .
Trong truyền thuyết này có những nội dung gây tranh luận sau:
Tên thật của Tuệ Tĩnh có phải là Nguyễn Bá Tĩnh không?
Nguyễn Bá TĨnh có đậu Thái học sinh, đậu Hoàng giáp năm 1374 không?
Nguyễn Bá TĨnh có đi sứ nhà Minh không?
- a) Về tên:Tuệ Tĩnh có tên là Nguyễn Bá Tĩnh. Nguyễn Bá Tĩnh có pháp hiệu Tuệ Tĩnh, đi tu lấy tên là hiệu Tuệ Tĩnh. Hội thảo nhất trí chỉ dùng Tuệ Tĩnh là tác giả HNGTYT, không gọi Tuệ Tĩnh là Nguyễn Bá Tĩnh vì theo cách gọi của tên hiệu, pháp hiệu thời xưa không được trùng với tên chính.
b)Có đậu Thái Học Sinh Hoàng Giáp không? Có ý kiến cho rằng nếu Tuệ Tĩnh sinh ra ở đời Trần như truyền thuyết thì Tuệ Tĩnh là nhà sư không đủ điều kiện để được đi thi, vì ở đời Trần chỉ có con em quan lại mới được đi thi. Ý kiến này được đánh giá là có cơ sở lịch sử,.
- c) Về đi sứ nhà Minh: Có ý kiến cho rằng không có việc đi sứ với những chứng cứ về các cuộc đi sứ nhà Minh, song chưa thuyết phục, cần tìm tư liệu cụ thể.
- Tác phẩm của Tuệ Tĩnh
Đến nay có hai tác phẩm mang tên Tuệ Tĩnh: Nam dược thần hiệu và Hồng nghĩa giác tư y thư. Các nhà khoa học nhận thấy:
- a) Nam dược thần hiệu mang tên Tuệ Tĩnh song “Mười tập gốc của Quỹ công… gặp lúc loạn lạc, bản khắc cháy mất” (Hoà thượng Bản Lai). Nam dược thần hiệu ngày nay là của Vương Thừa Chí (tựa của Nam dược thần hiệu).
- b) Hồng nghĩa giác tư y thư có những phần của Tuệ Tĩnh, có những phần người đời sau – Thái y viện Hậu Lê thêm vào: Phần của Tuệ Tĩnh là Nam dược Chính bản do Tuệ Tĩnh biên soạn và Lê Đức Toàn dật sĩ ở Hoà Nhai Đông Quan sao chép và chỉnh lý (gồm Nam dược quốc ngữ phú, Trực giải chỉ nam dược tính phú, Chủ dược chủ bệnh, Ngũ tạng lục phủ kinh mạch, Bổ âm đơn).
4. Văn tự trong Nam dược quốc ngữ phú là chữ Nôm thời đại nào?
Có ý kiến là cùng thời với chữ Nôm trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi ở thời Trần và Lê Sơ, có ý kiến là chữ Nôm ở cả thời kỳ Trần, Lê Sơ, Lê Trung, Lê Mạt, Nguyễn, thế kỷ XVII, cần nghiên cứu thêm.
5. Niên đại của Tuệ Tĩnh
Các nhà khoa học sau khi thảo luận thấy
Căn cứ cho Tuệ Tĩnh ở thế kỷ 19 chưa đủ thuyết phục đang bị hoài nghi
Căn cứ cho Tuệ Tĩnh ở thế kỷ 17 cũng chưa đủ cần phải nghiên cứu tiếp. Và trong nghiên cứu tiếp nên vận dụng khoa học lịch sử để tìm căn cứ vì Tuệ Tĩnh sống ở thời đại thành văn, có sử liệu, không nên chỉ dựa vào truyền thuyết.
- Hiện nay dùng niên đại nào? Nên dùng niên đại đã công bố trong lịch sử Việt Nam nếu cần chú thích thêm, có thể như sau:Tuệ Tĩnh Thiền Sư thế kỷ XIV, tác giả Hồng nghĩa giác tư y thư.
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 5
- Tất cả: 38089